H U Y
bài viết của
Trương Vũ
Gặp bạn bè trên chiến trường xưa
sơn dầu trên bố, 18 x 24 in
Trương Vũ thực hiện năm 2010
sưu tập của Ông Bà Nguyễn Trường Khanh
sơn dầu trên bố, 18 x 24 in
Trương Vũ thực hiện năm 2010
sưu tập của Ông Bà Nguyễn Trường Khanh
Tôi gặp Cao Xuân Huy lần đầu tiên cách đây khoảng 40 năm khi Huy phục vụ tại một căn cứ huấn luyện quân nhân gốc Thượng ở Pleiku. Tôi còn nhớ vóc dáng và nét mặt Huy lúc đó. Cao, gầy, phảng phất chút thư sinh, chút buồn, và ít nói.
Hơn 15 năm sau, gặp lại ở hải ngoại, Huy vẫn ít nói nhưng bề ngoài thay đổi nhiều. Phong sương, dày dạn, ngang tàng. Tác phẩm Tháng Ba Gẫy Súng (TBGS) đến với tôi như một bất ngờ thú vị. Cho tới lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ đến Huy như một người lính thứ thiệt, hơn là một nhà văn. Huy viết ít, TBGS không nhiều chữ nhưng đủ để tạo cho nó một chỗ đứng riêng biệt và quan trọng trong văn học Việt Nam. Huy yêu quân đội, yêu binh chủng, yêu đồng đội vô cùng. Gần gũi Huy, ai cũng thấy rõ. Đọc TBGS, càng thấy rõ. Thế nhưng, cũng trong TBGS, chúng ta thấy Huy yêu sự thật và trân trọng với ngòi bút đến như thế nào.
Đối với rất nhiều người lớn lên trong chiến tranh, suốt hơn 35 năm qua, âm vang từ cuộc chiến chưa bao giờ dứt. Trong từng gặp gỡ, từng câu chuyện, từng tranh cãi gần như bất tận, những kinh nghiệm cá nhân khởi đi từ cuộc chiến, những hào hùng, những cuồng nộ, những bi phẫn, những thắt gan thắt ruột, được tuôn trào ra, luôn sôi nổi. Nhưng khi phải viết, thường chúng ta dừng tay lại. Hay, nếu không dừng lại, thường cũng chỉ viết… giống như ai ai. Trong TBGS, điều cần viết, có thắt ruột thắt gan đến như thế nào, Huy cũng viết. Thản nhiên, sống động, và văn chương. Không cường điệu. Không kịch tính. Không sử thi. Viết như thế đâu có dễ! Từ ngày tàn cuộc chiến đến nay, có bao nhiêu tác phẩm đạt được những giá trị này trong kho sách văn chương Việt Nam viết về chiến tranh? Dù rằng, những thảm kịch do cuộc chiến tranh này gây ra đến nay vẫn còn lãng đãng trong từng gia đình, len lỏi trong da thịt máu mủ từng con người.