Mang Viên Long
Bất chợt nhớ Chu Trầm Nguyên Minh
Chân dung Chu Trầm Nguyên Minh
(Ảnh tư liệu PCH)
Người ta thường có những khoảnh khắc “bất chợt nhớ” ngẫu nhiên mà chính mình cũng không thể biết trước. Đó là những giây phút “chợt nhớ” khi ngồi một mình, hay do một tác động tình cờ của ngoại cảnh, đã khiến lòng ta mênh mang cảm xúc, rồi “nhớ lại” một chuyện gì hay một bóng hình nào đó đã một thời lướt qua đời ta tưởng đã lãng quên, phai mờ…
Sáng nay, ngồi một mình ở hiên nhà, bên tách trà và ly café đen thường nhật, tôi cảm thấy một nỗi trống vắng băng giá đang lớn dần trong lòng mình. Một nỗi “cô đơn không tên gọi” mà ngày xưa Thiền Sư Không Lộ đã có lần lên đỉnh núi mà hét lớn, đến nổi tiếng cười dài làm chấn động, lạnh giá đất trời! (“Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”). Phải chăng tiếng cười bi hùng ấy đã bật lên từ một tâm hồn quạnh hiu trước kiếp nhân sinh ưu phiền, mờ mịt?
Có đôi lúc không chịu đựng thêm được cái im vắng trống trải của đời sống mà mỗi ngày đều quay lại một cách đều đặn và tẻ nhạt, tôi có thói quen thường mở chiếc điện thoại đang chờ sẵn, tìm số của một người bạn thân nào đó để gọi thăm.
Tôi đang nghĩ đến một người bạn có tên vần “C” đầu tiên nên dò theo thứ tự của sim máy - tên “Chu Trầm Nguyên Minh” chạy lướt qua…Tôi dừng lại, nhìn dãy số quen thuộc này mà tôi đã từng gọi nhiều lần trước đây, nhưng bây giờ…
Tôi nhớ, đầu tháng 5 năm 2012, vào một buổi trưa, tôi nhận được điện thoại của một số lạ. Sau vài câu thăm hỏi, tôi biết người đang nói chuyện với tôi là nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh mà tôi đã từng “quen thân” qua thơ văn trên các tạp chí như Phổ Thông, Thời Nay, Bút Hoa, Nghệ Thuật, Văn Học, Quần Chúng, Văn, Thái Độ, Ý Thức … và nhất là qua ba tập thơ (“Trong Mặt Trời Buồn” - “Quê Hương, Thơ Và Nước Mắt” - “Cuộc Tình Người”) của anh đã xuất bản trước 1975. Tôi chỉ nhớ Chu Trầm Nguyên Minh quê Phan Thiết, dạy học ở Phan Rang… Chúng tôi chỉ biết và đọc thơ văn nhau, chưa có lần hội ngộ nhưng tự coi như là đã thân tình từ lâu…Hễ gặp nhau, chỉ cần “khai” tên/bút hiệu là kết thân dễ dàng, không cần rào đón trước đón sau. Cái tình văn nghệ thuở ấy nó giản dị và trong sáng làm sao.
Sau 1975, giống một số anh em, anh mất hút một quãng thời thời gian khá dài (có lẽ cũng như tôi đang lận đận tứ phương) không thể biết tin nhau. Về sau, khi sinh hoạt đã tương đối ổn định, Chu Trầm Nguyên Minh cũng còn “lặng yên” ở đâu đó, không thấy anh “xuất hiện” trên báo hay internet. Tình cờ, trưa hôm ấy, nghe được tiếng bạn, được hỏi han thăm viếng, tôi rất đỗi vui mừng. Chu Trầm Nguyên Minh cho biết, anh đã rất “khổ công” tìm lại bạn xưa, qua nhiều cách, mới có thể gặp lại dần dần một số anh em cũ.
Sau một lúc sơ lược “báo cáo’ tình hình đời sống cho nhau, Chu Trầm Nguyên Minh bỗng hỏi tôi: “Cậu có bệnh tật gì không?”. Tôi cười: “Khổ quá, nhưng nhờ Phật trời nuôi, cũng tạm ổn qua ngày thôi!”. “ Vậy tôi sẽ gởi bản thảo cho ông giữ giùm được rồi”. Tôi lại cười: “Hay tôi gởi cho ông?”…
Sau buổi trưa bất ngờ được “sum họp”, thỉnh thoảng chúng tôi đều “a lô” cho nhau, trao đổi tin tức bè bạn, gởi mail chia sẻ bài viết, an ủi nhau trong những tháng ngày được “vui chơi với văn chương” còn lại. Trong một lần gởi thư, Chu Trầm Nguyên Minh đính kèm bài viết khá dài gởi cho tôi với ghi chú “chỉ được phổ biến sau khi tôi không còn!”. Tôi linh cảm rằng, anh đang có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe; nhưng vẫn im lặng.
