NGUYÊN MINH
C
ó mộ t t h ờ i...
Nếu tôi
không gặp lại người bạn cùng học chung một lớp thời trung học ở trường Quốc
học, sau hơn bốn mươi năm, thì câu chuyện này đã mãi mãi nằm trong ký ức của
tôi. Mười năm trước tôi có kể cho vài người bạn văn nghe, họ rất xúc động nhưng
lại khuyên tôi chưa nên viết. Cách đây gần ba mươi năm nhà viết kịch T. V., nhà
đạo diễn sân khấu T. Đ. Q. từ miền Bắc vào Nam đã khuyên tôi, khi tôi tâm sự
với họ những điều đau lòng mà tôi đã chứng kiến ở miền Bắc trong những ngày đầu
năm 1975 cũng như tại miền Nam, những đổ nát từ thể xác đến tâm hồn của những
người thân yêu của tôi, là tôi nên ghi nhận, ấp ủ trong lòng, để một ngày nào
đó, có thể năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, trong một hoàn cảnh
đất nước đã thật sự bước qua những thăng trầm của lịch sử, xem đó là điều tất
yếu và nó chỉ là một thời đã qua, lúc ấy, từ vốn sống đó mà hình thành những
tác phẩm.
Người bạn của tôi – Bửu Uyển – mà ngày xưa tôi thường gọi đùa là Hoàng thân triều Nguyễn, trước khi từ biệt chúng tôi để trở về Mỹ đã đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh anh chụp ở Hòn Thơm NhaTrang. Cảnh một nghĩa địa cắm đầy những bông hồng chưa nở nu ở một sườn núi. Bửu Uyển kể cho chúng tôi nghe, với giọng Huế, đầy xúc động về chuyến đi thăm nghĩa địa này. Từ Mỹ anh đã nguyện khi trở về thăm quê nhà, việc đầu tiên là hai vợ chồng anh phải đến đó, thắp hương cho những linh hồn bé bỏng của những bào thai đã bị vứt bỏ vào thùng rác, dưới gốc cây, cạnh hàng rào của nhà ai, đem về chôn cất. Bửu Uyển cho chúng tôi biết nghĩa địa chôn cất gần 5000 bào thai. Còn những người thành lập nghĩa địa này là những người dân lao động nghèo khổ. Tôi không còn nghe Uyển nói nữa. Tôi gật gật đầu như tìm ra một điều gì đó. Phải rồi. Nghĩa địa thai nhi này là đoạn kết của câu chuyện mà ngày nào tôi đã ấp ủ trong lòng. Tôi nở một nụ cười rạng rỡ, nói với các bạn điều này. Còn Bửu Uyển cho chúng tôi biết, mãi bốn mươi năm giờ mới biết tôi và Lữ Kiều, bạn học cùng lớp Nhị B1 Quốc học ngày nào là những nhà văn. Đọc tập truyện Tưởng Chừng Đã Quên của tôi, Trên Đồi Là Lô Cốt của Lữ Kiều, anh cảm động vô cùng. Anh mong chúng tôi có một tiếng nói về cái nghĩa địa thai nhi này.
Những ngày cuối năm, không khí Sài Gòn trở nên se lạnh, một chút hơi hướm mùa đông. Trong một quán cóc bên đường, các bạn tôi uống bia, còn tôi uống nước ngọt, nhưng sao tôi cảm thấy như có men rượu bốc ra, người tôi lâng lâng. Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện đã từng làm tôi đau đớn, xót xa.
Sau tháng
4 năm 1975, tôi bỏ Sài Gòn đem gia đình về sống ở miền quê của một thị xã nhỏ
miền duyên hải. Thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn tôi đều ở trọ nhà chú tôi,
trong một cư xá nhỏ vùng ven đô, cạnh dòng kênh nước đen ngòm, hôi hám. Chú
tôi, dáng người cao dong dỏng, mái tóc cắt ngắn, hai tai to, miệng lại rộng,
nhưng đôi mắt thì sáng quắt. Chú Thường là em út của ba tôi, chú đi kháng chiến
chống Pháp lúc tôi tròn mười tuổi. Chú tập kết ra Bắc và trở về Nam thì tôi đã
tròn bốn mươi. Bao nhiêu năm sống trên đất Bắc nhưng chú không thay đổi giọng
nói như những người miền Nam khác cùng cảnh ngộ. Vợ chú là một người đàn bà
trẻ, sinh ra từ miền đất nghèo khổ, dưới chân đèo Ngang. Thím tôi người nhỏ
con, nước da ngăm đen, dáng đi cục mịch, giọng nói nặng trịch. Thím công tác
cùng một cơ quan với chồng nhưng ở ban chính trị, giảng dạy, truyền bá tư tưởng
Các Mác, Lê Nin đến những công nhân viên. Ở ngoài Bắc, thím làm phát ngôn viên
cho đài phát thanh tỉnh. Thím có giọng hát líu to, cao vút như chim sơn ca. Chú
thím tôi lấy nhau đã mười năm nhưng chỉ có hai mụn con. Nếu không có kế hoạch
gia đình hoặc vài lần nạo thai giờ này thím cũng năm sáu đứa con như vợ chồng
chúng tôi. Chú thím tôi thường “lên lớp” vợ chồng tôi nên noi gương họ, không
nên sanh nhiều con trong khi kinh tế gia đình quá chật hẹp, nếu lỡ mang thai
thì đem vợ đến nhà thương phá đi hoặc nạo thai, vứt bỏ. Tôi chỉ cười, lắc đầu,
thôi mình phải đem thân ra cày, vất vả làm lụng kiếm tiền nuôi con. Không riêng
gì tôi, một thầy giáo đã bị sa thải, may mà không phải đi tập trung cải tạo như
các anh em bạn bè bị liệt vào hàng ngũ nguỵ quân ngụy quyền. Vợ con họ điêu
đứng, ê chề trong cảnh bần cùng. Ngày xưa, ở phố, ngoài hai buổi đến trường dạy
học, về nhà tôi chỉ đọc sách, nghe nhạc, viết truyện làm thơ. Vợ tôi ở nhà nội
trợ và chăm sóc con cái. Bây giờ, về quê, chúng tôi đưa thân trần cày ruộng,
gánh lúa. Làm lụng suốt ngày, đêm lăn đùng ra ngủ. Bao nhiêu ý tưởng đều khô
cứng trong trí não. Vợ tôi từ một tiểu thư đài cát phải mang gùi hái từng cụm
rau mọc lan dưới lùm cây trong khu vườn nhà hàng xóm, mang ra chợ bán đổi vài
thức ăn khác.
