Saturday, December 13, 2014

1317. NGUYỄN LƯƠNG VỴ Thanh Tâm Tuyền - âm vang khác






NGUYỄN LƯƠNG VỴ
Thanh Tâm Tuyền - âm vang khác



THANH TÂM TUYỀN
dinhcuong



Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (15.03.1936 – 22.03.2006), một trong những thành viên sáng lập trụ cột của Tạp Chí Sáng Tạo (1956 – 1960), một trong những thi tài tầm cỡ nhất của thi ca miền Nam (1954 – 1975), với 2 thi tập tiêu biểu: Tôi Không Còn Cô Độc (NXB Người Việt, 1956), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (NXB Sáng Tạo, 1964). Là người tiên phong của phong trào Thơ Tự Do, một phong cách thơ phóng khoáng, cách tân, hiện đại và đầy tính sáng tạo.“Tôi đi tìm tiếng nói / Cho cổ họng của tôi,” Thanh Tâm Tuyền đã tạo được ảnh hưởng và nguồn cảm hứng thơ khá lớn đối với giới cầm bút trẻ lúc bấy giờ và kể cả sau nầy.

Điều đáng kể trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tính đột phá về ngôn ngữ thơ và cấu trúc thơ rất mới, rất lạ. Ngôn ngữ thơ luôn biến ảo, phơi mở, giàu hình ảnh, đẹp một cách tự nhiên. Cấu trúc thơ luôn ở trạng thái động, phân ly, gấp gãy, gập ghềnh. Đó cũng chính là sức quyến rũ, lực hấp dẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền: Niềm khát khao cách tân, sáng tạo với nỗ lực khai phá quyết liệt, thường trực, bền bỉ.

Bài viết nầy, không có tham vọng đọc, nghe và cảm nhận một cách toàn diện về cõi thơ Thanh Tâm Tuyền, mà chỉ giới thiệu một“Âm Vang Khác” của thi sĩ: Bài thơ “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” (đã được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, tại Sài Gòn, số ra ngày 27 tháng 11 năm 1972). Bài thơ  gồm 6 biến khúc, 160 câu (“6 biến khúc quanh một đề thơ cổ.” Thi sĩ ghi ngay dưới tựa đề bài thơ).

Trước khi giới thiệu nội dung bài thơ, xin trích một đoạn trong bức thư ngày 30 tháng 9 năm 1972, thi sĩ viết gửi cho “Mon ile”(1) có đoạn:

"...Đã hết tháng chín. Thêm bài "Ngôi nhà đỏ" nữa. Thế có lãng mạn quá không? Bài thơ thứ ba, thứ tư, nếu kể cả bài Đảo. Hình như còn nữa. Giống như họa sĩ đứng trước ngôi nhà vẽ vài chục bức, với màu sắc ánh sáng bố cục thay đổi. Giống như nhạc sĩ có một cái "thème" và nhiều "variations". Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài "ngôi nhà đỏ trăng hồng..." và anh chỉ việc thêm vào chữ chót rồi theo rõi cả ngày, cả tuần những lúc quạnh hiu. Đã có trăng hồng hạ, trăng hồng lạ, trăng hồng lả... Còn những trăng hồng gì nữa anh sẽ thấy. Có thể anh viết hết cả xấp giấy này cho những bài trăng hồng chưa chừng..."

“Mấy bài thơ về ngôi nhà này chừng đăng anh sẽ đề là "Biến điệu quanh một bài thơ cổ" Anh nhớ bài thơ của Thôi Hộ (2):

Tích niên kim nhật thử môn trung
Phấn diện đào hoa tương ánh hồng
Phấn diện kim niên hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”(3)


Đọc tiếp