Cùng năm ấy tôi có dịp vào Saigon để tái khám tim, nhân tiện ghé xuống Gò Vấp thăm “bạn già” Nguyên Minh đang cùng bạn bè say mê làm tập san Quán Văn trong một hoàn cảnh rất…mệt! Tại đây, (cũng tình cờ) tôi đã gặp vợ chồng CTNM và gần đông đủ anh em QV… Sau buổi sáng ở nhà Nguyên Minh (cũng là tòa soạn “bỏ túi” của Quán Văn), Chu Trầm Nguyên Minh tìm đến nơi tôi đang ở thăm tôi vào buổi chiều như đã hẹn. Vào tới cổng, anh gọi. Tôi vội vàng ra đón. Chúng tôi cùng dồng ý ngồi ở hai chiếc ghế đá dọc bờ tường chung cư, dưới bóng cây bàng, để trò chuyện cho thoải mái. Tôi mang hai lon bia, vài gói đậu phụng rang, gói thuốc lá Con Mèo và bình trà nhỏ…Hôm ấy, tôi đã xin phép được “tra vấn” anh đôi điều; anh vui vẻ đồng ý ngay. Cuộc chuyện trò này tôi đã có ghi lại, chia sẻ trên các trang mạng, tạp chí Quán Văn số đặc biệt tưởng niệm Chu Trầm Nguyên Minh, và in trong cuốn tạp bút “Như Những Giọt Sương” tập 2 của tôi để giữ làm kỷ niêm). Lúc chia tay, chúng tôi cùng hẹn nhau vài hôm nữa, sau khi tôi đã tái khám xong, anh em sẽ đi Đồng Nai thăm nhà thơ Hoài Khanh, có thể sẽ đi luôn Bình Dương thăm Chu Ngạn Thư, nếu cả hai thấy khỏe.
Mang Viên Long và Chu Trầm Nguyên Minh
Năm sau, tôi lại “có dịp” phải vào thăm bác sĩ - nhà văn Lữ Kiều (vì trái tim bất thường của mình), được một buổi sáng “đoàn tụ” tại café AQ, góc đường Nguyễn Đình Chiểu, theo lời đề nghị của anh Đỗ Hồng Ngọc. Quanh bàn gồm có quý anh Lữ Kiều, Đỗ Hồng Ngọc, Chu Trầm Nguyên Minh, Nguyên Minh, Sâm Thương, Kinh Dương Vương…Có thể nói, đây là một buổi sáng rất hạnh phúc của chúng tôi, bởi đã được trò chuyện “đủ thứ trên đời” sau bao năm…(Tôi có ghi lại trong tạp bút “Buổi Sáng Ở Café AQ…”).
Chu Trầm Nguyên Minh và Nguyên Minh
Vài hôm sau tôi đến thăm Chu Trầm Nguyên Minh trước khi về lại quê, cùng anh đến thăm Lê Phương Châu - một nhà thơ rất yêu thích thơ anh - ở quận 6. Gặp nhau, Chu Trầm Nguyên Minh đã ghi số mail, địa chỉ trang web trietvan (của người emLê Phương Châu) và cho biết khoảng tháng 4 năm sau (2014) anh sẽ đi Mỹ thăm bằng hữu một chuyến…Biết Lê Phương Châu rất yêu thích thơ, anh đã viết tặng cho LPC tập “Lời Tình Buồn” trước khi chia tay… Chu Trầm Nguyên Minh còn hẹn tôi sau Tết - lần vào tái khám tiếp theo - hãy gọi cho anh để cùng nhau về Đồng Nai thăm anh Hoài Khanh, đi Bình Dương thăm Chu Ngạn Thư mà tôi đã “lỗi hẹn” lần trước…
Ở quê, tin tức về tình trạng bệnh của anh tôi vẫn biết thường xuyên qua các bạn văn ở Saigon. Tin mỗi ngày mỗi xấu. Khoảng 8g sáng ngày 19 tháng 2 năm 2014, Ngô Quang Hiển (chủ biên trang xunau.org) gọi về cho hay, Chu Trầm Nguyên Minh đang phải thở oxy- rất yếu, bênh viện đã “chê” rồi! Tôi cũng đang tìm cách vào Sài Gòn sớm hơn dự định vài hôm để còn hy vọng gặp anh. Buổi chiều, khoảng hơn 2 giờ, tôi gọi cho Nguyên Minh - anh nói: “Tôi và anh em đang ngồi ở nhà Chu Trầm Nguyên Minh, bên…thi hài Chu Trầm Nguyên Minh đây!”.
