J.D. Salinger - Photo by Lotte Jacobi
J.D. Salinger (Tên đầy đủ Jerome David
Salinger) sinh năm 1919 tại New York trong một gia đình khá giả. Ông đã học qua
khá nhiều trường: trung học McBurney School (New York), trường quân sự Valley Forge Military
Academy (Pennsylvania), Ursinus College (Pennsylvania), Columbia University
(New York). Chính tại trường Columbia University, Salinger đã gặp giáo sư Whit
Burnett- người đã làm thay đổi cuộc đời ông.
Whit Burnett là một giáo sư giỏi, vừa là chủ
bút của tạp chí STORY, một tạp chí nổi tiếng với những truyện ngắn hay. Ông
phát hiện ra tài năng của Salinger, nghĩ rằng Salinger sẽ trở thành một nhà văn
lớn, nên khuyến khích Salinger viết truyện đăng trên tạp chí STORY. Dần dần,
truyện của Salinger xuất hiện không những trên tạp chí STORY mà còn ở nhiều tờ
báo danh tiếng khác như COLLIER'S, THE SATURDAY
EVENING POST…
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông
nhập ngũ, và đã từng tham gia cuộc đổ bộ Normandie. Sau chiến tranh, ông trở về
New York, trở lại với công việc của một nhà văn. Năm 1951, ông cho xuất bản cuốn
tiểu thuyết The
Catcher In The Rye ,
gây một tiếng vang rất lớn, không những ở Mỹ, mà nhiều nước khác trên thế giới.
Cuốn sách tạo ra những cuộc tranh luận khắp nơi, người khen rất nhiều, nhưng
người chê cũng không phải là ít.
Cuối cùng thì cuốn sách được chọn giảng dạy
trong giáo trình bộ môn Văn trong các trường trung học ở Mỹ và nhiều nước nói
tiếng Anh, và đến nay đã có khoảng 120 triệu cuốn được bán ra trên khắp thế giới.
Điều này tự nó cũng đã nói lên được giá trị của cuốn sách.
Hai năm sau đó, 1953, ông về sống đời ẩn dật ở
New Hampshire, rất hạn chế tiếp xúc với công chúng. Ngày 19.6.1965, báo The New
Yorker đăng truyện ngắn của ông- truyện HAPWORTH 16, 1924. Đây là truyện ngắn
cuối cùng của Salinger xuất hiện trên báo chí. Từ 1965 đến khi ông qua đời-
2010, tức là trong 45 năm, không thấy có thêm truyện nào của ông trên các báo,
mặc dù trong những năm đó ông vẫn tiếp tục viết.
Cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông đã xuất bản, The
Catcher In The Rye, được Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch
sang tiêng Việt trước 1975, với tựa đề
BẮT TRẺ ĐỒNG XANH.
Phạm Cao Hoàng
August,
2012
THE CATCHER IN THE RYE
BẮT TRẺ ĐỒNG XANH
Bài
viết của Quán Như
Bắt
Trẻ Đồng Xanh và Câu Chuyện Của Dòng Sông được Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch
và do nhà xuất bản Lá Bối phát hành khoảng năm 1964-65. Hai tác phẩm này một sớm
một chiều được thanh niên sinh viên thời bấy giờ chào đón nồng nhiệt và, cùng với
một số tác phẩm của Nhất Hạnh, đã tạo ra một không khí hứng khởi cho phòng trào
về nguồn, trở lại nghiên cứu các giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhất
là Phật Giáo.
Nguyên tác của Bắt
Trẻ Đồng Xanh là quyển The Catcher In The Rye của J.D. Salinger được xuất bản lần
đầu năm 1951, nghĩa là hơn một thập niên trước khi bản Việt dịch xuất hiện. Tác
phẩm được các nhà phê bình văn học trên New York Times, San Francisco
Chronicle, Philadelphia Enquirer và Times khen ngợi như là một tác phẩm nổi bật
nhất trong năm và nhân vật Holden Caulfield dần dần trở thành thần tượng của
thanh niên Mỹ trong nhiều thế hệ. Vì Holden Caulfield chửi thề luôn miệng và có
khuynh hướng chống đối lại các giá trị cổ truyền như Ki-Tô giáo, tờ báo The
Christian Science Monitor và The Catholic World chỉ trích Salinger cố
tình cổ động cho một lối sống “thiếu đạo đức”. Tuy nhiên những lời chống đối yếu
ớt, dựa trên tiêu chuẩn luân lý sắp sửa bị thanh niên Mỹ ruồng bỏ, không làm giảm
mức độ hấp dẫn và chinh phục độc giả của The CatcherI In The Rye trong một thời
đại mà bị hấp lực của phong trào hướng về Đông Phương “Go East Young Men” vào
các năm cuối thập niên 50. Trong vòng 3 tháng, The Catcher đã trở thành một tác
phẩm bán chạy nhất trong danh sách của tờ Times và tiếp tục qua mặt của các tác
giả cổ điển tài danh khác như James Jones, tác giả From Here to Eternity. The
Catcher đồng thời được xuất bản ở Anh và cũng được các nhà phê bình Anh khen ngợi,
mặc dù trước đó nhà xuất bản lo ngại độc giả Anh có thể có phản ứng tiêu cực vì
lối văn “nói” và phương ngữ của Mỹ. Ba năm sau khi bản dịch tiếng Việt của
Phùng Khánh ra đời (1965), tức là vào năm 1968, the Catcher In The Rye được xem
như là một trong năm tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn chương Mỹ kể từ
năm 1895. Hiện nay mỗi năm vẫn còn 250 ngàn độc giả bỏ tiền ra mua các ấn bản mới.
