Thursday, July 3, 2014

845. TRẦN YÊN HÒA Mùa xưa



Ảnh PCH - Chantilly (VA) - July 3, 2014



    Thư của chị tôi từ quê nhà gởi sang, ''Quê mình mùa này đang là mùa dẫy mả, chị đã nhờ các anh chín Ngân, mười Kiều, ba Tạo giúp dẫy mả cho ông bà cha mẹ mình rồi, trông cũng khang trang sạch sẽ lắm. Nhưng nhìn mả cha mẹ mình còn là mả đất, chị buồn ghê! Em cố gắng làm ăn để dành tiền gởi về cho chị xây mả cho cha mẹ mình, nghe em.''. Đọc thư, tôi thật bùi ngùi, xúc động. Ngày này, quê mình là mùa dẫy mả. Đã bao lâu rồi tôi không trở về quê cũ trong ngày lễ gia đình này. Hình như cũng trên hai mươi mấy năm, 27 tuổi vào trại tập trung, 34 tuổi ra trại về sống lây lất ở Sài Gòn cho đến ngày đi Mỹ. Quê hương và tuổi ấu thơ tôi ở đó như một dải lụa hồng êm mát, bây giờ đã xa ngút mắt. Quê hương Quán Rường, một Tam Kỳ bé nhỏ của tôi. 

    Tự dưng, tôi nhớ Quán Rường quá chừng. Cái tên chợ không biết ai đặt mà ở đất Quảng Nam ta có nhiều tên như thế. Như câu ca dao ''Ai đi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Phú Mỹ, mua trầu Hội An.''  Chợ Quán Rường, chợ Quán Gò, chợ Được, chợ Trạm....

    Mùa dẫy mả, rồi đến lập đông, rồi đến Tết. Bây giờ bên đó chắc mưa dầm lắm. Tôi nhớ quá những ngày còn đi học, đạp xe đạp từ Quán Rường xuống ngã ba Chiên Đàn rồi theo quốc lộ 1 vào trường Trần Cao Vân. Mùa này, những người dân từ các vùng quê gồng gánh nào khoai lang, dây lang, rau cải, đi từ sáng sớm để vào Tam Kỳ hay ra Hà Lam bán lấy tiền tiêu Tết. Họ đi từng hàng dài từ sáng sớm tinh sương, nói chuyện cười đùa vui vẻ như không biết nỗi khổ đau là gì. Cuộc sống của người dân quê vốn bình dị và chất phác.

    Chợ Quán Rường, tôi nghe mẹ tôi kể lại có một bà già nào đó đến đây lập một cái quán bán nước chè cho khách qua đường, cái quán thô sơ bằng gỗ, lợp tranh nên gọi là quán rường (nhà rường là nhà lợp tranh nhưng bằng gổ tốt, nhà rội cũng nhà lợp tranh nhưng bằng gổ tạp, gổ xấu). Cái tên đó dần dà theo năm tháng trở thành cái tên chung của một cái chợ, bây giờ to lớn hơn, đẹp đẽ hơn. Chợ nằm ngay trên đường tỉnh lộ từ ngã ba Chiên Đàn lên Cẩm Y, Tiên Phước. Ngôi chợ được cất bằng tôn, có chia từng ô cho mỗi mặt hàng, chung quanh có một dãy cây bàng cành lá xum xuê, trải đầy bóng mát. Mẹ tôi đã từng tần tảo ở đó, đã từng lê lết ở đó để bán từng rê thuốc lá, để tự nuôi sống mình và nuôi hai đứa con trai đang ở trại tập trung cải tạo. Hai đứa con trai là sĩ quan QLVNCH, ngày còn tại chức cũng chẳng giúp được gì mẹ bao nhiêu, lúc nào mẹ cũng lo cho hai đứa con trai đi lính không biết bây giờ ở đâu. Ngày chạy tị nạn cộng sản, cha mẹ tản cư xuống thị xã Tam Kỳ, mẹ cũng lê la ngoài chợ bán hàng. Mỗi lần tôi nghỉ dưỡng quân về thăm mẹ, tôi phải chạy ra ngoài chợ khu Nam kêu mẹ về. Bảy năm  ở trại tập trung, mẹ cơm đùm, cơm gói thăm nuôi. Bây giờ thì chợ quán Rường còn đó mà mẹ đã mất rồi. Tôi thì bơ vơ ở Mỹ, ngày dẫy mả cha mẹ tôi không được vác cuốc đi dẫy mả cùng bà con chòm xóm. Bây giờ giá mà còn mẹ thì hạnh phúc cho tôi biết bao nhiêu.

