Sunday, November 17, 2013

428. PHẠM VĂN NHÀN Từ Thế Mộng với Dáng Mẹ Trăm Chiều



Bình minh trên biển Phan Thiết  (Nguồn: anhso.net




“Ta đưa ống sáo nâng ngang mày
Chào tuốt người thương và kẻ ghét”
(Từ Thế Mộng)


“ Thưa má, từ má lòng bàn tay dìu dắt, con đâu còn sợ ai. cái xấu nảy mầm. Tâm hồn con nảy toàn cây trái cấm.”.

Câu văn ngắn ở trên anh viết trong một tùy bút mang  tựa đề mà tôi chọn để viết về anh: Dáng Mẹ Trăm Chiều. Từ lâu, nhiều bạn bè khi nói đến anh là nghĩ: anh chỉ làm thơ. Không, với tôi, chẳng những anh làm thơ mà còn viết văn ( tùy bút ) nữa.  Những bài tùy bút anh viết thường rất ngắn, với những câu cũng vậy, ngắn , không dài lê thê. Với anh, chỗ nào phết ra phết, chỗ nào chấm ra chấm, đắn đo từng con chữ, từng câu văn rất chừng mực. Không thừa không thiếu. Bài văn vẫn xúc tích, đập vào tâm thức của người đọc. Có lẽ cũng từ một câu văn ngắn ở trên, trong bài Dáng Mẹ Trăm Chiều mà trong suốt cuộc đời " cái vòng danh lợi cong cong ấy "  anh sống rất chững chạc, tin tưởng. Lúc nào cũng nhìn thẳng với những bước đi vững chắc trên đường đời, cho dù có lắm nhiều chông gai: Cái xấu nảy mầm chung quanh anh, nhưng tâm hồn  anh nảy toàn cây trái cấm.

Những tùy bút anh viết gởi cho tôi năm nào còn giữ đó. Gần mười năm rồi thì phải. Như một kỷ niệm khó quên. Những trang giấy pelure anh viết từ màu trắng nay chuyển sang màu ngà . Trắng hay ngà đối với tôi không thành vấn đề, mà , từ trong những trang giấy đó của anh, tôi có nhiều kỷ niệm. Nhiều lắm, như những đêm anh đội mưa qua  ngôi nhà vợ chồng tôi thuê mướn , sau khi tôi ra khỏi trại cải tạo trở về. Từ nơi hành lang của ngôi nhà thuê đó, là chỗ ở của gia đình tôi. Ngày nắng chói chang. Đêm mưa lạnh cóng. Đời còn có chỗ nào buồn hơn chỗ chúng tôi ở? Anh đến mỗi đêm không như những bạn bè nghe tin tôi được về đến thăm, mà, anh đến với chúng tôi trong tình của người anh. Có anh an ủi phần nào. Trong ánh sáng yếu ớt hắt vào từ ngọn đèn đường vàng kệch ở đầu ngõ, không đủ soi sáng gương mặt của mỗi người trong  khoảng rất ngắn và hẹp của hành lang, anh ngồi đó với tôi hằng đêm ít nói, thỉnh thoảng nâng  ly trà nhỏ hớp từng ngụm trà nóng mà vợ tôi lục đục nấu từ sau cái chái nhà của người cho thuê, tối om đầy bồ hóng, chỉ được sáng lên bằng những que củi đốt . Đêm vẫn dày đặc bên ngoài với tiếng muỗi vo ve. Thế mà tôi với anh cũng chẳng buồn đuổi đám muỗi đói đó đi. Đời thật buồn. Còn gì buồn hơn khi tôi đã hoàn toàn trắng tay, và anh cũng thế.  Cái nghèo, cái đói lại trở về với chúng tôi khi vầng trăng chênh chếch trên đầu gần bốn mươi tuổi. Anh hơn tôi nhiều, có lẽ lúc đó cũng gần năm mươi ? Không còn gì để mơ, để mộng, mà phải đi ngay vào thực tế thì hơn. Mà đi như thế nào đây mới gọi là thực tế ? Nơi hành lang của ngôi nhà trọ vào những đêm năm nào đó vẫn còn nhớ như in mà tôi vẫn cất giữ trong trung khu não bộ, mỗi lần nghĩ tới anh là đem ra để nhớ. Nhớ về anh. Nhớ về một dòng sông Mường Mán nơi quê nhà Phan Thiết. Cái nhớ nó ray rứt làm sao. Khó nói lắm!

