Saturday, March 2, 2013

106. NGUYỄN ÂU HỒNG Đọc truyện ngắn MÙA MẰNG LĂNG LỘT VỎ của Trần Huiền Ân


NGUYỄN ÂU HỒNG
Đọc truyện ngắn
MÙA MẰNG LĂNG LỘT VỎ
của Trần Huiền Ân

Trần Huiền Ân


Mằng lăng là một loại cây rừng thân mộc, cho gỗ. Gỗ mằng lăng có sớ mịn, dẻo, có vị đắng nên dùng trên cạn không bị mối mọt, dùng dưới nước không bị hà. Trước kia, mằng lăng chiếm vị trí độc tôn trong việc đóng ghe thuyền.

Có một câu chuyện xưa kể rằng, một hôm quan trông coi việc đóng thuyền trình với quan phủ:
-       Lệnh trên truyền đóng một trăm chiến thuyền mà mằng lăng ở những vùng xe trâu vào được đã khai thác hết rồi, vậy xin quan phủ cho kế sách.
-       Việc của nhà ngươi sao lại hỏi ta? Vậy nhà ngươi tính sao?
-       Dạ chưa biết tính sao.
-       Chưa biết tính sao là sao?

Khuôn mặt của vị quan trông coi việc đóng thuyền sáng ra. Ông chào đa tạ quan phủ. “Chưa biết tính sao là sao” không còn là một câu hỏi, mà là một câu nói ở thể xác định: “là sao” tức là “dùng gỗ sao”. Từ đó, gỗ sao và một vài loại gỗ khác mới sánh vai cùng mằng lăng góp mặt trên các ghe thuyền.

Nhân vật chính trong truyện MÙA MẰNG LĂNG LỘT VỎ của Trần Huiền Ân là ông Chín Hem.

Ông Chín Hem kể, “Muốn lên họp chợ tiên phải qua cổng tiên. Muốn đến dược cổng tiên phải đợi mùa mằng lăng lột vỏ”.
Mùa mằng lăng lột vỏ nhằm vào tháng ba.

“Tuần trăng tháng ba ở buôn Suối Ổi có đám xây cột đâm trâu. Tiếng cồng chiêng theo ngọn gió đêm vượt qua đồi lũng bay đến làng Đá nghe rõ mồn một. Càng về khuya tiếng cồng chiêng càng thánh thót. Lũ trẻ con làng Đá cũng thấy lòng mình rộn lên, tưởng tượng ra ở đó cả dân buôn nắm tay nhau vòng quanh múa điệu vớt rong”.

Vào tháng ba, các dân tộc tây nguyên thường tổ chức đám xây cột đâm trâu, còn gọi là đâm trâu bỏ mả (Xây cột đâm trâu thường dược hiểu là đâm trâu bỏ mả, nhưng còn có lễ xây cột đâm trâu cầu an, nhỏ hơn). Bỏ mả hiểu theo nghĩa người kinh là xả tang. Sau khi chôn cất người chết, đồng bào các dân tộc tây nguyên vẫn thường đem thức ăn ra mộ để cúng cho đến ngày bỏ mả mới thôi. Những lễ bỏ mả lớn kéo dài ba ngày ba đêm. Người ta buộc một con trâu tơ to lớn vào một cái cột với dây niệt thật chắc và một sợi dây nài dài để trâu có thể chạy vòng tròn quanh cột (xây cột).. Sau đó, con trâu được xả thịt nấu nướng đãi bà con trong buôn làng. . Họ ăn thịt trâu, uống rượu cần. Ché rượu cần thật lớn đã buộc vào cây cột vừa rồi xây con trâu. Dân buôn làng lớp đánh cồng chiêng, lớp nắm tay nhau múa điệu vớt rong. Gần đó, bên các bờ bụi, có những cặp nam nữ thổ lộ tình yêu (được buôn làng cho phép). Lễ bỏ mả không có tiếng khóc nhưng có lời dân ca ai oán, vừa tỏ lòng thương tiếc người quá cố, vừa nhắc nhở rằng đã xây cột đâm trâu rồi thì hãy đi vào cõi vô biên, đi hẳn, đừng bao giờ quay về nữa. Bỏ mả rồi là nghìn thu vĩnh biệt.

