Sunday, August 19, 2012

32. ERNEST HEMINGWAY The old man and the sea


Ernest Hemingway (1899 – 1961), giải Nobel văn chương 1954

Ít có nhà văn nào sống cuộc đời sống động, thú vị và nhiều mặt như Ernest Hemingway, một người mà sự nghiệp cứ như thoát thai từ một trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của mình. Cũng như Fitzgerald, Dreiser và nhiều tiểu thuyết gia tài năng khác của thế kỷ 20, Hemingway xuất thân vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Sinh ở Illinois, Hemingway trải qua thời thơ ấu tươi vui với những chuyến đi săn và câu cá trong những kỳ nghỉ hè ở Michigan. Ông tình nguyện vào một đơn vị cứu thương ở Pháp trong Thế chiến I, rồi bị thương và phải điều trị sáu tháng. Sau chiến tranh ông làm phóng viên  thường trú ở Paris. Ở đây ông đã gặp nhiều nhà văn Mỹ xa xứ như Sherwood Anderson, Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald, và Gertrude Stein.

Sau cuốn The Sun Also Rises (1926) mang lại thành công vang dội, ông viết bài tường thuật về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Chiến tranh thế giới thứ II, và chiến sự ở Trung Quốc vào thập niên 40. Trong một cuộc đi săn ở một hoang mạc châu Phi, chiếc máy bay của ông bị tai nạn và ông bị thương nặng. Tuy thế, ông vẫn ham thích săn bắn và câu cá thể thao, những hoạt động tạo nguồn cảm hứng cho những tác phẩm xuất sắc của ông. THE OLD MAN AND THE SEA  (Ông già và biển cả -1952), một cuốn tiểu thuyết ngắn, thi vị về một ông lão đánh cá nghèo bắt được một con cá khổng lồ rồi nó bị đàn cá mập rỉa sạch thịt, đã mang lại cho ông giải thưởng Pulitzer vào năm 1953. Năm sau,1954,  ông nhận được giải Nobel văn chương. Bệnh tật, nền tảng gia đình chông chênh, và nghĩ rằng mình đã mất hết khả năng sáng tạo  khiến ông  bị khủng hoảng và  dùng súng tự sát vào năm 1961.

Có lẽ Hemingway là nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất của thế kỷ này. Văn phong  đơn giản làm cho những cuốn tiểu thuyết của ông trở nên dễ cảm thụ dù chúng thường được đặt trong những khung cảnh xa lạ với độc giả Mỹ. Là một người tin vào “sự tôn thờ kinh nghiệm”, Hemingway thường để cho nhân vật của mình vướng vào những tình huống nguy hiểm để bộc lộ bản chất bên trong của họ. Trong những tác phẩm sau này của ông, mối hiểm nguy đôi lúc cũng là một cơ hội để khẳng định tính cách  của nhân vật.

Cũng như Fitzgerald, Hemingway trở thành người phát ngôn cho thế hệ mình. Hemingway viết về chiến tranh, cái chết, và về cái “thế hệ lạc lõng” của lớp người sống sót bi quan, yếm thế sau chiến tranh. Nhân vật của ông không phải là những người mơ mộng mà là những tay đấu bò can trường, những người lính hoặc vận động viên. Nếu là trí thức, họ thường mang những vết thương chí mạng và không còn ảo tưởng gì cả.

Điểm đặc trưng trong lối viết của ông là  trong sáng, không có lấy một từ thừa. Ông thường sử dụng cách nói giảm nhẹ. Trong A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí -1929), nhân vật nữ chết lúc sinh con đã nói “Em chả sợ chút nào. Nó chỉ là trò đùa đê tiện”. Ông đã từng so sánh những gì mình viết với những tảng băng trôi: “Có đến bảy phần tám của nó ở dưới nước để một phần có thể phô bày”. Đôi tai tinh tường với ngôn ngữ đời thường và sự mô tả chính xác của Hemingway bộc lộ trong những truyện ngắn đặc sắc của ông, chẳng hạn “The Snows of Kilimanjaro” (Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro) và “The Short Happy Life of Francis Macomber” (Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber”. Thật ra, các ý kiến phê bình thường xem những truyện ngắn của ông ngang hàng hoặc cao hơn những cuốn tiểu thuyết của ông. Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông gồm The Sun Also Rises, về cuộc sống suy đồi của những người lưu vong sau Thế chiến I; A Farewell to Arms, về một chuyện tình bi đát của một người lính Mỹ và một nữ y tá người Anh trong chiến tranh; For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) trong bối cảnh cuộc nội chiến Tây Ban Nha và The Old Man and The Sea.

Trích trong cuốn Outline of American Literature {PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ) 
của Tiến sĩ Kathryn VanSpanckeren.
Nguồn: Website của Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam



3 2