Monday, June 6, 2016

2356. PHẠM CAO HOÀNG Phạm Ngọc Lư, một đời tài hoa


PHẠM CAO HOÀNG
Phạm Ngọc Lư, một đời tài hoa



Năm 1970 tôi được thuyên chuyển về dạy học ở Tuy Hòa. Đây là khoảng thời gian tôi có dịp rong chơi với Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư quê ở Huế, sau khi tốt nghiệp sư Phạm Qui Nhơn vào năm 1967 anh được phân công về dạy ở Tuy Hòa. Anh thuê chỗ trọ ở đường Nguyễn Huệ và ăn cơm tháng ở tiệm ăn Mỵ Châu Thành.  Chỗ anh ở trọ chỉ cách nhà tôi một con đường, chiều nào anh cũng ghé nhà tôi chơi, thân đến mức giống như người trong nhà.  Vì lý do nào đó mà năm ba hôm không thấy anh đến là cha tôi lại hỏi: “Mấy bữa nay sao không thấy Lư ghé chơi?” Sau năm 1975, gia đình tôi tan tác, anh em mỗi người một phương, sau này gặp lại nhau bên Mỹ, mỗi khi nhắc lại bạn bè cũ ở Tuy Hòa, các anh của tôi vẫn nhắc đến Lư. Lư hiền lành, ít nói, và hơi bất cần đời. Anh có biệt tài thổi sáo và rất giỏi chữ Hán vì trước khi vào sư phạm anh học ở Viện Hán Học Huế. Truyện và thơ của anh đều hay, với lối viết sắc sảo, cô đọng và chặt chẽ; đặc biệt trước 1975 truyện của anh xuất hiện đều đặn trên tạp chí Văn ở Sài Gòn – điều mà các cây bút trẻ dạo ấy không dễ gì có được. Cũng như Y Uyên, Bùi Đăng, Mang Viên Long, anh có thời gian dạy học ở vùng nông thôn  Phú Yên, trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh. Anh luôn ưu tư về tinh hình đất nước và phần lớn các sáng tác của anh đều có nội dung tố cáo và lên án tội ác của chiến tranh.  Tôi chính thức tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Tuy Hòa từ năm 1970 đến 1972, trong khoảng thời gian đó ngoài Phạm Ngọc Lư tôi thường gặp các anh Trần Huiền Ân, Đỗ Chu Thăng, Mang Viên Long và điều trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả đều là giáo chức. Sau năm 1975, vì nhiều lý do khác nhau tất cả đều không còn làm nghề dạy học. Mỗi khi nghĩ đến chuyện các anh không còn đi dạy tôi không khỏi chạnh lòng vì tôi biết rõ các anh rất yêu nghề dạy học. Các anh rơi vào cảnh lỡ thợ lỡ thầy. Trần Huiền Ân chuyển qua làm nghề vẽ pa-nô và bảng hiệu, Đỗ Chu Thăng về quê ở Hòa Mỹ làm ruộng, Mang Viên Long về quê ở Bình Định làm nghề sửa ổ khóa, còn Phạm Ngọc Lư lưu lạc vào Long Khánh, ngồi ờ ngoài chợ bán dừa, bắt đầu đoạn đời lận đận lao đao từ đó. Khi tạp chí Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư và Phạm văn Nhàn chủ trương ra đời, Phạm Ngọc Lư viết khá đều vả gửi bài cộng tác – chủ yếu là thơ, những bài thơ rất buồn, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh tuyên bố ngừng viết. Một số email anh gửi tôi cách đây 4 năm cho thấy anh đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, không còn tha thiết gì đến văn chương, nhưng không nói rõ khó khăn gì mà tôi thì không tiện hỏi. Trên các diễn đàn văn học, bài vở cộng tác của anh thưa thớt dần rồi không thấy nữa. Một đời tài hoa rồi cũng đến lúc phải dừng lại và những ngày này anh đang nằm trên giường bệnh. Xa xôi quá, không giúp gì cho anh được. Mong anh hãy lạc quan, hãy hy vọng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Mong rằng số báo Thư Quán Bản Thảo đặc biệt này là một liều thuốc tinh thần gửi đến anh.

Phạm Cao Hoàng
Virginia, 13.5.2016
(Bài đã đăng trên Thư Quán Bản Thảo số 70 – Tháng 6.2016, chủ đề Phạm Ngọc Lư)
________________________________

TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG
Thơ Phạm Ngọc Lư


Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm, khói nước miên man

Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mảnh lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan

Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trong mắt nhìn ta trách móc
“Mười mấy năm chú mới về làng”

Mười mấy năm? Phải rồi, ta quên mất
Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp trang thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu 
Thôn nữ vài em gửi gấm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ phá Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn                                           
Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc                                           
Gõ mạn thuyền ngâm khúc “Hành Phương Nam”

Hành phương Nam, hành phương Nam
Mười mấy năm tấm cám, thau vàng
Thấp cao danh lợi                                        
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế                                      
Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan
Mưa miền nam, nắng miền nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng                                                     
Mười mấy năm trôi qua không nhớ
Quá đỗi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan

Chiều nay về… bên phá Tam Giang
Phía bờ đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than?
Chị có xót em một đời thất chí?
Em không buồn ta?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi, mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lòi thề ngày trước”
“Không công danh bất phục hoàn”

Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước 
Để trở về…đừng khóc dưới hương quan

Phạm Ngọc Lư
1 9 9 6
Trích trong tập ĐAN TÂM, thơ  Phạm Ngọc Lư - NXB Thư Ấn Quán, 2004