Tại sao phải ngồi nơi đó anh Mộng nhỉ ? Ngồi để mà nhớ lại. Ngồi để mà vọng tưởng trong cõi nhân sinh biết rằng có đó rồi mất đó, thế mà vẫn " vọng ", vẫn " tưởng " . Lạ thật, con người vẫn không sao thoát ra khỏi cái định luật "  vô thường " này.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, muốn viết một cái gì đó về anh, chẳng lẽ chỉ có vài ba tùy bút mà anh đã gởi cho tôi trên những trang giấy pelure mỏng, đem ra làm tài liệu để viết. Có thiếu sót không ? Còn thơ của anh thì đâu mất hết rồi. Mất từ ngày hôm đó. Mất từ hôm đi trình diện theo lời gọi của chánh quyền. Mất từ nổi sợ hãi đem ra đốt trong cái thùng bằng sắt, như sợ ai thấy. Với những tập bản thảo anh viết tay có, đánh máy có. Tùy bút và thơ nhiều vô kể, và ngay cả tập thơ đầu tay làm chung với những người bạn khác của anh nữa : Tiếng Thơ Miền Trung phát hành năm 1954. Nơi quê nhà của anh thuở còn nghèo xơ xác. Tập thơ đó là tập thơ đầu đời  khi anh bắt đầu làm thơ. Anh gởi cho tôi, nói cho có vẻ một chút, anh gởi từ bên kia đường ( nhà anh ) sang bên nay đường cho tôi ( nhà tôi ). Con đường anh mang chữ Mộng trong cuộc đời anh cũng như trong bút hiệu của anh mãi sau này. Sau khi anh thay đổi nhiều lần bút hiệu khác, để rồi mộng với thực lẫn lộn với nhau, khi thì thấy anh là "  mộng " khi đọc những bài thơ anh mới viết. Khi thấy anh  " thực " khi anh không còn là mộng của  người làm thơ. Nhưng rồi, từ cái không ( không có những bài thơ của anh ) sẽ có cái có, có lẽ cũng nhờ đến một trợ duyên mà tôi có thêm được những bài thơ của anh do người bạn gởi tới, mang từ trong nước ra. Một duyên lành.         
                                   

Những bài thơ của anh tôi có hôm nay, dù chỉ vài ba bài, cũng đủ cho tôi viết  về anh, về những bạn bè mà tôi đã quen trong suốt chiều dài cuộc chiến. Không viết về anh, không được, buồn lắm. Anh còn nhớ không, từ một góc phố buồn thiu của năm nào, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt vào giữa thập niên 60. Những người bạn trở về từ một chiến trường nào đó, danh chẳng có, lợi cũng không, trở về căn nhà trong Khu Sáu ở Qui Nhơn để " dăm ba " đứa ngồi buồn hút thuốc, nhìn vầng trăng chênh chếch phía núi Ghềnh Ráng xa, nhuốm chút lạnh của sương đêm trong ngôi nhà thuê chẳng có chút tiện nghi nào mà nhìn đứa nào cũng mang mang nỗi buồn. Ngôi nhà đó đã có lần anh đến lăn xả trên tấm ra cáu bẩn để ngủ. Rồi sau này, nơi đây, cũng có Trần Hoài Thư cùng một Sư đoàn với anh trở về. Rồi nơi đây, cũng có Phạm Cao Hoàng, cũng có Lê Văn Trung, cũng có Lê Văn Ngăn, Mường Mán lại đến. Cũng có cô em Hương Diễm một thời Sư Phạm Qui Nhơn cũng đến trong tình thân anh em quý mến tôi. Dù những anh em sau này không phải là những người lính như chúng ta ( tôi, anh và THT), nhưng đã cảm thông với nhau trên tình của người cầm bút. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là những anh em lao công đào binh, cũng lăn xả vào ngôi nhà này để ở hết ngày này tháng nọ chờ lịnh ra phục dịch chiến trường. Lúc này tôi không thấy " Mộng " của anh đâu cả, mà chỉ thấy " dăm ba đứa" mới thấm được cái " thật " của đời lính chiến.

