Monday, August 11, 2014

917. NGUYỄN ÂU HỒNG Một thiên cá mòi





Nguyễn Âu Hồng

T ạ p    b ú t

 t   t h i ê n   c á   m ò i


 
Cá mòi  (Ảnh vidamdodua.com)



Bài một

TRẢ LẠI SỰ TRONG SÁNG 
CHO ĐÔI MẮT ĐẸP




Tản Đà đã tặng cho đôi mắt Phú Yên một câu thơ đắm đuối:

Đa tình con mắt Phú Yên

Nếu hiểu theo nghĩa “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” thì tâm hồn Phú Yên là những tâm hồn trữ tình tha thiết lắm !

Vậy mà lại có tiếng đồn:

Tiếng đồn con gái Phú Yên                                        
Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi                           
Không tin mở quả ra coi                                              
Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên.(cd)    
                                                     
“Tiếng đồn” đơn giản chỉ là Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn ba ngày đường. Ví dụ 1: Cúc mai trồng lộn một bồn. Hai đứa mình chồng vợ ai đồn mặc ai. Thông thường  dân gian hay đồn đại về nhữngsự độc đáo hoặc mới lạ. Ví dụ 2 :Tiếng đồn Bình Định tốt nhà. Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu (cd). Nhưng cũng lắm khi tiếng đồn là sự phóng đại, sai sự thật. Ví dụ 3: Tiếng đồn cô Bảy hò lanh. Nhập cuộc mới thấy mặt xanh như chàm (cd).

Tới đây, ta cần tìm hiểu nội dung và mức độ tin cậy của bài ca dao. Tuy chỉ là tiếng đồn, cần xác định đây là tiếng đồn loại nào trong các ví dụ 1,2,3 vừa nêu.

Thứ nhất, ở Phú Yên  nói riêng và cả Miền Nam Việt Nam nói chung, từ vài thế kỷ đã qua cho tới ngày nay, hiếm khi thấy ai dùng cá mòi làm sính lễ đi cưới vợ. Lễ vật đi cưới vợ (sính lễ) bắt buộc phải là tiền, nữ trang, áo cưới, rượu trà, trầu cau, bánh trái. Đủ thiếu, ít nhiều gia giảm tùy theo hoàn cảnh. Vậy thì, Tiếng đồn con gái Phú Yên. Đồng Nai đi cưới một thiên ca mòi, chỉ là tiếng đồn vu vơ, cắc cớ sao? Đã vậy, lại còn dám cả quyết, Không tin mở quả ra coi. Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên. ”Quả” là dụng cụ để đựng sính lễ, hình khối tròn có nắp đậy nhô cao, thường sơn son thiếp vàng và được phủ vải điều trang trọng. Người Đồng Nai cắc cớ lót rau răm bên dưới rồi sắp mấy lớp cá mòi lên trên. Một khay quả sắp được bao nhiêu cá mòi ? Một thiên tức một ngàn con cá mòi thì phải bao nhiêu quả mới đủ? Hai mươi, ba mươi quả? Đường xa cách trở, người đâu mà bưng bê? Đường xa cách trở, thì cá mòi ở đây chỉ có thể là cá mòi khô, cá mòi muối.Đến cá hấp cũng dễ bị ươn thối, nói gì đến cá tươi. Biển Phú Yên hiếm cá mòi quá chăng, người Phú Yên thèm cá mòi đến mức đó chăng? Gả con gái với sính lễ một thiên cá mòi khô hoặc một thiên cá mòi muối? Theo chỗ chúng tôi được biết thì biển Phú Yên không hiếm cá mòi. Cá mòi đánh bắt trên biển Phú Yên tuy không quá nhiều để xuất lên Tây Nguyên như các tỉnh Khánh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng để dùng trong tỉnh thì “phây phả”. Lòi cái cắc cớ ra chưa? Hơn nữa, Đồng Nai là xứ nào? Có người vin vào cớ vùng biển nhiều cá mòi là biển Phan Thiết, Bình Thuận mà suy ra rằng Đồng Nai  đây là tên gọi xưa của vùng đất từ Cà Ná vào Phan Thiết !!! Suy diễn kiểu này có khi nhìn cây ớt chết cây cà !

Đôi mắt Phú Yên đa tình như vậy, tâm hồn Phú Yên trữ tình tha thiết như vậy mà sính lễ chỉ là một thiên cá mòi thôi sao? Cắc cớ cũng vừa vừa thôi, đừng quá quắt… Có người phản biện cho rằng,  xứ Phú Yên ngày xưa nghèo khó nên một thiên cá mòi là quí lắm. Một bài thơ xưa viết bằng chữ Hán đã được dịch như sau:

Phú Yên đồng ruộng hẹp                                             
Dâu gai khắp nội gò                                                     
Trẻ già đói luộc bắp                                                  
Hành nhân khát mua dưa                                          
Rừng thưa sớm thả ngựa                                           
Sông cạn chiều thả bè                                                 
Khí tốt tụ cây núi                                                        
Khi xe đế tử qua. (1)      
     
Bài thơ này do Lê Quang Định (1794) viết cách đây đã hơn hai trăm năm khi ông cùng đại quân Hoàng tử Cảnh đi qua đất Phú Yên(2). Tuy mấy câu sau có nói đến cảnh thả ngựa thả bè và rừng cây vượng khí, song cảnh sống “trẻ già đói luộc bắp”coi bộ không mấy thư thả, nếu không nói là “dưới mức nghèo khổ”. Con trai,con gái ở những vùng như vậy khó lấy chồng, lấy vợ ra ngoài địa phương, ra thành phố hay những xứ giàu có.

