Trong ảnh: Họa sĩ Nguyễn Thuyên
(Đà Lạt 1992)
1-
Nhiều
người thường ngần ngại khi đứng trước một bức tranh, cho rằng tranh có một
ý nghĩa nào đó mà họ không hiểu, và không dám nói vì sợ nói sai bị người
khác chê là không hiểu gì về hội họa .Thật ra, tranh không phải là bài toán đố
mà phải có ngay lời giải và mỗi người đều có thể thích hay không thích một bức
tranh. Tuy nhiên, nếu bạn có sự hiểu biết chuyên môn nào đó trong lãnh vực thì
dĩ nhiên là sự thụ cảm nghệ thuật của bạn cũng sâu sắc hơn.Thí dụ sau 6 tháng học
dương cầm bạn có thể chơi "Fur Elise", nhưng cứ chơi đi rồi nghe đĩa
mới biết trời cao đất dày là gì.
2-
Người
ta hay dùng cụm từ :" Ngôn ngữ hội họa", chữ "ngôn ngữ" này
gây hiểu lầm rằng hội họa mang ý nghĩa nào đó có tính ngôn từ , và tôi cho rằng
đây là sai lầm lớn nhất trong lãnh vực hội họa, vì thế :
a-
Có
người vẽ tranh muốn tả ,chẳng hạn, "nỗi buồn man mác trong chiều tà"
.Có người vẽ tranh như làm tấm bích chương vì chỉ chuyển tải những ý có tính
ngôn từ.
b-
Có
nhà phê bình nói đến "chiều kích sâu thẳm nội tâm trong tranh
XYZ....", đây là điều gây bối rối cho người mới tập xem tranh vì anh ta chẳng
thấy cái chiều kích sâu thẳm này ở đâu cả (!)
Cả hai trường hợp đều
không có gì dính dáng đến hội họa. Rất nhiều nhà phê bình hội họa Việt Nam chỉ
viết theo cảm tính văn nghệ mà không cho thấy có tính chuyên môn . Mà muốn phê
bình nghệ thuật anh phải hiểu chuyên môn và nói đến chuyên môn.Thí dụ như khi
nói về cái concerto soạn cho violon và giàn nhạc của Mendelssohn người ta nói
rằng cây vĩ cầm vào ngay, không có đoạn dẫn khởi của ban nhạc, và đó là
cái cách tân , cái lạ của tác giả. Hay khi nói :"Khoan điệu trong hòa tấu
khúc số 7 của Beethoven là một trong những Khoan điệu hay nhất thế giới ",
để nói thế thì phải nghe biết bao nhiêu khúc Andante rồi.
3-Trong giới họa sĩ với
nhau, để chê bai một người nào đó – dù người đó là một họa sĩ đầy tài năng, một
số người sẽ nói :" Ông đó có học ở trường Mỹ Thuật nào đâu ! Nó là dân
"ngoại"". Họ quên mất là Van Gogh, Gauguin, Balthus có học
trường nào đâu. Có điều chắc chắn là cả ba người này đều am hiểu và thường
xuyên lý luận rất sâu sắc về hội họa, và tôi cũng chưa thấy một danh họa nào ,từ
Monet,Manet đến Dali, Klee mà lại không am hiểu và lý luận tường tận về tay nghề
của họ .Như nữ danh cầm người Đức Anne-Sophie Mutter viết hẳn một đề án
suy gẫm về concerto duy nhất soạn cho violon và giàn nhạc của Beethoven .Hay
như dương cầm thủ người Pháp Hélène Grimaud với gương mặt hết sức thông minh, mẫn
cảm ,lý luận về cách chơi concerto số 4 cho piano và giàn nhạc của Beethoven
trong một cuộc phỏng vấn, nghe mà không khỏi thán phục và suy gẫm về người nghệ
sĩ và tay nghề...
Tôi không thích định
nghĩa, vì định nghĩa sẽ đóng khung, cầm tù lại một chủ đề, không cho nó triển
khai khác đi nữa ,mà cuộc sống thì luôn biến dịch. Nhưng để bắt đầu một cuộc đối
thoại, phải đồng ý trước với nhau về một số quy ước .Lúc André Malraux gặp tướng
De Gaulle trong kháng chiến, câu đầu tiên ông tướng này nói là :" D'abord,
le passé !" .Chúng ta phải cùng nhau duyệt lại quá khứ trước, xem chúng ta
có đồng quan điểm với nhau không đã !
Vì vậy tôi đề nghị với
các bạn một định nghĩa sau đây :" Một bức tranh là tập hợp của đường nét
và màu sắc trên một mặt phẳng theo một trật tự hay hòa hợp nhất định".Dĩ
nhiên định nghĩa này không phải của tôi, tôi đã đọc được ở đâu đó và nhớ vì nó
hay.
