GIỚI THIỆU SÁCH BÁO MỚI
THƯ QUÁN BẢN THẢO
số 69 – Tháng 4.2016
Chủ đề:
Giới thiệu Bán Nguyệt
San MAI (1960-1966)
Liên lạc:
tranhoaithu16@gmail.com
|
BÁN
NGUYỆT SAN
M A
I
(1960-1966)
Trần
Hoài Thư sưu tập và đúc kết
Mai là tạp chí phát hành mỗi tháng 2 kỳ, ra ngày 1 và
15. Chủ nhiệm: Hoàng Minh Tuynh. Giám
đốc chính trị: Huỳnh Văn Lang. Tòa soạn 80 Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Báo có mặt 6 năm từ
1960 đến 1966. Từ tháng 7-1962 đến tháng
11-1966, Mai bắt đầu đánh số trở lại, gọi là Mai bộ mới. Chủ nhiệm vẫn là
Hoàng Minh Tuynh.
Báo khổ nửa giấy báo nhật trình, dày 40 trang, có 4
trang quảng cáo. Chỉ bắt đầu từ tháng
12-1964, khổ giấy được đổi lại nhỏ hơn như khổ của tạp chí Văn, và cũng được
đánh số trở lại. Số 16-17 phát hành
ngày 1-8-1966 là số cuối cùng, với các bài của Lê Văn Hảo, Vũ Đình Lưu, Hoàng
Minh Tuynh, Père Jean Subra..
Có thể nói Mai là một Bách Khoa thứ hai. Chủ nhiệm
Hoàng Minh Tuynh và giám đốc chính trị Huỳnh văn Lang là hai rường cột của tạp
chí Bách Khoa. Tuy nhiên Bách Khoa là một tạp chí chỉ phổ biến tư tưởng, văn
hóa, khoa học, chính trị, hầu giúp độc giả mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn
về những vấn đề quan trọng của thời đại, còn chủ trương của Mai thì dấn thân
tích cực, chú trọng vào việc xây dựng xã hội, nhắm vào thành phần thanh niên
sinh viên.
Riêng phần văn nghệ, có thể nói, Mai là tờ báo rất trân
trọng với tác giả, dù người viết mới hay cũ. quen tên hay không quen tên. Ở
Mai, tác giả được xem như bình đẳng, có nhiều cây bút trẻ, đặc biệt là từ miền
Trung đóng góp. Một phần là nhờ dịch giả Bửu Ý - người chăm sóc về bài vở từ
năm 1963, và một phần là do tánh tình cởi mở của chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh,
mặc dù ông đã ở vào gần tuổi ngũ tuần. Ông luôn luôn đứng vào hàng ngũ thanh
niên sinh viên, thay mặt nói giùm họ:
Đám thanh niên và
sinh viên kêu gào thảm thiết đòi quyền sống, quyền làm người, họ nóng lòng muốn
được đem toàn tâm toàn lực để cứu vãn một tình thế hầu như không còn cơ cứu vãn.
Song họ đã vấp, cái vấp đau khổ trước sự thiếu sáng kiến, thiếu cản đảm của lớp
đàn anh muốn che giấu sự bất lực của mình dưới hình thức chẳng che giấu được
ai: khiếp nhược mà bảo là thận trọng, hèn nhát mà bảo là khôn ngoan, lười làm
lười nghĩ mà bảo chẳng nên hấp tấp vội vàng.
(Mai số 36 &37)
Nhà nhận định văn học Đặng
Tiến nhớ lại thời gian ông và bè bạn làm báo Mai như sau:
....Khoảng 1962-1963 gì
đó, anh Hoàng Minh Tuynh làm chủ báo Mai, Sài Gòn, bán nguyệt san. Anh Tuynh là
người công giáo tiến bộ, có uy thế lúc ấy, và ưa giao thiệp với các bạn trẻ mà
anh tin cậy, chung quanh Nguyễn Hữu Thái là sinh viên kiến trúc. Thái kéo bè
với đám bạn trẻ như Phạm Công Thiện, Quỳnh Tân, Lê Hiếu Đằng, Bửu Ý và tôi. Có
lúc anh Tuynh sang Đức vài tháng, giao phó tờ báo cho chúng tôi “muốn làm gì
thì làm”. Thái và Thiện viết vung vít sao đó, tòa Tổng Giám Mục có lưu ý và anh
Tuynh kiểm soát lại tòa soạn.
