Monday, April 1, 2013

142. Nhà văn Võ Hồng qua đời




NHÀ VĂN VÕ HỒNG QUA ĐỜI


Tác giả Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Vết hằn năm tháng, Lá vẫn xanh, Thương mái trường xưa, Vẫy tay ngậm ngùi, Nửa chữ cũng thầy, Vùng trời thơ ấu, Chúng tôi có mặt… sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên).

Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương.

Văn chương của ông đề cao tình yêu quê hương thôn dã, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bằng hữu.

Theo website mang tên nhà văn Võ Hồng (http://www.vohong.de), thuở nhỏ Võ Hồng học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học trường trung học Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. 

Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, ông làm bí thư tòa tổng đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ dạy học ở Trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên),  sau đó làm hiệu trưởng trường này. 

Năm 1953 ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn. Năm 1954 đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956 về sống ở Nha Trang, dạy học ở các trường tư thục và nghỉ hưu năm 1982. Về văn nghiệp, tính đến nay Võ Hồng đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Trong đó, truyện ngắn đầu tay Mùa gặt của ông được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn, khi ấy ông còn là một học sinh đệ tam niên (theo hệ giáo dục thời đó). Mãi đến năm 1959 ông mới gia nhập làng văn với tác phẩm đầu tay Hoài cố nhân… Sau năm 1975, trong một số tác phẩm của mình, Võ Hồng đã ký bút hiệu Võ An Thạch hoặc Võ Tri Thủy…  

Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm lúc 8g sáng 1-4, di quan lúc 15g chiều 4-4 (24-2 âm lịch), an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).



Phạm Cao Hoàng và nhà văn Võ Hồng
Tuy Hòa 1970



THÀNH THẬT CHIA BUỒN
CÙNG GIA ĐÌNH NHÀ VĂN VÕ HỒNG

Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về ông
như một nhà văn đầy tài năng,
 một nhà giáo mẫu mực đáng kính

Blog Phạm Cao Hoàng và bằng hữu

Đinh Cường , Lữ Quỳnh, Trần Huiền Ân, Đỗ Nghê, Trương Vũ,
Luân Hoán, Hoàng Lộc, Nguyên Minh, Trần Hoài Thư,Cao Thoại Châu
 Lữ Kiều, Sâm Thương, Khánh Linh, Khuất Đẩu, Ngô Phan Lưu,
 Chu Trầm Nguyên Minh , Nguyễn Tùng Vân, Nguyễn Minh Nữu
Cao Quảng Văn, Đoàn Văn Khánh, Huỳnh Như Phương, 
Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Ước , Đặng Châu Long,
Thành Tôn, Trương Văn Dân , Elena Pucillo Trương, Mang Viên Long,
Lê Ký Thương, Hải Phương, Thanh Nhung, Từ Sâm, Tâm Tấn,
Võ Tấn Khanh, Phạm Ngọc Lư, Ban Mai , Nguyệt Mai, Đặng Kim Côn,
Nguyễn Tường Văn, Tôn Nữ Thu Dung, Nguyễn Sông Ba, 
Lê Văn Thiện, Nguyễn Âu, Hồng, Phan Tiên Hương,  Lê Công Minh,
Nguyễn Thị Thu Trang, Phan Long Côn, Đàm Khánh Hạ


 1 4 2