Sunday, April 3, 2016

2223. TRẦN HUIỀN ÂN Giọt nắng (Truyện ngắn)


Cảnh đồng quê Việt Nam – Tranh sơn dầu Lê Sâm



Bức tranh ấy do người cha anh tự vẽ lấy, cách nay đã khá lâu.
Ông già vốn học thức chỉ có bằng Sơ Học Yếu Lược, chuyên sống với ruộng rẫy. Ngoài việc cày cuốc, thú vui là bẫy chim, đơm cá, không mấy khi cầm tới tờ báo, quyển sách, chưa bao giờ biết thưởng thức cái đẹp của một bức tranh, một tấm ảnh .
Chiến tranh đẩy ông xuống thị xã, dí vào cuối con hẻm nhỏ, quanh co, hết quẹo phải rồi quẹo trái. Cũng may, căn nhà tồi tàn còn một mảnh sân độ bốn thước vuông để mỗi chiều có thể đặt chiếc ghế con ngồi đó nhìn lên. Ở đây không có nhà cao tầng nên vẫn thấy được trời rộng. Mùa nắng mây trắng giăng đầy .
Không cầm rựa cầm rìu nữa thì cầm cái bay. Nhờ sáng trí, khéo tay, không lâu ông thành một thợ hồ giỏi. Lớn tuổi, cẩn thận, chăm chỉ nên ông thường có việc làm. Hết sở này đến sở nọ, liên tiếp được kêu, hầu như chẳng một ngày rảnh nghỉ. Ra đi lúc chưa sáng, trở về lúc quá xẩm, tính toán công việc vừa xong, nằm xuống là giấc ngủ ập đến, ông không còn thì giờ để suy nghĩ vẩn vơ, để buồn, để nhớ. Con người như con ốc trong chiếc xe cũ kỹ, khô dầu, nhưng cứ chạy, chạy mãi giữa nắng trưa .
Cho đến một hôm ông ngã bệnh. Và không thể bình phục hẳn. Người gầy tọp lại, yếu đuối. Công việc mười phần chỉ còn làm được một, đành phải trông nhà, giữ cháu. Ông sợ nhất là ban đêm. Những đêm dài như vô tận. Ông nằm nhắm mắt mà không ngủ. Tiếng muỗi kêu vo vo ngoài màn. Tiếng lũ chuột xạ chích chích dưới chân giường. Lũ mèo đuổi nhau chạy trên những mái tôn. Có khi là tiếng gió xào xạc. Tiếng sóng vỗ rất nhỏ rất đều phía bờ biển. Tiếng mưa gõ nhịp lúc nhặt lúc khoan. Và ông hình dung ra nhà cửa, ruộng vườn, làng xóm … Là ông đó chăng? Chú bé chạy tung tăng trong sân nhà. Thằng chăn trâu đứng giữa sườn đồi ngập nắng. Chàng trai nông thôn rụt rè e ngại trước mặt bạn gái. Rồi, dẫu gì cũng có một mái ấm đề huề, bà con, anh em thỉnh thoảng gặp nhau, rượu trà đều rót trong chén bịt …
Ông muốn nói ra những điều ấy. Nói ra được, sự buồn khổ, nhớ nhung hẳn là vợi bớt. Nhưng bây giờ, vợ con lại bận rộn như ông trước đây. Đi sớm, về khuya, đầu tắt mặt tối. Họ chẳng còn giây phút nào để ông tâm sự. Ông cảm thấy mình chỉ còn như cái bóng do ánh sáng của ngọn đèn con hắt lên vách, mờ nhạt lặng lẽ.
Buổi chiều ấy, ông đến thăm một người bạn cũng tản cư xuống ở một làng ven thị. Trở về, lúc mặt trời vừa gác núi, nghe mùi lúa trổ, mùi bùn, mùi những lá rau chóc, lá bông súng già đang rã dần trong nước, bước chân ông như ngây ngất, cứ muốn con đường dài thêm, dài mãi. Bên vệ đường, một người họa sĩ đang đứng vẽ phong cảnh đồng quê. Nét cọ đưa qua, nhẹ nhàng, thanh thoát. Trên khung vải lần lần hiện ra đủ cả dòng sông, mương nước, dãy núi, lũy tre, lẫn trong đồng ruộng xanh tươi là những mái nhà ngói đỏ… Cho đến khi tia nắng cuối cùng vụt tắt, xếp giá lại, người họa sĩ vẫn không hay biết có ông đứng  sau lưng. Chẳng nói  chẳng rằng, ông thẫn thờ đếm bước.