(Đặng Tiến: Nhớ thương
Phạm Công Thiện - nguồn: Internet)
Riêng nhà văn và dịch giả
Bửu Ý xem thời gian làm cho báo Mai là những ngày tháng khó quên nhất của đời
ông;
Năm 1963 ở Sài Gòn không đủ ăn. Nhiều khi hai, ba ngày không có ăn,
không có tiền đi xe buýt, phải đi bộ bốn cây số đến nhà in. Những đồng xu lẻ
không đủ ăn 2 bữa/ngày. Sống cơ cực song bù lại đó là thời gian hào hùng của
tôi, tôi được thỏa sự mê viết văn, mê viết báo, tôi thấy tôi sinh ra mình trên
từng con chữ. Muốn viết được, phải sống thiếu đi một chút. Tôi không viết
nhanh. Hồi đó sống thuê căn gác gỗ cùng với hai người con trai chủ nhà ở đầu cầu Trương Minh
Giảng, kêu thêm bạn về ở chung để bạn khỏi trả tiền: đó là Sao Trên Rừng Nguyễn
Đức Sơn. Sơn là một người viết rất nhanh. Bù lại, tôi viết rất khổ sở, như rặn
đẻ, có khi cả tuần mới được một trang. Không nên viết đùa, đem giá trị ra mà
bỡn cợt. Tôi viết không dám đùa bỡn bất cứ ai”.
(Bửu Ý – hồi ký Ngày tháng thênh thang)
Nhìn tờ báo, dù không lòe loẹt như Nghệ Thuật nhưng chúng ta cảm thấy cả một sự trân trọng của Tòa soạn
đối với người viết. Không có trang “dạy viết văn làm thơ”, không có trang cây
bút mới cây bút cũ.. Lần đầu
tiên chúng tôi mới đọc được kịch của Bửu Ý (lấy bút danh là Nguyễn
Phước), truyện Bửu Ý (bút danh là Bửu Uyên) trong khi tôi chỉ biết Bửu Ý là
dịch giả. Tôi cũng được đọc những bài
của Nguyễn Đức Sơn viết nghiêm túc về
tuổi trẻ, về tạp chí Sáng Tạo... và
Nguyễn Xuân Hoàng trong những vở kịch vô tuyến truyền thanh, những bài viết
nhận định về âm nhạc của Phạm Thế Mỹ hay
hội họa của Đinh Văn Cường (tức họa sĩ Đinh Cường), Lâm Triết, Nguyễn
văn Liễu (tức họa sĩ Trịnh Cung), xen kẽ với những cây viết rất quen thuộc trên
Bách Khoa về triết học như Cô Liêu, Vũ Đình Lưu, Phạm Công Thiện...
Đọc Mai, tôi tìm thấy những tiếng kêu trầm thống của tuổi trẻ trí thức miền Nam
trước viễn ảnh đen tối của đất nước. Nó không phải là tờ báo khuynh tả như
Trình Bày. Nó không phải là tờ báo thuần văn chương như Văn. Nó cũng không phải
nghiêm túc không ồn ào như Bách Khoa. Nó là tổng hợp của ba tờ báo vừa kể. Vai
trò của Hoàng Minh Tuynh với những cây viết cùng lứa của ông cộng vào vai trò
của Nguyễn Hữu Thái là thanh niên sinh viên, và Bửu Ý là thành phần trẻ trí
thức đặc biệt miền Trung.
Tháng 12-1964, báo
đổi khổ. Việc đổi khổ này cũng mang theo sự thay đổi về nội dung bài vở.
Rất ít sáng tác văn chương, không thấy sự xuất hiện của những cây bút trẻ từng
cộng tác thường xuyên với MAI như Bửu Ý,
Nguyễn Hữu Thái, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, không còn mục Thanh
niên sinh viên, hay Sổ Tay trái lại là
nhiều bài khảo luận liên quan đến chính trị, tôn giáo, văn hóa...
Điều này Mai đặt nặng phần thời sự chính trị lên hàng
đầu, như tiêu đề trên bìa: tạp chí Xây
dựng Xã Hội Văn Nghệ.
