Friday, November 7, 2014

1199. MANG VIÊN LONG Hồi ký: NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (1)

                             

                              





1.

TUỔI THƠ LẶNG LẼ




Mẹ tôi mất vào lúc hai giờ sáng ngày 27 tháng 10 âm lịch năm 1952 vào đêm mưa dầm, cơn lụt đang chảy tràn qua các ngả đường phố chợ thị trấn. Đang nằm ngủ trong bồ lúa với chị, nghe tiếng gọi giật thảng thốt của bà Tám- người giúp việc, hai chị em tôi đã mở choàng mắt ngơ ngác trong bóng tối đen kịt, lạnh buốt – cả hai lật đật leo ra khỏi miệng chiếc bồ lúa cao. Anh Nguyên – người anh cả của tôi, đã thắp sáng chiếc đèn chai dầu dừa cầm nơi tay, mở toang hai cánh cửa,  tay khoác vội tấm áo tơi lá, chuẩn bị chạy theo bà Tám xuống căn nhà thuê tạm dưới phố dọc quốc lộ làm nơi ở cho mẹ tôi nằm riêng, từ hơn một năm qua để tránh nguồn bệnh.
         
Dù không biết rõ chuyện gì đang xảy ra cho mẹ, Thục - chị tôi, cũng khóc thét lên. Tôi khóc theo chị. Chị Thục đòi theo, nhưng anh Nguyên dỗ dành, không cho đi theo: “Má chết rồi, mày ở nhà ngủ với em!” Anh tôi nói xong là vù chạy ra ngõ.  Mưa ào ào. Gió như bão. Chị Thục nắm tay tôi, kéo chạy theo, khóc ấm ức. Tôi không còn khóc nữa, nhưng cảm thấy sợ hãi vì trời tối mịt, mưa dữ, và gió thổi thốc rầm rập từng cơn. Trên nền trời tối đen mênh mông, thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên, rồi rền vang tiếng sấm kéo dài như muốn xé tung bầu trời dày đặc nước mưa…
         
Ra đến con đường dẫn xuống phố thì mực nước đã lên cao trên đầu gối. Nước chảy xiết. Nơi con mương nhỏ dẫn ra sông, nước xoáy ầm ầm, hung tợn. Chị Thục cầm chặt tay tôi, dò dẫm từng bước. Nước sâu dần. Có đoạn lên đến bắp vế. Hai chị em tôi nhiều lần suýt bị nước xô ngã vì trợt chân lên các mô đá. Cả hai ướt rũ, nhưng chẳng thấy lạnh.
         
Khi chị Thục và tôi đến được căn nhà của mẹ thì đã có vài người trong xóm đang thắp hai ngọn đuốc bằng rẻo vỏ ruột xe cao su làm dép còn thừa xin được ở các tiệm làm dép trước hiên nhà. Anh Nguyên đang ở trong phòng với mẹ. Chị Thục và tôi kéo nhau ào vào cánh cửa còn khép hờ, nhưng đã bị vài người ngăn lại. Tiếng ông Bá - người chồng sau của mẹ tôi, cằn nhằn: “Mẹ mày đã chết rồi, vào làm gì cho lây bệnh! Không nên…”

Anh Nguyên cũng vừa đẩy cửa bước ra - nói như ra lệnh với chị Thục: “Mày dẫn thằng Long sang nhà bà Sáu, hai đứa ngủ nhờ ở đó đi!”
         
Vừa lạnh và mệt – hai chị em tôi không còn biết làm gì, đã dắt nhau sang nhà bên cạnh, rồi ôm nhau ngủ vủi trên chiếc phản không chiếu chăn. Sáng sớm, khi hai chị em tôi thức dậy chạy ra hiên nhà , mọi người đã tản mát đâu hết. Căn nhà của mẹ đã sống cũng đóng cửa im ỉm. Nước của con sông bên chiếc cầu nhỏ gần nhà chảy ầm ầm. Trời đã tạnh mưa. Nhưng hơi nước tràn đầy. Ánh sáng vàng vọt. Con phố dọc quốc lộ im vằng, trơ vơ, và lạnh lẽo. Cái lạnh giá trống không, hiu hắt, như chưa hề xảy ra chuyện gì khác thường; chị Thục vẫn giữ chặt bàn tay tôi, nhưng không biết dẫn tôi đi đâu…
       
