Nguyễn Minh Nữu
Nguyễn Minh Diễm, anh tôi
Nhà báo Nguyễn Minh Diễm (1943 - 2014) |
Anh Diễm mất đi là một bất ngờ với tôi, bất ngờ và hụt hẫng trong suy nghĩ của tôi.
Thực ra, anh Diễm đã lâm bệnh từ 7 năm rồi, đầu tiên là bao tử, sau khi cắt đi một phần bao tử, rồi xạ trị và hóa trị anh đã nghiêm chỉnh thực hiện một chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ và đã trở lại bình thường được mấy năm, sau đó lại bị về phổi, lần này ghê gớm hơn vì tưởng là di căn từ bao tử, nhưng cả nhà "vui mừng" khi biết anh bị cái ung thư này là ung thư khác, không phải di căn từ cái cũ. Anh lại trải qua thời gian dài cho điều trị xạ trị, hóa trị và anh lại vượt qua, hồi sức. Sức khỏe của anh phục hồi ổn định, từ những lúc mê man trên giường bệnh, anh đã ngồi dậy và từ từ bước đi. Anh thực hiện việc ăn uống nghỉ ngơi điều độ, giới hạn và nghiêm khắc.
Nhưng căn bệnh quái ác không để anh yên, vào những ngày kề cận với Thanksgiving năm 2013, anh bị nhức đầu càng lúc càng nhiều, đưa vào bệnh viện cho biết trong não có nước, và ghê hơn nữa là khi thử nghiệm thấy có tế bào ung thư trong đó. Căn bệnh đánh gục anh xuống giường bệnh, có lúc không thể tự ngồi dậy, không di chuyển được nhưng tài năng của các vị bác sĩ, sự công hiệu của thuốc men, và một tinh thần vững vàng, chịu đựng, cùng với sự chăm sóc hết sức kỹ lưỡng, chu đáo của Chị Diễm , anh đã làm những việc thần kỳ: ngồi dậy, bước xuống giường, đầu tiên là từng bước chậm vịn vào walker, rồi sau đó không cần walker vẫn tự đi từng bước từ dưới dưới nhà lên lầu, từ phòng khách vào phòng
ăn...,da mặt hồng hào, nói chuyện minh mẫn. Ngày 8.3, sau mấy tháng đứng lên từ cơn bệnh, gia đình đưa anh đi shopping tại Old Town, Alexandria. Nhìn anh thong thả đẩy walker đi dạo, trong nụ cười vui vẻ của cả gia đình còn có những giọt
nước mắt mừng vui .
Trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 6 .2014 cả gia đình đã có những bữa cơm ngon miệng, những buổi gặp gỡ anh chị em trò chuyện thú vị và còn ngồi giải trí với nhau bằng những canh chắn khi Chị Nguyễn Thị Bội Cẩn, chị ruột của anh em tôi từ Việt Nam qua thăm. Rồi mùa World Cup anh thỏa mái
bên các con theo dõi tất cả các trận đấu với những tràng cười thỏa mái.
Nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Lê Thiệp, tủ sách
Tiếng Quê Hương xuất bản và ra mắt cuốn "Ung Thư ơi , chào mi". Người đứng ra tổ chức - nhà báo Đào Trường Phúc - nói với tôi rằng trong cuốn đó anh Diễm có viết một bài, có thể nào mời anh Diễm tham dự hôm đó được không. Thời gian đó tôi đang ở New Mexico thăm cháu ngoại nên không dám hứa với Đào Trường Phúc chuyện sẽ đưa anh Diễm tới dự, nhưng từ tiểu bang xa, anh Đào Trường Phúc vui vẻ báo tin hôm đó anh Diễm có đến và đặc biệt hơn nữa là đã bằng lòng bước lên nói một vài suy nghĩ của mình trước cử tọa. Tôi vui mừng khôn xiết trước sự hồi phục như thần kỳ của anh .
Nhưng chuyện không êm đềm như vậy. Buổi tối ngày 14.7 anh trở mệt, khó thở, ói mửa và nhức đầu... Gia đình đưa vào Fairfax Hospital nằm ba
ngày. Anh dần khỏe lại , dự tính ngày 17 bác sĩ sẽ cho xuất viện về nhà, nhưng cũng từ ngày 17 sức khỏe anh yếu dần... và ra đi vào trưa ngày
23 tháng 7.
Anh Diễm mất đi là một bất ngờ với tôi, bất ngờ và hụt hẫng trong suy nghĩ của tôi.
Tôi nói vậy, vì khi trên chuyến bay từ New Mexico về lại Virginia, chị tôi đã báo tin "Anh Diễm vào bệnh viện và hồi phục dần, Nữu về tới Virginia thì có lẽ anh Diễm đã được về nhà”. Cái tâm trạng là anh sẽ vượt qua, sẽ hồi phục mang trong tâm trí tôi cho
nên khi vào nhìn thấy anh nằm thiêm thiếp tôi vẫn chưa kịp điều chỉnh lại suy nghĩ của mình thì anh yếu dần ...
