Tuổi thơ thường gắn liền với truyện cổ. Hay là, truyện
cổ là một phần quan yếu của tuổi thơ. Nếu tuổi thơ thiếu vắng truyện cổ,
giống như thiếu vắng giọng hát ru êm đềm ngọt ngào của bà, của Mẹ –
tâm hồn dễ trở nên khô cằn; đời sống tâm linh, tình cảm cũng vì thế mà đơn điệu,
buồn tẻ. Tuổi thơ nào được nuôi dưỡng, lớn lên bằng tình thương yêu của ca
dao, của truyện cổ, thường có đời sống tình cảm phong phú, nhạy bén hơn trong
cuộc sống.
Tôi mồ côi cả cha mẹ, nhưng rất diễm phúc, có người chị
an tủi tôi, ru nồng giấc ngủ tôi bằng lời ca dao và truyện cổ - mà cho mãi đến
sau này, khi lớn lên, trưởng thành; tôi vẫn còn ghi nhớ… Tâm hồn và trí óc non
nớt của tuổi thơ mỗi khi được khắc ghi, là rất khó quên lãng, phai mờ!
Những chuyện cổ chị tôi thường kể cho tôi nghe vào những
đêm hè yên vắng trải chiếu nằm hóng gió ngoài sân, hay những ngày đông mưa dầm,
gió bão, chị em quấn mình trong chiếc chăn nhỏ, thường là những tấm gương hiếu
thảo: Ông Lão Lai đã già 80 tuổi còn mặc áo quần sặc sỡ, làm trò múa hát, giả
té ngã lúc gánh nước cho cha mẹ cười vui. Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ, bị mẹ kế ghét
bỏ – mùa đông mặc áo đơn chiếc, đẩy xe đưa cha đi dạo bị sẩy tay vì quá lạnh,
đã khóc xin cha thương dì, vì nếu đuổi dì đi, cả ba anh em đều phải chịu đơn lạnh;
Ngô Mãnh cởi áo quần nằm cho muỗi đốt vì nhà nghèo không có màn cho cha mẹ
v.v..
Năm học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), tôi mới biết được rằng,
những câu chuyện chị tôi kể thuở nào, có dạy rõ trong tác phẩm “Nhị Thập Tứ
Hiếu” của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên (1271 – 1367) ,được Lý Văn Phức –
một bậc túc nho của triều Nguyễn (đậu cử nhân năm 1819 – triều Gia Long ) dựa
theo bản chữ Hán mà diễn ra quốc âm, bằng lời ca song thất lục bát.
Hai mươi bốn câu chuyện – hai mươi bốn tấm gương hiếu hạnh
ấy đã được họ Quách ghi lại đã trên bảy trăm năm – cụ Lý truyền lại cho con
cháu gần hai thế kỷ – nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi bồi hồi thương cảm
– kính phục. Cho hay, hạnh hiếu thảo muôn đời vẫn vậy. Vẫn là thước
đo giá trị đạo đức, nhân cách của một con người. Một nhà văn phương Tây đã từng
khẳng định : “Trong các điều xấu ác, bất hiếu là điều lớn nhất;
trong các điều thiện – hiếu thảo là điều thiện lớn nhất”.
Đinh Lan sinh vào đời nhà Hán, mồ côi cha mẹ
lúc còn bé. Khi lớn lên, nhớ ơn cha mẹ thuê thợ tạc tượng cha mẹ bằng gỗ để
phụng thờ. Ngày dâng hai bữa cơm; tối sửa soạn chăn gối – hầu hạ chăm sóc
như lúc cha mẹ còn sống vậy. Ông phụng thờ như thế hằng mấy mươi năm, sau
người vợ ông sinh ra nản lòng! Một hôm, người vợ lấy kim châm vào kẽ
tay tượng gỗ; tức thì có máu tươi chảy ra. Đến bữa ăn, ông bưng cơm nước
vào cúng, thấy tượng gỗ rươm rướm nước mắt. Ông xem kỹ, mới biết vì vợ
ông châm kim vào tượng gỗ !
Ở nước Tề, có chàng Kiềm Lâu rất chí hiếu. Ông được
bổ làm thái thú quận Bình Lăng; đến nhậm chức chưa được 10 hôm, bỗng thấy tâm
thần bàng hoàng, mồ hôi vã ra như tắm. Ông đoán biết ở nhà có việc chẳng
lành; liền từ chức về quê. Về đến nhà thì cha ông bị ốm đã hai ngày. Người
thầy thuốc nói với ông rằng : “Những người ốm mà phân đắng thì dễ
chữa, không đáng lo ngại ; nếu phân ngọt thì thật khó chữa, khó qua khỏi!”. Sưu
Kiềm Lâu nếm phân của cha thấy ngọt, rất lấy làm lo lắng; đêm đêm, ba lần đốt
hương về hướng sao Bắc Đẩu mà khấn nguyện cùng Phật, Trời; xin chết thay cho
cha.Sau nằm thấy có người cầm một thẻ vàng có mấychữ : “Sắc Tứ Bình An” ;
hôm sau, cha ông được qua khỏi.
Với cha mẹ ruột, bổn phận làm con phải lo tròn, phải tận
tụy, phải hy sinh thân mình nếu cần – để báo đền ơn sinh thành dưỡng dục; nhưng
chẳng may mẹ đẻ mất, phải sống với mẹ kế, phận làm con cũng phải chu toàn ân
nghĩa, vì đã là người thân yêu của cha – cùng sống trong một mái nhà. Những tấm
gương sáng của người xưa, vẫn còn truyền tụng mãi một Mẫn Tử Khiên quên mình,
xin cha không vì quá giận mà đuổi dì ghẻ, để cả dì và hai đứa em con riêng của
dì phải chịu đói lạnh : “Dì con ở lại, chỉ một mình con chịu đói lạnh,
nhưng dì ra đi – cả ba chúng con đều bị đói lạnh!”.
