Tết năm nay, ở An Nhơn bà con chơi hoa
có phần giảm hơn mấy năm trước nhưng hầu như nhà nào cũng có…hoa để đón Xuân, ăn
Tết! Trận lũ lụt lích sử hôm tháng 11 cũng đã gây ảnh hưởng cho nhiều gia đình,
nhất là vùng nông thôn, “ăn Tết” không mấy vui!
Tuy vậy hoa vẫn được chưng bày dọc các ngã phố, công
viên, rất sớm. Qua ngày rằm, đã có hoa từ các nơi chở về, nhất là từ Đà Lạt, Hà
Nội, Sài Gòn…Đó là những mặt hàng hoa lạ, ít được trồng ở An Nhơn, Bình Định.
Từ ngày hai mươi tháng chạp các “lò” hoa trong thị xã đã có thương lái đến mua
sỉ. chở dần đi An Khê, Gia Lai, Kontum, Quảng Ngãi, Phú Yên, nhất là cúc và mai.
Những chậu hoa mai ít nhất từ 5 năm
tuổi đến vài chục năm tuổi, đã được tập trung về điểm bán hoa cây cảnh ở các
thị trấn, thị xã trong tỉnh, ngoài tỉnh, có giá từ vài trăm ngàn đến vài chục
triệu. Trong lúc đó, một chậu địa lan ở Hà nội đã được bán với giá 42 triệu
đồng. thấp cũng nằm ngang giá hai ba chục chục triệu!
Một chậu hoa cúc đẹp, kín chân, hoa
nhiều, to, và sum suê búp sẽ nở, đã lên đến vài trăm ngàn vào ngày 27! Gần ngày
giáp Tết, từ 29 đến 30, giá hoa cúc đã tụt dần, có chậu chỉ một trăm, hai trăm,
hay vài chục ngàn từ các điểm bán hoa ở xa, cần thanh toán đẻ kịp về đón giao
thừa. Nghe nói, có vài nơi, 12 giờ đêm ba mươi chủ bán hoa đành bỏ hoa lại, mà
trở về vì khách đã vắng vẻ. Người dân ở gần chưa có hoa thấy tiếc, cũng khiêng về một chậu
chưng ở hiên nhà, trong giờ giao thừa. Đó là những chậu hoa cúc “mặc váy”
(trống chân, vì lũ lụt), nên không được khách ưa chuộng.
Vợ chồng đứa con trai út đang dạy học
ở Tuy Phước vẫn mang con về ăn Tết với tôi vài hôm như mọi năm cho nhà đỡ trống
trải. Trong các khoản chi phí, “ngân khoản” dành cho hoa là rất khiêm nhường.
Chủ yếu là lọ hoa chưng ở bàn khách, các lọ hoa nhỏ ở bốn bàn thờ; ngoài ra hoa
để “làm đẹp” nhà cửa hay để “ngắm chơi” là không cần thiết.
Muốn có cái đẹp thì cũng phải tốn từ
vài trăm ngàn đến bạc triệu. Thiên hạ đã yêu cái đẹp nên có nhà đã chi từ vài
triệu đến vài chục triệu để đem cái đẹp về nhà dịp đầu năm mới. Cái đẹp nào
cũng có cái giá của nó. Tuy không đem cái
đẹp về nhà được nhưng nhìn thấy thiên hạ hớn hở nhiệt tình với cái đẹp tôi cũng thấy lòng ấm áp đôi chút. Cái đẹp
được trân trọng, yêu quý là một nét văn hóa rất cần được phát triển, ca ngợi;
bởi nó là một phần của những tâm hồn yêu mến cái thiện, cái chân! Trong một đất
nước, cái đẹp luôn được tôn trọng và phát huy, thì đời sống của tất cả sẽ dễ
chịu, tốt đẹp, và hạnh phúc. (Ngược lại, thì phiền muộn, khổ đau và bất hạnh!).
Nhìn lại, thiên hạ có thể bỏ ra vài
chục triệu vì một chậu hoa đẹp, nhưng buồn thay, không thể bỏ ra được một trăm
ngàn hay vài chục ngàn để mua một quyển sách hay, hay một tờ tạp chí xuân giá
trị. Quyển sách hay chứa đựng biết bao cái đẹp, lâu dài, có ảnh hưởng trực tiếp
đến đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn (…) nhưng đã bị lãng quên! Người ta chuộng cái
đẹp dễ trông thấy, ai cũng thấy, vừa để khoe cùng bà con chòm xóm, vừa để tự
hào về khả năng chọn lựa cái đẹp của mình! Trong lúc ấy, sách chất chứa bao
nhiêu cái đẹp, đành rằng những trang sách không tỏa hương, không
khoe sắc như hoa, nhưng cái “hương sắc” của những trang sách hay là bất tận.