Đêm đó, thêm một đêm ông trằn trọc. Ông nghĩ, viết ra chữ, thành bài văn, bài thơ, thật là khó, còn như vẽ, đâu có khó gì! Chỉ là thấy thế nào ghi lại thế ấy, nhớ ra sao vẽ lại như vậy. Nhớ thì ông dư sức nhớ. Ai mà quên được nơi mình đã sinh ra, lớn  lên, đã sống với cha mẹ, anh em, bè bạn, vợ con. Ông hình dung ra mỗi chòm cây, mỗi ngả đường, mỗi nét mặt những người thân thuộc, tự bảo: Sáng mai mình sẽ đi mua một tờ giấy, một cây bút lông, một thoi mực xạ… Đâu cần màu sắc hoa hòe, chỉ thật thà mực đen giấy trắng, ông sẽ thể hiện lại nỗi lòng mình. Một hai hôm không xong thì tuần lễ, mươi ngày, cùng lắm là một tháng, ông sẽ có được bức tranh làng xóm quê hương…
Ông già đã chết, nhưng bức tranh vẫn còn treo đó.
Lúc người cha còn sống, anh ta thường thấy làm lạ, và buồn cười, mỗi khi ông già ngồi lâu hàng giờ ngắm bức tranh, đôi mắt lúc thì sáng lên, lúc thì lim dim chìm đắm. Nhiều lần người cha bắt anh ta đến bên cạnh, chỉ vẽ giải thích, con ngõ ấy thế nào, chòm cây này ra sao, đàng sau nhà là gì, bốn mùa phong cảnh đổi thay xinh đẹp như vậy như vậy, rồi xa hơn nữa, xa hơn nữa. Anh ta chỉ dạ dạ vâng vâng, không dám tỏ ra thờ ơ, nhưng cũng không thể cố biểu lộ sự đồng cảm.
Sau hôm làm tuần mãn tang người cha, do lòng hiếu thảo thúc đẩy, anh ta ngồi ngắm bức tranh. Ban đầu anh ta cũng chỉ nhìn thấy những khuyết điểm thông thường. Coi kìa, căn nhà bếp đằng sau lại lớn hơn căn nhà chính đằng trước, cánh cửa vách bên kia nhìn thấy được, chòm cây trên đỉnh đồi xa có đủ cành đủ lá, có con chim đậu trên ngọn, con bướm bay dưới gốc. Dần dần, hình như trong bức tranh có sự chuyển động, nhà cửa cây cối tự xê dịch, tự điều chỉnh. Anh ta nghĩ: Phải, nếu vẽ đúng theo viễn cận thì chòm cây kia chỉ là một chấm xanh mờ nhạt, làm sao giờ này anh ta nhận ra được một phía nó tươi tốt um tùm, một phía nó khẳng khiu cằn cỗi, làm sao anh ta thấy được nơi góc vách sau có một cánh cửa, từ đó, một lối nhỏ dẫn ra vườn cau. Cha anh ta đã vẽ bằng trí nhớ, không theo một phương pháp nào, cảnh vật dù xa mấy vẫn được nhìn thấy bằng tấm lòng gần gũi, được vẽ bằng những nét tiû mỉ đến từng chi tiết …
Giống như người cha ngày trước, anh ta ngồi lim dim mơ màng. Và khi chợt giật mình do tiếng  động, vô tình anh thấy bức tranh hoàn toàn khác lạ. Một giọt nắng từ mái nhà xuyên xuống đậu ngay trên sườn đồi, y như cảnh buổi chiều về, mặt trời gác núi. Bức tranh sáng hẳn lên. Trong màu mực xạ đen có lấp lánh màu cỏ lục, màu nắng vàng, màu da trời phơn phớt. Là con út , sinh ở thị xã anh ta chưa hề  biết căn nhà ấy, ngọn đồi ấy, nhưng giờ này nó thật quá quen thuộc.  Anh ta nhớ lại, rõ ràng, không phải ai khác, chính anh ta đang theo lối nhỏ qua vườn lên tận đỉnh đồi cùng bè bạn đang thả diều. Đám bạn trai thân tròn như hạt mít, da màu mầng quân chín. Đám bạn gái tóc mượt, đôi mắt hiền như con chim xanh. Giọt nắng trên  tranh từ từ trôi theo chân đồi. Mặt trời đã lặn. Rồi giọt nắng tuột hẳn xuống nền nhà, mất hút. Anh ta ngẩn ngơ đứng dậy.
