11.
GẶP “KINH PHÁP BẢO ĐÀN”
CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Sau hơn một tuần sống ở Phi Lai, một buổi sáng, sau bữa cơm chung
vui vẻ với các cô chú, tôi xin phép thầy Thiện Đạo xuống Tuy Hòa thăm chơi vài
hôm. Tôi muốn đi loanh quanh trong cái thị xã đầy ắp kỷ niêm một thời ấy, để
ghé thăm vài người bạn đồng nghiệp, bạn văn, nhân tiện mua ít sách báo để về
lại Phi Lai có cái đọc cho vui, sau những giờ mải mê kinh sách!
Về Tuy Hòa, tôi thường ghé lại nhà anh chị Trần Huiền Ân, có lần
ăn ngủ ở đó – cũng có khi về “tạm trú” nhà chị Lê Tăng Mính. Nhà chị Mính khá
rộng, đó là một vila có nhiều phòng, giữa khu vườn nhiều cây xanh, rất thoáng
mát. Chị dành cho tôi ở ngay căn phòng mà lúc xưa khi còn dạy học ở Nguyễn Huệ tôi đã ở. Căn phòng có cửa sổ rộng nhìn ra vườn, có giường nằm cá nhân, có bàn
làm việc, có tủ chứa áo quần, rất thuận tiện. Hai nơi này là “địa chỉ thường
trú” của tôi khi “có dịp” vào Tuy Hòa…
Tôi ngồi uống trà cùng Thầy ở chiếc bàn thấp kê sát cửa sổ ở nhà
khách như mọi buổi sáng: “Thưa thầy, hôm nay tôi định đi Tuy Hòa vài
hôm…” Thầy cười: “Ờ, ông nên đi thư giãn một chút, nếu muốn!” Nói xong, Thầy
quay vào phòng riêng, phía sau nhà Tổ – trở ra, Thầy đưa cho tôi tập sách dày,
giấy hẩm: “Này, cầm quyển này về dưới đọc đi!” Cầm tập sách trên tay, tôi
thoáng đọc tựa sách: “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng, do Thiền Sư Thích
Thanh Từ dịch, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành nội bộ, in ronéo. Tôi nhìn Thầy,
cười: “Thầy cho tôi mượn hay sao?” – “Tôi đã đưa cho ông, là của ông rồi!” Thầy
Thiện Đạo trả lời rất gọn. Tôi cảm thấy rất vui vì có thêm tập Kinh mới…
Không thể chờ đợi các chuyến xe lam, bởi từ chợ Hòa Thịnh đến bến
xe lam Tuy Hòa, có thể mất hẳn một buổi, tôi đi bộ ra chợ, đón xe thồ đi ngay.
Tôi đến Tuy hòa khoảng 9 giờ, ghé lại nhà chị Mính. Tôi tìm đến phòng ở dành
cho tôi như ở nhà mình. Chồng kinh sách trước đây tôi đọc, vẫn được xếp nằm
ngay ngắn trên bàn, phòng ốc sạch sẽ. Tôi đẩy mở rộng hai cánh cửa sổ cho nắng
tràn vào.
Ngồi ngay vào bàn, tôi mở vội “Kinh Pháp Bảo Đàn” ra đọc, với sự
nao nức, hưng phấn, như mỗi lần có được tập kinh sách mới. Tôi say sưa đọc, cẩn
trọng từng câu, cảm thấy lời kinh đã có một sức hấp dẫn lạ lùng, nhất là cảm
thấy rất gần gũi, thân thiết. Đọc đến trang 14 – đến đoạn kinh sau đây, tôi
bỗng cảm thấy không còn có ham muốn đọc thêm nũa: “(…) Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm
đuổi mới ở nơi Tứ Hội tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đó
cùng những người thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữ
giềng lưới, khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữa
ăn, hái rau gởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ở
bên thịt.” Một hôm, mới suy nghĩ: “Thời hoằng pháp đã đến, không nên trọn trốn
lánh.” Huệ Năng liền đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang
giảng kinh Niết-bàn. Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió
động, một vị tăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến
tới nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động (….)”