Ngôi nhà từ nơi góc phố buồn thiu đó, ở Quy Nhơn đã trở thành một kỷ niệm khó quên, cho dù hôm nay, tóc trên đầu đã bạc . Những bài thơ của anh mà người bạn vừa gởi đến, với những tùy bút anh gởi cho tôi gần mười năm nay, đủ cho đêm nay tôi không ngủ được. Trời vẫn còn khuya. Đồng hồ báo thức trên bàn viết chỉ ba giờ sáng. Phải chi nhà có  căn gác gỗ, ngồi trên đó trong cái im ắng của đêm về nhìn sao trời lấp lánh trong đêm, viết về anh để chờ sáng thì thú vị biết chừng nào. Nhưng bên này ít có ai ngồi ngắm sao trời trong đêm khuya như ở quê mình. Bởi vì nơi đây cuộc sống quá tất bật . Phải chạy đua với thời gian. Không như tôi với anh ở quê nhà dạo nào, ánh điện lờ mờ, vàng ố trên lối đi, thì bầu trời về đêm ở xóm Tỉnh Cũ mình đẹp biết mấy. Trải chiếu ra sân nằm nhìn sao đêm, rồi đếm, một ông sao, hai ông sao...hay để hồn anh dìu theo tiếng sáo mà anh trân quý " ta đưa ống sáo nâng ngang mày. Chào tuốt người thương và kẻ ghét " để rồi cứ thế để tâm hồn thanh thoát, thì tuyệt . Tôi cứ để hồn miên man nghĩ về nơi chốn xưa có dòng sông Mường Mán chia thành phố làm hai. Có Đại Nẵm. Có Phú Hội.

Nhưng  ngoài đường đang có tiếng xe chạy của những người đi làm sớm. Ba giờ sáng bên này không nghe tiếng gà gáy. Giờ này quê nhà gà đã gáy rồi phải không? Và anh đã thức dậy rồi cũng phải. Thức dậy để lo cho cái quán bên đường trước hiên nhà. Lo cho cái bếp than hồng nướng những cái bánh tráng vàng ối bỏ vào bao để giữ cho giòn. Lo cho trái ổi, miếng xoài và chai rượu đế bán cho ông đi qua bà đi lại, độ nhật qua ngày.  Ngôi quán nhỏ đó cũng không thiếu vắng tiếng cười, tiếng nói của bạn bè khi xưa, chiều buồn buồn, đạp xe lên ngồi trước hiên quán cùng  anh nhâm nhi vài cốc rượu để quên đời. Nghèo không có tiền để mở rộng quán như người ta thì thôi, dăm ba trái ổi miếng xoài bán sống qua ngày cũng được vậy. 

Lúc này anh phải đẩy cái  " thực " đi xa, để mỗi người tìm cái về cái " mộng " trong cõi đời phù phiếm.  Thế nhưng, với bài thơ: " Như Hai Giọt Nước ", anh viết cho đứa con gái đầu lòng tôi thấy " mộng " đã đi . Trong thơ chỉ thấy toàn là " thực " đến với anh. Mà tôi đã nghe được nỗi xót xa của đời người :

                    Rồi con lớn đến kỳ phải lớn
                    như hoa xinh con đến tuổi đương thì
                    nhà mình nghèo đành khơi cao ngọn bấc
                    ngọn đèn khuya lay lắt bóng con khuya

Bốn câu thơ anh làm ở trên hoàn toàn là " Thực ". Tôi hiểu, không là " Mộng " chút nào cả. Vì lúc đó, thời mà ai ai cũng phải đứng sắp hàng để mua " nhu yếu phẩm ", trong đó có dầu hỏa. Chỉ tiêu mỗi nhà một lít, có đủ không cho những đứa trẻ thơ ngồi học ? Thế mà anh vẫn cố gắng " khơi cao ngọn bấc " để nhìn con ngồi học " lay lắt bóng con khuya ".  Lúc đó, tôi không có ở trong nhà , ngôi nhà cùng chung một khuông đất với anh. Tôi đang vác tre, vác nứa, vác luôn cả những tấm PSP tháo gỡ ở phi trường quân sự Sông Mao đem về làm hàng rào chắn, ngăn không cho thân nhân, vợ con bên ngoài nhìn vào. Nhưng tôi biết ở bên ngoài có những bữa cơm đói lòng, những bữa cháo làm thèm bao tử của trẻ thơ. Nhưng dầu gì thì anh cũng còn có cái nhà để " khơi cao ngọn bấc " cho con anh, và cũng là cho cháu tôi ngồi học. Còn tôi,  thảm hơn anh nhiều lắm. Có lẽ hai cái " thảm " gặp nhau, cùng một dòng điện đâu có đẩy nhau được. Nó cùng đi  song song đó mà, nhưng chắc chắn tôi còn " thảm thê " hơn. Vì anh còn có cái nhà, còn tôi thì không, phải ra khỏi cái nhà và khuông đất cũ, nơi tôi lớn lên. Gió mưa mẹ con đùm túm nhau trên bộ ván trong ngôi nhà thuê nơi góc phố chợ dơ dáy, ruồi muỗi. Cũng ngọn đèn khơi cao ngọn bấc, mẹ chỉ cho con tập đánh vần ABC. Hai cái khổ, cái khổ nào cũng tội nghiệp.

