TRƯƠNG VŨ
Nắng vàng trong rừng khô
N Ắ N G V À N G
Tranh Trương Vũ
sơn dầu trên bố, 30" x 24",
thực hiện năm 2010
Cách đây hơn ba mươi
năm, khi còn ở Philadelphia, mỗi lần đi bộ từ nhà trọ đến trường đại học, tôi
thường đi ngang một khu townhouse thuộc giới nghèo trên đường Chestnut. Nếu đi
vào buổi sáng, khoảng mười giờ, có nắng tốt, thế nào tôi cũng nhìn thấy một
người đàn bà ngồi trước thềm nhà. Da trắng, khoảng sáu mươi, tóc trắng như bạch
kim, chải sát vào đầu. Lúc nào cũng vậy, người đàn bà ngồi im lặng, bất động,
mắt nhìn xa, đăm chiêu, trông như một pho tượng của Rodin. Có vẻ như với bà những
gì đang xảy ra trước mặt không có nghĩa gì cả. Tôi không biết bà đang nhìn gì,
thấy gì. Chỉ có cảm giác là vào lúc đó trong đầu bà chắc bao nhiêu hình ảnh của
quá khứ đang trở về, bao nhiêu tâm tư từng lắng sâu vào tâm khảm đang sống lại.
Khó ai biết. Chỉ biết nơi con người đang ngồi bất động đó hiển lộ một sự sống
khác, dường như chứa chất một thảm kịch nào. Những lúc như vậy, tôi đểu mơ có
khả năng vẽ nên một chân dung đích thực, biểu hiện được những phức tạp của con
người, những thứ phức tạp thường tạo nên một cái đẹp kinh hồn cho nghệ thuật. Giấc
mơ đó không thực hiện được. Cũng có lúc, tôi muốn tìm hiểu hơn về bà, hoặc tìm
cách nói chuyện với bà. Nhưng, tôi luôn ngần ngại, không biết làm cách nào và
cũng không chịu khó suy nghĩ kỹ hơn phải làm cách nào.
Từ lúc rời Philadelphia đến nay, thỉnh thoảng tôi có trở về,
có đi ngang con đường cũ, nhưng không bao giờ gặp lại con người đó. Hình ảnh
người đàn bà ngồi như pho tượng trước thềm nhà vào mỗi sáng rất khó quên. Nó
khiến tôi liên tưởng đến một vài hình ảnh khác, để viết ra những dòng sau đây.
Tôi có một người bạn trẻ, LLT, tốt nghiệp về phân tâm học ở
đại học Johns Hopkins, Baltimore. Thời gian làm nghiên cứu sinh, T. tình nguyện
vào làm trong một bệnh viện tâm thần ở Boston và tại một số tư gia do cơ quan
tỵ nạn địa phương giới thiệu. Bệnh nhân của T. thuộc nhiều thành phần người Việt
khác nhau, tuổi từ 15 đến 70. Ở đây, có những người đàn bà bị điên loạn sau khi trải qua những nỗi đau kinh hoàng trên biển, mất chồng, mất con, bị hãm hiếp,… Ở
đây, có những đứa trẻ mới
trước đó sống êm ấm với gia đình bỗng chứng kiến những cảnh hãi hùng, rồi vụt cái, mất cha, mất mẹ, mất anh em,
rồi ngơ ngơ ngác ngác trong một xã hội hoàn toàn xa lạ. Ở
đây, có những người qua tuổi
trung niên hoàn toàn mất
định hướng, không đương đầu nổi với những đổi thay quá lớn, quá nhanh về hoàn
cảnh, văn hóa, ngôn ngữ, xã hội. Ở đây, có những thanh niên mắc các loại bệnh về ảo giác, lúc nào
cũng trông thấy những hình ảnh kỳ lạ, nghe những âm thanh ma quái luôn thúc
giục mình làm những điều không phải, v.v. T. làm
việc với những bác sĩ, y tá, cán sự xã hội địa phương. Sau năm năm, vì nhu cầu
hoàn thành luận án, T. phải về lại trường rồi sau đó đi kiếm việc làm. Lúc T. rời
Boston, có khoảng 25 phần trăm trong số bệnh nhân này hồi phục để có thể tiếp
tục đời sống một cách tương đối bình thường như nhiều đồng bào khác của họ. Những
người còn lại, theo hiểu biết của T., đa số sẽ không chữa trị được. Đời sống của
họ như thế nào qua từng tháng ngày trong khu bệnh viện tâm thần, cho đến những giờ
cuối cùng, ít tai biết. Đến nay, vì làm việc ở xa, T. không thể tình nguyện trở
lại bệnh viện đó như trước, nhưng mỗi lần nói về những bệnh nhân cũ cũa mình T. vẫn còn đầy xúc động như nói về những người thân bất hạnh.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến trường hợp một người đàn bà tôi
có nghe đến. Đó là một phụ nữ trẻ đẹp
khi cùng chồng và hai đứa con còn rất nhỏ vượt biển khoảng cuối thập niên 70.