The Catcher hiện nay được đưa vào danh sách các tác phẩm giáo khoa dành cho học
sinh trung học nghiên cứu. Năm ngoái khi đứa con trai của tôi mới học lớp 9 được
cô giáo bảo đọc và phê bình The Catcher, tôi có hơi ghen tỵ với nó một chút.
Cũng như các thanh niên thời đó, tôi chỉ được đọc The Catcher sau khi đã học
xong đại học, qua bản dịch của Phùng Khánh. Tôi cho đứa con mượn toàn bộ tác phẩm
của Salinger, cùng với các tác phẩm phê bình và hồi ký của đứa con gái
Salinger, bà Margaret. Tôi thú nhận là hể có ấn bản mới của The Catcher phát
hành là tôi mua để trên kệ sách và hiện có ít nhất là bốn ấn bản The Catcher
khác nhau. Đứa con tôi hạ một câu “You are crazy, Dad!” Nó không hiểu được mức
say mê của thế hệ trẻ chúng tôi bấy giờ đối với Holden và Phoebe, và riêng tôi,
tôi cám ơn Phùng Khánh rất nhiều.
Nhân vật chính, Holden
Caulfield, lấy từ tên của một cô đào chiếu bóng sau thế chiến thứ hai, Joan
Caulfiel, mà Salinger xem như là người “trong mộng”. Holden Caulfield, mới
16 tuổi, cũng như các thanh thiếu niên khác, đang trải qua cơn khủng hoảng tâm
linh. Anh vừa biết tin bị đuổi khỏi trường vì thi rớt tất cả mọi môn, trừ môn
Anh ngữ. Ông Hiệu Trưởng sẽ gởi thư báo tin cho cha mẹ anh vào ngày thứ Tư, ngày
cuối niên khóa. Tuy nhiên Holden quyết định rời trường vào chiều thứ Bảy và lấy
xe lửa về New York. Anh không thể về nhà ngay được vì sợ cha mẹ khám phá anh lại
bị đuổi. Holden cảm thấy bất an, khủng hoảng và cô đơn giữa đám người mà anh gọi
là những phony bastards, giả dối, kệch cỡm, lố bịch, đạo đức giả. Lang thang giữa
thành phố New York, anh chợt nhớ đến mấy con vịt trong hồ Central Park vào mùa
Ðông. Anh tìm cách gợi chuyện với nhiều người lạ, với người tài xế tắc-xi, lục
sổ điện thoại để rủ một người mà anh mới biết đi uống rượu. Vào quán rượu với một
cô bạn gáí, gây gỗ nặng lời và say lướt khướt. Tựa The CatcherI In The Rye lấy
từ một câu trong bài hát của Robert Burns “Nếu một người nào bắt được một người
nào chạy ra từng cánh đồng lúa”.
Tôi tưởng tượng có
nhiều đứa trẻ đang chơi một trò chơi nào đó trên một cánh đồng lúa lớn.
Hàng ngàn em, hàng ngàn em đều nhỏ như nhau, không có một người lớn nào ở gần
đó - trừ tôi. Công việc duy nhất của tôi là chờ sẵn ở đó và hễ khi có một em
nào vô ý sẩy chân và sắp sửa rơi xuống từ vách đá, tôi đứng sẵn ở đó và dơ tay
đón bắt từng em. Cả ngày tôi chỉ làm chừng nấy công việc. Tôi chỉ làm công việc
bắt trẻ đồng xanh. Tôi biết đó là một điều điên rồ, nhưng đó là công việc duy
nhất mà tôi thích làm!
Bảo vệ các em khỏi
ngã xuống vách đá có nghĩa là bảo vệ sự ngây thơ thuần khiết để các em, để khi
“lớn lên” các em đừng biến thành phonies như biết bao người mà Holden đã gặp.
Holden rất cô đơn mặc dù sống ngay giữa thành phố không bao giờ ngủ, New York.
Holden không có người nào khả dĩ gọi là bạn thân trên đời. Khi cô em gái Phoebe
thách thức Holden, yêu cầu anh cho biết tên một người mà anh thích nhất. Holden
ấp a ấp úng, cuối cùng nhắc tới một người em trai đã qua đời. Khi Phoebe hỏi lớn
lên anh thích làm nghề gì, Holden nhắc tới công việc điên rồ là bắt trẻ đồng
xanh.