VỀ CHỦ NHIỆM HOÀNG MINH
TUYNH
Trong văn học miền Nam
hiện đại, chúng ta ít thấy có cảnh những nhà văn, triết gia hay nhà thơ nổi
tiếng lại chịu ơn ai. Nhà thơ Bùi Giáng chỉ ca ngợi Ni cô Trí Hải qua cái nhìn
chiếc áo tu hành khoác lên một người nữ,
Phạm Công Thiện thì khỏi nói, bởi thần tượng của ông là Nietzsche, còn
Nguyễn Đức Sơn thì càng khủng khiếp:
“Anh
tin rằng tất cả những đứa làm thơ từ đây trở về sau đã vang danh thi sỹ từ
bao kiếp trước nếu không đọc thuộc lòng ít nhiều bài Du Sỹ Ca này đều chẳng
phải là thi sỹ nữa… (Du Sỹ Ca – An Tiêm xuất bản).
Vậy mà cả ba đều một mực
dành cho một người một sự nể vì và trân trọng. Người đó là Hoàng Minh Tuynh.
Bùi Giáng, trong
phần mở đầu một chương của cuốn Tư tưởng hiện đại, viết:
"Bài này trước kia chúng tôi đăng ở tạp chí MAI,
ký tên chung với ông Hoàng Minh Tuynh. Ông Tuynh đã có nhã ý muốn bày tỏ niềm
thông cảm đối với tôi là một kẻ xưa nay vốn chịu nhiều những hững hờ của độc
giả. Bùi Giáng, đó là một danh từ có âm hưởng lăng nhăng, không gây được tin
tưởng. Ông Tuynh đã chịu khó bỏ giúp tôi những đoạn nào tôi viết quá trớn theo
điệu du côn của Sartre và loại hẳn những tiếng bê bối lai rai là những tiếng
tôi quen dùng".
hay Phạm Công Thiện:
...Tôi và ông Hoàng Minh Tuynh khác nhau như Thiên đàng và
Địa ngục. Ông Hoàng Minh Tuynh không có gì khả dĩ là tương hợp với tôi cả.
Nhưng một điều lạ là nếu tôi không gặp ông Hoàng Minh Tuynh thì có lẽ tôi không
bao giờ viết quyển này (*). Hình như có những người sinh ra trên đời để làm đất
cho cỏ mọc lên.
______________________________________________
(*)“Hình ảnh thanh niên thời đại trong tác phẩm Henry
Miller”
Riêng Nguyễn Đức Sơn đã dùng
nhận xét của Hoàng Minh Tuynh về truyện ngắn Cái Chuồng Khỉ của ông đăng trên Mai số 31 & 32 để đăng lại
trên trang bìa sau của tập truyện cùng
tên do An Tiêm xuất bản vào năm 1969:
"Đây là truyện của một bạn trẻ thuộc thế
hệ mới. Lời văn trẻ, hơi văn mạnh, cốt truyện bố trí chặt chẽ một cách tài
tình, tư tưởng nhiều khi táo bạo đến nỗi làm cho người đọc bất bình […]. Một
dấu hiệu của thời đại! Thảm thay! Mà cũng ghê thay!" (Hoàng Minh Tuynh
viết riêng cho truyện ngắn "Cái chuồng khỉ" đăng trên Tạp chí Mai số
31 và 32 năm 1963).
Và nhà thơ Du
Tử Lê xem Mai là trạm đầu cho cuộc hành trình thi ca
của ông, khi ông nhắc đến cái bút hiệu Du Tử
Lê được chính thức khai sinh bằng bài Bến Tâm Hồn được đăng trên
tạp chí Mai vào năm 1958. (Sự thật là tạp chí Mai chỉ bắt
đầu có mặt vào năm 1960 - chú thích của Trần Hoài Thư)
Riêng họa sĩ Đinh Cường,
thời sinh tiền, luôn luôn nhắc đến tạp chí này như là nơi mà người bạn
thiết của anh là Bửu Ý đã hợp tác trong một thời gian dài.
