Thursday, November 20, 2014

1234. Thơ NGUYỄN LƯƠNG VỴ Tiếng chim kêu trăng xanh




Blue moon – Source: krmg.com




Nhớ thi sỹ Vũ Hữu Định.



Vẫn còn vang tiếng chim kêu trăng xanh phố núi tiếng lá non rít gió chạy về phía sương mù chiều rớt chậm vệt nắng cuối ngày ráng đỏ bầm mây bầm mái phố bầm âm bụi đỏ có bạn có ta nhớ câu thơ biên tái nhớ bầy sao rụng đáy hồ trầm đáy mắt cuối thu chẳng còn chuyến xe nào ngược chiều về xuôi chẳng còn tiếng nói nào chao nghiêng theo bóng cây bên đường vắng.

Vẫn còn giọng cười khô nhắn trăng xanh phố núi tiếng mùa rớt hạt về xuôi trời tháng mười chớp mắt ngọn đèn đường vừa thắp lên long lanh mây long lanh mái phố xanh âm rêu xanh âm cỏ dại bên đường có bạn có ta phin cà phê giọt giọt câu thơ in trên dấu chân đi lên đi xuống ngả ba khoác lên vai rung nhẹ vách đêm chẳng còn chiếc lá khô nào thức nữa giữa đời mù.

Vẫn còn trong chiêm bao vũ hữu định ơi trời vẫn rất quen thân đất vẫn rất gần trong hơi thở phố núi tiếng chim kêu trăng xanh còn vang trong ngực còn đầy trong mắt chữ long lanh đời vắng bạn ba mươi ba năm rồi phin cà phê giọt giọt bên kia trời pleiku chiều tắt nắng câu thơ biên tái tiếng lá non rít gió trong trái tim ta vẫn còn tiếng cười dòn tan vang bên đường vắng.

Vẫn còn trong không gian tháng năm neo vết sẹo giữa trời khuya ta nhìn lên nghe câu hát phố núi cao trời thấp thật buồn may mà có em đời còn dễ thương sương thấm trên vai ngấm trong hồn viễn xứ dấu chân có bạn có ta những bóng ma thiên cổ mịt mùng những niềm đau bụi đỏ tiếng chim kêu trăng xanh câu hát bay theo tháng năm ta vẫn còn thức trắng giữa đời mù.


Nguyễn Lương Vỵ
11.2014


Ghi chú: Thi sỹ Vũ Hữu Định (1942 – 1981) tên thật là Lê Quang Trung, gốc Thừa Thiên – Huế, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Bút danh Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” của ông được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc vào năm 1970. Ông mất ngày 03.04.1981, hưởng dương 40 tuổi. Vũ Hữu Định là một thi sỹ nổi tiếng lang bạt kỳ hồ, nhiều bất hạnh, nhưng rất hào sảng, nhân hậu, được bằng hữu giang hồ văn nghệ quí mến.