Cũng như thế hệ
hippies vào các năm 60, Holden không phải là người lạnh nhạt, quay mặt lại với
đời sống. Trái lại anh yêu vô cùng đời sống, trang trọng và nhạy cảm đối với
người khác, yêu tuổi thơ và muốn sống vô tư, tự nhiên và trung thực. Anh chống
đối các hình thức trói buộc về luân lý và xã hội do chính những phonies đặt ra.
Cả một thế hệ yêu cuồng sống vội, váy ngắn tóc dài không phải là một thế hệ thiếu
lý tưởng hay thấy đời sống vô nghĩa, đó chỉ là một thái độ phản kháng quyết liệt
lại những phonies mà họ kinh tỡm. Chính ra thế hệ hippies là những người vô
cùng nhạy cảm, nhất là đối với những khổ đau của người khác. Họ bắt đầu thấy thấp
thoáng anh sáng Châu Á và kỳ lạ thay, họ sống như những Phật Tử, bởi không ai
có thể tự gọi mình là Phật Từ nếu không nhạy cảm với những khổ đau của người
khác.
Có tới ba lần trong
The Catcher, Holden tỏ ý ‘lo lắng’ cho mấy con vịt trong hồ ở công viên Central
New York. Lần thứ nhất trong khi ông giáo dạy Sử, già lụ khụ giảng luân lý,
Holden lơ đãng và trong lòng băn khoăn không biết khi mặt hồ bị đóng băng, mấy
con vịt đi về đâu. Không biết có ai đem xe chở mấy con vịt về một chỗ trú ẩn
nào khác hay chúng phải tự bay đi như các loài di điểu khác! Hai lần sau Holden
nhắc mấy con vịt với hai người tài xế tắc xi. Người tài xế thứ nhất nghi ngờ cậu
bé tâm thần bất thường, xẳng giọng: “Cậu nói nhăng nói cuội gì vậy? Bộ giỡn hả?”
Người tài xế thứ hai tử tế hơn, tuy nhiên lúng túng vì câu hỏi ngớ ngẩn: “Ai?
Đi đâu? Ai để ý làm gì mấy chuyện lẩm cẩm như vậy!” Tuy nhiên người tài xế này
sau đó bàn luận với Holden về một chuyện ngớ ngẩn khác: mấy con cá trong hồ làm
gì trong mấy tháng mùa Ðông. “Chúng không đi đâu cả, chúng bị đông cứng và ở
yên một chỗ cho đến hết mùa Ðông!” Câu đối thoại của hai người điên? Trên đời
này mấy người có thì giờ quan tâm tới số phận của mấy con vịt và mấy con cá
trong hồ vào mấy tháng mùa Ðông như Holden!
Lúc còn trẻ luôn hăm
hở xông vào con đường công danh sự nghiệp, hay mơ tưởng mấy người đẹp da trắng
tóc dài, tôi cũng có kết luận tương tự khi đọc các bài thơ Đường, như bài Xuân
Hiểu của Mạnh Hạo Nhiên:
Dạ
lai phong vũ thanh
Hoa
lạc tri đa thiểu
Đêm
qua mưa gió tơi bời
Biết
rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.
(Trần
Trọng Kim dịch)
Mấy ông thi sĩ đời Đường không có chuyện gì làm sao lại lo cho mấy chùm hoa rụng
đêm qua?
Ai cũng biết
các đệ tử của Phật lúc đi khất thực phải cúi nhìn xuống đất để tránh dẫm lên
các côn trùng. Trong mùa mưa họ phải ở lại tịnh thất vừa để tu tập, vừa tránh
đi ra ngoài đường mấy tháng mưa, mùa côn trùng bò lên sống ngổn ngang trên mặt
đất. Nếu ai nghĩ Đức Phật lo lắng thái quá cho các loài côn trùng sâu bọ, sẽ
còn bị “sốc” hơn nữa khi Đức Phật dạy các đệ tử trước khi uống một ly nước lạnh,
phải niệm chú vãng sinh cho 64 ngàn vi sinh vật sống trong đó. Holden và người
tài xế tắc-xi chỉ lo lắng cho mấy con vịt và con cá xem ra còn đở “lẩm cẩm” hơn
Đức Phật! Chừng nào chưa hiểu đức “hiếu sinh’ của tư tưởng Đông Phương, hay vẫn
còn đem tâm để hình hài sai khiến, nhiều người vẫn còn xem mấy chuyện này là mấy
chuyện lẩm cẩm!
Holden dĩ nhiên
không những nhạy cảm với mấy con vịt, anh cực kỳ nhạy cảm với những người chung
quanh, dù biết họ là những phonies. Anh lúc nào cũng rộng rãi với bạn bè, sẵn
sàng cho họ mượn những vật dụng riêng tư của mình, kể cả Stradlater, người bạn
cùng phòng mà anh đã đánh lộn. Sở dĩ anh đánh nhau với tên này chỉ vì anh nghi
ngờ y dở trò chim chuột sở khanh với một cô láng giềng cũ. Và cô này chỉ là một
cô láng giềng, chớ không phải bồ bịch gì của anh.
