Monday, June 6, 2016

2357. TRẦN HOÀI THƯ Miền Nam và chị ôm nhau chết (*)


TRẦN HOÀI THƯ
Miền Nam và chị ôm nhau chết (*)

Phác thảo chân dung Phùng Thăng
dinhcuong


.....Có phải khi dốc tâm dịch Kẻ lạ ở thiên đường, chị đã dọn sẵn cho mình môt nỗi hành hình đau đớn nhất, thảm khốc nhất. Cho những ngọn lửa hỏa thiêu tác phẩm chị, cho những kẻ muốn tiếm đoạt tên tuổi chị, ác tâm với chị, phê bình chỉ trích chị. Và cho cả miền Nam sau năm 1975 mà chị đã vì nó phải chịu thảm tử.....


I. Tiểu Sử

Phùng Thăng (PT) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng sinh ngày 09.10.1943 (Quí Mùi) tại Huế. Là út trong một gia đình gồm 6 anh chị em. Chị của Phùng Thăng là Phùng Khánh, tức là sư bà Trí Hải. Sư bà Trí Hải tử nạn vào ngày 7-12-2003 trong một tai nạn giao thông, thọ 66 tuổi.

Gia đình Phùng Thăng là một gia đình hoàng tộc và rất mộ đạo Phật. Thân phụ của PT là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh, tinh thông chữ Pháp và chữ Hán. Cụ nguyên là giáo sư Hán văn tại trường Pétrus Ký vào những năm 50.

Tuổi thơ của PT lớn lên tại Vỹ Dạ. Vỹ Dạ là nơi mà Hàn Mặc Tử đã đưa vào một huyền thoại:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

PT học tiểu học tại trường Thế Dạ. Lên trung học, học những năm đầu tại trường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt (1), sau đó chuyển ra học tiếp ở trường Đồng Khánh - Huế. Năm 1960, vì Đồng Khánh không có Đệ Nhất nên PT phải chuyển qua Quốc Học. PT học ban C tức là ban văn chương... Một người bạn học là Thái Kim Lan - một dịch giả quen thuộc sau này - từng có kỷ niệm về PT như sau:

Phùng Thăng là bạn cùng lớp đệ nhất C tại trường Quốc Học của tôi. Phùng Thăng hay bím tóc thành hai con rít hai bên, dáng cao gầy thanh thoát trong áo dài, gương mặt đẹp thanh tú như một tiên cô, rất ít nói, học rất giỏi, nhất là môn Triết và Văn chương.

Tôi còn nhớ, đã giật mình khi nghe bài luận văn về Triết học Đông phương của chị, và đã thầm nghĩ, "người ni thật là trí tuệ và tài hoa". Chị Phùng Thăng tỏ ra rất thông hiểu triết học Ấn Độ làm cho kẻ thời ấy còn háo thắng theo phong trào triết học Tây phương là tôi ngạc nhiên và nể vì. Mãi về sau, trở về với triết học Đông phương và Phật giáo, tôi mới biết mình đã thua xa các chị về kiến thức Đông phương. Các chị đã thức thời đi trước. [2]

Phùng Thăng học Đại Học Văn Khoa - Huế, ban Triết.

Luận án ra trường của chị là Chỉnh lý tư tưởng Tây Phương. Năm 1966, PT trở thành một giáo sư Triết tại trường trung học Trần Quý Cáp - Hội An, lúc chị mới 23 tuổi.

PT dạy một năm tại Hội An. Sau đó vì không chịu nổi không khí chính trị ngột ngạt ở địa phương nên chị và phu quân là ông Trần Xuân Kiêm - nguyên là cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế và đoàn trưởng Phật tử trong thời kỳ Phật giáo tranh đấu - phải rời bỏ Hội An lên nương thân ở tận Di Linh. Ở đây chị là một giáo sư Anh văn của trường Trung Học Nông Lâm Sức Bảo Lộc... (3)

Sau đó, chị và Trần Xuân Kiêm chia tay. Trần Xuân Kiêm trở thành Chơn Hạnh, và Phùng Thăng trở thành Huệ Minh. (4)

Chị mang con gái trở lại Saigon. Ở đây chị là "single mom", sống một cuộc sống khó khăn vất vả. Bạn bè đều nghĩ là "Những ruồi" của J. P. Sartre là dịch phẩm cuối cùng của chị, tuy nhiên chị vẫn tiếp tục âm thầm làm việc.

Năm 1973, chị cho ra đời một tác phẩm dịch thuật của Simone Weil mà tựa đề do chị tự chọn. Đó là "Kẻ lạ ở thiên đường", mà trong phần giới thiệu, hình như chị bày tỏ tất cả nỗi lòng của chị:

Qua toàn thể văn phẩcm, tâm hồn Simone Weil vẫn là một tâm hồn quằn quại cô đơn nhưng rất sáng suốt trong công cuộc đi tìm một Quê Hương tâm linh đích thực cho mình.

Đầu tháng 5, 1975, chị dẫn con gái (bấy giờ mới 9 tuổi) tìm đường vượt biên. Chị theo ghe ra đảo Thổ Chu thuộc xã Nam Du với hy vọng được tàu Mỹ đón. Nhưng quá trễ. Quân Pol Pot lợi dụng lúc đảo không còn có chánh quyền, tấn công chiếm đảo vào ngày 10 tháng 5, lùa theo 515 người giải về đất Kampuchea trong số đó có một số người vượt biển.

Kể từ đó, và mãi đến bây giờ, gia đình chị không còn nghe gì đến tin tức của chị nữa. Chị và con gái được xem như mất tích hẳn.

Riêng về phía thân nhân của chị, sau một thời gian dài cố tìm tông tích PT nhưng không thành, gia đình chỉ còn cách là dựa vào lời đoán của thầy "ngoại cảm". Họ lấy ngày 10 tháng 6 năm Ất Mão (l975) làm ngày giỗ mẹ con chị. (Xin đọc Phần II Tìm Dấu Phùng Thăng).

Hiện di ảnh mẹ con chị được đặt tại chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận - Gia Định.

Nếu chúng ta tin mỗi cuộc đời đều gắn liền với cái nghiệp phải trả, thì rõ ràng cái nghiệp mà PT phải trả này quả thật quá khủng khiếp. Quá kinh hoàng.

Chị chết lúc mới 32 tuổi. Con gái chị là Trần Nguyễn Thường Nga tức bé Tiểu Phượng chết lúc cháu mới 9 tuổi.

Chị mất đi để lại một di sản văn học giá trị sau đây: