Thursday, August 29, 2013

341. HOÀNG XUÂN SƠN Từ màu sương tren dốc đồi đến sông nhước miền Hậu Giang


HOÀNG XUÂN SƠN
Từ Màu Sương Trên Dốc Đồi
Đến Sông Nước Miền Hậu Giang



Đà Lạt Lần Đầu Gặp Gỡ

     Một trong những sinh hoạt tập thể vui, đẹp, rạo rực lần đầu tiên bọn tôi được tham dự là Trại Hội Thảo Thanh Niên Toàn Quốc hè 65 tại Đà Lạt.  Trại được phối hợp tổ chức bởi nhiều hội đoàn trong đó có CPS.  Đây là một trại họp bạn lớn quy tụ hàng trăm thanh niên sinh viên học sinh từ các nơi đổ xô về. Chúng tôi : Bí, Định, Huỳnh, Sơn, Toại … (và còn ai nữa ?) đáp máy bay quân sự xuống phi trường Cam Ly một buổi trưa hè có gió se lạnh trong màu nắng tươi rực rỡ.  Và Đà Lạt buổi đầu gặp gỡ ôi chao là mỹ miều xinh đẹp!  Lần đầu tiên lên thăm thành phố hoa đào, tôi đã bị nhiếp hồn trong từng góc cạnh liêu trai Đà Lạt.  Và hoa.  Chao ơi hoa ngập tràn khắp nơi !  Những bông hoa dại xanh đỏ tím vàng mọc lèn kẽ đá.  Những đóa dã quỳ vàng rực bên đường.  Những chùm hoa xác pháo đỏ hồng fushia, hoặc màu gạch cua phủ kín những nóc nhà, bờ tường.  Vườn hồng nhà ai đẹp quá, bên cạnh những đóa cẩm tú cầu trắng nõn nường, xanh tía hoặc ngũ sắc rạng rỡ.  Này, đi đâu cũng gặp Mimosa, mọc khắp nơi, rất riêng biệt Đà Lạt.   Vàng kiêu sa, thoảng hương man dại, là nguồn cảm hứng cho Hoàng Ngọc Tuấn sáng tác thiên truyện Nhà Có Hoa Mimosa Vàng.  Viết về những “cô bé tuyệt vời trên cao nguyên”,  những  cô bé xinh như mộng nhà anh chị Cõi Đá Vàng Tốn/Thanh Sâm chẳng biết giờ phiêu giạt nơi nao ?

     Sau khi nhập trại, chúng tôi làm một chầu tắm nước nóng tẩy trần sau lưng khu chợ Hòa Bình.  Trại có khoảng 5 ngày sinh hoạt.  Địa điểm chính là Nhà Thanh Niên tọa lạc trên một ngọn đồi thơ mộng.  Buổi chiều ngó xuống dốc mù sương tuyệt đẹp.  Màu sương mờ ảo lan dần trên các thung lũng chập chờn ảnh giác.   Chúng tôi được sắp xếp chỗ ăn ngủ tại đây, kế một hội trường lớn.  Thoai thoải dốc đồi là lều trại của những hội đoàn khác muốn thụ hưởng không khí trong lành bên ngoài.  Song song với những giờ hội thảo khá căng thẳng, chúng tôi còn được thưởng thức một chương trình văn nghệ bỏ túi hấp dẫn với sự đóng góp của đủ mặt anh tài khắp mọi chốn.  Mấy mươi năm rồi vẫn nhớ mãi tiếng hát truyền cảm của một nữ lưu áo trắng : chị Nga, em chị Lê Đình Điểu hát Duyên Thề của Thanh Trang hôm đó.  Duyên Thề là một trong những favorite song của tôi : tiếng nhạc, lời ca dìu dặt ngân nga như những hồi chuông đánh thức đêm trời sao Đà Lạt mùa lễ hội - một vì sao sáng trong đêm lạnh vắng; người tìm quên lãng khi xuân còn thắm, héo hắt tiếng cười, mảnh hồn tê tái, không gian u hoài . . . . .Tìm đến với nhau cho quên hận sầu . . .
Sau này có dịp làm quen, nhắc lại kỷ niệm cũ, chị Nga rất cảm động.  Hơn bốn mươi năm rồi còn gì ! Chị Nga, tức nhà văn nữ Phạm Bích Huyền ( tác phẩm : Lối Cũ Chẳng Sao Quên ) chuyên trách bình soạn và giới thiệu các chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật rất thành công trên nhiều làn sóng hải ngoại.   Chị Bích Huyền còn là bào tỷ của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (PAD), một người có lòng đam mê âm nhạc đến lạ kỳ.   Phạm Anh Dũng đã sáng tác cũng như phổ thơ rất nhiều ca khúc của bạn bè văn nghệ, được thu âm và trình diễn thành công.   Một trong những ca khúc PAD -Dạ Quỳnh Hương, phổ thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao- , theo thiển ý, là một trong những ca khúc hay, có được vị thế thưởng ngoạn cao trong quá trình sáng tác nhạc tại hải ngoại.

     Sau những giờ hội thảo khá sôi nổi, gay go, chúng tôi được dịp du ngoạn, thăm thú Đà Lạt.  Người dân ở đây hiếu khách, hiền hòa, dễ mến.  Đàn ông đặc biệt da ăn sương muối ngăm đen.  Và quý vị đàn bà con gái thì ôi chao [ lại chao ôi! ], ở đâu bạn cũng gặp những người nữ “má đỏ môi hồng” miền thảo nguyên cao vời : từ cô gái trẻ trung lợp mái bên đường đến o bán hàng duyên dáng trong chợ.  Hãy dạo quanh chợ Hòa Bình mua sắm quà đặc sản nổi tiếng.  Nào là khô nai khô mễn, rượu dâu rượu mận, trái cây tươi, rau cỏ . . .Bạn đã mỏi chân ư : Còn chần chờ gì mà không vào nhà hàng cửa kính Chic Shanghai ( từa tựa Givral/Brodard Saigon) ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại.  Rồi ta lại thơ thẩn dạo quanh hồ Xuân Hương, tạt qua hồ Than Thở, quay về nhà Thủy Tạ làm một cốc  cà phê kem mát lạnh.  Và còn nhiều thú vui trần gian nữa.  Ly cà phê Tùng đậm đặc bốc khói.  Một tô phở dọc hàng chợ hoặc một tô bún bò cay xè đậm đà ở khu lộ thiên Phan Đình Phùng cũng đủ xua tan cơn đói lạnh cồn cào gan ruột.  Buổi tối, bọn tôi năm ba tụm tuá ra đường lên dốc xuống đồi nói cười, hát vang.  Ghé vào những hàng quán ban đêm bán các thức ăn hấp dẫn; cháo lòng, bánh xèo mực tươi, chè đủ thứ . . .Bình dân hơn thì một ổ bánh mì “ba ghết” Vĩnh Chấn nóng hổi, vừa đi vừa gặm trong sương lạnh cũng đủ lãng quên đời.  Đà Lạt mà tôi trở lại nhiều năm sau đó, còn được thưởng thức thêm món thỏ sốt vang tuyệt vời ở một quán ăn Tây nhỏ, L’Eau Vive, ( trên đường lên Trại Hầm ?), do các bà xơ phụ trách.  Vừa ẩm thực, vừa được nghe đàn ca tại chỗ, ôi có hạnh phúc nào bằng !

     Những buổi đẹp trời, chúng tôi còn được chở đi du ngoạn, thăm viếng các thắng tích hùng vĩ của Đà Lạt, những bờ hồ tình sử, những thác nước rộn ràng Prenn, Gouga, Camly . . . Đà Lạt những năm gần đây, du khách trở về với một mối hận lòng khôn xiết : Tất cả thay đổi xóa nhòa rồi còn đâu ! Như hồ vôi vữa ! Cây cỏ vô hồn trên đống xà bần. Thác nước rác rến bẩn thỉu. Đà Lạt là một trong những thắng cảnh Việt Nam mang bộ mặt biến dạng tồi tệ nhất trong lịch sử của những công trình chắp vá ! Tôi cực lực lên án bất cứ bàn tay thô bạo nào chặt cây đốn rừng biến Đà Lạt từ một thiếu nữ mượt mà, thơ trinh thành một thứ me tạp chủng, loẹt lòe, vá víu .

     Kết thúc trại hè 65 là một buổi lửa trại bừng bừng ngọn lửa kết thân qua thật nhiều trò chơi, hát hò, ca múa.  Ở đây chúng tôi đã kết thêm nhiều bạn mới như Trần Văn Chang/Hà ( Chang là em vợ thi sĩ Nguyên Sa ), Minh, Chánh (Phú Lộc), Nguyễn Quang Tuyến, Tuyết, Hoa v.v. Ra về lòng còn luyến tiếc ngẩn ngơ.  Bằng hữu đến tự bốn phương trời.  Biết đến bao giờ mới tái ngộ !


                      
Nào Anh Em Ta Cùng Nhau Xông Pha. . .

      Những công tác xã hội khá lớn khác đáng ghi nhớ, nhiều kỷ niệm là Công Tác Cứu Trợ Nạn Nhân Hỏa Hoạn Khánh Hội ( gọi tắt Công tác Khánh Hội ).  Hoặc Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt An Giang ( Cứu Trợ An Giang ).  Tôi nhỡ chuyến đi cứu trợ nạn nhân bão lụt  miền Trung trước đó.  Nhưng bù lại được đi An Giang, miền sông nước Hậu Giang mà tôi mới được đặt chân lần đầu.