Vua Thuấn họ Diêu, tên hiệu là Thuấn – quốc hiệu là Đại Ngu,
có người cha tên là Cổ Tẩu. (Người đời đặt tên vậy vì ông có mắt như mù). Mẹ
mất sớm, mẹ kế là người ương gàn, và em cùng cha khác mẹ là Tượng tính lại hỗn
xược. Cha và mẹ kế cùng em hằng ngày chỉ kiếm cách để giết Ngài đi, nhưng
ngài cũng một lòng trên hiếu với cha mẹ, dưới hòa cùng em. Cha ngài bắt
ngài cày ruộng một mình ở núi Lịch Sơn nhiều thú dữ, thì voi về cày ruộng, chim
về nhặt cỏ giúp. Mẹ ngài lại sai đi đánh cá ở hồ Lôi Trạch, thì gió lặng
sóng yên. Lòng hiếu thảo chí thiết của ngài đã làm cảm động đến trời. Sau
vua Nghiêu nghe tiếng, gọi gả 2 con gái cho ngài – sau truyền ngôi cho ngài. Khi
làm vua, trong 18 năm chỉ ngồi gảy đàn hát khúc nam phong, mà thiên hạ rất thái
bình, thịnh trị.
Lại có chuyện Vương Tường sinh vào đời nhà Tấn, mẹ chết sớm
ở với cha, cha có vợ kế. Mẹ kế rất cay nghiệt, thường xúi dục cha ông ghét
bỏ ông – nhưng ông vẫn dốc lòng hiếu thảo với cha mẹ. Mùa đông, nước đóng
băng, nhưng mẹ kế đòi ăn cá tươi. Ông cởi trần nằm trên váng nước,
để tìm cá. Bỗng nhiên váng nước nứt đôi ra, có hai con cá chép nhảy
lên.Ông vui mừng đem cá về nấu cho mẹ kế ăn. Thấy ông quá hiếu thảo, chân
tình như thế, sau cha và mẹ kế ông cảm động, rất yêu quý ông.
Trong sử sách còn ghi lại nhiều tấm gương chí hiếu của
nàng dâu thờ phụng, nuôi dưỡng mẹ chồng còn hơn cha mẹ ruột của mình : Đường
Thị là vợ một nhà họ Thôi – thờ cha mẹ chồng rất hiếu. Mẹ chồng tuổi già, răng
rụng, không nhai được cơm. Đường Thị cứ hằng ngày tắm rửa sạch sẽ, rồi đến
cho mẹ chồng bú. Suốt mấy năm, mẹ chồng không ăn cơm mà cũng no.
Cám ơn sâu nặng ấy, mẹ chồng không biết lấy gì đáp lại, khi sắp chết, bà khấn
nguyện Phật trời cho con cháu dâu nhà họ Thôi bắt chước nhau, người nào cũng hiếu
thuận. Vì thế, dòng họ Thôi được hưng thịnh.
Những tấm gương hiếu thảo như vợ chồng Quách Cự (đời nhà
Hán), nhà nghèo không đủ cơm nuôi mẹ; bàn nhau chôn con, để có thể lo cho mẹ
chu toàn – sau đào hố định để chôn con lại gặp được một hủ vàng trên có đề chữ
“hiếu tử Quách Cự, hoàng kim nhất hũ, dụng dì tứ nhữ” (người con hiếu
thảo Quách Cự, một hũ vàng đây để cho người). Hay người vợ của Khương Thi là
Bàng Thị (đời nhà Hán) hằng ngày đi gánh nước ở sông xa về cho mẹ chồng dùng;
trời rét đóng băng, lặn lội tìm cá về làm gỏi cho mẹ ăn. Sau tự nhiên sau nhà
có suối nước ngọt tợ nước sông chảy ra, lại mỗi ngày có hai con cá chép ở suối;
đủ cho mẹ dùng… Bàng Thị đỡ cực nhọc mà vẫn làm vui lòng mẹ chồng.
Đức Phật đã dạy : “Hạnh hiếu là hạnh Phật.
Tâm hiếu là tâm Phật”. Và trong nhiều bộ kinh, lời giáo huấn của Ngài
về sự hiếu thuận với ông bà, cha mẹ thật đầy đủ, rốt ráo. Có thể khẳng định,
chữ Hiếu trong đạo Phật mới thật viên mãn: Báo hiếu cả đời sống vật chất, lẫn đời
sống tâm linh. Báo hiếu cho cha mẹ đời này, và nhiều đời trước. Kiếp
này và nhiều kiếp sau… Chu toàn cho cha mẹ được như vậy – là lễ vật
cao quý nhất, để cúng dường chưPhật…
Ngẫm lại – tôi vẫn nhận ra, những tấm gương hiếu thảo
(như đã nêu trên) – đến thời đại văn minh – tiến bộ ngày nay, sẽ chẳng còn “hợp
thời” (và đúng cách) nữa. Tuy vậy – những tấm gương sáng mẫu mực như vậy –
rất cần cho tất cả chúng ta suy niệm và học hỏi, rèn luyện cho Tâm ta ngày một
Thiện Lành và An Tịnh vậy!
Vu lan PL 2549