Khi gặp hai bà sơ ở
gần nhà ga, anh đề nghị tặng hai bà sơ 10 đồng (hơn nửa số tiền mà anh có trong
túi) mặc dù hai bà sơ chỉ đi nhận nhiệm sở dạy học, chớ không có đi quyên tiền.
Sau đó Holden cứ ân hận mãi về chuyện anh hổn láo phà khói thuốc vào mặt hai bà
sơ.
Đêm Chủ Nhật, sau
khi lẻn về thăm Phoebe, Holden gọi điện thoại cho một thầy cũ để xin ngủ nhờ một
đêm. Ông là người duy nhất trong cuốn truyện mà Holden thích và kính trọng. Holden
trước đó chứng kiến cảnh ông thầy săn sóc một học sinh bị một nhóm học sinh du
đảng khác uy hiếp, đến nổi phải nhảy xuống lầu. Chính ông này đã tự cởi áo đắp
lên người nạn nhân và mang em đến bịnh xá cấp cứu, trong khi các người khác cố
tình lảng tránh. Nửa đêm khi Holden giật mình tỉnh dậy, anh cảm thấy bàn tay của
ông thầy mà anh kính mến đang mân mê trán mình. Có thể ông thấy là một thứ
bi-sexual pervert thứ thiệt, nhưng Holden cứ băn khoăn sợ mình có hiểu lầm thái
độ của thầy không.
Trong The Catcher,
anh đã châm biếm, chế diễu, chửi thề những phonies này. Thế nhưng Holden không
hề ghét bỏ mà chỉ thương hại họ. Đến cuối quyển sách, Holden hối tiếc việc anh
đã kể một câu chuyện dính líu tới nhiều người. Anh còn cảm thấy “nhớ” tất cả mọi
người mà anh nhắc tới trong chuyện, kể cả tên ma cô Maurice.
Một nhà văn khác
cũng nhắc đến sự thanh khiết của trẻ em là Saint-Exupéry trong The Little
Prince. Tuy nhiên Hoàng Tử Bé của Saint-Exupéry đến từ một tinh cầu khác. Sự
tương phản giữa hồn nhiên và “ người lớn” của Saint-Exupéry có tánh cách triết
lý hơn. Đó là sự khác nhau giữa những gì cao cả và tầm thường của đời sống.
“Người lớn” bị đời sống điều kiện hóa, không còn có cái nhìn trong sáng như trẻ
con, mà chỉ thấy toàn những con số. Khi trẻ con mô tả một căn nhà gạch hồng, với
giàn hoa phong lữ đỏ thẫm trên khung cửa sổ, có các con bồ câu đang gật gù trên
mái nhà, người lớn chỉ quan tâm xem căn nhà đó trị giá bao nhiêu tiền. “Người lớn”
là một người chưa bao giờ ngữi thấy mùi hoa bưởi hoa cau, chưa hề “thấy” trăng
sao, chưa bao giờ nhìn rõ khuôn mặt người thân. “Người lớn” là những người mù
vì không bao giờ chịu nhìn người khác và sự vật bằng tâm hồn của mình.
Saint-Exupéry cũng cho Hoàng Tử Bé về quê nhà ở một tinh cầu xa bằng ẩn dụ con
rắn trong vườn địa đàng, khi con người đánh mất hồn nhiên.
Salinger, hay
Holden, trái lại đang sống trong cõi ta bà, giữa thành phố New York, một thành
phố tự hào là không bao giờ biết ngủ. Nhưng Holden cũng cô đơn không kém gì
Saint-Exupéry trong sa mạc Sahara, nếu không muốn nói là còn cô đơn hơn. Holden
hầu như không kết thân được với ai, kẻ cả cha mẹ và ngưói anh cả. Trong đời này
nếu còn có người nào mà anh còn có thể thân cận được, đó là cô em Phoebe và có
lẽ một người nữa, Allie, đứa em trai đã mất. Hai người đó là hy vọng cuối cùng
của Holden ở cõi ta bà này.
Phoebe là người duy
nhất dám thách đố Holden và Holden phải chịu khó trả lời. Khi bị Phoebe căn vặn
yêu cầu Holden cho cô biết tên một người hay một việc nào anh thích, Holden
không nghĩ ra được một người nào. Cuối cùng anh phải chống chế, nhắc đến Allie,
và Phoebe. Khi có ý định muốn bỏ đi một nơi thật xa, Phoebe là người duy nhất
mà Holden muốn đến từ giã trước khi lên đường đi tìm giấc mộng. Và Phoebe cũng
là người duy nhất làm anh khóc sướt mướt khi cô bé đưa cho anh “mượn’ tất cả tiền
mà cô được cha mẹ cho trong dịp lễ giáng sinh. Có lẽ cô bé đếm tiền từng xu, từng
ngày. Cô nói: “Đây, tám đồng tám mươi lăm xu”. Nhưng Phoebe đính chánh ngay:
“Tám đồng sáu mưới lăm xu! Em có tiêu một ít rồi!”