Sau đó,
tôi gặp lại người bạn cũ gợi ý và chỉ đường cho tôi đi buôn thuốc tây. Như ngày
xưa mẹ tôi đã từng cất dấu thuốc tây trong gùi phủ lá chuối mang vào chiến khu.
Còn bây giờ, tôi phải giấu trong ổ bánh mì để thoát qua mấy trạm kiểm soát mang
về bán cho những y sĩ lén lút chữa bệnh cho dân trong làng xã. Thím tiếp tay
bán cho tôi những lọ thuốc kháng sinh đặc biệt của các nước xã hội chủ nghĩa
như Tiệp Khắc, Liên Xô viện trợ cho các bệnh viện. Hàng tháng tôi đi đi về về,
chỉ vài ba chuyến. Tiền lãi ít ỏi tôi đưa cho vợ mua heo giống ngoại quốc của
trại chăn nuôi tỉnh, và đủ xây một cái chuồng nhỏ. Mái lợp vài miếng tôn cũ đã
rỉ sét. Thành chuồng đóng bằng những tấm gỗ bìa tạp, nhưng nền chuồng phải nện
đá sỏi trộn xi măng thật chắc chắn. Thức ăn phải là cám tổng hợp mà chúng tôi
ký hợp đồng mua bán của trại chăn nuôi Tỉnh. Thủa ấy không chỉ những nơi vườn
tược có một chút đất trống để xây chuồng trại như chúng tôi, ngay cả những nhà
chật hẹp trên phố xá cũng dành một chỗ trống, như nhà bếp chẳng hạn để nuôi
heo.. Chịu khó ngửi mùi hôi hám, người và heo sống chung trong một căn nhà bịt
bùng, chật hẹp.
Những căn
hộ ở chung cư, trên cả tầng năm tại Sài gòn người ta cũng đua nhau nuôi heo.
Lúc còn nhỏ, chúng kêu đói ụt ịt chạy quanh cái chuồng chật hẹp nhưng lúc lớn
lên với thân hình to lớn nặng cả tạ, chúng đưa cái mũi ủi bốc xi măng trơ lên
sỏi cát và chúng đưa hàm răng nhai gạch đá nhỏm nhẻm ngon lành. Cứ thế cái nền
xi măng láng bóng của căn hộ ngày nào, giờ lởm chởm như những ổ gà ổ voi của
con đường nhựa trong thành phố chưa kịp sửa chữa. Nhà chú thím tôi cũng ở cảnh
này. Cả một dãy nhà trong cư xá này cũng vậy. May mà phía trước dãy nhà cư xá
còn có một con rạch ngang qua, nên toàn bộ phân heo hằng ngày vứt xuống làm con
nước đã đen lại càng đen hơn, đã hôi thối lại càng hôi thối thêm. Không biết vì
giống heo ngoại quốc chuyên môn ăn cám tổng hợp nên chóng lớn và phá phách
chuồng trại không đủ tiêu chuẩn hay vì nền nhà ở không đủ chất lượng xây dựng
bị nhà thầu ăn bớt xây ẩu. Dãy nhà cư xá này xưa nguyên là nơi an dưỡng dành
cho gia đình thương binh. Thím tôi cứ đổ lỗi tham ô tham nhũng cho chế độ cũ.