Trên đường vượt biển, thuyền họ gặp nạn, hai đứa con rớt xuống biển, người
chồng vội nhảy xuống cứu và cả ba đều chết đuối. Thảm kịch xảy ra nhanh như
chớp trước mắt chị. Chị và một số người khác được cứu sống. Chúng ta có thể mường
tượng những gì xảy ra sau đó cho người đàn bà bất hạnh này. Sau một thời
gian ở trại tỵ nạn, chị được đi định cư ở Mỹ, luôn giữ bên mình những kỷ vật
của chồng và hai con, góp nhặt được sau tai nạn trên biển. Suốt gần mười năm kế
tiếp, chị sống âm thầm với kỷ niệm lẫn với những ám ảnh kinh hoàng từ chuyến đi
định mệnh đó. Không ai nghĩ rằng chị có thể trở lại đời sống bình thường. Cho
đến khi có một người đàn ông khác đến. Tình thương, hiểu biết, kiên nhẫn, ân
cần… đã mang lại chị một niềm an ủi. Họ thành vợ chồng. Trong nhà vẫn để bàn
thờ của hai con và người chồng cũ, nhưng họ quyết định sống một đời mới. Không
biết những năm tháng sau đó, những ám ảnh của quá khứ có thỉnh thoảng quay về,
chen vào giữa họ, nhưng đây vẫn là một “happy ending”. Chị may mắn hơn rất nhiều người đàn bà khác
cùng cảnh ngộ, cùng là nạn nhân của thảm kịch trên biển đông trong thập niên đầu
sau khi chiến tranh chấm dứt. Có nhiều người còn trải qua những kinh nghiệm hãi
hùng hơn.
Cuối năm rồi, tôi hân hạnh gặp một thanh niên đến từ Việt Nam,
do các con tôi mời về dùng cơm tối với gia đình. Người thanh niên ở khoảng tuổi
ba mươi, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc và ứng xử như mọi thanh niên bình thường
khác. Khi trò chuyện với tôi, lúc nào cũng xưng “con” nên lúc đầu tôi ngỡ là bạn
của các con tôi. Sau vài câu thăm hỏi mới biết đó là một linh mục thụ phong chỉ
được vài năm. Sau khi thụ phong, ông tình nguyện đến coi sóc một viện mồ côi
nhỏ ở Sài Gòn, dành cho những trẻ em bị HIV. Trong số này có những em còn cha
mẹ nhưng bị bỏ vào đó vì cha mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng. Tuổi thọ của các
em thường không quá mười lăm. Một số bác sĩ gốc Việt ở Mỹ khi về Việt Nam làm
thiện nguyện có đến thăm viện mồ côi này. Xúc động về hoàn cảnh của các em và
cảm kích về những nổ lực của ban điều hành và những người tình nguyện đến chăm
sóc, cùng những khó khăn về nhiều phương diện, nhóm bác sĩ quyết định vận động
giúp đỡ viện. Phần lớn sự trợ giúp đến từ các thân hữu Việt và Mỹ ở hải ngoại.
Do đó, vị linh mục cùng với một em bị HIV với một y tá đi theo săn sóc được mời
sang Mỹ gặp gỡ các thân hữu. Tôi có gặp bé gái đó. Xinh xắn, nói năng rất tự
nhiên và lễ độ, dễ gây cảm tình của người đối diện. Mới nhìn tưởng chừng đó là
một em bé khoảng mười tuổi nhưng thật ra em đã mười sáu tuổi, mà sức trưởng
thành chỉ đến đó. Em nói năng rất tự chế, chấp nhận số phận mình một cách tự
tại. Những người đã đến thăm viện mồ côi cho tôi biết các em ở viện không được
trường học bên ngoài nhận nên viện tổ chức lớp học riêng cho các em. Các em
được học hành và vui đùa như mọi trẻ em bình thường khác, mặc dầu tất cả đều
biết mình sẽ rời cõi nhân gian này bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, thực hiện được
điều đó không dễ. Vị linh mục cần sự hỗ trợ của rất nhiều người.