Chỉ một lời nói của Lục tổ Huệ Năng với mấy vị sư đang tranh cãi
về chuyện “phướn động hay gió động”
đã như dòng thác lũ, bất ngờ tuôn chảy vào trong tâm thức tôi: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân
giả động (….)”, tôi lạnh người, nghe âm vang cứ lớn dần, hình ảnh
lá phướn trên cột cờ cao trước sân chùa Pháp Tánh bay trong gió lộng cứ ám ảnh
trong tôi với nỗi bàng hoàng khôn xiết! Tôi ngồi bất động, ngơ ngẩn giây lâu.
Đôi mắt tôi dường như được tiếp nhận một thứ ánh sáng mới, nhìn ở đâu tôi cũng
thấy mới lạ. Tôi quay nhìn ra vườn thấy tàng cây màu xanh im sững một nỗi lặng
thầm ngàn năm, nhìn lên chồng kinh sách đang nằm yên lặng trên mặt bàn, như trơ
cứng, lạnh lùng, không còn quyến rũ, réo gọi tôi như trước đây nữa. Bất giác,
tôi tự nghĩ, sao mình lại có thể giữ lại những quyển sách này đến bây giờ? Tôi
ngồi im lặng đắm chìm trong giây phút bị xáo trộn chóng vánh ấy, với quyển kinh
đang mở rộng trước mắt. Tôi định gấp quyển kinh lại, nhớ là “trang 14”, không
đọc tiếp nữa…
Ngay phút ấy, tiếng chị Mính từ phòng nhà sau vọng vào: “Anh
Long ơi! Thầy Thiện Đạo gọi…” Tôi
ra khỏi phòng, đến nhận ống nghe từ tay chị Mính: “Chào
thầy…” – “Ờ,
đã đọc quyển “Kinh Pháp Bảo Đàn” chưa?” – “Thưa thầy, đã đọc, nhưng đến đoạn
kinh này, tôi quyết định không đọc nữa!” – “Đoạn nào vậy?” Tôi đọc thuộc lòng: “… Không
phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động (….)” Sau tiếng cười, Thầy khuyên: “Cứ
đọc tiếp đi nhé!” Tôi do dự: “Thưa Thầy, tôi sẽ đọc tiếp, nhưng
không phải lúc này! Cám ơn Thầy rất nhiều…”
Tôi trở về phòng, nằm yên, không muốn làm gì, để tận hưởng giây
phút hiếm hoi quý báu khi nhận được nguồn pháp hỷ vô bờ từ “Kinh Pháp Bảo Đàn”.
Tôi lại nhìn ra bầu trời, lá cây bên ngoài cửa sổ, vẫn cảm thấy chúng là sự
hiện hữu lạ lẫm, nhiệm mầu. Tôi có suy nghĩ: “Dù Pháp Bảo Đàn Kinh, đúng quy
định, được xếp là “Luận”, nhưng, chính đó là một quyển “Kinh” rất mầu nhiệm, vì
đã làm cho những cái tâm vô minh, được bước dần vào Đạo!” Tôi nghĩ tiếp: “Bất
kỳ lời nói nào có năng lực làm cho chúng sanh điên đảo, u tối được tĩnh tâm, an
lạc và đạt đến ‘bất thối chuyển’, đều là Kinh!” Tôi vội lấy hai tờ giấy manh
khổ nhỏ luôn có sẵn trên bàn, ghi lại vài “cảm nhận” về giây phút bất chợt rất
linh diệu vừa qua (như ghi lại một kỷ niệm, một trang nhật ký) tuy vẫn biết
rằng “văn tự” rất giới hạn và khô cứng đối với xúc cảm và sự nhiệm mầu của chân
tâm!
