Xuôi theo vạn lý… Hướng về nam…
Ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Đồn, với dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy…
Rồi… Thiên Mụ - Cửa Hàn – Trà Khúc – Thị Nại… Từ Bình Định vượt Cù Mông vào Phú Yên. Từ Phú Yên vượt Đèo Cả vào Khánh Hòa.
Một số câu ca dao dưới đây đã được trích dẫn rải rác ở các phần trước. Trong phần này xin tập họp lại đầy đủ và hệ thống theo con đường cái quan bắc-nam đi qua Phú Yên, có những đoạn rẽ lên phía tây, hình dung đó là con đường thời xa xưa Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào đây lập nghiệp.
Tiếng ai than khóc nỉ non
Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
Công tôi gánh gánh gồng gồng
Trở ra theo chồng bảy bị còn ba
(hai câu sau có bản khác)
Xa xa em đứng em trông
Thấy đoàn lính thú hỏi chồng em đâu
-Cù Mông: Dãy núi giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, có ngọn đèo cao 245m. Nghe tiếng hát buồn làm sao không thử hỏi: Người lính trèo hòn Cù Mông đã tòng ngũ từ thời Chúa Nguyễn, hay về sau, trong quân đội của nhà Tây Sơn hoặc của Nguyễn Vương? Giai đoạn chiến tranh giữa hai họ Nguyễn, Phú Yên là chiến trường đỏ lửa, người dân nơi đây phải đi lính, nộp thuế, sưu dịch, đóng góp của cải và sinh mạng cho cả hai bên. Nỗi đau thương đè nặng lên đôi vai gầy, đôi chân yếu của người phụ nữ, gánh gạo theo chồng hoặc chỉ dám đứng nhìn khuất nẻo xa xa .
Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Lương
-Phú Lương: Một làng trong vùng đồng bằng Đà Nông, nằm bên sông Bàn Thạch, thuộc xã Hòa Tân Đông huyện Đông Hòa, nơi sản xuất nhiều gạo ngon.
Thương anh em cũng muốn vong
Hiềm vì một nỗi Cù Mông khó trèo
Hồi xa cách vách cũng xa
Hồi gần Gò Duối, Hòa Đa cũng gần
(câu sau có bản khác, nói chung chung)
Hồi gần cách huyện cách nha cũng gần
-Gò Duối: Thuộc thôn Chánh Lộc xã Xuân Lộc thị xã Sông Cầu. Ngày trước là nơi sản xuất lụa lãnh có tiếng.
-Hòa Đa: Thôn thuộc xã An Mỹ huyện Tuy An. Trước năm 1975 nuôi nhiều ngựa đi buôn lên miền núi, có nhiều xe ngựa. Nghề bánh tráng ở đây rất nổi tiếng, nay vẫn còn.
-Gò Duối và Hòa Đa tuy nằm trên trục đường thiên lý, nhưng khác phủ, huyện, Gò Duối ở phía bắc, nay thuộc thị xã Sông Cầu, Hòa Đa ở phía nam, nay thuộc huyện Tuy An, hai nơi cách nhau khoảng 60km.
-Nhiều nơi có câu ca dao theo dạng này: Hồi xa… Hồi gần.
Chiều chiều quạ nói với diều
Ở trong Quán Đế thiệt nhiều gà con
-Quán Đế: Một xóm trong thôn Bình Thạnh, nằm trên quốc lộ 1A, nay thuộc xã Xuân Bình thị xã Sông Cầu.
Ngó vô Quán Đảnh lao xao
Ham mê lá liễu quên chào bạn xưa
-Quán Đảnh: Không rõ bây giờ là nơi nào. Lá liễu, trong quân bài chòi còn có tên tục là lá l…. Chắc Quán Đảnh là nơi có phần ô hợp, nên ở đây ngụ ý lời chê trách, vì ham mê “lá liễu” mà quên người cũ.
Bình Định tỉnh Phú Yên cũng tỉnh
Long Bình thôn Phước Lý cũng thôn
Đố ông gì mà chết không chôn