Buổi sáng ngày 22 tháng 2 (2014) linh cữu anh đã được gia đình đưa về nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương; buổi chiều tôi mới lên tàu tại ga Diêu Trì để vào Saigon. Mọi việc đều đã trễ! Sáng hôm sau, vừa đến Saigon tôi đã phone cho Nguyễn Hữu Duyên để nhắc lại cái hẹn sẽ đến thăm gia đình Chu Trầm Nguyên Minh. Tôi gọi cho Lê Phương Châu và Hải Âu cùng đi.
Chúng tôi đã đến thăm gia đình Chu Trầm Nguyên Minh, chia buồn cùng chị Tùng Vân, cháu Ca Dao, Anh Thư… và xin được thắp nén hương thương tiếc anh nơi chiếc bàn thờ vừa mới được bày biện sáng hôm qua…
Ngày hôm sau, khoảng 10 giờ sáng, tôi nhận lời đưa Ngọc Bút (Tác giả bài viết “Thơ CTMN và Tôi”) đến viếng anh và chia buồn cùng gia đình. Ngọc Bút mang theo bó hoa tươi và giỏ trái cây nặng trĩu. Chúng tôi đến nhà nhưng cửa đóng. Ngồi ở hiên nhà chờ hơn một tiếng đồng hồ vẫn không thấy ai về. Hỏi thăm hai gia đình bên cạnh họ cho biết vợ anh ấy vừa đi đâu lúc sáng. Tôi chợt nhớ đến số phone của Chu Trầm Nguyên Minh - nghĩ rằng gia đình sẽ giữ nó như một kỷ nệm còn lại của anh nên vội lấy điện thoại ra gọi thử. Sau hai ba lần gọi chuông vẫn đổ, nhưng không có ai bắt máy - thế là chờ…
Gần 12 giờ, tình cờ gặp cô bé dắt xe đạp đi qua trước nhà, tôi chận lại hỏi thăm. Cô bé cho biết nhà ở gần - đầu đường, nhưng không biết vợ ông ấy đi đâu, mấy giờ về. Tôi ngỏ ý xin gởi bó hoa và giỏ trái cây cùng mảnh giấy ghi vội cho chị Tùng Vân; nhờ cô bé chuyển giúp. Cô bé vui vẻ nhận lời, hứa sẽ chuyển ngay khi thấy có người về…
Ngày hôm sau tôi có hẹn đi Châu Đốc để thăm người bạn văn hơn 40 năm chưa gặp lại, cùng với vợ chồng nhà thơ Võ Chân Cửu, Lê Phương Châu, Hải Âu. Và Nguyễn Hữu Duyên…
Buổi sáng đầu tiên ở Châu Đốc, khi chúng tôi đang ngồi ở chiếc quán café vỉa hè gần khách sạn để ngắm nhìn thành phố Châu Đốc hữu tình buổi sớm, chờ giờ “họp mặt” để cùng rủ đi tham quan phố chợ thì điện thoại trong túi áo của tôi reo. Tôi lấy điện thoại ra nhìn: “Chu Trầm Nguyên Minh” gọi. Tôi kêu lên: “Ông Chu Trầm Nguyên Minh gọi cho tôi đây này!”. Mọi người ngạc nhiên…
Thật ra, người gọi là chị Tùng Vân. Chị gởi lời cảm ơn Ngọc Bút, cám ơn tôi đã ghé nhà thăm mà chị có việc phải đi vắng. Chị cho biết sáng hôm qua đi đăng ký xin gia hạn lưu trú thêm, về nhà nhận được giỏ hoa trái, và tấm giấy “xin lỗi” của tôi... Chị nói: “Trong thời gian còn ở đây tôi giữ và sử dụng điện thoại của anh Tâm, nếu tôi có phải tạm rời Sài Gòn, thì các con sẽ giữ nó…”.
Sáng nay, ngày 19 tháng 8 năm 2014, sau sáu tháng (180 ngày) Chu Trầm Nguyên Minh đi xa (19.2 – 19.8) tôi lại lấy điện thoại ra goi…Chuông reo - có người bắt máy: Đó là cô con gái áp út của anh - tên Anh Thư…Sau phút giới thiệu, thăm hỏi, Anh Thư ân cần dặn: “Chú nhớ giữ gìn sức khỏe!”. Tôi cười: “Cám ơn cháu! Chúc cháu và gia đình an lành!”
Quê nhà, 19.8.2014
MANG VIÊN LONG