Nhưng với anh, nỗi khổ đã theo anh khi mới vừa 12, 13 tuổi. " trời mùa đông " , " cái áo mỏng và rách ", " gió bấc thổi lồng lộng ", những hình ảnh đó gợi lên cho ta thấy với một cậu bé đang co ro trong cái lạnh của đông về. Cậu bé đó đang làm gì và nghĩ gì, ta hãy đọc một đoạn văn ngắn mà anh đã viết, như chính tôi có lần đã nghe anh nói từ lâu, từ khi tôi được anh kể cho nghe về " đoạn đường đời " mà anh đã trải qua. Với cái khổ ngày hôm đó, mẹ bịnh, máu - nhà - con nổi lên, mẹ anh nằm úp người trên manh chiếu, cũng thấy đau. Thôi thì ta nghe anh nói:

                " Ga xe lửa Phan Thiết chật ních người vào buổi trưa năm ấy. Hàng hóa tuôn từ Sài Gòn ra, từ Nha Trang vào, nhiều vô kể. Chú bé khoảng 12,13 tuổi, nhởn nhơ đi lại, cặp mắt to đen tha hồ ngó. Nhưng gầy quá. Chú đói. hai ngày nay, cha chú đánh bài thua cháy túi. Không một chén cơm vào bụng. Chỉ có cháo. Mấy toa cửa đóng bịt bùng kia chắc là gạo, đựng toàn trong bao chỉ xanh trăm ký. Chỉ cần thọc mũi dùi nhọn và bén ngót này qua khe hở dưới gầm toa, ngoáy rộng một chút, gạo sẽ chảy, không ào ạt, nhưng từ tốn, đều đặn. Chiếc mũ bèo nhèo lập tức được chìa ra hứng. Không nên ham hố lấy nhiều dễ bị lộ. Miết nhẹ mũi dùi hai ba lần lên chỗ bao bị chọc thủng, lỗ bao sẽ kín lại ngay. Đó là nghề riêng của " chàng ". Chú bỗng cảm thấy đói. Làm như gạo đã có sẵn trong túi ".

Đọc  đoạn văn trên, tôi chưa thấy đứa bé nào ở cái tuổi 12, 13 đã có " ngón nghề " mà anh nói là nghề của " chàng ". Có lẽ tôi còn nhỏ quá. Cái tuổi còn đòi ăn, đòi uống của tôi làm sao hiểu được việc làm của một cậu bé 12.13 tuổi đời như anh. Nếu lúc đó anh dẫn tôi theo, làm cái " nghề của chàng " đó, thì chắc là, cũng chỉ vừa đủ để anh cho tôi cầm cái nón bèo nhèo của anh, thủ sẵn trên tay để mà chạy... nếu có hữu sự. Để rồi:
             " Trời mùa đông, gió lạnh gớm. Cái áo mỏng manh và rách không đủ che kín bộ xương cách trí của chú. Quần ngắn cũn, thỉnh thoảng chú lấy tay kéo kéo, sợ tụt mất. Gió bấc thổi lồng lộng. Chà, lạnh thế này, mà chịu gì nổi. Chắc má khóc dữ lắm. Cục máu - nhà - con cứ đợi lạnh là nổi chồm lên trong bụng má. Má nằm úp, đau vật vã....".

Văn ngắn, gọn, nhưng đầy cảm xúc, gợi lên hình ảnh rõ ràng. " Chà " tiếng chặc lưỡi như xuýt xoa bởi ngọn đông phong thổi hắt vào một thân thể gầy còm, thiếu ăn của anh. Vả lại đã mấy ngày nay không có gạo, chỉ ăn toàn cháo. Tiếng " chà " đó là tiếng xuýt xoa của một cậu bé con  nhà nghèo biết lo, nhìn cảnh đất trời vào đông lạnh ngắt như thế mà cũng phải tự đi tìm kiếm một cái gì đó, như gạo, " chú bỗng cảm thấy đói ". Tôi lại liên tưởng đến " Anh phải sống " của nhà văn Khái Hưng, nhưng có khác ở chỗ là vợ chồng bác phó Thức trong " Anh phải sống " lo cho mấy đứa con: Thằng Bò. Cái Nhớn. Cái Bé, cũng vì nghèo. Còn anh, đã mấy ngày không có hột cơm, chỉ có cháo, mẹ lại đau, cứ mỗi lần lạnh là máu - nhà - con nổi dậy. Mẹ nằm một chỗ, còn anh mới 12, 13 tuổi, đói quá phải bương chãi kiếm cái ăn đem về ( mà mẹ nào có cho như thế ). Nhưng đến khi mẹ anh biết hành động của anh làm " ra nhà ga kiếm sống  " đó, thì bị " Cốc. Cốc " trên đầu, và bà vứt hết tất cả . Bà hổn hển: " Đồ ăn cắp! Quân đội đầu xe lửa. Mi...Mi ...".  Nếu ai lúc đó mà nhìn thấy anh, ngắm cảnh nghèo khó của anh, chắc cũng đau lòng.