Thình lình tôi bật
khóc làm nhỏ Phoebe sợ quá. Nhỏ Phoebe choàng tay và dỗ dành cho tôi nín, nhưng
một khi bắt đầu khóc, không ai có thể ngừng được. Phoebe choàng tay ôm tôi và
tôi cũng choàng tay ôm cô bé và một lúc lâu sau tôi mới nín khóc được.
Người thứ hai Holden
có thể “nói chuyện” được là Allie, đứa em đã qua đời. Sau khi ngủ một đêm ở nhà
ga, Holden đi dọc theo đại lộ Thứ Năm, để đến bảo tàng viện chờ em. Holden có
thể đã bị trãi qua quá nhiều biến cố trong hai ngày, tinh thần của anh như một
dây đàn căng thẳng quá độ. Khi băng qua đường anh có một ảo giác là anh sẽ
không bao gìờ đến được lề bên kia. Anh có cảm tưởng anh càng ngày càng lún dần,
lún dần và cuối cùng biến mất không còn ai thấy anh nữa. Gate, gate, para
samgate. Và anh đã làm một chuyện mà từ trước tới giờ anh chưa hề làm. Khi gần
tới bờ bên kia, anh “khẩn cầu” Allie: “Allie đừng để anh biến mất. Allie đừng để
anh biến mất”. Và khi đến bờ bên kia, Holden nói: “Cám ơn em, Allie”.
Bodhi-sattva. Khi qua được bờ bên kia, Holden ngồi xuống một băng đá và quyết định
sẽ không về nhà nữa, sẽ bỏ đi một nơi thật xa, một nơi không có ai biết anh.
Anh sẽ giả làm một người vừa câm vừa điếc và như thế anh sẽ không cần phải nói
chuyện với bất cứ một người nào khác. Anh sẽ dành dụm tiền để xây một căn nhà gỗ
ven rừng, và nếu có muốn lập gia đình, anh sẽ lấy một người đàn bà đẹp, cũng vừa
câm vừa điếc khác. Và trong lúc đó chỉ có một người duy nhất trên đời mà anh muốn
đến từ biệt là Phoebe.
Đoạn cuối tả cô bé
Phoebe xách va-li cũ cồng kềnh để đi theo anh về miền rừng núi Colorado là một
đoạn văn tuyệt đẹp, theo tôi, còn xúc động hơn đoạn văn tả cảnh biệt ly giữa
Saint-Exupéry và Hoàng Tử Bé. Phoebe giận anh vì lần đầu tiên bị Holden mắng
“câm miệng lại”. Phoebe đi bên kia đường trong khi Holden đi bên này đường, hướng
về phía sở thú. Nhưng hai người luôn trông chừng nhau vì sợ lạc. Khi đến
chổ có trò chơi cỡi mấy con ngựa gỗ, Phoebe hết giận anh và lên cưỡi ngựa. Trời
bỗng đổ mưa như trút nước. Holden ngồi trên băng đá “Người tôi ướt đầm đìa.
Nhưng tôi bất cần. Thình lình tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Như trong lời hát
của một bản nhạc phản chiến vào các năm 60 “It’s Happening Now”. Giả sử như một
người chợt ngộ, họ có cảm giác như thế nào? Tôi nhớ trận mưa rừng Nhất Hạnh đã
tả trong Nẻo Về Của Ý.