Tôi chỉ biết cười mà không cải chính: “Người ta xây nhà làm nền xi măng bóng
láng cho người ở chứ đâu phải chắc chắn để cho heo. Thuở ấy người ta đâu nghĩ rằng
có một ngày đó người và heo cùng ăn ở chung trong một căn nhà.” Tôi đề nghị với
thím làm đơn xin tiêu chuẩn mua vài bao xi măng để sửa lại nhà bếp, lấy đó mà
sửa lại lại cái nền nhà dưới, diện tích chỉ 6 m2, đủ bỏ vài con heo sữa. Thím
tôi chạy đôn chạy đáo nhưng cũng chỉ mua được một bao nên chỉ vá víu lại những
ổ gà ổ voi mà thôi. “Tạm bợ như thế đã. Sẽ tính sau.” Thím tôi bảo vậy.
Lần sau
tôi vào lại. Vừa thấy tôi xách cái túi nhỏ đứng lơ ngơ trước cổng nhà, thím tôi
ra mở cổng và nắm tay tôi kéo xuống nhà bếp. Thím khoe với tôi cái chuồng heo
thím mới sửa. Nhìn mặt nền lát bằng những phiến đá xanh, khít khao với nhau
bằng đường kẻ rất nhỏ. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc không biết những tảng đá xanh
này thím mua từ đâu, thì thím đã nói: Chú thấy chưa, công trình xây dựng của
tôi đó. Cái nền này chắc chắn vô cùng, chú nhảy vào lấy búa nện thử xem nó có
sứt mẻ gì không. Vài con heo nái nặng vài tạ không ăn thua gì nhỉ? Mấy nhà bên
cạnh, trong cư xá này đều bắt chước tôi đó. Tôi đố chú biết những phiến đá này
tôi lấy từ đâu? Tôi nhớ mang máng, hình như phiến đá này rất quen thuộc và gần
gũi với tôi vô cùng, nhưng tôi chưa nhận ra. Tôi lắc đầu. Thím tôi không trả
lời, chỉ mỉm cười, đắc ý. Rồi thím xăng quần lên leo qua thành gỗ vào chuồng.
Thím nhờ tôi đổ nước từ hồ vào cái xô lớn đưa qua cho thím. Thím xách lấy rồi
tạt nước vào mấy con heo lứa, chúng chạy quanh chuồng vừa kêu ủn ỉn.
Khi thím
tôi đi làm việc, ở nhà không có ai, nên tôi cũng kiếm cớ là có việc cần để đi.
Thím tôi chỉ chiếc xe đạp mới được cơ quan cấp phiếu mua theo tiêu chuẩn cán bộ
dựng ở phòng khách, và bảo tôi lấy mà đi nhưng nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo mất.
Bấy giờ
tôi không biết đi đâu? Cố nhớ lại địa chỉ của bạn bè ngày xưa nhưng chợt nhớ họ
đã tản mác khắp nơi rồi. Có người còn trong trại cải tạo xa xôi, kẻ đã di tản
ra nước ngoài. Tôi đạp xe mà hồn để tận nơi đâu. Tôi như một kẻ bị mộng du. Khi
dừng chân trước cổng nhà ai đó ở một con hẻm ngoằn nghèo, mới giật mình nhận ra
ngôi nhà của Lê. Thấy tôi lơ ngơ trước cổng, người đàn bà lạ hoắc đang quét
sân, chợt hỏi: “Cậu tìm ai?” Tôi đáp nhanh: “Gia đình cô Lê còn ở đây không ạ.”
Bà ta ngẩn người một lát rồi trả lời: “Gia đình này vượt biên ra nước ngoài. Mà
hình như họ đều bị làm mồi cho cá rồi.” Tôi lẳng lặng bỏ đi như một kẻ chạy
trốn.
Khuôn mặt
Lê hiện ra trong trí nhớ. Cô bạn gái thân thiết của tôi ngày nào, từ lúc còn
thơ ấu đến khi trưởng thành, cùng những kỷ niệm êm đẹp như đang lẩn quẩn quanh
đây. Những giọt nước mắt chảy dài trên má Lê khi tôi báo tin về cái chết của
Hân, người bạn thân thiết cùng làm báo với tôi, và là người chồng sắp cưới của
Lê. Hân chết ngoài mặt trận, khi hắn thay thế cho một người bạn về phép thăm bà
mẹ anh ta đang hấp hối. Hân vừa là một nhà giáo vừa là nhà văn, bị động viên
vào quân đội. Mộ Hân được chôn cất ở nghĩa trang trong thành phố.
Những
buổi chiều đẹp trời, mây xanh lờ lững, gió mát hiu hiu, Lê rủ tôi đi thăm mộ
Hân. Đi bên cạnh người con gái trẻ đẹp chưa kịp đươc hưởng hạnh phúc của đêm
tân hôn, dưới những hàng cây cổ thụ phủ đầy bóng mát trên những con đường nhựa
hẹp chạy quanh những hàng mộ địa, lòng tôi buồn tê tái. Những ngôi mộ nơi đây
xây bằng đá rửa có mái che đúc trần, bao quanh bằng bức tường thấp ngang lưng.
Còn những tấm bia có gắn ảnh người quá cố và những hàng chữ tên tuổi, ngày sinh
cùng ngày chết và tên người lập mộ.
