Wednesday, February 19, 2014

588. PHẠM CAO HOÀNG Tôi còn nợ anh một chuyến trở về



Chiều nay, đi làm về, như thường lệ, việc đầu tiên là mở computer và check hộp thư email.  Bạn bè từ Sài Gòn báo tin nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh vừa qua đời.

Không bất ngờ (vì hai hôm trước qua điện thoại Nguyên Minh cho biết Chu Trầm Nguyên Minh đang nằm trong bệnh viện - rất yếu) nhưng tôi vẫn thấy trong lòng mình gợn lên một nỗi buồn khó tả. Nguyên Minh có cho biết anh và nhóm Quán Văn đang thực hiện một cuốn sách bao gồm những bài viết về Chu Trầm Nguyên Minh để tặng anh trong lúc anh đang nằm viện. Nhưng không kịp rồi, chiều 19.2.2014,  Chu Trầm Nguyên Minh đã thực sự ra đi.

Tôi gặp Chu Trầm Nguyên Minh trước 1975, ở Phan Rang, không nhiều lần lắm. Sau 1975 thất lạc, không còn liên lạc với anh cho đến tháng 8.2012 mới nối lại liên lạc. Khoảng thời gian mất liên lạc gần 40 năm đó cũng là khoảng thời gian anh không tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Như có một cái duyên nào đó, khi nối lại liên lạc, anh tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc đời anh. Dựa vào tâm sự của anh, tôi đã viết bài tạp bút CHU TRẦM NGUYÊN MINH, TÁC GIẢ BÀI THƠ LỜI TÌNH BUỒN. Tôi đặc biệt chú trọng  đến phần anh kể về thời thơ ấu và thời ở quân trường Thủ Đức – khi bài hát LỜI TÌNH BUỒN được Vũ Thành An phổ nhạc từ thơ của anh và bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Chu Trầm Nguyên Mình có một thời thơ ấu rất đặc biệt. Cha anh đi kháng chiến, thỉnh thoảng mới tạt về thăm nhà. Ở nhà, chỉ còn lại người mẹ tảo tần nuôi dưỡng 5 người con: Chu Trầm Nguyên Minh, ba người chị, và một cậu em trai. Gia đình anh có một căn nhà gạch chắc chắn, nhưng cha anh quyết định đập bỏ, vì “nhà kiên cố Tây nó sẽ lấy để làm đồn bót, thà đập đi còn hơn”. Sau đó, mẹ anh đưa các con vào sống trong khu tam giác Phan Thiết – Ma Lâm – Mưòng Mán. Đây là vùng “xôi đậu”, thuộc khu “oanh kích tự do”, và em trai anh đã chết ở nơi này vì một quả đạn mọt-chê. Đầu năm 1953, Pháp mở cuộc càn quét dữ dội vào khu Tam Giác. Cả cha lẫn mẹ của anh đều bị giết trong cuộc càn quét này. Cha mẹ không còn, nhà cửa không còn, mấy chị em cùng một số người khác kéo nhau vào khu rừng Đá Bàn giáp ranh với Lâm Đồng, sống trong bụi cây như người rừng.

Về bài thơ LỜI TÌNH BUỒN anh gửi cho tôi có câu này : “Phúc yêu em dấu lần quá khứ”.

Tôi hỏi anh “phúc” hay là “phút”. Anh cho biết chữ anh dùng trong bài thơ là “phúc”, ngụ ý “được yêu em là một niềm hạnh phúc”, khi chuyển thành nhạc, các ca sĩ hát là “phút”.  Anh cũng không phiền hà gì về chuyện này vì chữ “phút” nghe cũng thuận tai. LỜI TÌNH BUỒN là một trong những bài hát gắn liền với thế hệ chiến tranh, giai đoạn từ 1967 đến khi kết thúc cuộc chiến. Đã gần 50 năm rồi nghe đi nghe lại vẫn không chán. Chiều nay nghe lại bài hát này tôi đã không cầm được nước mắt khi nhớ về người anh/ người bạn vừa ra đi..

Rất nhiều lần anh emai nhắc tôi trở về Sài Gòn để anh gặp một lần, nhưng chưa kịp thì anh không còn nữa. Với anh, tôi còn nợ anh một chuyến trở về. Tôi ước gì có đôi cánh để bay về Việt Nam ngay lúc này cùng bạn bè và người thân đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng làm sao được, anh Chu Trầm Nguyên Minh ơi!

PHẠM CAO HOÀNG
Virginia, February 19, 2014

Chu Trầm Nguyên Minh lúc còn trẻ
(Ảnh tư liệu PCH)