Thế mà, trong anh " tâm hồn con nảy toàn cây trái cấm " . Đúng vậy. Những năm tiếp theo anh vào đời với mảnh bằng sư phạm, đổi lên miền Thượng dạy học trên Lâm Đồng, Di Linh. Lớp học chỉ dăm ba đứa học trò người Thượng, nay học mai nghỉ, trường lớp không bằng rẫy nương đối với những em bé người Thượng đó. Thế mà anh, chiều nào đi dạy về cũng phải mua khoảng chục trứng hột gà hay hột vịt, tối luộc, để sáng hôm sau mang vào lớp dụ cho các em đó có cái ăn mà ham học. Có phải tâm hồn anh nảy toàn cây trái cấm đó không? Những năm tháng anh ở miền cao, tôi định lên thăm anh, thì anh lại về miền xuôi. Đứa con gái đầu lòng của anh ra đời, như trứng mỏng anh cưng, cha con như hai giọt nước nào có khác gì đâu khi nhìn tới. Con lớn lên, vợ chồng anh chưa nhìn thấy chút gì để cho lòng hả dạ, khi mỗi đêm, anh ngồi " khơi cao ngọn bấc " để:

                   Đèn soi lối đưa con vào đại học
                   gót ung dung bước nhỏ trên đời
                   ba ngẩng đầu lên nhưng lòng vẫn ngậm ngùi
                   các em con: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc
                   để con đi con học nên người

                   Con học toán nhớ nhiều công thức quá
                   nên quên lòng thương mẹ thương cha
                   em con đó nhiều khi sờ sững nhớ
                   trông chị về
                                            con lại thích đi xa

                   Con điện tin về,  không báo trước
                   người yêu con đến hỏi sớm mai này
                   ba má nhìn nhau không hiểu hết
                   con ta ơi ta lạc mất con rồi !

                   Nếu suốt đời biển chỉ lặng thinh thôi
                   thì biển giả có điều cay đắng thật


                   Ba giận con mà lòng quay quắt
                   nỗi thương con nên tự nhủ mình :
                   - Con và ba như hai giọt nước
                   nghiêng bên nào cũng thấy long lanh !

Hai giọt nước thì có khác gì đâu, từ màu sắc đến thể chất. Đem hai giọt nước đó đổ lên chiếc lá sen, chao đi chao lại, nhẹ thôi, hai giọt nước vẫn long lanh màu sắc dưới ánh nắng ban mai. Nhiều khi hai giọt nước đó hòa lại cùng nhau. Nghiêng bên nào cũng thế. Long lanh. Long lanh. Anh nói với con anh những điều rất thật, nào " quay quắt ", rồi " tự nhủ mình ". Cái hy vọng từng đêm " khơi cao ngọn bấc " để có chút ánh sáng cho con ngồi học, rồi âm thầm nhìn con để tự hào khi con bước vào đại học, thì:

                  Nếu suốt đời biển chỉ lặng thinh thôi.
                  Thì biển giả có điều cay đắng thật.

Tôi thích hai câu thơ này của anh. Biển thật hay biển giả. Mộng thật hay mộng giả hòa lẫn vào nhau. Ở quê tôi không ai nói biển thật cả, mà chỉ nói biển giả. Anh đã đưa câu nói của dân gian vào thơ.  Mặt biển trầm lặng như thế đó vào buổi mai, nhưng có ngờ đâu trên mặt biển trầm lặng như thế kia lại có những con sóng ngầm làm chết nỗi đau của con người nơi biển cả. Tôi hiểu anh, và hiểu cả đứa cháu gái của tôi nữa.  
Quay quắt lòng anh. Cái thực lúc này quyện vào cái mộng. Anh lúc nào cũng thế. Khi thì thực, lúc thì mộng.  Nhớ lại năm 1963, đầu năm thì phải, anh từ giã bục và phấn, để lên đường " theo nghiệp đao binh ". Nào ngờ, nửa năm sau, tôi cũng gặp anh trong quân trường Thủ Đức. Những đêm mưa trên đồi Tăng Nhơn Phú không làm buồn lòng anh bằng đêm mãn khóa, nước mắt của người vợ làm rũ lòng anh, khi anh chọn binh chủng BĐQ.  Tôi nhớ đêm đó, anh đến khoe tôi chiếc mũ nâu mà anh mới mua dưới câu lạc bộ trước ngày làm lễ. Khi đó tôi mới bước qua giai đoạn 2. Nhìn anh thực hiện cái "  mộng " của đời trai.