Phùng Khánh dịch tác
phẩm Câu Chuyện Của Dòng Sông của Herman Hesse là điều dễ hiểu. Nhưng Bắt Trẻ Đồng
Xanh? Trong câu chuyện, Holden cũng như các thanh thiếu niên mới lớn khác văng
tục “không ngừng da non”, nghịch ngợm phá phách đủ mọi cách, đánh nhau. Trong
hai ngày ở New York, Holden giả “người lớn” vào quán rượu, say sưa, kêu một cô
gái giang hồ lên phòng vân vân… Tôi tưởng tượng nỗi bối rối của Phùng Khánh khi
phải tìm một chữ để dịch các tiếng chửi thề “goddamn” “Phony bastards” “my
ass”…Tôi không nghĩ Phùng Khánh chỉ muốn dịch một tác phẩm ăn khách. Bắt Trẻ Đồng
Xanh không phải chỉ phản ảnh sự khủng hoảng của một thanh niên mới lớn như
Holden nhưng còn phản ảnh tâm trạng bất an của thanh thiếu niên Mỹ (và Âu Châu)
lúc bấy giờ. Họ dần dần đánh mất niềm tin vào những giá trị cố hữu. Giữa thập
niên 50 nhờ các công trình của D.T. Suzuki, nhất là bộ Thiền Luận và các hoạt động
của American Zen Centre, Phật giáo đã bắt đầu ảnh hưởng khá nhiều đến thành phần
thanh niên, trí thức, khao khát đi tìm ánh sáng Phương Đông. Tác phẩm On the
Road của Jack Kerouac phản ảnh phong trào thanh niên lên đường thời đó: một
ba-lô trên vai, một ít tiền, đưa ngón tay cái chỉ lên trời xin quá giang đi khắp
nước Mỹ, đi qua biên cương nước Mỹ, tới Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka, Nepal, Nhật
và Đại Hàn để “tầm đạo và học đạo.” (Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa có nhắc đến một nhà
sư người Đức đến Việt Nam) Đó là các thế hệ mà chúng ta quen gọi là Hippies,
“Đông Du Ký”, sống hình như không có ngày mai. Đó là những “tân tăng” phản đối
những qui thức xã hội Tây Phương, chống đối chú trọng quá nhiều tư hữu, kể cả
tư hữu tình ái. Họ sống trong lục hoà Make Love, Not War. Trong số những “tân
tăng” này, có người thọ giới, rồi cởi áo, lập gia đình, lập thiền viện, sáng
tác, nghiên cứu và sau 20 năm, họ đã trở thành những nhà văn lớn, nhà thơ nổi
tiếng, xuất bản những công trình nghiên cứu qui mô về đạo Phật. Họ thuộc về thế
hệ thường được gọi là Beat Generation. Họ đã trở thành những sa- môn hộ pháp đắc
lực trong việc truyền bá Đạo Phật trên đất Mỹ và Tây Phương. The Catcher
in the Rye không những phản ảnh cái tâm bất an của thanh niên mới lớn như
Holden nhưng cũng phản ảnh cho mối bất an chung của một thế hệ bắt đầu nghi ngờ
và thẩm định lại một số các giá trị Tây Phương, nhất là các tôn giáo tổ chức cổ
truyền, như Ki-Tô và Do Thái giáo. Không ai lấy làm lạ khi thấy thanh niên Mỹ
mê Holden, mê Salinger, mê Kerouac và mê … James Dean. Đó là thời mà Tổ Đạt-Ma
xuất hiện trong các bồ tát hoá thân, đã hỏi thanh niên Mỹ: “Các cậu đưa tâm ra
đây để tao an cho.”
Salinger là một nhà
văn có cuộc đời bí hiểm và khó hiểu nhất, so với những nhà văn Mỹ khác. Sau The
Catcher ông viết thêm một tuyển tập truyện ngắn và một chuyện dài khác,
Seymour, An Introduction và khi danh vọng đang lên như diều và tác phẩm bán chạy
nhất trong lịch sử văn chương Mỹ, ông đã không xuất bản thêm một tác phẩm nào
khác, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Có lẽ ông theo gương Tổ
Đạt-Ma, ngồi diện bích từ hơn 40 năm nay trong một trang trại ở Cornish,
Colorado.
Con gái của
Salinger, bà Margaret, trong Dream Catcher, gần đây đã hé lộ một vài quan niệm
về sáng tác và đời sống cuả ông. Đối với ông, “viết văn là một cuộc hành trình
đi tìm giác ngộ” và ông muốn dành cả cuộc đời để thực hiện một tác phẩm lớn, và
tác phẩm này không gì khác hơn là chính cuộc
đời của ông. Như Rilke hay Holderlin, viết văn và làm thơ là một cách sống, một
cách ở đời, không phải là một trò nhai văn nhá chữ, kể lể nhảm nhí. Và
nói theo thuật ngữ của Phật Giáo, đó là một “pháp môn”. Margaret cũng tiết lộ
là Salinger có lần dự định “xuất gia” thành một tỳ- kheo, đã từng làm bạn với
D.T. Suzuki, từng ngồi thiền nhiều lần có lẽ dưới sự hướng dẫn của Suzuki tại
thiền thất Thousand Islands. Tuy nhiên, Margaret kể, Salinger bổng nhiên đổi
cách tu tập, theo một pháp môn Ấn giáo Vedanta, dưới sự hướng dẫn của tu sĩ
Bà-La-Môn, Swami Nikhilananda. Trong khi Phật giáo khuyến khích sa-môn nên dành
cả cuộc đời tu tập bằng cách “cát ái từ thân”, tuy nhiên không có thái độ quyết
liệt về tình dục như giáo lý Vedanta. Đạo Phật cũng kính trọng phụ nữ (Ma Đằng
Gia Nữ sau này cũng thành một đệ tử của Phật và là sư đệ của A Nan!), trong khi
phái Vedanta xem “vàng và phụ nữ” là những trở ngại lớn lao cho việc giác ngộ.
Có lẽ vì thế các nhân vật của Salinger ít “phóng túng” hơn các nghệ sĩ trong
Thiền Beat sau này.