Mỗi lần
đến thăm mộ Hân, Lê đều lấy chiếc khăn tay ra, lau sạch bụi bám trên tấm hình
nhỏ, Hân chụp trước một lô cốt, mặc bộ đồ lính trận. Lê vuốt ve tấm ảnh của
Hân. Nàng hôn lên đó, và nước mắt chảy dài. Những ngày mới lớn cũng như bây giờ
tóc đã bạc, mỗi lần ra thăm mộ mẹ tôi, tôi cũng đều ôm ấp tấm bia của mẹ như
thế, và tôi nghe, mơ hồ, hình như có tiếng bà gọi tên tôi, rất khẽ. Không biết
Lê cảm nhận thế nào khi những ngón tay mềm mại của nàng vuốt ve tấm bia của Hân
mà nàng nói nhỏ nhưng tôi cũng kịp nghe. “Anh chờ em với.”
Giờ đây,
tự nhiên tôi đạp xe đến khu nghĩa địa có ngôi mộ Hân. Hẳn chừng mười năm tôi
chưa ghé lại. Đến nơi, tôi như người đi lạc vào cõi hoang sơ. Trước mặt tôi,
một bãi đất trống, ngỗn ngang gạch đá. Chỉ còn hàng cây và những con đường nhựa
nhỏ là mang vết tích xưa kia. Nghĩa địa này đã bốc dơ, những hài cốt và bia mộ
đã được thân nhân mang về nơi chôn cất khác. Tôi biết Hân không còn một thân
nhân nào khác ngoài Lê.
Tôi đạp
xe đến cuối bãi tha ma, có một chòi canh dựng tạm. Thấy tôi, một người đàn ông
mặc bộ đồ lao động đã bạc màu, hỏi dồn dập. “Cậu xin những tấm bia cũ hả?” Ông
ta chỉ cho tôi những tấm bia dựng đứng, xếp từng hàng một, như người ta xếp
hàng đi mua lương thực, ở một góc sau lều.
Tôi đến
tìm, đọc từng tấm bia một, xem có tấm nào của Hân, nhưng không thấy. Ông già
còn cho tôi biết cả tháng nay có những người đến xin những tấm bia vô chủ này
và nhờ ông dùng xe ba gác chở đến nhà họ. Họ cho ông một ít tiền, xem như trả
công vận chuyển. Ông không biết họ dùng những tấm bia này để làm gì? Nhưng có
người chở đi là ông mừng rồi. Ông hỏi: “Cậu ở trong Cư Xá X. phải không. Chỉ
còn vài chục tấm bia này thôi, tôi đã chở cho họ gần hai 200 tấm rồi đó. Số còn
lại này cậu lấy đi cho trống đất.”
Tôi giật
mình, mới hiểu ra về những tảng đá xanh lót nền chuồng heo thím tôi rồi. Tôi hì
hục đạp xe, như vận động viên đua xe đạp, vượt qua cả vài chiếc xe gắn máy đang
phóng nhanh. Về đến nhà, tôi chạy ngay đến chuồng heo. Tôi phóng vào chuồng làm
những con heo hoảng hốt, thụt lui vào một góc, kêu inh ỏi. Bàn tay tôi nắm chặt
lại. Tôi gõ lên từng tảng đá, như gõ vào cánh cửa, gọi tên Hân. “Mày ở đâu để
tao báo tin là Lê đã chết theo mày. Tay tôi rướm máu. Làm sao tôi biết được
trong hai chục tấm bia đã úp ngược này, trên lưng đầy nước đái và dính cả phân
heo, tấm nào là của Hân. Còn cả chục nhà bên cạnh cũng lót nền chuồng như ở
đây, tôi nghĩ biết đâu có tấm bia đó. Tôi bỗng giận thím tôi vô cùng.
Thím tôi
nhìn vẻ mặt đỏ ngầu của tôi, thím trả lời tỉnh bơ: “Có gì lạ đâu cậu, những tấm
bia của người chết toàn là ngụy quân ngụy quyền, lại còn cả những ông Tây bà
đầm thời Pháp thuộc, lật úp nó xuống, những tên những tuổi nằm xuống mặt đất,
đưa lưng đá xanh còn tốt, mình nuôi heo, bán ra có tiền nuôi sống biết bao
nhiêu con người, như gia đình chú ruột của cậu đây. Cậu bỏ tư tưởng tiểu tư sản
ấy đi.” Tôi không muốn nghe những lời của thím nữa. Tôi chán ngán, bỏ ra ngồi
ngoài hiên nhà, hút thuốc liên miên.
Đó chỉ là
khởi đầu cho tấn bi hài kịch về thím. Những tháng ngày sống khổ sở và thiếu
thốn trên đất Bắc cùng gian nan điêu đứng, cái chết quanh quẩn bên mình, dưới
làn bom đạn, khi thím tôi đi thanh niên xung phong, trong thời chiến đã để lại
dấu ấn nặng nề trong đời thím. Thím tôi cho cái thời hào hùng đã qua đi, và bây
giờ thím muốn bước thật nhanh, bất cứ việc gì, có thể kiếm được nhiều tiền để
mua sắm tất cả những gì mà ngày trước chúng tôi ở trong Nam đã có mà thím thiếu
thốn. Đó là những lời thú thật của chú tôi tâm sự khi hậu quả mang đến cho thím
tôi.