Liên tiếp, đâu phải nhiều lần, mà trong  nhiều năm tháng, mỗi khi không ra khỏi nhà, thấy mặt trời trong tranh gác núi, dẫu không rảnh rỗi anh ta cũng thu xếp công việc lại đến ngồi ngắm cảnh quê. Anh ta thả tâm trí lang thang khắp nẻo, khi lục hông cơm nguội, khi ra vò nước kéo cán gáo tu một hơi dài, khi thơ thẩn dưới tàn cây tỏa mát, khi lăn mình trên thảm cỏ tháng giêng. Trong căn nhà tồi tàn nơi cuối hẻm, anh ta có được cái quê hương mà anh ta chưa hề có. Thích thú nhất là lúc trèo lên ngọn cây đỉnh đồi, nhìn khắp bốn phương. Xa xa ruộng đồng gợn sóng, con sông loáng bạc, phương tây trùng trùng núi dựng và phương đông biển cả cong cong một nửa chân trời. Anh ta thấy hiểu và thương người cha hơn, đứng dậy đến bàn thờ thắp một cây hương.
       Một ngày kia, cả cái xóm nghèo làm ăn khá  giả. Chung quanh, những căn nhà lụp xụp đã được xây cất mới, khang trang, rộng rãi. Anh ta quyết định làm lại căn nhà.
Trong thời gian thi công, bức tranh được gói lại, cất kỹ. Đến khi mừng nhà mới bạn bè đem tặng nhiều tranh ảnh đủ loại, nào cảnh Thái Lan, nào cảnh Nhật Bản. Cô gái này mặc kimono cúi đầu e lệ, cô gái kia mặc váy ngắn, đôi mắt lẳng lơ. Có bức sơn mài năm con ngựa cùng phi. Có bức lồng gương phượng múa rồng bay quanh ba chữ Phước Lộc Thọ. Bốn bên tường treo kín cả những tranh. Không còn chỗ cho cái phong cảnh quê nhà người cha để lại. Bức tranh vẽ bằng mực xạ giấy đã ố vàng ấy đành yên phận nằm im.
Chiều hôm nay, sau buổi giỗ cha, khách khứa bạn bè đã về hết, ngôi nhà rộng thênh thang hóa ra vẳng vẻ, anh ta chợt thấy trống trải, cô đơn. Đôi mắt ông già trong di ảnh nhìn anh ta như có chút buồn buồn. Ngồi nơi phong khách một lúc lâu, nhìn hết rồng bay ngựa chạy anh ta liền hiểu ra. Tất cả những bức tranh kia chỉ là sự lặp lại, đơn điệu, nhàm chán. Con ngựa không hồn, đuôi tung lên mà chẳng hòa theo hướng gió. Con rồng vụng về, mắt lờ đờ ngái ngủ. Đôi cánh con phượng ghép vào thân lỏng lẻo, hời hợt. Tất cả chỉ là sự sao chép bất lực …
Anh ta vội vàng mở lấy bức tranh cũ của người cha đem treo lên chỗ trang trọng nhất, ngồi chờ. Mọi khi, vào giờ này giọt nắng rơi xuống bức tranh, đậu lên đỉnh đồi làm mặt trời gác núi. Nhưng chiều hôm nay, anh ta uống hết hai bình trà, mặt trời không xuất hiện. Đâu còn chỗ trống tình cờ trên mái tôn han rỉ. Thiếu đi giọt nắng, bức tranh trở nên u ám, cỏ cây nhàn nhạt. Không có mặt trời gác núi chiếu tỏa, anh ta không tìm thấy đường về tuổi thơ ảo tưởng trong quá khứ, cứ đứng đó, ngơ ngác, lạ cảnh, lạ người.
Sự giàu có của mình nào khiến cho ai thiệt thòi gì đâu? Chỉ làm mất đi một giọt nắng. Tai hại thay, giọt nắng ấy lại là cái thần của bức tranh, khi mất đi mang theo cả cái thần của ta, một thời ta đã nhờ nó hòa nhập được với người xưa.
    Anh ta nghĩ như  thế.
    Không nén nổi tiếng thở dài… 

TRẦN HUIỀN ÂN