Nói đến những bác sĩ thích làm thiện nguyện, tôi nghĩ đến một
người bạn trẻ khác, bác sĩ LTL, một chuyên gia về ruột. Ông thường mang sách vở về tặng và mời một số giáo sư y khoa Mỹ và Việt về giảng ở đại học y khoa Huế. Trong
một chuyến đi như vậy cách đây khoảng mười năm, mỗi ngày ông đều thấy một bà cụ đẩy xe bán bánh mì đến chợ Bến Ngự, sáng đi chiều về, ngang qua nhà ông. Ông để
ý thấy một chân của bà cụ đi đứng không được bình thường. Một hôm ông đến chợ,
đến nơi bà cụ bán bánh mì, ngồi xuống xin phép xem chân bà, thấy ghẻ lở ăn sâu
vào thịt. Sau đó, cứ hai ba ngày ông mang thuốc đến, tự tay chăm sóc vết
thương. Khi vết thương gần lành hẳn, có thể tự chữa lấy được, cũng là lúc ông
từ giã bà cụ về lại Mỹ. Bà ôm ông khóc. Ngày nay, LTL là một bác sĩ rất thành
công ở Maryland. Ông có phòng mạch riêng, nhận làm chủ nhiệm khoa ruột của một
bệnh viện quan trọng một thời gian, thỉnh giảng ở một đại học y khoa lớn, nhà
cửa sang trọng, gia đình hạnh phúc. Mới đây, ông kể tôi nghe, vài tháng trước
ông có về lại Việt Nam. Người đồng nghiệp ở y khoa Huế thường làm việc chung
với ông trong những chuyến về thiện nguyện, trước đây khá nghèo, bây giờ lái
một chiếc Mercedes mói toanh ra đón ông ở phi trường. Tôi thực sự mừng cho sự
thành công của họ, mừng họ có nếp sống cao, vì họ xứng đáng được hưởng thành
quả do tài năng và sức lao động của họ. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến LTL, hình
ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu tôi vẫn là hình ảnh một bác sĩ trẻ ngồi xuống
chăm sóc ghẻ lở nơi bàn chân một bà cụ bán bánh mì ở chợ Bến Ngự.
Ở hải ngoại, chúng ta thường nói, thường ca ngợi những thành
công cá nhân của người tỵ nạn hay con cháu những gia đình tỵ nạn. Nhưng, chắc chúng ta cũng biết bên cạnh đó có rất
nhiều người không thành công. Đặc biệt, có nhiều người rất thiếu may mắn đang kéo
lê cuộc đời của họ trong âm thầm. Với bề ngoài lặng lẽ, họ chứa chất bên trong
một thế giới riêng, thường khó hiểu với người xung quanh. Những cái thế giới
như thế chắc phải có một sức mạnh nào đó, một sự nặng nề nào đó để kéo họ thu
mình vào, không tìm được lối ra, hay không muốn tìm một lối ra. Cũng có thể, thế
giới đó rất đơn giản, chỉ dung chứa một số phận không may, không thể làm gì
khác hơn là chấp nhận nó như một định mệnh nghiệt ngã. Như trường hợp các trẻ
em mồ côi bị HIV, như trường hợp bà cụ bán bánh mì ở chợ Bến Ngự, v.v. Nếu may
mắn, họ có thể gặp những người có một tâm lượng lớn hơn bình thường, một sự
thông cảm lớn hơn bình thường, cũng bằng một cách lặng lẽ đến giúp đỡ, chia sẻ
nỗi đau của họ. Như người tu sĩ, người chồng, và những người trẻ tuổi tôi đã kể
trên. Và, còn bao nhiêu người khác nữa chúng ta không thể nói hết ở đây.
Những việc làm đầy tình người của họ, dù nhỏ hay lớn, như
những tia nắng vàng trong rừng cây khô, đã làm cuộc đời có ý nghĩa hơn. Và, nếu
những cố gắng đầy chân tình đó biến đổi được một số phận không may hay mang lại
một niềm vui, một tia hy vọng về tương lai cho một người bất hạnh, tôi cho đó
là một thành công lớn. Một thứ thành công dễ khiến những người nghe đến trở nên
thâm trầm hơn.
Trương Vũ
Maryland, tháng 5. 2010