Nhưng không, mộng anh lại không thành, và rồi " thực " lại trở về khi nhìn những giọt nước mắt của vợ anh, lúc đó còn buồn hơn những giọt mưa đêm trên đồi Tăng Nhơn Phú, khi thấy anh đội chiếc mũ nâu. Tội nghiệp cho người bạn cùng khóa với anh, đã đổi cho anh về Sư đoàn 22/BB, Trung đoàn 47 đóng ở Phú Yên, sân bay Chóp Chài thì phải ? Lâu quá tôi quên. Người bạn đổi cho anh đêm đó, mấy tháng sau thì tử trận. Cũng như bạn anh, nhà văn Y Uyên, mà anh quen ở Tuy Hòa, đổi về Phan Thiết chẳng được bao lâu, có lịnh đổi đi nơi khác, chưa kịp đi thì lại tử trận. Đời binh nghiệp, mấy ai ngờ trước?

Ra trường trước tôi một khóa. Nào ngờ lại gặp nhau ở Bình Định, Qui Nhơn. Những chiều chủ nhật, Phú Tài - Qui Nhơn làm sao vắng anh trong căn nhà thuê ở khu Sáu đó. Làm sao thiếu được những ngày chủ nhật ngồi lê ở các quán cà phê. Những tạp chí văn học bày bán trên các  sạp báo của những gian bán báo ở dọc đường Phan Đình Phùng bên hông rạp hát Kim Khánh, dù cho trời hôm đó có mưa ướt áo, tạp chí văn học vẫn là món ăn tinh thần của anh phải mua đem về đơn vị đọc. Mưa Qui Nhơn như trù, như ẻo, mưa rì rầm suốt cả ngày đêm, buồn tênh, buồn tênh… Nhưng, những giọt mưa ở đâu cũng giống nhau, những giọt nắng ở đâu cũng giống nhau. Quê mình hai mùa mưa nắng.  Nhưng mưa nắng có khác với anh ở tâm hồn của người thơ. Chắc chắn điều đó khi anh đã trân quý những cơn mưa, những giọt nắng ở Phan Thiết, mà với tuổi 12, 13 đứng nơi sân ga vào lúc đông về, gió bấc thổi lạnh và, anh đã thấm nhiều. Để rồi trong anh chỉ có:


                                    Phan Thiết mưa và Phan thiết nắng
                                    bởi vì em Phan Thiết ở bên anh
                                    rồi Phan Thiết một ngày chợt vắng
                                    em yêu ơi
                                                         mưa nắng nữa sao đành !

                                     Phan Thiết gió một ngày thật gió
                                     bởi yêu em anh bảo Tết quê mình
                                     rồi Phan Thiết nếu mai kia mốt nọ
                                     vắng em rồi
                                                          gió suốt cả đời anh !

Gia đình anh đến Phan Thiết lúc nào tôi không rõ. Anh chỉ nói: " Chồng đi lính, từ Huế đổi vô Phan Thiết. Phải bỏ cả cha mẹ, cùng làng quê yêu dấu, bồng dắt con lếch thếch đi theo..." , đó là lúc cha anh đi lính, thời Tây còn ngự trị trên quê hương. Thế là anh " tụ " lại ở Phan Thiết, không " tán " như Huế của anh.  " Tụ " lại ở đó cho nên mới có hội có thuyền để giúp đỡ lẫn nhau. Hội "  Quảng Điền Đồng Hội Tương Tế Huyện " đã có tự khi nào, khi tôi bỏ làng quê theo gia đình về định cư bên kia đường đối diện nhà anh đã thấy hội Quảng Điền rồi. Để rồi từ đó, có sợi dây liên hệ. Tôi theo cha mẹ về " tụ " nơi này, cũng vì chiến tranh, bỏ làng ra đi. Anh cũng thế, cha đi lính, đổi vô Phan Thiết, cũng vì chiến tranh. Đến khi anh đi lính cũng vì chiến tranh. Thế nhưng trong đời làm thơ của anh ít thấy có bài thơ nào nói về chiến tranh, nói về lính. Thơ anh man mác tình yêu. Với anh  hơn hai năm trong quân ngũ rồi biệt phái trở lại ngành giáo chức, mồ hôi của lính cũng đã thấm ít nhiều vào lớp áo treilli mà anh mặc . Thế nhưng khi nghe bạn vào lính, anh chỉ nói:
                                     