Viết xong phần cuối của tập Hồi ký (đã chia sẻ trên newvietart.com và hoadongphuong) hơn nửa năm sau, đang đọc lại và biên tập lần cuối Hồi ký
đã viết – tình cờ lục trong mấy thùng sách cũ để tìm lại bản thảo các truyện,
tôi đã bắt gặp tập “Kinh Pháp Bảo Đàn” ngày nào nằm yên lặng, còn nguyên vẹn ở
đó (mà tôi cứ nghĩ quyển sách đã thất lạc đâu đó trên bước đường lận đận bao
năm). Là một duyên may – trong quyển Kinh cũ nầy có bốn trang tôi viết tay trên
hai tờ giấy manh khổ nhỏ, với đề tựa bằng bút lông hai màu xanh đỏ: “Buổi Sáng
Nhân Đọc Kinh Pháp Bảo Đàn Của Lục Tổ Huệ Năng” được xếp bỏ vào giữa quyển
Kinh. Xin ghi lại nguyên văn nội dung – như lưu giữ một kỷ niệm:
“Quyển “Kinh Pháp Bảo Đàn” giảng giải của Lục Tổ Huệ Năng, do Ngài
thuyết nói, đệ tử sau này ghi lại, được Thiền viện Thường Chiếu in ronéo, để
“phổ biến nội bộ”, không thấy ghi ngày tháng năm ấn hành.
Trong lời “lược khảo”, người dịch bảo đúng lý xưa nay lời của
Phật mới được gọi là Kinh, lời của Chư Bồ Tát, Chư Tổ thì gọi là Luận, còn lời
của Thiền sư thì gọi là Ngữ Lục.
Tuy vậy, theo di chúc của Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Sau khi ta
tịch, các ngươi muốn làm lợi ích cho đời sau, thì nên ghi lại những lời ta dạy,
thành một quyển sách, đề tên là “PHÁP BẢO ĐÀN KINH”. Vì thế Ngài Pháp Hải, một
vi Thiền sư đệ tử của Lục tổ, trụ trì chùa Bảo Lâm, đã ghi lại như thế.” Lời “lược khảo” kết luận:
“(…) nên y theo lời dạy của Lục tổ, quyển sách nầy đề tên như thế; chứ đúng ra,
quyển sách nầy được xem là một quyển “Ngữ Lục’ mà thôi!” (trang 1).
Nay ta được căn lành nhiều kiếp, được đủ duyên đọc “Pháp Bảo Đàn
Kinh” của Lục tổ do Thượng Tọa ân sư trao cho, chỉ kịp đọc đến dòng thứ 3 và 4
trang 14, đã được hiểu rõ, ta chợt bừng thấy được bản tánh chơn tâm, thầm khế
hội vô ngôn ý của Lục tổ, qua lời đáp: “Không phải gió động, không phải phướn
động, tâm nhơn giả động”. Vậy mà đã gần suốt 15 năm ta đã khổ đau, phiền não,
không ngày giờ nào được yên ổn thân tâm, có lúc đã nghĩ tới sự tự hủy thân
mình…
Trong gần 15 năm tối tăm đó, ta đã vào chùa xin Quy y Tam bảo (cho
ta và cả bốn đứa con), đã ăn chay nằm đất tại nhiều ngôi chùa. Ta đã vào đảnh
lễ Phật, niệm Kinh, cầu nguyện, sám hối tại 10 ngôi chùa trong nước – nơi ta đã
có dịp dừng chân trên bước đường lưu lạc – mà chưa thấy thực an lòng!
Ta đã được các thiện tri thức cho đọc kinh sách Phật, được trì đọc
và biên chép cả Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, luận Tối Thượng Thừa của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn;
mà vẫn chưa thấy được mối nhân duyên trùng điệp từ bao kiếp của đời ta, chưa có
niềm an lạc hoàn toàn!
Sáng nay, lúc 10 giờ 20 phút ngày 15 tháng 3 năm Ất Hơi (14 tháng
4 năm 1995) khi từ chùa Phi Lai trở về phòng trọ, đang có sẵn tập “Kinh Pháp
Bảo Đàn” trong tay, ta mong ước được đọc hết quyển sách quý, vì lòng ta đã tha
thiết, ngưỡng vọng với Phật pháp từ rất lâu rồi!