Salinger từ nhỏ
nghĩ mình gốc Do Thái, nhưng sau đó khám phá bên mẹ thuộc di dân Ái Nhỉ Lan
Thiên Chúa giáo. Sau thế chiến thứ hai, di dân Do Thái và Ái Nhỉ Lan ở Mỹ vẫn
còn bị kỳ thị nặng nề. Trong một vài khu thương mại ở Brooklyn New York, trên cửa
sổ của các cửa hiệu vẫn còn trưng bày những thông báo “cấm dân Do Thái và Thiên
Chúa” không được vào. Trong The Catcher, Holden nhiều lần lo lắng bị người khám
phá anh không phải là người Thiên Chúa giáo. Khi anh gặp hai bà sơ, anh lo sợ
hai bà sẽ hỏi về tôn giáo của anh. Ảnh hưởng của ánh sáng Ðông Phương, nhất là
Phật giáo, trong các năm đầu thập niên 50 (Bắt Trẻ Đồng Xanh phát hành lần đầu
năm 1951) mở cửa cho một thời kỳ mà nhiều học giả gọi là thời chuyển pháp luân
lần thứ Tư, phần lớn ở Tây Phương, nhờ những nhà văn hippies này. Đây là thời kỳ
Phật giáo không còn được xem như những công trình nghiên cứu kinh viện của các
học giả già lụ khụ. Phật giáo hiển hiện như một đoá hoa nhiều mầu sắc rực rỡ, đầy
thách thức và có sức hấp dẫn mời gọi. Các hộ pháp thường không phải là các nhà
sư nghiêm trang trong chiếc áo tràng, mà là các văn nghệ sĩ On the Road. Các học
giả Beat sau này đã trở thành những giáo thọ hay học giả Phật giáo nổi tiếng,
như Robert Aiken và Philip Kapleau. Nhưng nhóm văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của
Thiền trong sáng tác đã định tính cho mối liên hệ giữa văn nghệ và Phật giáo.
Các văn nghệ sĩ Beat đã mở cửa cho một nhân sinh quan mới, một lối sống ngông
cuồng kiểu Hippies, nổi loạn và phá vỡ những khuôn khổ ước lệ “đạo đức giả”
cùng một lối sáng tác cực kỳ phóng túng. Ba người khai sáng phong trào Beat sau
này đã trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cũng như là những vị chuyển
luân pháp vương thời đại của nước Mỹ. Jack Kerouac, sau On The Road, biểu trưng
“cho thế hệ thanh niên Mỹ vào thập niên 50 sống loạn cuồng trong âm nhạc và
tình dục, thách đố các khuôn mẫu cũ kỷ”. Thế hệ Hippies chủ trương “Make Love,
Not War” sau này cũng là thành phần chủ lực của phòng trào sinh viên phản chiến
Mỹ. Đây là những Dharma Bums, tạm dịch là những Phật Tử hippies, cà nhõng, lờ
quờ (chữ của sinh viên trong phong trào tranh đấu 63-66 hay dùng để đùa với
nhau). Gary Snyder chủ trương vừa thực tập thiền quán vừa làm tình tập thể, sau
đó cặm cụi ngồi dịch thơ Hàn San, ông sư đã khắc các bài thơ trên vách núi để
vượn và khỉ đọc! Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự. Dạ bán chung thanh đáo khách
thuyền. Khi đến tuổi tri thiên mệnh, Snyder tổ chức một thiền thất, vẫn tiếp tục
dịch thơ Hàn San và được trao giải Pulitzer về thơ năm 1974. Thi sĩ Ellen
Ginsberg được xem như một Walt Witman. So với các tác phẫm của Beat, Bắt Trẻ Đồng
Xanh còn quá hiền lành. Khi làm việc ở Vạn Hạnh, tôi thấy có một quảng cáo Thiền
Beat, Thiền Square trên tập san Tư Tưởng. Tuy nhiên quảng cáo này biến mất ngay
số sau đó và không bao giờ xuất hiện cả. Các tăng già Việt Nam ở thập niên 60,
tuy “cấp tiến” về mặt hành động, nhưng cũng giống như các thiền sư dòng Thiền
Square chính thống, tâm tư chưa đủ chín mùi để chấp nhận các bồ tát
hippies. Ngay cả một học giả “lão thành” của Thiền Square, Alan Watts, chỉ
trích các văn nghệ sĩ Beat là quá phóng túng. So với các phẩm “mặn” như Dharma
Bums, The Catcher “chay’ hơn nhiều. Holden Caulfield tuy chửi thề luôn miệng,
tuy lòng có bất an, nhưng lúc nào cũng thương cảm người khác, luôn cố gắng bảo
vệ chân tâm hồn nhiên trong trắng. Đến nay vẫn còn nhiều thiền sư Square, chưa
chấp nhận Holden, tảng lờ như không biết đến dịch phẩm Bắt Trẻ Đồng Xanh trong
sự nghiệp của Phùng Khánh. Dám bỏ công dịch tác phẩm này, Phùng Khánh ngày xưa
(1965?) cũng đã “gồng” mình lắm rồi.