             Nghe ngươi vào lính ta đang lính
            súng đạn như đùa với kẻ thơ
        
Chỉ có thế. Nhẹ nhàng. Đến khi  nghe tin bạn mất ( nhà văn Y Uyên), anh kinh ngạc:

ta tròn hai mắt ra kinh ngạc
mắt ngươi dìu dịu màu ca dao
ngươi áo quần xanh đường kẻ mới
hai hàng ánh sáng ngã lao đao

ngươi về Phan Thiết đang mùa gió
chuyện vãn chưa vừa được mấy câu
đã mịt mùng xa ngươi lửa đạn
ta phương trời cách mấy trùng sâu

mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống
Nora còn chùng bông cỏ may
Nora chùng lòng dăm đứa bạn
thương ngươi không thể cầm trong tay

“ Mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống. Nora còn chùng bông cỏ may. Nora chùng lòng dăm đứa bạn. Thương ngươi không thể cầm trong tay ". Bốn câu thơ trong đoạn thơ áp chót của bài thơ " Thương Ngươi Không Thể Cầm Trong Tay " đọc lên và nhớ đến địa danh Nora trên Quốc Lộ 1. Cách Phan Thiết không bao xa. Nora, ngọn đồi nhỏ như tức giận bình nguyên toàn lau lách mà nổi lên giữa mênh mông để nhìn vào mật khu Lê Hồng Phong phía đông, chạy dài ra tới Phan Rí để rồi cũng từ cuộc chiến, dưới con mắt của những nhà quân sự " ngọn đồi nhỏ tức giận bình nguyên toàn lau lách " đó đã biến thành một tiền đồn, nơi Y Uyên nằm xuống.

mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống
Nora còn chùng bông cỏ may
Nora chùng lòng dăm đứa bạn
thương ngươi không thể cầm trong tay

Đến Nora, nhớ những câu thơ anh làm. Quả thật: " Thương ngươi không thể cầm trong tay ". 
                       

Mười năm qua, những tùy bút của anh, tôi giữ và những bài thơ do người bạn mới chuyển tới từ Washington State ( Phạm Cao Hoàng ) để cho tôi viết về anh.

Với anh, vẫn còn bao nỗi khổ theo bám anh mãi, cùng với cơn bịnh suyển hoành hành sau 1975, mà gần mười năm qua tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của anh với cái lưng trần mà anh gọi là " bộ xương cách trí " đó, ngồi ngã người vào vách trên cái  “ đi- văng”, há mồm ra thở như thiếu không khí chung quanh anh, trong ngôi nhà mà anh đã từng " khơi cao ngọn bấc " cho con anh ngồi học.

Thế nhưng, khi cơn suyển hạ xuống rồi thì vẫn nụ cười ấy, vẫn đôi mắt ấy mở to hiển hiện bao dung lạ thường:

                Hàng hiên nắng cũng nghe đầy hạnh phúc
                sống bao năm làm kẻ dại khờ
                bỗng thấy lòng mình như đổi khác
                con mèo vàng khoanh nắng ngủ trong trưa !
             
Thường sáng chủ nhật, tôi hay dậy trễ. Có điện thoại reo. Trong bụng càm ràm “ ai gọi sớm thế!”. Nhưng cũng phải nhấc ống nghe. Bên kia đầu dây, anh Trần Hoài Thư nói: bạn mở email, Nguyên Minh vừa mới gởi qua nói anh Từ Thế Mộng mất rồi. Mất vào lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày hôm nay ( 13-5-2007 ).

