Wednesday, April 2, 2014

678. LÊ HUỲNH LÂM Họa sĩ Đinh Cường - Khu vườn lộng lẫy của những cung bậc ký ức



LÊ HUỲNH LÂM
Họa sĩ Đinh Cường - Khu vườn lộng lẫy của những cung bậc ký ức


đốm lửa miền đồi núi
sơn dầu trên vải bố 30 x 40 in
dinhcuong 1996


Đinh Cường là một trong những bậc thầy về sơn dầu của thế hệ trước còn lại. Ông sáng tác đều đặn non nửa thế kỷ này; để Trịnh Công Sơn, một người bạn yêu quý của ông phải thốt ra lời:

 “Có một kẻ lì ợm đam mê kỷ niệm. Nơi tâm hồn hắn, tôi sững sờ bắt gặp đứa bạn trẻ trung ngày xưa. Trên mảnh đất riêng tư, âm vang hơn mười năm kia vẫn còn tươi tắn. Nếu biết khóc, hãy yếu lòng vào những phút này, nơi mà lòng ngưỡng vọng còn nguyên vẹn về một đóa quỳ, một loài chim lạ, một con đường hiu hắt sương mù... Ðinh Cường chính là kẻ không chịu lãng quên đó. Cường vừa ra đi vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa: “Nhớ không Sơn rượu chiều Ðơn Dương bạn cùng ta uống cạn...” Biết trở về cũng là cách tri ân những hội ngộ trong đời”.

Kỷ niệm là một phần của cuộc sống, là khu vườn bí mật của mỗi người. Nhưng với nghệ sĩ, kỷ niệm còn là chất liệu để chuyển hóa vào hiện tại và tái tạo tương lai. Tranh Đinh Cường có thể chia làm những chương đoạn như trong bản giao hưởng định mệnh của Ludwig van Beethoven.


Thiếu nữ, nhà thờ và phố núi

Cái khởi nguyên ám ảnh họa sĩ Đinh Cường có lẽ là hình ảnh người con gái, những gương mặt trầm buồn, một nỗi buồn tinh khôi đã được ông diễn tả bằng vệt màu thật nhẹ trên khuôn mặt, với cái cổ cao và mái tóc dài, những ngón tay dài, dáng gầy guộc hiển hiện giữa một không gian của mùa mộng mơ. Điều đặc biệt là mỗi gương mặt người thiếu nữ trong bức tranh của ông đều khác nhau. Như bức “Thiếu nữ trên đồi Domaine de Marie - Đà Lạt” là hình ảnh người con gái đang hướng về một cõi chờ mong với màu xanh làm chủ đạo đã gợi lên một không gian của nỗi nhớ. Bức “Thiếu nữ trong thành nội” không gian đã bị bó hẹp trong thế giới của cuộc sống thường ngày, nhưng gương mặt người con gái vẫn gợi lên một nỗi sầu muộn của niềm khát khao về thế giới bên ngoài bốn bức tường thành. Hay trong bức “nỗi nhớ” là cả một mảng xám của ký ức và hình ảnh thiếu nữ đang nghiêng nhìn vào một khoảng trống.


Thiếu nữ trên đồi 
Domaine De Marie Đà Lạt
dinhcuong

Thiếu nữ trong Thành Nội
dinhcuong

Nỗi nhớ
dinhcuong


Một mô tuýp không thể không nhắc đến trong tranh Đinh Cường là những con phố núi, những dáng cây vút cao ẩn hiện trong không gian bàng bạc khói sương đó là bóng dáng ngôi nhà thờ xa xa tạo ra một cảm giác bình yên nơi người xem. Như bức Đà Lạt gợi lên cả một sự yên tĩnh nội tâm được ông diễn đạt cùng với cảnh vật bên ngoài, qua những đường cong rất mềm.

Phong cảnh trong tranh của Đinh Cường hòa quyện vào nhau giữa người và cảnh vật. Những dáng cây, nhà thờ, những ngọn đồi, một vệt mây, mảnh trăng và hình bóng người con gái,... tâm và vật, thiên nhiên và con người đã tạo nên một nỗi buồn thật nhẹ như trong bức “Nguyện 
cầu”.


Nguyện cầu
dinhcuong

Chân dung những người bạn

Có thể nói rằng Đinh Cường là người vẽ chân dung vào hạng bậc nhất, ông thường vẽ những người bạn, những người làm văn nghệ. Chân dung của mọi người được ông diễn đạt tâm trạng qua từng thời điểm, rồi có bức diễn tả trọn vẹn tâm thức của đối tượng được vẽ. Như những vẻ mặt của thi sĩ Bùi Giáng, khi hốt hoảng, khi tung hê, có những phút giây tĩnh tại, có gương mặt xuất thần, có những thời khắc như trẻ con, nhưng chân dung toát lên một sự phá thể cuộc sống là bao quát nhất cho nhân vật Bùi Giáng. Chân dung mà họa sĩ Đinh Cường vẽ nhiều nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Xám là tông màu chủ đạo, mỗi gương mặt người nhạc sĩ tài hoa này được họa sĩ Đinh Cường khắc họa qua từng nét cọ, từng lớp màu. Mỗi lớp màu như lột tả được trạng thái của trái tim Trịnh Công Sơn. Hầu hết là một gương mặt buồn, một sự chìm đắm trong suy tưởng.