     Công tác Khánh Hội được điều hành  bởi một ban hành động trẻ, chia làm nhiều khối.  Trần Đại Lộc Trưởng Ban.  Ngô Vương Toại lo Khối Kế Hoạch.  Nguyễn Huỳnh lo Nội Vụ.  Nguyễn Đức Quang Khối Tác Động.  Tôi làm tiếp liệu kiêm thủ quỹ.  Đặc biệt có Nguyễn Quang Trị ( bạn của Phát bên chương trình  Bạn Đường ), giỏi tiếng Anh, được điều làm Ngoại Vụ kiêm thông dịch viên ( có nhu cầu giao dịch với cơ quan Hoa Kỳ và nhà thầu Phi Luật Tân ).  Kỳ công tác này cũng có khá nhiều bộ mặt mới tham gia như Nguyễn Khả Lộc, Tống Hoằng ( sau 75 đều ở trong ban sáng lập báo Người Việt ở Cali ), Tính, Sơn con, Quang, Sơn quăn, Tự lớn, Tự nhỏ . . . Một số về sau thấy đông, vui đã tá túc luôn ở xóm nhà lá CPS.

Chúng tôi tháo gỡ những tặng phẩm bằng gỗ như thuyền bè, tủ dã, cộng thêm vật liệu cung cấp mới, tạm dựng lại nơi cư ngụ cho đồng bào mà cửa nhà đã bị thần hỏa thiêu rụi.  Chúng tôi đi sâu vào các ngỏ ngách, chòm xóm phân phối thuốc men, thực phẩm cứu trợ.  Các toán tác động tụ tập thanh thiếu nhi dạy hát, tập múa.  Đời sống cư dân cũng dần dần ổn định.  Và chúng tôi cũng hãnh diện thực hiện được nhiều công ích.  Xin kể lại một chuyện vui bên lề chứng tỏ sự thông minh, nhạy bén của Nguyễn Quang Trị :

    Số là các tặng phẩm thuyền bè, người ta phải dùng cái “ rờ mọt” ba bánh để chuyên chở.  Những cái càng 3 chạc này (tạm gọi như thế) trở nên vô dụng sau khi công tác cứu trợ chấm dứt.  Nguyễn Quang Trị nhà ta trầm ngâm nhìn đống bánh xe này và nghĩ ngay ra được món hời!  Cu cậu hớn hở hỏi cả bọn có muốn có tiền cà phê cà pháo không ?  Hỏi : Làm thế nào ? Đáp : Xong, để tớ lo.  Thế là cu cậu liên lạc với xe nhà thầu Phi Luật Tân ( RMK-BRJ mà có kẻ diễn nôm là hãng Rên Mặc Kệ – Bựa Ra Jồi ) nhờ kéo mấy cái càng này qua khỏi nút chặn an ninh cầu Khánh Hội, lái vào Câu Lạc Bộ Trượt Nước ở bến Bạch Đằng.  Cậu Trị điều đình nhượng lại các của nợ này và kiếm khá bộn bạc.  Thế là cả bọn được một chầu cơm thố chợ Cũ no nê !

     Khả năng ứng biến nhậm lẹ, thông minh ( và có phần láu lĩnh) của Nguyễn Quang Trị còn được thể hiện nhiều pha mạo hiểm qua những chiêu thức thần sầu do chàng ta kể lại :  Trong một giai đoạn cơm áo cực kỳ khó khăn, nhờ có tài vẽ, chàng ta đã họa hình Đức Chúa Trời, tìm đến một hội thánh, tự xưng mình là người ngoại đạo, nhưng được chúa thiêng liêng mặc khải, trong một cơn xuất thần đã họa lại được chân dung người.  Dĩ nhiên là chàng ta được hoan nghênh hết mình và chiêu đãi nồng hậu.