Lại có người phản biện cho rằng, chính vì sở hữu đôi mắt đẹp, quá đẹp và quá đa tình mà con gái Phú Yên chỉ lấy chồng lẩn quẩn ở địa phương, khó với tới các nơi thanh lịch. ( Đã nghèo mà lại đẹp thì hồng nhan bạc phận, là lẽ thường tình).

Hai luận điểm phản biện trên lại được yểm trợ bởi một yếu tố khá đặc thù là con gái Phú Yên phần nào có khó khăn trong việc lựa chọn quê chồng :Lấy chồng An Lĩnh sợ beo. Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm (cd). Bởi vậy, không mấy ngạc nhiên khi có cô bí quá đến nỗi: Liều mình cơm cháy qua tha. Liều duyên kết nghĩa lão già này chơi (cd). Liều duyên kết nghĩa một lão già còn được, thì việc  ưng (lấy) một chàng trai xứ lạ (Ngũ Quảng), đi bạn ghe bàu với sính lễ “một thiên cá mòi”, cũng được tuốt, có gì phải bàn cãi.

Chuyện đôi mắt đẹp với một thiên ca mòi tưởng đã ngã ngũ; nào dè , còn có một manh mối khác. Đó là bài ca dao sau đây:

Cô kia bới tóc cánh tiên                                     
Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi                            
Không tin giở thử ra coi                                              
Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên.(3) 

Chưa tìm hiểu gì sâu xa, mới đọc qua đã thấy nhẹ nhõm. Vì sao? Vì bài ca dao không đả động đến một địa danh nào, không nêu ra quê quán của cô gái mà chỉ là Cô kia bới tóc cánh tiên. Mừng rơn! Đôi mắt đẹp đã thoát nạn !Đa tình con mắt Phú Yên đã thoát nạn!

Bây giờ, đã nhẹ người rồi thì cứ việc thủng thẳng phân tích nội dung của bài ca dao về cô gái bới tóc cánh tiên. Thương lái ghe bàu xuôi nam ngược bắc từ Gia Định trở ra và từ Huế trở vào thường chỉ ghé những bến cảng sầm uất để buôn bán và tái tiếp tế những thứ cần thiết cho sinh hoạt như củi nước, trầu cau, rau quả, thuốc hút…Ở những nơi “ăn đầu sóng nói đầu gió” đó mà “bới tóc cánh tiên” là chảnh chọe lắm. Có thể cô nàng chỉ làm dáng để tiện việc buôn bán, nhưng đã làm cho một vị thức giả nào đó “ngứa mắt” bèn đem cô mà “gả” cho thương lái ghe bàu với sính lễ lạ đời “một thiên cá mòi”. Tuy cũng rau răm ở dưới, cá mòi ở trên, nhưng cá không đựng trong quả cưới cách kỳ cục mà đơn giản chỉ đựng trong thúng cái là loại thúng lớn có trét dầu rái và có nắp đậy. Với loại thúng này, các lái ghe bàu khỏe mạnh chỉ gánh vài gánh là đủ một thiên cá. Không tin mở nắp ra coi chứ không phải không tin mở quả ra coi. Cá mòi tươi đem nướng thì mùi thơm lan tỏa khắp bốn làng ba xã, chớ còn cá mòi muối, cá mòi khô (nhất là cá mòi dầu) thì tanh hôi dữ lắm. Mà các lái ghe bầu đi đường xa làm gì trữ được cá mòi tươi! (Thời đó chưa có tủ lạnh, tủ đông đá). Cô chảnh hả, cho cô tanh hôi, cho chừa! Thứ nữa, các thương lái ghe bầu thường xuyên vắng nhà, cho cô ngóng cổ mà chờ! ( Ở đây chỉ nói tới ghe bàu trong hải trình nội địa, chớ nói tới hải trình quốc tế sang Thái Lan, Malaysia…thì còn dài cổ hơn!). Vì mưu sinh mà: chồng thì Thương con nhớ vợ trăm đàng. Nước mắt hai hàng lệ ứa thấm biên(3); vợ thì Lạy trời thổi gió nồm đông. Cho buồm căng gió cho chồng tôi lên.(3) Xem ra đâu có sung sướng hạnh phúc gì nhiều khi lấy chồng là thương lái ghe bàu! Dù sao, tâm tình cả chồng lẫn vợ đều thật đáng thương.