Anh Diễm hơn tôi 7 tuổi. Cái tuổi chệnh lệch này nếu sống trong một đất nước thanh bình như Hoa Kỳ thì không có gì là xa xôi quá, nhưng hồi đó khi ở Việt Nam, thì hai
anh em chúng tôi là hai thế hệ rất khác biệt của thời đại.
Anh thuộc lứa thiếu niên miền bắc đi cư vào nam khi vừa bước chân vào giai đoạn trung học. Lứa tuổi sinh khoảng đầu và giữa thập niên 40. Họ vào nam theo một làn sóng di cư khổng lồ và sống theo không gian Sài Gòn nhưng lại bằng sức sống mãnh liệt của lứa trẻ vừa bị mất quê hương, vừa vượt qua cửa chết, vừa khao khát vươn lên trong đời sống mới... Những người đó, sau này là bạn với anh tôi, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả những người lứa tuổi đó mà tôi biết được đều là những tấm gương hết sức đáng quý trong lãnh vực họ tham dự.
Còn tôi , hay những người thuộc cái lứa tuổi sinh trong thập niên 50 thì lại khác. Lứa tuổi trước thì sinh ra trong bom đạn chiến tranh, sống và vượt lên từ những làn ranh bất an, khốn khó, nhưng sau đó lứa tuổi đó được hưởng khoảng 10 năm cho thời gian an ổn để phát triển học hành và năng khiếu . Còn lứa tuổi chúng tôi thì ngược lại.
Chúng tôi ra đời , và thời thơ ấu có thể nói là được sống trong thanh bình, nhưng khi vừa lớn lên lại đối đầu trực tiếp với chiến tranh, sau năm 1960, miền nam không còn
an bình nữa, và năm 1968, sau khi lệnh Tổng Động Viên ban hành, bạn bè
tôi, hầu hết bước vào quân ngũ và tan đi khắp bốn phương trời.
Năm 1960, khi tôi bắt dầu học năm đầu của chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp thì anh Diễm và những bạn cùng thời đã vào năm 2 Đại Học, rất nhiều anh tham dự vào các chương trình sinh hoạt, giáo dục, văn hóa và cả chính trị nữa. Năm tôi học Đệ Thất thì trường tôi học chính là Trung Tâm Giáo Dục Cộng Đồng của Sinh Viên ( tôi không nắm vững là có thuộc Tổng Hội Sinh Viên hay không , và lúc đó có Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn hay chưa) nhưng những người thầy đứng trên bục giảng là những sinh viên, chắc chắn vậy, vì họ chính là những người bạn của anh tôi. Ngôi trường này nằm ngay đối diện với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, một khu đất trống, dựng lên hai dãy nhà tôn chia thành khoảng 6 phòng học... Sau này lớn lên, khi trở lại khu trường đó thì đã không còn, khu đất sau đó được xây dựng thành Tổng Ủy Dân Vận.
Khi tôi bước vào năm đầu của chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp - lớp Đệ Tam ở Trung học Nguyễn Bá Tòng thì chẳng những chính anh Diễm là giáo sư đứng lớp dạy tôi môn Việt Văn, mà còn rất nhiều bằng hữu của anh dạy các môn khác trong chương trình học như các giáo sư Phạm Quân Khanh, Phạm Văn Hải, Ngô Trường Thịnh, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Xuân Thiệp ... hay khi tôi từng bước tham gia vào văn nghệ , làm thơ viết văn , tôi lại nhìn thấy rất nhiều bạn của anh đã là những tên tuổi trên văn đàn như Bùi Bảo Trúc,
Bùi Ngọc Tô, Nguyễn Bá Trạc , Trần Lam Giang, Ngô Vương Toại, Lê Thiệp.......
Nói thế, để thấy dù cách nhau chỉ 7 tuổi, nhưng đã thực sự hai anh em là hai thế hệ và hai thời đại sống.
Tôi nhìn anh và những người bạn của anh là những bậc thầy, những đàn anh đi trước và đi trước rất xa.
Hai anh em cũng ít khi có dịp chuyện trò với nhau dù sống chung nhà, chuyện trò theo cái nghĩa nói chuyện vui đùa, tâm tình hầu như không có vào thời đó. Những câu nói đa phần chỉ là hỏi đáp chuyện cần. Những quen biết từ khi tôi vào quân đội và cầm bút viết văn đã đưa anh em tôi gần với nhau hơn. Rất nhiều người là bạn anh Diễm và khi quen với tôi đã coi tôi như em, mà cũng có những người quen với tôi trước, sau đó quen với anh Diễm, nhưng vì tuổi tác nên cũng nhẹ nhàng coi tôi như em. Tôi tự hào là em anh Diễm và cũng không kém tự hào dược làm em những người là bạn của anh Diễm tôi.
Từ lúc đó, rất nhiều những điều tôi không nắm vững tôi thoải mái đưa ra hỏi và bao giờ cũng được trả lời tường tận. Cái quý là không phải cái gì anh Diễm cũng biết, nhưng anh Diễm biết chỗ để tìm những cái anh Diễm chưa biết và anh Diễm thừa nhiệt tình bỏ công ra tìm kiếm để trả lời với tôi.
Như cái lần tôi đi California. Anh Hoàng Khởi Phong đưa tôi bộ sách Trăng Huyết và nói, “Cuốn này của Nguyễn Ước viết , nửa dịch từ tác phẩm Sài Gòn của Anthony, một nửa viết thêm. Rất hay. Nguyễn Ước định bỏ tiền ra in ở Canada nhưng trở ngại gì đó. Em hãy đọc và nếu có thể thì xuất bản cho Nguyễn Ước”.
Trên chuyến bay từ California về, tôi
đã đọc và thực sự bị cuốn hút vào bộ sách ngàn trang này. Nhưng bỏ tiền ra xuất bản một cuốn sách có nghĩa đứng chung với tác giả trên lập trường, nhất là đây lại là một trường thiên tiểu thuyết lịch sử cận đại. Như vậy cái đọc không chỉ là đọc về văn chương mà còn phải đứng trên cái nhìn Đúng Sai , Thực Giả của nội dung tác phẩm. Mà muốn có cái nhìn như thế, nó đòi hỏi phải có cái tầm nhìn rộng khắp, phải có cái kiến thức tổng quát , và còn phải cân nhắc phân tích các sự kiện lịch sử hợp lý nữa. Tôi thực sự không tự tin vào mình ở chuyện này , cho nên người nhắm đến là anh Diễm.
Tôi đưa anh cuốn sách và kể anh nghe những gì anh Hoàng Khởi Phong nói.
Một tuần sau, anh gọi cho tôi và nói, "Chưa một quyển sách nào viết về chiến tranh Việt Nam được như cuốn này. Nó hội đủ các yếu tố Chân Thực, Công Bằng, Hấp Dẫn và Văn Phong trong sáng. Xuất bản cuốn này là xứng đáng và nên làm, nếu
Nữu xuất bản, anh sẽ viết lời giới thiệu cuốn này cho".
Trường thiên tiểu thuyết Trăng Huyết của Anthony Grey và Nguyễn Ước dày 1200 trang bìa và
trình bày của Nguyễn Trọng Khôi, lời giới thiệu của Nguyễn Minh Diễm , bạt của Hoàng Khởi Phong do nhà xuất bản Kiến Văn Thời Đại xuất bản năm 2005 đã ra đời trong quan niệm như thế.
Một kỷ niệm khác về thơ, năm 2006, khi tôi chuẩn bị in tập thơ đầu tay mang tên "Lời Ghi
Trên Đá", tôi đưa anh tập bản thảo, và anh viết lời tựa. Sau khi đọc xong anh ngần ngừ , có hai câu thơ của Nữu anh rất thích nhưng không dám nhắc tới, bởi vì đọc sao quen quá, dường như đã có thấy đâu đó mà không nhớ ra, sợ là hai câu này em trùng ý với một người nào đi trước. Tôi hỏi hai câu nào, anh nói:
Không cứ phong sương thì mới lạnh
Đêm nay nghe buốt đến tê người
Và anh nói bây giờ
Internet có rất nhiều tư liệu, anh đã vào và tìm suốt hai
ngày nhưng chưa thấy câu nào trùng. Nhưng vẫn chưa chắc ăn nên thôi thà bỏ qua
còn hơn nói sai. Tôi vâng lời anh, và không chỉ thời gian đó, cho tới vài năm sau tôi vẫn cố search tìm từng câu, hoặc từng nhóm chữ. Tôi không tin là tôi bị ảnh hưởng của ai để viết hai câu đó, nhưng cùng lúc tôi tin trình độ thưởng ngoạn và trí nhớ của anh tôi nên cũng không dám
cho rằng mình là đúng.
Cái bàng hoàng về cuộc đi xa vĩnh viễn của anh Diễm chưa lắng xuống, thì bàng bạc hiện lên là sự thiếu vắng và hụt hẫng. Anh Diễm mất đi dù bất ngờ vì trong lúc mọi người đang nhìn thấy sự hồi phục dần của anh, nhưng lại là cái chết đã chuẩn bị sẵn vì cơn bệnh đã đến và ở lại với anh từ lâu rồi. Anh đã chuẩn bị cho mình và chuẩn bị cho cả những người chung quanh, Nhưng anh không ước lượng được sự ra đi vĩnh viễn của anh sẽ làm những người chung quanh anh đau buồn tiếc nhớ đến độ nào đâu.
Với riêng tôi, anh là một người anh ruột thịt , một tâm giao về thơ văn nhạc họa, và là một người thầy đúng nghĩa, không phải thầy hồi học trung học đâu, mà cho mãi tận bây giờ " bất cứ lúc nào, cái gì cần cứ hỏi, nếu anh không biết , anh sẽ tìm cho..."
Anh Nguyễn Minh Diễm ơi...
Nguyễn Minh Nữu