     Kỳ cứu lụt An Xuyên ( An Giang/Long Xuyên ) chỉ có Huỳnh, Định và tôi đi tiền trại, cắm lều dựng bảng Thanh Niên Tự Lực trước.  Toại và các anh em khác lục tục kéo xuống sau.  Chương trình cứu lụt kỳ này được phối hợp tổ chức giữa Bộ Thanh Niên và các đoàn thể.  Đại diện Bộ Thanh Niên là anh Hoàng Ngọc Tuệ ( về sau có thời kỳ làm Trưởng Phong trào Du Ca/trong nước và Chủ Nhiệm tờ Thế Kỷ 21/hải ngoại ).  Nhân lực tập trung từ sáng sớm trong khuôn viên Bộ Thanh Niên, đổ xuống An Giang bằng hai phương tiện : xe đò và tàu nhỏ chạy trên sông.  Tụ tập ăn trưa ở chợ Long Xuyên xong tất cả về lán trại.  An Giang là thánh địa Phật Giáo Hòa Hảo, quê hương của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.  Lần đầu tiên tôi được ghé miền sông nước Hậu Giang hiền hòa, lòng dạ cũng nao nao trước cảnh, trước người và chuyến đi tao ngộ. Dòng An Giang sông sâu nước xiết  . . . Dù bị bão lụt tàn phá, An Xuyên vẫn giữ được nét trầm lặng, an lành dù đang ở thời chiến sôi sục.  Tình hình an ninh ở đây được bố trí và canh giữ chặt chẽ.  Phía  bên kia dù muốn cũng khó lòng len lỏi vào nơi làng chợ.  Và chúng tôi cũng được yên lòng công tác.  Trại được dựng chung quanh sân thiền Tây An Cổ Tự.  Các đạo hữu Phật Giáo Hòa Hảo, thiện nam tín nữ ở đây vô cùng hiếu khách và tử tế.  Chúng tôi dù công tác mệt nhọc nhưng tinh thần rất phấn khởi được sự tin cậy của đồng bào.  Lòng thanh thản lắng nghe những khắc kinh sớm/kệ chiều qua giọng ê a trầm bỗng của giáo đồ; giai điệu nghe như những bài vọng cổ nam bộ.

     Nhà ẩm thực là dãy trai thất của chùa.  Thực đơn hàng ngày là chay hoặc mặn, tùy thích.  Điều này cho thấy Phật Giáo Hòa Hảo rất tự nhiên và cởi mở, không nề hà tịnh giới.  Món mặn thường là cá tra chế biến nhiều kiểu ( Canh chua, kho mặn, chiên, chưng v.v. ) Chúng tôi gọi là cá tra 7 món.  Nói tới cá tra (có nơi còn kêu là cá vồ) là nhắc tới một kỷ niệm hãi hùng khó quên.  Số là nhà chùa có một ao lớn nuôi cá tra ở xa xa phía hậu liêu.  Quanh bờ ao là các nhà xí tiện dụng một công hai việc : vừa thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của người, vừa có phương tiện chăm nuôi cá.  Cá tra ở đây lớn quá chừng chừng và thường tranh ăn theo kiểu “ phóng thiên đả thực ” khiến cho những tay lớn xác như Tỷ, Tiên … cũng phải co dúm người lại mỗi khi làm công tác vệ sinh.  Tôi hứng chí cũng vần vè đôi câu giễu bạn :

                                       Mặt hồ động đậy
                                      Cá quậy tưng bừng
                                      Em ơi! Cá đớp nửa lừng đó em !

     Bởi thế, trong giờ ăn, không bao giờ chúng tôi dám nhúng đũa vào 7 món cá.

     Bão lụt kỳ này tương đối lớn nên công tác cứu trợ cũng kéo dài.  Cũng vẫn là làm vệ sinh, dọn dẹp, sửa chữa xây dựng nhà cửa bị hư hại; công tác y tế, phân phối thực phẩm, tiếp xúc với đồng bào các giới . Chúng tôi cũng có thì giờ thăm thú An Xuyên.  Đặc biệt là được ghé thăm nơi thờ phượng trang nghiêm Đức Thầy.  Còn đó biết bao là kỷ vật của ngài giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo : bộ tràng kỷ, pho sách ,ấm trà, quạt màn, chăn, gối . . .

     Đêm trăng, bọn tôi còn được theo cư dân ra vó cá giữa dòng.  Nhìn những chiếc đuôi cá vẫy ánh bạc trên sông trăng đêm mới thấy tưởng thương đời thạnh trị Nghiêu Thuấn đã khuất chìm dần trong tai ương, chiến cuộc.  Tâm cảm, hề, ai đem trấn nước . . .

Mỗi lần đi  là một gặt hái thân tình.  Bạn mới, chừ, bạn mới ! Đời không bạn dễ gì sống ! Có những người bạn thanh niên chí nguyện từ những đất nước xa xôi về đây chung góp bàn tay tương tế đồng bào mình. Như Mike, như Chris., nói tiếng Việt trôi chảy.  Trong tao phùng, chia sẻ tâm sự, đất nước tôi, quê hương bạn, cứ ngỡ như những kẻ tương tri lâu đời.


HOÀNG XUÂN SƠN
(Trích Chương 4 –  Phóng bút CŨNG CẦN CÓ NHAU – Nhà xuất bản Nhân Ảnh sắp phát hành trong tháng 10.2013)




3 4 1