Mấy câu ca dao về tình nghĩa phu thê của vợ chồng các lái ghe bàu vừa dẫn được rút ra từ bài VÈ CÁC LÁI, một bài vè dài gần bốn trăm câu vừa là cẩm nang hải hành vừa thổ lộ tâm tình qua cách miêu tả núi sông, bến bãi, phong tục tập quán…Vè Các Lái có hai bài: Một bài Hát Vô và một bài Hát Ra. Vè Các Lái (hát vô) có những câu mở đầu:

Ghe bàu các lái đi buôn                                             
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga                
Bắt từ Gia Định kể ra                                                  
Anh em Thuận Hòa ngoài Huế kể vô                           
Trên thời ngói lợp tòa đô                                            
Dưới sông thủy các ra vô dập dìu.(4)

…    
 
Ghe bàu - Hình vẽ của Trần Kỳ Phương (Nguồn: internet)


Qua bài vè ta biết được đường vô xuất phát từ Huế, đường ra xuất phát từ Gia Định. Lưu ý địa danh Gia Định vì có liên quan tới Đồng Nai. Gia Định và Đồng Nai là hai địa danh mấu chốt xác định quê quán của “nhà trai” trong việc cưới hỏi với sính lễ là “một thiên ca mòi”.

Vè Các Lái (hát ra) có những câu mở đầu :

Tiếng đồn các lái Đồng Nai                                    
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền           
Tháng ba củi lửa huyên thuyên                              
Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra                             
Sài Gòn, Rạch Giá bao xa                                            
Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu                                    
Một trăm ông lái làu làu                                                 
Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê.(4)      
…           
Chữ  “đóng thuyền” ở đây có thể hiểu là “đóng sửa” không phải “đóng mới”, vì với thời gian một vài tháng không thể vừa cưa ván vừa đóng mới hoàn chỉnh một chiếc ghe bàu. (Một chiếc ghe bàu cỡ trung cũng đã trọng  tải năm-bảy chục tấn). Sở dĩ chúng tôi dám cả quyết vì  câu ba và bốn có nói rõ Tháng ba củi lửa huyên thuyên. Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra.

Cứ dài dòng dan ca miết (dan ca khác với dân ca) , thực ra tác giả bài viết này muốn gì? Đôi mắt đẹp đã thoát nạn, Đa tình con mắt Phú Yên  đã thoát nạn, vậy còn có gì ức hiếp nữa sao? Xin thưa, vẫn còn đôi chút “thắc mắc”: Có phải tác giả bài ca dao  này đã cải biên, gán ghép câu mở đầu của bài Vè Các Lái (hát ra)Tiếng đồn các lái Đồng nai với bài Cô kia bới tóc cánh tiên/Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi ?

Thử tìm dấu vết của trò chơi gán ghép này. Có thể phỏng chừng như sau:
Tiếng đồn các lái Đồng Nai    + -, =           Tiếng đồn con gái Phú Yên                          
Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi + -, =   Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi.
Không tin giở thử ra coi                 + - , =          Không tin mở quả ra coi
( + - , =  mấy ký hiệu này tạm hiểu là : cộng trừ phết phẩy suy ra ).
Thủ công thật khéo léo, còn cao tay sửa chữ “giở thử”  thành “mở quả” để lừa thiên hạ.

Còn một chút việc nữa cần phải làm cho xong:  địa danh Đồng Nai, quê quán của “nhà trai” thuở xa xưa ấy bây giờ là xứ nào, tỉnh thành nào?
Vè Các Lái (hát ra) có câu mở đầu:

Tiếng đồn các lái Đồng Nai                                                                     
Vè Các Lái (hát vô) có  mấy câu kết thúc:
Vũng Tàu kia đã đến rồi                                           
Trình đồn, rồi lại thẳng nơi Sài Gòn                             
Nhà Bè nước chảy chia hai                                             
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Như vậy có thể xác định địa danh Đồng Nai, quê quán của chú rể và họ nhà trai thở xưa, là tỉnh Đồng Nai ngày nay.( Qua mấy trăm năm, hai địa danh Gia Định, Đồng Nai không có gì thay đổi). Giả thuyết vin vào vùng biển có nhiều cá mòi rồi cho rằng Đồng Nai xưa là Cà Ná-Phan Thiết ngày nay,là giả thuyết không có chứng cứ khoa học.

Kẻ viết bài này không phải là người Phú Yên, nhưng vì ngưỡng mộ những đôi mắt đẹp, vừa đẹp vừa đa tình đắm đuối mà bỏ công tra cứu, tìm cho bằng được chứng cứ rồi mới dám nói giùm. Nói giùm tức là lên tiếng bênh vực. Làm luật sư biện hộ không cần thù lao, chỉ mong nhận được một cái nhìn thiện cảm, từ đôi mắt đẹp.

NGUYỄN ÂU HỒNG
August 5, 2014
________________
(1)  Bản dịch của Đại Nam nhất thống chí.
(2)  Trần Sĩ Huệ - Bánh Ít Lá Gai -Wikipedia                          
(3)  Nguyễn Thanh Lợi-Ghe Bầu Miền Trung - Wikipedia.
(4)  Thạch Chương và Ngô Quang Hiển- Ca Dao Nam Trung Bộ - Wikipedia