Tôi mở mail và nhận được hung tin từ người bạn văn ở Sài Gòn gởi ra. Tôi ngồi im lặng trong phòng một mình. Buồn thật buồn. Tôi đánh thức nhà tôi dậy để báo hung tin. Nhà tôi hỏi: Anh mất rồi sao? Tôi nói. Vâng! Tiếng vâng như rơi hẫng xuống trong  không gian buổi sáng im ắng trong căn phòng mà tôi hay ngồi làm việc. Mất rồi. Sao lẹ thế ? Mới đó, khoảng gần một tháng, tôi có gọi điện về nhà thăm anh để hỏi bịnh tình có giảm chút nào không? Anh cho biết không khá lắm. Nước dịch cứ tràn vào thành bụng làm anh khó chịu. Phải rút dịch ra thì anh mới thấy dễ chịu đôi chút. Bây giờ thì anh nằm tại chỗ, chẳng đi đâu được. Nhưng lạ, qua giọng nói của anh vẫn nghe rất khỏe. Giọng nói không phải của người bịnh. Cũng như tôi nhận email của Nguyễn Lệ Uyên từ Tuy Hòa gởi qua, cũng trong khoảng thời gian ấy, NLU vào  Phan Thiết để thăm anh và nói với tôi: “da anh vàng và ốm lắm. Nhưng có điều giọng nói anh vẫn khỏe và tếu như ngày nào”. Rõ ràng trong hôm nói điện thoại với vợ chồng tôi, anh vẫn cười và tếu; như Nguyễn Lệ Uyên đã nói. Sau đó anh nói về tập thơ: “Miền Nam Trong Thời Chiến ” mà tôi với anh THT làm bên này anh cũng đã xem rồi, tuy nhiên cũng  gởi cho cháu Giao Quyên mang về cho anh một tập. Nhớ đấy. Đừng quên. Anh căn dặn tôi như vậy. Và, tôi nói  anh đừng nên đi đâu, lỡ có chuyện gì như té ngã thì không có ai thấy, rất nguy hiểm. Anh cười: đi sao nổi. Qua bên kia đường thăm người bạn mà còn đi không nổi đây. Nhưng lạ, nhớ biển quá. Nhiều lúc bảo cháu Giao My chở xuống biển để anh nhìn một chút khi bình minh lên. Nhìn và thở cái không khí trong lành ban mai từ nơi biển cả ấy, xem có khỏe không. Nhưng vẫn thấy mệt. Cháu phải chở về”.

Tôi biết anh không thể nào xa biển được, dù một ngày. Biển như hơi thở trong cuộc sống anh. Từ biển, anh đã làm nên nhiều bài thơ hay về biển: em ngửa mình gối sóng/ ráng đỏ thoáng bên trời/ anh rùng mình ngăn lại/ một tiếng thầm đang rơi.
Anh bịnh. Tháng trước còn nói cười với tôi. Nụ cười rất Từ Thế Mộng. Xem cái chết như một cõi bình yên đi về. Chẳng bận tâm. Thế mà,  hôm nay anh lại bỏ anh em đi vào cõi vĩnh hằng thật rồi!

Nghe anh ra đi, tôi gọi điện về nhà thăm hỏi. Cháu Giao My cho tôi hay một vài thông tin về anh, trước khi mất. Anh cảm nhận được cái chết đến với anh. Và, anh bảo đem cho anh giấy và bút ( dù anh nói không được) nhưng đám con anh vẫn biết ý của cha. Anh ráng viết ba chữ, nhưng những con chữ ngoằn ngoèo như con lăng quăng, không đọc được. Cuối cùng rồi các con anh cũng chỉ đoán ra chữ cuối. “lắm” mà anh muốn viết trước mặt con cái. Có lẽ, anh muốn viết “Chết Sướng Lắm”. Cháu G.My nói lại cho tôi hay. Đó là những nét chữ cuối đời của một nhà thơ thành danh trước 1975. Đó là những nét chữ “lăng quăng” của một kiếp người sắp đi vào cõi vĩnh hằng, chấm dứt một cõi nhân sinh ngắn ngủi; mà thuở sinh tiền, chữ viết của anh rất đẹp, bay bướm như lối viết “thi họa”. Ba chữ ấy, các con anh trân trọng để trên  bàn thờ .

Nhà thơ Uyên Hà, đang công tác ở những đảo Nam Thái Bình Dương, nhận được điện thư của tôi thông báo cùng với bạn bè trong nước về cái chết của anh Từ Thế Mộng, Uyên Hà đã email cho nhà thơ Lê Văn Trung ( Long Khánh- Đồng Nai) và Hạ Đình Thao cùng với nhà thơ Phương Tấn . Nhờ Lê Văn Trung làm gấp hai (2) tấm liễn – Một tấm viết tên những anh em cầm bút ở hải ngoại. Một tấm  viết tên anh em cầm bút trong nước để mang ra đi điếu  – Nhà thơ LVT và HĐT đã đại diện anh em ra Phan Thiết phúng điếu. Tôi rất cảm động tấm lòng của anh Uyên Hà cùng tất cả anh em cầm bút trong nước vì một tấm lòng “văn chương chữ nghĩa” với nhau. Tìm đến nhau. Như trong TQBT số 27, chủ đề về nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc, anh Uyên Hà, anh Đinh Trầm Ca, anh Phạm Ngọc Lư,  cũng đến quê nhà thơ NNSM trong ngày giỗ thứ 43 của nhà thơ. Và các anh đã làm những việc: tất  cả vì anh em cầm bút. Thật đáng trân quý thay. Dù biết trong cuộc sống cũng có những anh còn khó khăn ghê gớm.

Phạm Văn Nhàn


4 2 8