Thời đó
tất cả mọi người đều phải ăn độn, lúa mì hoặc bo bo. Huống chi là súc vật chăn
nuôi, nhất là giống heo ngoại quốc này, muốn mau lên cân, giảm ngày nuôi, thím
tôi thúc chúng bằng một thức ăn thật là kỳ lạ. Ban đầu, cũng như những tấm bia
kia, tôi mù tịt, cứ ngỡ những nắm thịt bầy nhầy được bầm nát bằng con dao phay
to tướng và nặng trịch, nổi lên lềnh bềnh trong nồi nước sôi sùng sục, là những
mớ thịt dư thừa thím xén bớt từ nhà bếp tập thể của cơ quan. Thím trộn những mớ
thịt đó chung với cám tổng hợp làm lũ heo thích thú dành nhau ăn. Chiều nào
thím cũng về hơi muộn và mang cả một giỏ lát, thím tôi còn chia lại một ít cho
những nhà bên cạnh. Tôi mang máng nhận ra có gì rất lạ đến kỳ quái từ những mớ
thịt làu nhàu đó cho đến một hôm thím vội vàng đi đâu đó liệng vội vào chuồng
heo một miếng thịt sống, lũ heo như bầy quỉ dữ nhào vào cắn xé giành giật, mỗi
con mang một miếng nhỏ vào riêng từng góc mà nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó làm
tôi rợn người tưởng chừng trước mặt mình là bầy cọp đói đang xâu xé một con
người.
Đêm đó
tôi ngủ ngoài hiên. Tôi cứ trằn trọc mãi đến nửa khuya mới thiếp đi. Và một cơn
ác mộng làm tôi nghẹt thở. Lũ trẻ con đông như kiến, những mái tóc đen óng ả
uốn quăn , miệng nở nụ cười rạng rỡ, chúng cầm tay nhau, chân bước lơ lửng trên
mặt đất. Rồi, chúng ca hát líu lo. Tôi cũng vui theo và cùng với chúng nhảy
múa. Nhưng, bỗng dưng có tiếng gầm thét như của loài hổ dữ, rồi hiện ra những
khuôn mặt đàn bà, miệng méo mó, đưa ra những hàm răng nanh nhọn hoắc, nhào tới
chụp lấy một vài đứa trẻ, xé nát nó ra từng mảnh nhỏ như người ta thường xé
thịt gà luộc làm gỏi. Lũ trẻ hoảng hốt bỏ chạy, té lên té xuống, u đầu, trật
chân. Chúng kêu la thảm thiết. “Ông ơi cứu chúng con với”. Tôi hỏi tên chúng.
Chúng lắc đầu bảo: “Tụi con chưa có tên.” “Vì sao?” “Chúng con là những bào
thai chết.” Có đứa trẻ chân tay mới lu, lậy quậy. “Nhưng con biết cha mẹ con là
ai? Tên gì?”. Có tiếng trẻ khóc, lập bập: “Cha tên Thương. Mẹ tên Lành.”
Tôi giật
mình, tỉnh giấc. Tôi thở dài, thao thức, mong trời chóng sáng. Tôi kể lại giấc
mơ đó cho thím tôi nghe nhưng giấu đi một chi tiết sau cùng về con thím. Thím
nói tỉnh bơ: “Chỉ là giấc mơ. Vớ vẩn.” Tôi tò mò hỏi tiếp: “Hình như gần đây
thím đã vài lần nạo thai.” Khuôn mặt thím tôi biến sắc nhưng sau đó trở lại
bình thường, thím gật đầu. “Chuyện thường tình mà cậu!” . Còn tôi, tôi cảm thấy
lạnh, lạnh từ xương sống lạnh ra.
Từ giấc
mơ này tôi mới nhớ chuyện xưa. Có những chuyện xảy ra trong đời mình nhưng gần
như mình đã quên biến đi, đến một lúc nào đó, trong tích tắc, bỗng dưng nó hiện
ra. Lúc ấy, tôi chỉ là một đứa bé con, bị trật chân suýt té xuống bậc thang, mẹ
tôi vừa nghe tiếng tôi khóc, bà vội vàng đưa tay níu kéo cứu tôi, nhưng mẹ tôi
trợt chân té lăn cuộn xuống cầu thang, bất tỉnh trên thềm xi măng. Máu từ ống
quần chảy ra lênh láng.. Mẹ tôi bị sẩy thai. Cái bào thai 5 tháng đổi mạng
thằng bé 5 tuổi. Mẹ tôi bỏ bào thai đó vào một cái lu sành nhỏ và đem chôn gần
mộ ông bà ngoại tôi ngoài nghĩa địa. Bây giờ, tôi mới sực nhớ mình có một đứa
em, dù nó chưa có tên.