Trước hết, chưa nói đến
những gì mà tranh chuyển tải. Nhưng nó là tập hợp của đường nét và màu sắc nên
ta phải xem :" họa sĩ đã áp đặt đường nét và màu sắc như thế nào
?"Thí dụ một họa sĩ cho thấy một chân dung bằng chì do anh ta vẽ, với người
thường xem thì đã là ghê gớm rồi, nhưng với người đã từng xem phác thảo của
Fragonard chẳng hạn, thì bức chì kia đầy tính trường ốc và chẳng ánh lên cái gì
là tài hoa cả! Lại nói về cách áp đặt màu sắc, đây là cái sườn chính trong thưởng
thức hội họa, vì không những nó đánh giá tài năng mà còn chỉ ra thời đại ,phong
cách và trường phái của người họa sĩ .Vì thế mà có nhà nghệ sử đã tóm tắt vừa
chính xác mà lại không kém phần hóm hỉnh về lịch sử hội họa Tây phương như sau
:" Mới đầu ta không thấy nhát cọ.Sau ,ta thấy rõ nhát cọ.Bây giờ thì chỉ
là nhát cọ." Không gì đúng và thú vị hơn.Thật vậy, các họa sĩ cổ điển xoa
mặt tranh mịn cho ta không thấy nhát cọ. Cuối thế kỷ 18 và trong thế kỷ 19, từ
Delacroix các họa sĩ cho thấy rõ nhát cọ của họ như thể hiện cá tính và sự giải
phóng khỏi truyền thống. Còn tranh trừu tượng của thời mới, màu sắc và đường
nét không phải biểu trưng cho sự vật gì ngòai thực tại (representative) mà tự tại
là chính nó, tự có nghĩa của nó thôi, cho nên nói tranh chỉ là nhát cọ.
Đến đây các bạn có nhức
đầu không ? Dẫu sao họa sĩ nào cũng giả thiết rằng bạn am tường lịch sử hội
họa, cho đến thời đại của anh ta vì hội họa cũng có một số quy ước của nó, như
văn chương giả thiết rằng anh phải biết đọc. Một họa sĩ đích thực sẽ thừa hưởng
di sản quá khứ và đẩy hội họa tiến thêm một bước nữa, dù chỉ một ly cm.Thừa hưởng
di sản quá khứ này nghĩa là phải có tay nghề, chứ không phải vẽ một con chó
không ra hồn rồi trở thành họa sĩ trừu tượng !
Như thế cũng không phải
là nói rằng người thưởng ngoạn phải có bằng cấp như một curator nhân viên Bảo
tàng. Tôi xin mách các bạn về một thước đo, dùng làm tiêu chuẩn đánh giá nghệ
thuật, thước này tôi cũng đi mượn, của một ông tên là Sullivan, hình như là
S.W. Sullivan gì đó ( Bergson bảo khi bạn bắt đầu quên ,là quên những tên riêng
trước ).Trong cuốn sách được coi là hay nhất về phê bình âm nhạc :"
Beethoven và sự phát triển tinh thần của ông"(Beethoven and his spiritual
development), Sullivan viết :" Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật là ở chỗ
nó nâng trạng thái tinh thần của bạn lên đến đâu."
Một bức tranh giá trị
bao giờ cũng có tính cách chuyển cảnh (décalage), nghĩa là bạn không thấy nó là
chất liệu nào đó, mà nó đã đưa tâm hồn bạn đến đâu rồi.Vì thế Heidegger nói
:"Tuyệt đỉnh của nghệ thuật là không còn phân biệt giữa hiện tượng và bản
chất". Trước bức tranh vẽ nàng Ophelia bị chết trôi, nổi trên mặt nước với
đầy hoa của thời Tiền-Raphael, tôi không thấy đó là vải bố quệt màu nhưng đầy
xúc động thương cảm, nếu đọc Hamlet rồi thì rung cảm hơn tí nữa, rồi nếu hiểu
thêm về màu sắc thì phục những màu lá cây này quá, nghĩ : họa sĩ có tự đặt làm
riêng màu này không ? Nhưng khi đã biết những khai phá của trường phái Ấn Tượng
thì lại thấy tranh Pre-Raphaelite này cũng còn khá gò bó. Đó là nội dung của
thưởng thức .Nhưng tâm hồn đã từng được nâng lên đến những đâu thì là kinh nghiệm
riêng biệt của từng người, như các vị thiền sư hay nói :" Nước nóng lạnh
ra sao chỉ ai uống mới biết".
Nguyễn
Thuyên
Anaheim, Aug.29, 2013
- Đinh Cường qua nét vẽ Nguyễn Thuyên
Sơn dầu trên giấy canson - 29 August 2013
(Tranh mới nhất của Nguyễn Thuyên)
-"Paul Cézanne" Than chì-2012
Tranh Nguyễn Thuyên
-Sleeping beauty
Sơn dầu - Tranh Nguyễn Thuyên
Đà Lạt 3 - Sơn dầu
Tranh Nguyễn Thuyên
(Tặng Phạm Cao Hoàng & Hoa)
3 3 8