Thiên hạ đã không còn có thời gian để tìm đến cái đẹp tìềm ẩn, sâu thẳm, vĩnh
cửu cho tâm hồn nữa hay sao?. Nếu vậy, thi còn gì buồn hơn!
Chiều 29, sau bữa
cúng rước Ông Bà, cậu con trai út lấy xe đi dạo một vòng phố hoa thị xã và
mang về một chậu hoa xương rồng, giá mấy chục ngàn. Cây hoa có một cành chính
cao khoảng một mét, ba cành phụ thấp hơn ở hai bên, và hai cành nhỏ cao gần hai
tấc. Đặc biệt, trên cùng mỗi cành, đều có những chùm nụ hoa, hứa hẹn nở sớm.
Lác đác trên mỗi cành đều có những chùm hoa phụ, đã nở, mầu hổng tươi. Hoa
không có hương. Còn sắc thì chẳng có gì đặc biệt như lan, mai, hồng…Nó bình dị
và tầm thường như cô thôn nữ giữa đám hoa khôi, hoa hậu rực rỡ sắc hương vậy!
Ngày 30 các chùm hoa trên cùng mỗi cành lớn đều hé nở dần. Ngày mồng một, hoa nở đều ở mỗi cành lớn và các cành
phụ. Nhìn lại, cảm thấy chậu hoa cũng có nhiều nét rất lạ: thân cây đầy gai góc
nhọn, ở giữa hay trên cùng những cánh hoa nở đỏ. Những chùm hoa, cánh hoa y như
xuất hiện bất chợt từ nổi bất hạnh cùng cực của một thân thể xương xẩu, khô
cằn, tội nghiệp!
Sau lễ cúng giao thừa và đi xuất hành
đầu năm, tôi pha bình trà nhỏ, kê chiếc bàn thấp cạnh chậu hoa xương rồng được
dặt ở góc hiên nhà, ngắm nhìn nó. Tôi bỗng phát hiện ra những cánh hoa tươi
thắm lẻ loi rải rác trên thân cây gai góc xù xì! Nhìn gần, hoa được nở ra từ
mũi một cây gai nhọn. Từ đầu cái gai nhọn ấy, một cánh hoa lại nở đỏ tươi, như
một thông điệp mầu nhiệm của đời sống: “Trong
nổi khổ đau, bất hạnh vẫn luôn có thể nở đóa hoa vi diệu cho đời “
Tôi đưa tay sờ nhẹ lên từng cánh hoa
lẻ loi mềm mại dễ thương ấy trên đầu mỗi cây gai như được sờ vào niềm hạnh phúc
hiếm hoi của đời mình và bổng nhớ đến bài “tụng” của ngài Hoàng Bá Hy Vân: “Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt/ tranh đắc
mai hoa phốc tỷ hương” (Chẳng phải
một phen xương buốt lạnh/ Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương). Không có cái thân
xù xì gai nhọn kia làm sao có được cánh hoa xinh xắn mầu nhiệm nở trên ngọn gai
như một thách thức, một niềm kiêu hãnh?
Ngồi ngắm cánh hoa nhỏ hồng tươi, an nhiên
trên cây gai nhọn, tôi tự an ủi mình và cảm thấy “cái đẹp” của cây hoa xương rồng là vô giá! Giống như cái giá phải trả từ nỗi gian truân một đời, để có cái
đẹp hiến dâng. Cây hoa xương rồng bỏ ở góc hiên nhà không ai thèm lấy vì chỉ
đáng giá vài chục ngàn đồng nhưng giữa cái tầm thường và bình thưởng ấy cây
hoa xương rồng đã cho tôi nhìn thấy “cái đẹp” một cách trọn vẹn, chân xác hơn
bao giờ! Tôi cũng nhận ra một bài học đầu năm rất ý nghĩa, cho cuộc đời thăng
trầm, lận đận của mình: “Hãy nở hoa trên
cuộc đời gai góc!”
Tôi thầm nghĩ: mãi mãi sau này, cho
dầu mùa xuân sẽ đi qua ,cây hoa xương rồng ở góc hiên nhà có thể già cỗi và
khô chết, nhưng trong tôi niềm xúc cảm vẫn luôn tràn đầy, mới lạ và nhắc nhở, an ủi tôi trên bước đường chông
gai hướng về cái đẹp vĩnh cửu.
Khai bút đàu năm
Mồng 6 Tết Giáp Ngọ
(5 tháng 2 năm 2014)
MANG VIÊN LONG
5 6 2