Trời mờ
sáng, tôi vội vã từ giã căn nhà chú thím, trở về quê. Lũ con tôi reo mừng đợi
chờ những quần áo mới hoặc đôi giày, chiếc mũ. Tôi chỉ biết vỗ vào đầu chúng và
hẹn lần sau. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ thay đổi từ nụ cười tươi rói thành vẻ
tiu nghỉu, tôi thấy như mình có lỗi. Vợ tôi hỏi sao tôi về sớm hơn mọi lần. Tôi
chỉ thốt lên “Mệt quá. Chán quá” . Tôi không kể lại sự việc tàn nhẫn đó. Tôi
không muốn gây một cú sốc cho người bạn đời mình. Vợ tôi rất thương yêu súc vật
nuôi trong nhà từ con gà, con vịt, con chó kể cả những con heo. Có những lần
tôi thấy vợ tôi đưa cả bàn tay vào miệng những con heo mà nó không cắn . Những
lúc buồn tôi nghe vợ tôi nựng nịu vuốt ve những con vật đó nữa. Tôi nhìn những
cảnh tượng này mà xua tan nỗi ám ảnh cảnh những bào thai bị xé phanh thây đó.
Một tháng
sau, người y sĩ trong thôn nài nỉ tôi phải tìm gấp mấy loại thuốc cho một bệnh
nhân. Tôi phải vào lại Sài Gòn trên chuyến xe đò chạy suốt đêm. Hành khách hầu
hết là những người đi buôn. Người lơ xe lại thành người kể chuyện. Những chuyện
mang tính cách châm biếm hoặc tiếu lâm làm mọi người cười vang. Nhưng đêm nay
anh ta lại kể chuyện ma. Không biết anh lấy từ đâu. Chuyện tượng người lính cầm
súng bằng đồng, dựng trước cổng nghĩa trang quân đội của miền Nam, chảy nước
mắt. Những thiếu phụ ra thắp nhang cho chồng thấy lạ, lấy chiếc khăn tay lau
những dòng nước đang tuôn lệ từ khoé mắt bằng đồng. Khăn ướt dầm mà nước mắt
vẫn tuôn trào. Rồi những dấu chân to tướng in trên mặt đường đất dẫn vào xóm
làng quanh đó, như dấu chân hàng ngàn người, tìm đường trốn chạy.
Người lơ
xe kể tiếp.
Ở Sài Gòn vào một buổi sáng mùa đông, trời se lạnh lại có sương mù lảng đảng, người phu quét đường bỗng phát hiện ra những tấm bia từ các nghĩa địa bị bốc dở không cánh mà bay đến, dựng đứng từng hàng, trước mặt những tiệm buôn ngày xưa tấp nập giờ đã vắng tanh. Những người đi bán hàng rong buổi sáng sớm ở khu phố đó, dừng lại đứng xem. Những tiếng khóc than phát ra từ tảng đá xanh đó, buồn thảm, ai oán. Tiếng Tây có. Tiếng Mỹ có. Tiếng Việt có. Cùng tiếng bom rơi, đạn nổ. Tất cả trộn lẫn với nhau, làm những người trông thấy đều rùng mình. Tôi hỏi người lơ xe: “Hiện những tấm bia có còn đó không.” Anh ta trả lời: “Không biết.”
Tôi giật
mình. Người lơ xe và những ai đó có thể thêm thắt câu chuyện cho hấp dẫn ly kỳ
nhưng tôi linh cảm những tấm bia kia phát xuất từ khu cư xá của thím tôi là có
thật. Tôi mong xe mau đến Sài Gòn.
Đứng
trước cổng nhà thím tôi trời vẫn còn tối đen, tôi trở ra dẫy phố phía trước,
lang thang, đếm từng căn nhà có cửa sắt khép kín, xem có còn những tấm bia đó
không. Gặp một vài người phu quét đường, tôi hỏi thăm. Họ xác nhận cách đây
không lâu, ở đây xuất hiện những tấm bia không biết từ đâu mọc lên, nhưng rồi
người ta đã dọn dẹp xong rồi. Tôi ngồi trước thềm một căn phố và hút thuốc liên
miên, chờ trời sáng. Dưới ánh đèn đường lờ mờ, tôi nhớ đến Hân. Tôi nhớ đến Lê.
Trời sáng hẳn tôi mới quay về.
Trước khi
mở cửa vào nhà thím. tôi ngạc nhiên thấy ở một góc sân hẹp dựng lên một trang
thờ nhỏ có một lư hương cắm đầy nhang đã cháy tận gốc. Xuống nhà bếp, đúng là
những tấm bia lót nền chuồng heo đã bốc lên, còn lởm chởm những tảng ximăng lở
lói. Cái máng ăn cũng đã đập vỡ. Thành chuồng cũng trống trơn. Thím bảo:
“Không
bao giờ tôi nuôi heo nữa cậu ạ. Tất cả vốn liếng tôi đều mất sạch.” Thím cho
biết bầy heo chóng lớn kinh khủng, tưởng rằng bán mấy tạ heo này sắm được vài
cây vàng, ngờ đâu trước ngày xuất chuồng chúng bỗng dưng ngã đùng ra dãy chết.