   Ngày tôi sắp đi Mỹ, bạn bè cũ ở trường Trần Cao Vân có mở tiệc tiễn đưa. Có hội đồng hương Tam An, quê tôi, tham dự. Hôm đó thật vui mà cũng thật bùi ngùi. Anh Nguyễn Ngọc Diện, trưởng ban liên lạc cựu học sinh trung học Trần Cao Vân phát biểu, chúc gia đình bạn đi bình an, mau an cư lạc nghiệp, luôn luôn nhớ về trường xưa và bạn bè. Anh Năm Tre, trưởng ban liên lạc Hội Đồng Hương Tam An, Tam Đàn tặng gia đình tôi một bức tranh sơn mài. Anh tư Thắng cũng vậy. Trong cái bắt tay của bạn bè ai cũng chúc, cố gắng nghe mầy, qua bên đó dựng lại đời nghe, luôn nhớ anh em ở quê nhà, nhớ bà con chòm xóm. Tôi không hình dung được cái xứ Mỹ như thế nào nhưng trong đầu óc tôi suy nghĩ, chắc là sung sướng hơn, tự do và hạnh phúc hơn. Tôi đã mạnh dạn nói với bạn bè, thân hữu, tôi sẽ không bao giờ quên.
  
   Thế mà qua đây đã mấy năm tôi vẫn chưa làm gì để bù đắp lại những tấm lòng ấy. Tôi đáp máy bay xuống phi trường Los trong một ngày tháng 3 lạnh lẽo, phi trường Los rộng bao la và tiện nghi quá mức. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ, tôi lên xe buýt để về phi trường Orange County. Người sponsor và những bà con bạn bè đón tôi ngoài phòng đợi. Lên xe về nhà người sponsor mà lòng nặng trĩu những suy tư. Cuộc đời bắt đầu từ đây với một nơi chốn không phải là quê hương mình. Về căn nhà người sponsor với ngôi nhà trần thấp, lót thảm, tôi không tưởng tượng được nhà bên Mỹ lại xây cất thế nầy, vẫn cứ nghĩ đến những căn nhà cao tầng, những cầu thang máy, những phố xá đầy nghịt cả người. Những tên gọi Little Sài Gòn, Bolsa, Westminster nghe sao lạ hoắc. Rồi những tiệc tùng của bạn bè, những lời thăm hỏi, những đón đưa. Trước tiên là chuyện giấy tờ, social-security, medical, tiền trợ cấp, rồi đi khám sức khoẻ, khám răng, làm kính, rồi chuyện đi học Anh Văn để chuẩn bị xin việc làm. Những đón đưa của bà con và bạn bè cũng thưa thớt dần vì ai cũng bận rộn tứ bề. Cuộc sống ở Mỹ, nói theo một  một câu Việt Nam là ''chạy như vắt chân lên cổ'' với thời gian,  những giúp đở ban đầu cũng dần dần thưa thớt. Bây giờ phải tự lực cánh sinh đây, phải mua một chiếc xe và phải có bằng lái. Những khó khăn dần dần rồi cũng qua đi, chỉ còn là công ăn việc làm chứ tiền trợ cấp một tháng chỉ 250 $ làm sao mà tiêu xài sinh hoạt cho đủ.

   Một người bạn trong lớp học ESL mách với tôi: ''Ở quán Sông Hương cần người phụ việc, anh muốn làm không?'' Tôi gật.''Chỉ mình đi''. Ngồi trên xe người bạn dẫn đi xin việc mà tôi hạnh phúc. Thế là đã có chuyện làm. Đến quán gặp cô chủ, cô chủ nói, ''Ở đây cần người bưng đồ ăn lên cho khách,  và làm mọi việc linh tinh, chỉ làm thứ bảy và chủ nhật, mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm, lương 30$ với 5$ tiền típ." Tôi gật, được. Vì tôi nghĩ, Kệ, làm đại, ban đầu mà, ở VN làm đầu tắt mặt tối mà một ngày chỉ được mấy đồng đô la tính theo tiền Mỹ. Ngày thứ nhất đi làm, tôi thức dậy sớm, lên chiếc xe đạp mượn của một người bạn, tôi hăm hở như thuở còn thanh niên, ngày mới ra trường Đà Lạt, ngày được đeo trên vai chiếc hoa mai vàng chói lọi đi trình diện đơn vị mới, nay thì trình diện cô chủ quán tuổi trạc tuổi con tôi. Vì là ngày thứ bảy nên quán rất đông khách, tôi nào rửa chén bát, lau bàn, bưng thức ăn, bưng rau, chanh ớt, đúng là một tay bồi bàn chính hiệu. Bây giờ tôi mới hiểu nỗi xót xa của những con người đã có một thời kỳ vang bóng mà phải làm những công việc như thế này. Nhưng với tôi thì không, trong gần bảy năm tù tôi đã phải khiêng biết bao nhiêu thùng phân người còn tươi rói đi bón rau xanh, cuốc biết bao nhiêu thước đất để trồng cao su, trồng lúa ở vùng Long Khánh, Long Giao mà có được trả đồng xu teng nào đâu, lại còn phải ăn  toàn  khoai mì lát đầy  độc tố.  Rồi những ngày được trở về với gia đình sống lây lất ở Sài Gòn, tôi đã làm biết bao nhiêu nghề khổ nhọc, đi chẻ củi thuê, chạy xích lô, vá xe đạp lề đường, bán bánh tiêu, bánh bò dạo... Bây giờ được làm như thế nầy còn sướng hơn gấp trăm lần đi chứ. Ngày đầu tiên được lãnh 35$ đô la, tôi nghe sung sướng lạ lùng. Tôi ngữi đồng đô la như có mùi thơm toát ra ngào ngạt, tôi muốn hôn vào nó quá. Đây là công sức, là sự trả giá quá đắt của 7 năm tù, của những ước mơ đâm chồi từ ngày nộp giấy tờ xin xuất cảnh. Sự ra đi là một cuộc vượt thoát từ một độc tài sang một nơi là bến bờ tự do, được trả giá bằng sự chọn lựa tự nguyện, của một ước mơ hạnh phúc. Mùi đô la thơm lừng trong trí tưởng tôi, nguyên vẹn, bừng bốc trong lòng tôi nổi khát khao một tương lai tươi sáng.