Đêm kinh hoàng trong đời chị em tôi như chưa hề xảy ra. Không còn dấu vết của tang thương, thay đổi nào hiện lên trong đôi mắt thơ ngây tìm kiếm. Thằng Tỷ - con ông Di Sanh, nhà ở bên kia đường nhìn thấy chị em tôi đứng co ro ở hiên, vội chạy sang – giọng tự hào: “Tao đã theo quan tải của mẹ mày đến nơi chôn trên khu gò Quảng Nghiệp. Nước còn ngập trong huyệt…”
           
Nghe nó nói - hai chị em tôi ngơ ngẩn, và cảm thấy hối tiếc vì đã ngủ say. Sao mình lại không được đưa mẹ ra đi như vậy nhỉ? Tôi bỗng cầm bàn tay thằng Tỷ: “Bây giờ mày dắt tao đi thăm mẹ tao được không?” - “Được, nhưng để hôm nào trời nắng ráo đã… Bây giờ đi nữa, Tía tao biết được chắc không tha…”
         
Tôi chỉ sống bên cạnh mẹ, được bà chăm sóc, nuông chìu từ năm lên một, đến năm lên sáu. Sau đó, bà phải nằm liệt giường vì căn bệnh ho ra máu và nỗi buồn phiền, cô độc, vì biết đã bị lường gạt tinh và tiền bởi người chồng sau ở cùng dãy phố. Gã đã mò sang nhỏ to tán tỉnh, quyến dụ, trong lúc anh tôi lại đi học xa ở Hòa Bình, còn chị em tôi còn quá nhỏ! Trong cô độc và phiền muộn, lại là người đàn bà “nhẹ dạ” dễ tin, bà đã âm thầm đến với người đàn ông lẻo mép đã có vợ hai con này và có một đứa con với gã. Trước gã, khi ba tôi mất được ba năm, cô tôi đã làm mối cho mẹ tôi với một người bác sĩ đang làm việc tại nhà thương Song Thanh, vợ mất - rất yêu quý mẹ tôi, nhưng bà không nghe.
           
Cha tôi chết vào năm 33 tuổi (1944) khi tôi chỉ là một bào thai trong bụng mẹ 6 tháng, để lại một sàn nghiệp lớn: một cửa hàng đại lý thuốc cao đơn hoàn tán các nhà thuốc danh tiếng, một cửa hàng vải, và một gian hàng đại lý rượu Sica, với căn nhà lầu một mê duy nhất trong thị trấn vừa mới xây dựng xong, và dãy phố liền bốn gian ngay trước chợ Bình Định. Tài sản lớn của ba tôi và sắc đẹp của mẹ tôi đã giết chết ông trong một “chén thuốc uống lầm” của gã lang vườn bị mua chuộc, và sau nầy, đã giết chết mẹ tôi bời gã bất lương ở cạnh khi tuổi chưa được bốn mươi!
         
Khoảng năm 1950-1952 cuộc chiến tranh với Pháp đang đến lúc dữ dội hơn. Hằng ngày vẫn nghe tiếng máy bay đi oanh tạc, vang dội tiếng bom nổ, đạn réo, người chết. Hằng đêm vẫn nghe rõ tiếng đại bác ì ầm đây đó được bắn lên từ cửa biển Qui Nhơn. Nhà nào cũng có đào sẵn hầm trú ẩn tập thể cho gia đình, hay nhiều hầm cá nhân quanh nhà, trong khu vườn, hay ngoài lộ. Nhà tôi cũng có một căn hầm rất kiên cố ngay sau nhà, bên gốc cây trứng cá, có thể chứa thêm bà con láng giềng sang ẩn núp nếu có tiếng bom nổ của máy bay đang oạnh tạc ngay trong thị trấn.
         
Hằng ngày mẹ tôi quảy gánh hàng xén xuống ngã tư phố, bày bán các món lặt vặt, như chai dầu khuynh diệp, kim chỉ nút áo, xà phòng giặt, giấy quyến thuốc, bút mực giấy manh hẩm, cân xách tay, thuốc cao đơn hoàn tán trị ban nóng sốt;  tóm lại, gian hàng xén của mẹ là những món góp nhặt từ trước còn sót lại, hay vật dụng gia đình được sản xuất ngay trong thị trấn. Các gian hàng lúc ba tôi để lại, đã được tính thuế, đủ giao nộp cho chính quyền, và người dượng đã lén lút khiêng về gia đình ông ta ở gần nhà tôi mấy căn phố, khi anh em ông ta là những người hăng hái nhất đến đập phá căn nhà lầu của ba tôi, vì “lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, không thể để cho Pháp đến chiếm làm nơi trú ẩn chống lại quân ta!” Thời điểm ấy, cũng có vài căn nhà gọi là kiên cố trong thị trấn, cũng bị ông ta dẫn toán người lạ đến đập phá…
           