Sau 1975, Ông Hoàng Minh
Tuynh về sống tại Bảo Lộc. Không hiểu sao ông lại về đây? Vì tự chọn hay vì ẩn
tránh? Hai năm sau ông chết. Thọ 61 tuổi. Cái chết của ông được cuốn Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế ghi là: Dư luận hồi
đó cho rằng ông bị đầu độc. Tuy nhiên, rất ngạc
nhiên là trong những ấn bản được tái bản sau này , chúng tôi không
còn thấy phần tiểu sử của Hoàng Minh Tuynh nữa.
Hiện nay, chúng tôi có trong tay những chứng từ của thân nhân của học giả
Nguyễn Bá Thế về sự mờ ám khi cuốn tự
điển đồ sộ này được thực hiện. Khi có dịp chúng tôi sẽ phổ biến.
Đây là tiểu sử Hoàng Minh Tuynh được tìm thấy trên trang nhà
http://vansu.vn trích từ ấn bản xuất bản đầu tiên:
Chuyên viên ngân hàng, nhà
báo, sinh năm 1916 tại Nam Định, con ông Hoàng Văn Tuân và bà Lê Thị An (bà là
nguời sinh ở Long An Nam Bộ), từ năm 1948-1950 định cư ở Sài Gòn.
Thuở nhỏ ông học tại Hà Nội, đậu Tú tài rồi vào học Trường Đại học luật khoa Hà
Nội, tốt nghiệp cử nhân luật chuyên về kinh tế, tài chính.Sau năm 1945 ông làm
công chức trong ngành kinh tế ngân hàng, thường đi tu nghiệp ở các nước Tây
phương (Pháp, Mĩ), sau năm 1950 định cư ở Sài Gòn, Bảo Lộc cho đến cuối đời. Sau hiệp định Genève, ông giữ chức Phó
Tổng giám đốc Viện Hối đoái Sài Gòn (Tổng
giám đốc là ông Huỳnh Văn Lang).
Năm 1957 ông là một trong 3 người (Huỳnh Văn Lang, Lê Ngộ Châu và ông) sáng lập
tạp chí Bách khoa ở Sài Gòn
(1957-1975) giữ chức chủ bút tạp chí (1957-1963) rồi đến năm 1960 ông sáng lập
tạp chí Mai giữ chân chủ nhiệm tạp chí này....
Sau năm 1963, ông từ bỏ đời sống công chức, sống với
nghề tự do, đến năm 1977 ông mất tại Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) thọ 61 tuổi.
Dư luận hồi đó cho rằng ông bị đầu độc.
(Nguồn : Từ điển
nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Quang (*) Thắng, Nguyễn Bá Thế)
__________________________________________
(*) sự thật là Quyết chứ không phải là Quang (TQBT)
Riêng tạp chí Mai, sau 1975,
dù toàn bộ của tạp chí này được lưu giữ tại thư viện tổng hợp TP HCM, nhưng
muốn đọc nó phải có người hộ tống, không được phép copy, không được chụp hình
(Xin mời đọc hồi ức của nhà văn Lữ Quỳnh trong số này).
Có thể nói, đây là tạp chí
quý hiếm và giá trị nhất cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử miền Nam trong
thời chiến (để chứng minh chúng tôi đăng lại Sổ tay – Nhật ký tháng 8-1964 ở
phần sau) cũng như lý do tại sao những tác giả có tầm vóc như Bùi Giáng, Phạm
Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn , Du Tử Lê, Bửu Ý, Đinh Cường... đã nhắc đến nó với
tất cả sự trân trọng và tự hào.
Hiện tại thư viện đại học
Michigan có lưu trữ Mai năm 1962, 1963, 1964, 1965, 1966 (thiếu
năm 1960, 1961).
Riêng Thư viện đại học Cornell thì giữ ba năm: 1964, 1965 và 1966.
Riêng chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh, theo sự sưu tầm của chúng tôi, trong thời
gian 1957 đến 1962, trên Bách Khoa có đến 109 bài viết của ông mà hầu hết thuộc
đề tài chính trị biên khảo . Trên Mai chỉ thấy bài viết của ông xuất hiện nhiều
vào hai năm 1965, 1966.
Trần Hoài Thư
sưu tập và tổng hơp
(Trích từ Thư Quán Bản Thảo số 69 - Tháng 4.2016)
(Trích từ Thư Quán Bản Thảo số 69 - Tháng 4.2016)