    Nhưng công việc làm bồi bàn cũng chẳng được bao lâu, đến tuần thứ... cô chủ nói, ''độ rày quán bán ế quá, tuần sau chú nghỉ, khi nào cần sẽ gọi chú.'' Tôi buồn bã trở về. Một người cùng phụ việc nói với tôi, ''Chú làm chậm quá, cổ không mướn, cổ nói mướn Mễ còn hơn.'' Tôi hiểu chuyện đó cũng bình thường, hồi ở Việt Nam tôi đã đọc một số báo có bài viết nói về những người lớn tuổi, thường gặp trở ngại về công việc làm ở Mỹ, nhưng tôi còn trẻ mà, chưa quá năm mươi, làm sao mà già được. Sau đó tôi còn làm một vài công việc khác nữa, như đi cắt chỉ ở các shop may VN, ủi đồ, làm final, cũng tạm sống qua ngày, nhưng với giá thuê nhà đắt đỏ ở Cali làm sao dư dả nổi. 

    Tôi nhớ lời hứa với chị tôi trước ngày lên máy bay, ''Điều em quan tâm đầu tiên khi đến Mỹ là khi làm có một ít tiền, em sẽ gởi về cho chị xây mả cho cha mẹ ông bà.'' Điều ước vọng đó bây giờ đã quá lâu. Tôi đã bỏ Cali đi đến tiểu bang Iowa làm công nhân trong hãng thịt heo. Thật sự thì tôi muốn kiếm tiền để làm tròn ước nguyện. Chiếc xe buýt chở tôi qua những chặng đường, Las Vegas, Colorado, Denver, Sioux City, Des Moines, rồi Waterloo. Tôi đã nhìn thấy những phồn vinh, những vĩ đại của nước Mỹ, những highway dài tít tắp, những núi đá hùng vĩ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Rồi tôi được gặp những người Mỹ hiền lành, tốt bụng và tôi an tâm sống.

    Tôi đã sống ở nơi đó qua những mùa đông dài, rét cóng. Tuyết rơi đày trên đường đi và vùi dập thành phố trong ba bốn tháng. Mùa tuyết, mùa của lạnh lẻo tột cùng, mùa của giá băng. Đường đi từ bãi đậu xe đến cửa ra vào hãng chưa đầy hai trăm mét mà nghe rét cóng. Cái lạnh tột cùng ở đây làm tôi sợ hãi, những lá cây chuyển từ đỏ sang vàng và rụng đầy đường đi. Trời lạnh cóng, buổi sáng thức dậy đi làm phải mặc ba bốn lớp áo, ra mở cửa xe bị chặt cứng vì tuyết đóng. Nhưng những ngày này sẽ qua đi và sang xuân cây lá sẽ đâm chồi nẩy lộc. Cũng như ở VN, ở quê tôi, mùa đông giá buốt sẽ qua đi và Tết sẽ đến. Chợ Quán Rường, chợ Hà Lam, chợ Tam Kỳ sẽ đầy đặc người đi chợ Tết, từ sáng tinh sương vẫn lủ lượt bao người gánh gồng tất tả ngược xuôi. Cuộc sống của dân ta ở quê mình suốt đời là vậy. Ơi thương nhớ quá đi thôi.

   Lần trở về mới đây, trên căn nhà cũ, tôi với vợ chồng anh chị Phong - Tân, đứng trước bàn thờ cha mẹ, đứng trước ngôi mộ mới xây, đi qua chợ Quán Rường, khu nhà ga, đường rầy xe lửa. Tôi thấy lòng vẫn còn như những nhát dao đâm. Lòng không thảnh thơi, không hạnh phúc. Cái nơi chốn ấy đã hóa loãng trong tôi. Đi thì nhớ nhưng chắc là không ở lại được, không sống được. Tôi, như nhà thơ Tô Thuỳ Yên trong bài thơ ''Ta Về''. Tôi xin chép ra đây một số đoạn "sao giống tôi quá":

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay,
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu nầy.
.......................................................

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.
Ai gọi ai đi ngoài quảng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?
........................................................

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi.
......................................................

Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa
Đêm chưa khuya lắm, hởi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Bước chạm khua từng nỗi xót xa.
(Ta về, Tô Thùy Yên )


Trần Yên Hòa