Monday, February 3, 2014

549. NGUYỄN TƯỜNG GIANG Cái ấm đất và bộ chén trà Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam





NGUYỄN TƯỜNG GIANG
Cái ấm đất và bộ chén trà
Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam





Tôi thừa hưởng cái ấm trà và bộ chén trà từ ngày mẹ tôi mất. Hàng năm anh tôi vẫn làm giỗ Thạch Lam và nhiều năm chúng tôi cũng không quên để bộ đồ trà trên bàn cúng. Chúng tôi vẫn coi ngày giỗ là ngày tụ họp trong gia đình và họ hàng thân quen, và sự gặp gỡ bây giờ lại là ngày chúng tôi nhắc nhở nhiều đến mẹ chúng tôi hơn là Thạch Lam. Chúng tôi hay nhắc nhở tới những thức ăn cúng bà sửa soạn một cách chu đáo và ngậm ngùi, như bà đang sửa soạn bữa ăn hàng ngày cho Thạch Lam và không bao giờ bà quên mua một bó hoa cẩm chướng để tưởng nhớ người xưa. Chúng tôi cũng không quên rót đầy hai chén trà để lên bàn cúng và cái ấm trà hiện diện  như một phần đời của Thạch Lam. Tại sao tôi lại được giữ bộ đồ trà, có lẽ là khi mẹ tôi mất đi, anh tôi vẫn còn độc thân và vợ tôi đã sinh cho bà ba đứa cháu nội. Tôi có đôi lần mang cái ấm trà ra ngắm nghía, nhất là sau khi đã đọc khá nhiều lần cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Khi đọc đến đoạn văn: “Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức mầu gan gà. Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy”, tôi cũng tò mò nhìn vào lòng cái ấm đất xem có mấy lớp cao và cũng có lần úp ấm trà xuống bìa một cuốn sách để xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm có cắn sát vào mặt bằng của bìa sách hay không, và đôi lần cầu kỳ hơn, thả cái ấm trà vào chậu nước xem có nổi đều, cân nhau không triềng như Nguyễn Tuân đã mô tả trong truyện “Những Chiếc Ấm Đất”.



5 4 9