Thursday, June 14, 2012

11. PHẠM CAO HOÀNG Qui Nhơn, ngày tháng cũ



Căn nhà chúng tôi thuê nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, thuộc khu 6, Qui Nhơn. Đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của bạn bè tôi tôi: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Ngọc Châu, Lê Văn Trung, Phạm Cao Hoàng…

Nguyễn Phương Loan ở tận trên Pleiku, thi thoảng mới ghé lại. Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng ở ngoài mặt trận,thường cuối tuần mới về. Hoàng Ngọc Châu có nhà ở dưới phố. Lê Văn Trung ở với anh chị dưới khu 2. Còn tôi là người “trụ trì”.

Nói là một căn nhà nhưng thật ra chỉ là một căn phòng không lớn lắm, đủ chỗ ở cho một hoặc hai người; tuy nhiên khi cần thiết mười người cũng không sao.  Cuối tuần, Lê  Văn  Trung  và tôi   lóng ngóng xem anh em ngoài mặt  trận có  ai  về không.

Hồi ấy, mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê, và nơi chúng tôi thường đến là cà phê Dung.  Phương   tiện   đi   lại   bấy  giờ  cũng không dễ dàng. Cần đi đâu chúng  tôi  phải  đón  xe lam. Bây giờ nói đến xe lam chắc một số bạn trẻ không biết nó là xe gì, vì hầu như loại xe này đã không còn thấy từ lâu. Đây là loại xe chở khách, chở được khoảng 10 hành khách, chạy loanh quanh trong thành phố hay trên những đoạn đường ngắn.Vòng quanh thành phố Qui Nhơn có một beltway, nếu ngồi suốt trên xe lam thì một lát sau sẽ về chỗ cũ.

Mỗi người một tính. Anh Nguyễn Huy Hoàng ân cần, chu đáo.Phạm Văn Nhàn vui vẻ cởi mở.Trần Hoài Thư lang bạt, bất cần đời. Hoàng Ngọc Châu từ tốn. Lê Văn Trung thâm trầm, ít nói. Cửa của căn phòng không có ổ khóa vì chúng tôi chẳng có gì để mất. Bên trong chỉ có vài ba ký gạo và một ít quần áo. Ai đến cứ tự nhiên vào, có gì ăn đấy, nghỉ ngơi và viết lách. Ai muốn viết kiểu gì cứ viết, muốn đăng báo nào cứ đăng. Nơi đây, Lê Văn Trung đã viết NGÀY XA, một trong những bài thơ hay nhất của anh.  Người viết khỏe nhất là Trần Hoài Thư. Anh viết rất dễ dàng, viết bất kỳ ở đâu, kể cả những nơi ồn ào nhiều tiếng động. Với một đám văn nghệ văn gừng độc thân vui tính như vậy thì bữa no bữa đói là  chuyện  thường.  Mô tả cảnh sống của chúng tôi, Trần Hoài Thư có làm mấy câu thơ vui:

Anh no ngày nào em không biết
Anh đói ngày nào em không hay
Hôm nay đi về mưa bay bay

Vậy mà chúng tôi quí mến nhau vô cùng. Gặp lúc nào là vui lúc ấy, và chưa bao giờ chúng tôi có điều gì xích mích. Năm 1968 chiến trận trở nên khốc liệt hơn. Trung và tôi rất lo cho các bạn ở ngoài mặt trận. May mà tất cả đều trở về, trừ Nguyễn Phương Loan vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Pleime.

Cuối năm 1969 chúng tôi mỗi người một ngã. Tôi vào Phan Thiết.  Lê Văn Trung ra  Quảng Ngãi.  Hoàng Ngọc Châu lên Bảo Lộc. Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư trôi giạt hết chiến trường này đến chiến trường nọ. Hồi đó đâu có điện thoại như bây giờ nên có một thời gian chúng tôi thất lạc nhau. Sau 1975,  anh Nguyễn Huy Hoàng bệnh nặng và qua đời.Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn sang Mỹ. Hoàng Ngọc Châu vẫn khói sương sương khói ở Bảo Lộc. Lê Văn Trung ở tù rồi ra làm công nhân xây dựng.

Năm 1999, trước khi đi Mỹ, tôi về Qui Nhơn thăm người chị ruột;  nhân dịp đó tôi tìm đến căn nhà văn nghệ ấy. Người chủ nhà không còn nữa. Tất cả đã đổi thay sau 30 năm xa cách. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”-

PHẠM CAO HOÀNG
Virginia 2009
(*) Thơ Bà Huyện Thanh Quan