Trong truyện MÙA MẰNG LĂNG LỘT VỎ, Trần Huiền Ân nhắc đến đám xây cột đâm trâu vào một đêm trăng tháng ba ở buôn Suối Ổi.
“Đám xây cột này lớn quá, suốt ba ngày đêm. Đêm thứ hai lũ trẻ con làng Đá thức khuya hơn, và đêm thứ ba định thức tới gà gáy. Tất cả chúng như quá say đến độ mê đi trong không khí huyền hoặc bồng bềnh”.

Mở đầu truyện, tác giả đề cập ngay đến cái chết của nhân vật chính. Như vậy toàn bộ câu chuyện là viết về một người đã chết; nói đúng ra là những gì con người lưu lại sau khi chết. Ông Chín Hem lưu lại những câu chuyện về cõi tiên – cõi tục.

Vì là cõi tiên – cõi tục nên câu chuyện nửa hiện thực nửa huyền ảo, có khi pha trộn không biết đâu là thực đâu là ảo.

“Đất nước ông bà mình nơi đây chính là xứ sở kề cận cõi tiên”.
“Chợ tiên gần lắm mà cũng xa lắm, không phải ai muốn đến đó cũng đến được, phải có đầy đủ căn duyên. Căn là cái gốc rễ trong lòng ta, muốn gặp tiên ít nhất phải có một chút căn tiên, duyên là  sự may mắn, là điều kiện thuận tiện riêng tư tùy hoàn cảnh của mỗi người. Ai có căn duyên thì cây rừng mở lối, chim muông dẫn đường đưa đón. Ai không có căn duyên thì không thể nào vào được cõi tiên, dù cõi tiên và cõi tục xen lẫn bên nhau, mà bởi gai ngăn lá phủ, nên mắt ta nhìn không ra, chân ta bước không  tới”.
Trong đoạn văn ngắn thuật lại lời kể của ông Chín Hem, tác giả sử dụng ẩn dụ hai lần. Ẩn dụ một nhắc nhở về gốc rễ cội nguồn “đất nước ông bà mình”. Ẩn dụ hai nói về căn duyên, phải dọn thân tâm làm sao để không bị gai ngăn lá phủ mà nhìn ra cõi tiên (vốn xen lẫn bên nhau cùng cõi tục).

“Muốn tìm đường đến cổng tiên người ta phải để ý trông chừng ngay lúc rừng mằng lăng lột lớp vỏ lứa đầu. Tìm trong những mảng vỏ xanh ấy hình dáng hoặc là con gà gáy, con chó chạy, con chim đang đậu, con bướm đang bay, có khi là hình mũi mác, lưỡi cày…  Đi theo hướng đỉnh nhọn của hình dáng  sẽ gặp hình dáng tiếp theo, cứ như thế, có thể là phải vòng đi vòng lại mất cả buổi, cả ngày, cuối cùng ta đến được cổng tiên. Cây rừng mở lối, chim muông dẫn đường là như vậy”.

Ông Chín Hem hướng dẫn tỉ mỉ cách vào cổng tiên, còn ông thì “Ông không xác quyết là đã tìm thấy cổng tiên, đã vào cõi tiên, dạo chơi trong chợ tiên… Ông nói hàng hai, lượn lờ miêu tả cảnh tiên rất đẹp, mà cũng rất chung chung…”.

Cái cõi tiên của ông Chín Hem với “nước hồ nước suối trong vắt, cây cối xanh tươi, hoa trăm sắc nở, bướm trăm màu bay” và cõi tiên của bọn trẻ con làng Đá “sáng rực dưới trăng” phút chốc “cháy rụi chỉ còn tro than đất đá và những xác người chồng chất bên xác máy bay tung tóe sắt thép”.

Tới đây, ta có thể nhận ra dụng ý của tác giả: rừng cây tươi xanh và cuộc sống thanh bình của người dân làng Đá đã bị chiến tranh tàn phá. Cách đó không xa, buôn Suối Ổi chắc chắn cũng chịu chung số phận. Theo cách nói của ông Chín Hem thì “đất nước ông bà mình” cùng với “cõi tiên kề cận” đã bị hủy diệt, và MÙA MẰNG LĂNG LỘT VỎ chính là một đài tưởng niệm.

Thực hiện đài tưởng niệm này, tác giả muốn bày tỏ lòng yêu thương con người cũng như muốn chia sẻ những đau thương mất mát trong chiến tranh mà ngừơi dân ở làng Đá và Suối Ổi đã phải gánh chịu.

Nguyễn Âu Hồng
March 1, 2013



 
    Nguyễn Âu Hồng qua nét vẽ của họa sĩ Thanh Hồ