Chân dungTrịnh Công Sơn
dinhcuong

Ngoài ra ông còn vẽ chân dung của những văn nghệ sĩ như: Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ, Bửu Ý, Đặng Tiến, Đỗ Long Vân, Dương Nghiễm Mậu, Du Tử Lê, Khánh Ly, Lê Uyên Phương, Lê Uyên, Mai Thảo, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Duy, Phạm Công Thiện, Quách Thoại, Thạch Lam, Thái Bá Vân, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, Tuệ Sỹ,... và những bức tự họa chân dung mình.

Vẽ chân dung như Đinh Cường, cũng chính là vẽ dòng tâm biến hiện trong tâm thức người nghệ sĩ. Qua chân dung của mỗi nghệ sĩ ông đã cho người xem thấy được tâm thức của thời đại qua cảm thức của mỗi văn nghệ sĩ. Vẽ chân dung một người cũng là vẽ chính mình, vẽ về một nỗi nhớ, một phần của cuộc sống này.


Đóa hoa của sắc màu trừu tượng

Một dòng tranh của ông đã khiến người xem bước ra ngoài sự đặt định về một Đinh Cường hiền hậu trong nghệ thuật, đó những những tác phẩm trừu tượng, những bức tranh siêu nghiệm.

Những bức trừu tượng của ông dẫn dắt người xem vào thế giới phi hình thể, ở đó chỉ có màu sắc, không có khái niệm về sự vật, không có những gợi tưởng đến sự thành hình của đồ vật. Tất cả như đã bị hút vào trong một khoảng trống, người xem như đang trở về thời hỗn mang của cái đẹp, đó chính là đóa hoa đầu tiên của vụ trụ này. Như trong bức “Thành phố vàng” hay tác phẩm “Trăng sao và đá tảng” hoặc là “Đi đâu về đâu”.


Trăng, sao và đá tảng
dinhcuong

Đi đâu về đâu
dinhcuong

Niềm mong mỏi một cảnh giới yên bình

Một số tác phẩm của ông vẽ về chủ đề tôn giáo, như bức “Niệm” với dòng chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT viết trên bức tranh, người xem lại cảm nhận một sự rối rắm của những mảng trắng, xanh, hồng bên trong khoảng xám đen như muốn diễn đạt tâm thức rối bời của con người cần được tịnh lại qua lời niệm Phật. Trong bức “Dâng” đã dẫn đưa người xem về với thế giới thầm kín nội tâm, một niềm tin gửi trọn vào đấng cứu rỗi, qua từng cử chỉ của một tìn đồ. Hay bức “Phật chỉ trăng” gợi lên cho người xem về một công án thiền, một lời dạy của đức Phật Thích Ca giữa thế giới của đêm tối, chỉ còn lại một ánh trăng, một ngón tay và thấp thoáng xa xa là ngôi nhà của linh hồn đang chờ đón.


Niệm
dinhcuong

Dâng
dinhcuong

Phật chỉ trăng
dinhcuong

Trong một vài tác phẩm nuy của Đinh Cường, hiện lên cái đẹp của sự thánh thiện, vẻ đẹp trên cơ thể người con gái trong sáng đến lạ thường, tác phẩm nuy của ông không gợi cho người xem về ham muốn của bản năng, của dục vọng.


Pink nude 
dinhcuong

Người vẽ những bài thơ nhẹ nhàng

Thời gian sau này, ông làm thơ nhiều và đều, thơ ông in trên các trang mạng, hầu hết là cảm xúc hoài niệm, tôi cảm giác thơ ông như một dòng suối vô tận cứ chảy miết vào thung lũng tình yêu, nơi đó là những vệt nhớ xa xăm gợn lên hoặc những ký ức của ngày hôm qua hiện về, ông làm thơ như vẽ, thay vì sử dụng cọ, sơn dầu và toan thì ông lại dùng computer hoặc cây viết và tờ giấy.

Còn nhớ lần triển lãm của ông cùng với Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh ở Chiêu Ê vào một buổi chiều mùa thu năm 2010. Tôi xin chữ ký, ông nhìn không thấy cuốn sổ, tôi cúi người đưa lưng trước mặt ông và ông đã ký trên chiếc áo của tôi, rồi sau đó là Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh cũng ký. Đó cũng là một hồi ức của tôi về ông trong lần gặp duy nhất. Cũng như lời ông đã nói, tôi cũng chỉ cảm nhận tranh ông (hầu hết là qua internet), để hiểu rằng cuộc đời của nghệ sĩ cũng như một bản giao hưởng. Trong ca khúc “Tình xa” của Trịnh Công Sơn có câu “Đôi khi ta lắng nghe ta”; cũng như vậy, họa sĩ Đinh Cường đã “trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểuNhưng để làm được điều đó chúng ta phải tập quên. Quả là quá khó để quên cả chính mình.


Lê Huỳnh Lâm