Bệnh gì mà kỳ lạ chưa bao giờ thấy cả. Những hạt như hạt gạo, màu đỏ như máu,
nổi lên khắp thân thể chúng, và toát ra một mùi hôi thối như mùi xác người chết
đã thối rữa. Bán không ai dám mua, cho không ai dám nhận. Không biết đâu mà
chôn. Nửa đêm, vợ chồng con cái bịt mũi, xúm nhau khiệng liệng xuống con kênh
nước đen. Cả xóm, những gia đình mà thím tôi đã bày vẻ kiểu nuôi heo quái đản
đó đều gặp phải cảnh tượng như vậy. Không chỉ mấy chục con heo ngã đùng ra chết
mà những người nuôi chúng đều gặp những tai nạn bất ngờ. Người bị xe đụng gãy
chân mặc dù họ đi bộ trên vỉa hè. Kẻ bể đầu khi choáng váng mặt mày tông vào
cột điện… Họ kể cho nhau nghe những giấc mơ kinh hồn về những oan hồn của những
bào thai đó, chúng như những nhân sâm cao ly, chân tay ngắn ngủn, rũ nhau đè
lên thân xác họ mà cắn xé, như lũ heo đã từng ăn xác chúng. Sợ quá, thím tôi và
những người láng giềng, mỗi nhà lập một cái am nhỏ, hằng đêm thắp nhang cầu xin
những oan hồn bé nhỏ vất vưởng và khôn thiêng đó tránh xa họ. Lại nữa, những
bóng ma của những người đã chết từ những tấm bia kia hiện ra trong đêm tối mịt
mù rên khóc thảm thiết than đói, rên lạnh.
Bỗng dưng, vô cớ, tôi tự trách mình, nghĩ rằng nếu tôi vào đây trước vài ngày, biết đâu tôi tìm ra tấm bia mộ của Hân. Nhớ đến Hân, tôi muốn uống rượu cho say ngất ngư, chìm trong cơn men nồng cháy cổ, đốt thiêu cả tâm can. Tôi ra một quán nhậu ngoài đường phố. Ở đây lại không có bán rượu, dù là rượu đế. Chỉ có bán một loại bia, không còn những loại bia như ngày xưa, cũng như hằng ha sa số nhãn hiệu như bây giờ, mà là bia vi sinh lấy từ những trái cây như thơm dứa lên men. Giá bình dân, người giàu kẻ nghèo ghiền bia cũng đành phải uống thứ nước đó. Tôi nốc vài chai mà chẳng thấy hồn lâng lâng, đành bỏ về. Thấy vẻ mặt rầu rỉ của tôi, chú tôi lấy từ trong tủ ra một chai rượu nhỏ nhắn, khoảng một xị, khoe là người quen tặng, loại rượu quốc doanh, mang nhản hiệu “Rượu Rắn”. Chú cười: “Rắn đâu mà rắn, toàn cồn mía mà thôi. Nhưng cần gì, buồn, mình cứ uống đại đi, để nỗi sầu đó trôi theo men nồng.”
Nói đến
rượu tôi mới nhớ đến cái thẩu thủy tinh chứa rượu màu vàng sánh của chú đặt
trên tủ giấu trong phòng ngủ. Tôi nhìn xem nhưng không thấy nữa. Thưở ấy nhà
nào có bồn rượu ngâm một vài con rắn hoặc cắc kè, bìm bịp thì quí lắm, chiều
chiều trước bữa ăn, hớp một cốc để cảm thấy thức ăn dù chỉ một con cá kho nhỏ,
một dĩa rau muống luộc, làm ngon miệng thêm. Thẩu rượu đó chú tôi ngâm thứ gì,
ngoằn ngoèo như con rắn, nhưng tôi không hỏi. Thỉnh thoảng mỗi tối trước khi đi
ngủ tôi mới thấy chú uống một cốc nhỏ. Thím tôi bảo rượu bổ, do thím tôi đặc
chế. Quí hiếm lắm, không phải ai cũng có. Tôi tò mò nhìn kỹ nhưng không tài nào
nhận ra thím ngâm con vật gì. Bây giờ, tôi lại hỏi chú tôi thẩu rượu đó, cho
tôi xin một cốc uống thử. Chú tôi kéo tôi ra trước nhà nói nhỏ: “Thím mày đập
bể rồi. Thôi đừng nhắc đến nó nữa làm thím mày hoảng sợ.”- “Sao vậy. Bộ chú
uống rượu đó quá đô mà say sưa quậy phá lung tung.” Chú lắc đầu, và hỏi ngược
tôi: “Cậu biết thím cậu ngâm thứ gì trong rượu không?” Không đợi tôi trả lời,
chú nói tiếp: “ Cái nhau.” Tôi giật mình hỏi lại: “Cái gì?” –“ Cái nhau.”
“ Cho tôi
xin cái nhau.” Đó là câu nói đầu tiên của tôi với người y tá trong nhà hộ sinh
của một thị trấn nhỏ, ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Khi tôi mới nghe tiếng
oa oa, tiếng khóc chào đời của trẻ con, tôi mừng quá không kịp hỏi vợ tôi ra
sao, con trai hay con gái, tôi chỉ đưa hai bàn tay ra lập bập nói với cô y tá:
“Cho tôi xin cái nhau.” Cô ta cười, vào phòng lấy một tờ báo gói lại cái nhau,
giao cho tôi. Thấy tôi cầm nhau mang ra anh bạn hỏi: “Mày cầm về rồi chôn ở
đâu?” Tôi mới giật mình, nhà trên phố không dư một chút đất lấy đâu mà đào lên
chôn. Tôi phải đến tận chân núi của một nghĩa trang mà chôn cái nhau của đứa
con đầu lòng. Có thể câu nói từ ngàn xưa “chôn nhau cắt rốn” đã ăn sâu vào tiềm
thức của tôi mà tôi có phản ứng như thế. Mấy đứa con sau này, tôi đều chôn nhau
của các cháu sau vườn nhà.