Tình trạng tinh thần
của thế hệ thanh niên Việt Nam vào thập niên 60, theo tôi, cũng tương tự như
tâm trạng các thanh niên Mỹ mười năm trước đó. Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm
bị lật đổ, phong trào đọc Thiền, nghiên cứu triết lý Thiền, thực tập Thiền, làm
thơ Thiền được phát động rầm rộ. Phật Tử, nhất là những người thuộc phong trào
sinh viên, văn nghệ sĩ và trí thức, rủ bỏ được một gánh nặng ngàn cân của các
hình ảnh ảnh tiêu cực về Phật giáo, những nghi lễ nặng nề, những cách tu tập mê
tín. Thoát nhiên những tác phẩm với cái nhìn “đợt sóng mới” hợp với tâm thức những
người trẻ, khiến đạo Phật xuất hiện như cành hoa thược dược “mỉm nụ nhiệm mầu”.
Nụ nhiệm mầu đã hiện diện từ khi Ca Diếp “niêm hoa vi tiếu” nhưng chưa đủ khế
thời để nở rộ trong đám thanh niên tân học. Các văn nghệ sĩ Phật Tử tụ họp trên
các tờ Hải Triều Âm, Giữ Thơm Quê Mẹ, các nhà nghiên cứu trẻ trên tờ Tư Tưởng Vạn
Hạnh, đó là chưa kể đến những nhà thơ đánh võ “vô chiêu” như Bùi Giáng, nói
pháp mà không hề dùng pháp ngữ và pháp thoại của đạo Phật. Hay những bài thơ “hữu
chiêu” của Phạm Thiên Thư nồng nàn không thua gì các bài thơ của Tô Man Sự. Trụ
Vũ đã nhận xét “Hòn sỏi nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh”, hay như Phạm Duy “một
cành củi to, một tờ lá uá, một hạt bụi mờ” cũng là Pháp. Đó là Beat Generation
của Việt Nam, tuy không có loạn cuồng như các người đồng thời ở Tây Phương.
Chị Phùng Khánh ơi, tôi
không muốn kêu chị là Sư Bà, là Ni Trưởng, chỉ muốn kêu chị bằng chị Phùng
Khánh. Tôi nhỏ hơn chị vài tuồi và là bạn của Phùng Thăng. Tôi rất vừa ý với lời
phân ưu trên Chuyển Luân do anh Hoàng Nguyên Nhuận thảo ra. Anh Nhuận bày tỏ sự
thương tiếc một người chị của thế hệ 63. Những danh xưng Sư Bà, Ni Trưởng, Hòa
Thượng, Pháp Sư hay Thượng Thủ nặng nề quá, chị mang theo làm chi cho mệt. Hơn
nữa một Bồ Tát hoá thân như chị không nên lẫn lộn với một số Hoà Thượng, Hội Chủ,
Thượng Thủ hay Pháp Sư phonies làm gì. Để chỉ thảnh thơi, nhẹ nhàng bắt trẻ đồng
xanh với cái tâm không phân biệt. Trong đời hành đạo, tôi nghĩ chị cũng có lúc
gặp nhiều phony bastards như Holden đã gặp. Nhưng ai chị cũng bắt, cũng cứu. Bồ
Tát mà còn phân biệt thì đâu còn Bồ Tát nữa. Đối với chị ai cũng là trẻ đồng
xanh, cần bắt khi họ rơi khỏi vách đá. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.
Tôi nghĩ đó là công
việc duy nhất mà chị cũng như Holden muốn làm, ở bên này bờ, cũng như ở bên kia
bờ. Happy Catching, chị Phùng Khánh.
Quán Như
Sách
đọc trước khi viết:
-R.
Fields. How the Swans Came to the Lake. Shambala, Colorado, 1981.
-I.
Hamilton. In Seach of J.D. Salinger. Heinemann London, 1988.
-C.
Ingram. In The Footsteps of Gandhi. Parallax Press, California, 1990.
-J.
Kerouac. On the Road. Penguin Books, ấn bản 1991.
-J.
Kerouac. The Dharma Bums. Flamingo, 1994.
-A.
Saint-Exupéry. The Little Prince. Penguin Books, 1998.
-J.D,
Salinger. The Catcher in the Rye, Penguin Books, ấn bản 1994.
-M.
A. Salinger. Dream Catcher. Washington Square Press, New York, 2000.
-Tricycle,
The Buddhist Review, Fall 1995. Fourth Anniversary edition.
Nguồn:
http://www.lien-hoa.net
Quán Như tên thật Phạm
Văn Minh, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964, và Cao Học Giáo Dục tại
Đại Học Sydney năm 1978, sống ở Úc từ trước 1975 cho đến bây giờ. Ông là tác giả
của nhiều cuốn sách nghiên cứu về Phật Giáo, trong đó tác phẩm mới nhất là cuốn
KINH TẾ PHẬT GIÁO, 2012. PCH