Trong cảnh đói khổ và hiểm nguy vì bom đạn, sinh hoạt hằng ngày của bà con là lo “tăng gia sản xuất” cho có hạt lúa, củ khoai, trái bí, vồng rau mà cải thiện trong bữa ăn thiếu hụt, mì độn nhiều hơn gạo, rau rác nhiều hơn cá mắm. Chúng tôi phải ra đồng bắt cua, hái rau má, rau dền cho bữa ăn hàng ngày luôn luôn thiếu cơm. Tôi thường trèo lên cây trứng cá ở trước sân nhà để tìm những trái chín ăn cho đỡ đói, hay cầm sào đi dọc các dãy nhà dưới phố, khoèo từng trái tra chín. Buổi chiều, chị Thục thường rủ tôi lên cổng thành Đông, leo lên đỉnh thành, tìm hái chim chim vú dẻ, trái ổ tàu chín, hay lấy trứng chim về hấp cơm. Tôi rất thèm ăn, nhất là món ăn ngọt, nhưng chưa bao giờ anh Nguyên cho chúng tôi ăn cả! Tôi phải lén đi lượm mót đọt mía, trốn đâu đó mà ăn. Nhưng vì “có tiếng” từ trước, gia đình tôi bị xếp vào thành phần “tiểu tư sản”, suýt nữa là bị xếp vào “tư sản”. Những gia đình được liệt vào danh sách “địa chủ, phú nông” thì không đêm nào là không được mời đi học tập về chính sách “Cải cách ruộng đất”…
           
Một buổi tối có trăng, chị em tôi đang nằm chơi ở bãi cỏ trước nhà, bỗng thấy toán người với đuốc cháy rực cầm tay, chạy ào ào ra phía cầu Ông Sao Mai… Chị Thục dắt tôi chạy xuống ngã tư, theo chân toán người quần đùi, áo ngắn, đang dừng lại ngay bên kia cầu Thạch Tĩnh. Khi chúng tôi đến nơi thì họ đã vào sân nhà ông Hương Nhâm, kéo ông ra giữa sân. Ông Hương thuộc loại “địa chủ cường hào” vì có mấy mẫu ruộng và cái chức “Hương” gì đó mua từ “Bình Định đốc bộ đường”, để được có “vai vế” trong làng xã, đươc “ăn trên ngồi trước” lúc làng xã có hội hè đình đám; chỉ là cái danh hảo của những cậu ấm con nhà giàu vậy thôi – nhưng nay, cũng “được” xếp đứng đầu danh sách... 
       
Chiến tranh ngày càng tiến gần đến thị trấn với những trận oanh tạc, thả bom xăng, ngày và đêm.
       
Tôi luôn nhớ lời dặn của mẹ nên không dám chạy đi chơi xa nhà. Nếu lỡ đi xa, khi nghe tiếng máy bay, tôi thường tìm hầm cá nhân dọc đường, hay bất cứ hầm của nhà ai, nhảy xuống trốn ngay. Bà còn cẩn thận dặn tôi, khi nằm dưới hầm, hãy nhớ đọc câu: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan thế âm bồ tát” mà bà và các bà hàng xóm thưởng lâm râm đọc khi họ chạy sang núp chung với gia đình tôi mỗi khi nghe tiếng bom nổ, hay tiếng máy bay ầm ầm rền rít sát trên đầu.
         
Những lúc ấy, tiếng niệm Phật càng to hơn, khẩn thiết hơn, trong khi tiềng nổ gầm vang ngay trong thị trấn, trên cùng đường phố của mình. Sau bao lần máy bay oanh tạc bằng đại bác và bom xăng khu phố, chợ búa…, nhưng căn hầm trú ẩn của chúng tôi vẫn được an toàn.
         
Tôi đã từng đọc theo mẹ như vậy bao lần khi chui vào hầm trú ẩn lúc bà còn sống. Đây là câu niệm Phật đầu đời đã đến với tôi từ năm lên sáu, lên bảy và đã theo tôi trong suốt cuộc đời lao đao sau này…


(Còn Tiếp...)