Chỉ trong vài phút đọc, trang 14 đến dòng thứ 3-4, nghe Lục tổ
tình cờ nói với chư vị sư chùa Pháp Tánh: “Không phải gió động, không phải
phướn động, tâm nhơn giả động” – ta chợt hiểu suốt đời ta, Tâm ta, liền thấy
hoàn toàn thanh tịnh, an lạc… cho dù, thân ta đang còn trôi nổi trong dòng nhân
duyên hiện kiếp!
Ta tự biết chính Tâm ta là núi trân bảo!
Ta tự coi mình như vừa mới được sinh ra, kể từ thời gian 10 giờ 20
phút, ngày Rằm tháng Ba - Ất Hợi.(14.4.95), với đầy đủ chơn Tâm, Phật tánh từ
vô thủy vô chung nào, chưa hề mất!
Ta đã buông sách xuống, thật trong lòng không muốn đọc thêm một
dòng nào nữa. Ta thực không còn nghĩ, nhớ, tưởng tới chồng Kinh sách đang nằm
chờ sẵn trên bàn, như trước đây mươi phút nữa. Tất cả Kinh sách ấy bây giờ đối
với ta là KHÔNG. Pháp tức KHÔNG!
Ta cũng chợt nhận ra rằng, tại sao Lục tổ trước khi tịch, đã di
chúc, phải ghi tên tựa quyển sách là “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Tại sao gọi là KINH?
Có gì đâu phải chia ra “Luận”, chia ra “Ngữ lục”, chia ra “Kinh”! Chia ra như
thế, là đã làm trái ý Phật. Không hiểu Phật pháp. Làm sai lời Phật dạy rồi! Ngài đã buồn lòng biết bao!
Phàm lời của bất cứ người nào nói ra, làm cho một người (hay nhiều
người) được thấy rõ ngọn nguồn của Tâm mình, bản tánh của mình, mà được an vui
– tuy là một cử chỉ, một sự im lặng, chỉ đủ cho một chúng sanh thôi, giác ngộ
Tâm Phật của chính mình, và tri kiến gỉải thoát giữa dòng sinh tử; thảy đều
được gọi là Kinh cả, được gọi là Phật cả! Chúng sanh là Phật sẽ thành…
Lục tổ Huệ Năng đã để lại lời dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn cho ta
(và bao người) được cơ duyên giác ngộ – ta gọi đó là Kinh, là lời Phật… Ngài đã biết trước được điều nầy chăng? Cúi xin đảnh lễ!
Tuy Hòa, Rằm tháng Ba Ất Hợi”
Từ đó, tôi rất vui, khi tự đặt cho mình một “đạo hiệu” là Huệ
Thành (pháp danh được bổn sư đặt cho khi quy y là Sơn Thành), ngay buổi sáng
hôm ấy!
Về sau, nhớ tới giấc mơ năm xưa đã được bổn sư ở chùa Ngọc Lộ giải
thích, cho là “Con sẽ nhận
được một quyển sách quý” –
tôi tin, quyển sách quý mà tôi luôn mong chờ từ bao năm nay, chính là “Kinh
Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng đã
đến với tôi hơn chục năm sau
Tôi rất biết ơn thầy Thiện Đạo – vị “Ân Sư” của tôi, người thầy đã
trao “Kinh Pháp Bảo Đàn” buổi sớm nào ở Phi Lai với lời nói “Tôi đã đưa cho
ông, là của ông rồi!”, tri ân nhiều bậc thiện trí thức mà tôi đã có
“duyên lành” gặp gỡ trong gần bốn chục năm qua trên bước đường lưu lạc đó đây,
và ngay cả trong quãng đời còn lại, đang trôi nổi hôm nay…
(Còn tiếp)
MANG VIÊN LONG