Ảnh: internet
Buổi sáng chủ nhật hôm ấy ông Huệ
theo chuyến xe buýt đầu ngày về thành phố để thăm cô con gái út và dự thôi nôi
đứa cháu ngoại mới sinh theo lời mời của Thắng – cậu con rể. Trước khi đi, ông
đã cẩn trọng, nắn nót viết bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt để gởi tặng cậu cháu ngoại
vừa tròn tuổi. Đó là món quà duy nhất của ông chúc mừng ngày cháu chào
đời. Bài thơ có ba
đoạn:
"Ngày xưa ông thôi nôi
Bây giờ đến lượt cháu...
Đời người một lần "thôi"
Bỏ nôi tập bước tới!
Ông chúc cháu bước đều...
Thẳng vươn về phía trước
Đường đi dù dốc ngược
Luyện chân cứng, đá mềm
Chúc cháu khắp nẻo đường
Đôi chân luôn vững chải!
Trái tim ngời sáng mãi,
Yêu đời, xây tương lai"
Sau buổi liên hoan cùng gia
đình, bè bạn của vợ chồng Thắng, ông Huệ theo Thắng vào phòng riêng của anh:
“Ba vào uống tách trà rồi hãy về!”.
Thắng mở tủ, cẩn trọng bưng
khay đựng bộ bình trà ra, đặt ở giữa chiếc bàn gỗ cẩn xa cừ: “Bộ bình trà này
con đã mua với giá mười lăm triệu đồng, cách nay hơn năm năm!”.
Trong lúc Thắng bỏ trà vào
chiếc bình nhỏ bằng nắm tay, màu xanh ngọc, hai bên đều có vẽ chạm hình bát
tiên màu xanh thẫm, ông Huệ cầm một chiếc tách lên săm soi. Tách trà cũng màu
xanh ngọc, có hoa văn li ti quanh miệng, vẽ hình bát tiên tỉ mỉ, sắc sảo như
bức tranh từ bình trà thu nhỏ; đặc biệt bên trong có in hình mặt trăng và áng
mây màu vàng nhạt dưới đáy. Ông nói: “Như vậy tính ra mỗi chiếc tách này hơn
một triệu đồng?”.
-
Bốn tách là năm triệu, chiếc bình mười triệu…
- Ba cũng từng thấy nhiều bộ bình trà rất
cổ đời Tống, đời Đường… nhưng bộ này trông lạ, mỹ thuật quá!
Thắng
rót trà ra ba chiếc tách còn lại trong khay, cười:
- Có
người trả con ba mươi triệu mà con chưa bán! Tất cả đều bằng ngọc bích…
Ông Huệ bưng tách trà lên, ngắm nhìn màu nước như cố tìm trong tách trà có gì đặc biệt. Ông hớp một ngụm
nhỏ - ngửi thấy mùi hương thơm dìu dịu, vị chát ngọt của trà lắng dần xuống cổ.
Ông Huệ liếc nhìn tủ chứa đồ cổ của Thắng ở vách, tỏ ý thán phục cậu con rể.
Ngày Thắng tìm đến nhà ông để dọ mua chiếc lọ sành cắm hoa đời Minh Mạng, rồi
sau đó không lâu, nhờ mai mối tới hỏi Bích - cô con gái út của ông, mới đó đã
hơn năm năm rồi.
Đang bưng tách trà lên định uống thêm một
hớp nữa thì chiếc điện thoại trong xách tay của ông bỗng reo lên. Ông Huệ vội
đăt tách trà xuống, vói tay lấy chiếc xách. Tay áo của ông quơ quào thế nào,
vướng tách trà, rơi xuống nền gạch men: “rẻng reng…”!
Đôi mắt Thắng đỏ hực lên, gương mặt
chợt tái xanh:
- Ba làm ăn cái gì vậy?
- Ba
xin lỗi.
Ông Huệ ngồi xuống tẩn mẩn nhặt từng chút mảnh vỡ của tách trà bỏ nhẹ
nhàng vào lòng bàn tay.
- Ông
không làm chuyện gì nên cả!
- Ba
xin lỗi…
- Tôi
không cần xin lỗi – ngàn lần xin lỗi cũng không cần.
Ông Huệ đã nhặt xong, đứng tần ngần, nhìn vào lòng bàn tay:
- Ba cũng rất
tiếc! Ba biết con đã bỏ bao công sức, thời gian, tìm mua với giá đắt như thế –
nhưng ba dạo này tay chân mắt tai cũng đã quờ quạng lắm, đã trên bảy mươi lăm
rồi còn gì…
Thắng ngồi im lặng.
Tiếng ông Huệ nhỏ dần:
- Thôi, đã lỡ
vậy rồi - con cứ nghĩ là chiếc tách vẫn còn trong tủ, như bao vật khác đang nằm
im trong đó, cho đỡ buồn! Vạn vật đều “có – không” như vậy cả, con ạ!
– Tôi
không nghĩ thơ thẩn như ông được!.
Thắng vụt đứng dây, bỏ vào buồng:
- Nghĩ thơ thẩn vậy nên đến cuối đời, ông cũng chẳng có gì!.
MANG
VIÊN LONG