Nghe chú
tôi nói uống rượu này nhắm cùng món xào cái nhau với hành tỏi trộn với nghệ mà
thím thường làm cho chú vào những buổi chiều cuối tuần mà tôi muốn nôn mửa.
Thím bảo những thứ đó là thuốc trường sinh. Chú chưa thấy hiệu nghiệm ra sao,
nhưng sau những cơn mộng mị kinh hồn, thím tôi đã đập nát nó rồi. Thím nói với
tôi “Thím không muốn chú ngã đùng ra chết như lũ heo kia với một căn bệnh quái
đản, bỏ cả vợ con.”
Tưởng
rằng mọi chuyện đã chấm dứt. Cái chuồng heo đã được tráng xi măng và cái bếp được
đặt vào đó, giống như xưa. Tôi yên lòng trở về quê khi số thuốc tây mà thím tôi
đã giao đủ.
Tôi đâu
ngờ, sau thất bại ê chề về nuôi heo với thực phẩm mà Thím tôi đã chế biến kia,
Thím tôi quay qua làm thuốc giả và tôi vô tình là kẻ tiếp tay. Tình cờ, có một
hôm trời nóng quá, nửa đêm tôi thức giấc, ngang qua phòng Thím còn thắp ngọn
đèn ngủ, nhìn vào, tôi thấy Thím lom khom mở những viên thuốc thật, trộn vào
một thứ gì đó. Sáng dậy tôi hỏi Thím sự việc, Thím trả lời tôi một cách thản
nhiên: “Có chết chóc đâu mà sợ, chỉ thêm một nửa bột mì.” Từ đó, tôi không dám
đi buôn thuốc tây nữa. Tôi không vào Sài Gòn. Ở quê cùng vợ cuốc đất, trồng
rau.
Mãi đến
mấy năm sau, tôi ghé thăm chú thím. Đúng ngay ngày liệm xác thím. Đêm đó, không
biết từ đâu lũ mèo hoang kéo nhau về, tụ tập trên mái nhà, chúng ruợt đuổi
nhau, cắn xé nhau, và cất lên những tiếng kêu như tiếng khóc của những đứa trẻ
sơ sinh.
Tôi không
hiểu những ngày nằm trên giường bệnh, với nỗi đau đớn về thể xác của căn bệnh
ung thư tử cung trong giai đoạn cuối, thím có còn bị dằn vặt, ám ảnh về những
bào thai mà ngày đó thím không công nhận đó là những con người . Chú tôi kể
lại, trước khi trút hơi thở cuối cùng, thím khóc. Tiếng khóc như tiếng mèo gào.
Đó chỉ là
một trong những câu chuyện bình thường đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử,
như một thời đã qua. Bửu Uyển nói với chúng tôi như thế. Anh cho chúng tôi
biết, những tháng năm đó, sau khi ra tù, anh cùng gia đình sống lao đao khổ
cực, đắng cay tình đời. Và anh cùng gia đình, cũng như những người cùng cảnh
ngộ, tìm đường vượt biên ra nước ngoài. Anh ra đi cũng chỉ vì đi tìm một cái
đẹp, dù ở một đất nước khác. Anh kể cho chúng tôi những tháng ngày lao đao trên
đất người.
Thoắt đó, đã hơn 30 năm. Đời người như cơn gió thoảng. Anh trở về thăm lại quê hương. Anh đi đến từng nơi ngày xưa anh đã sống. Thăm cái quận lỵ anh đã từng làm phó quận trưởng sau khi tốt nghiệp trường quốc gia hành chánh. Thăm lại ngôi trường xưa. Trường Quốc Học nằm kề trường Đồng Khánh, như một đôi tình nhân. Anh hồi tưởng những ngày xa xưa đó và tự hỏi những người bạn cùng lớp Nhị B1 ai còn ai mất. Năm mươi thằng giỏi lắm còn chưa đầy mười tên. Ở nước ngoài một nửa. Còn lại chúng tôi quây quần bên anh. Nhắc chuyện xưa, mũi lòng. Nói chuyện tương lai, kết thúc một đời người là những nắm mồ. Tôi hỏi Bửu Uyển lần về Huế anh có đến thăm những lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Anh gật đầu. Giọng nói anh trầm xuống. Không biết anh nói cho chúng tôi nghe hay anh thì thầm với mình: Những ngày cuối đời tôi muốn trở về sống ở quê hương và khi chết, ước ao mình được chôn trong nghĩa trang Nguyễn Phước tộc, một triều đại vua nhà Nguyễn đã sụp đổ.
NGUYÊN
MINH
Đầu năm
2007
1 0 5