Thursday, August 20, 2015

1933. PHẠM VĂN NHÀN Những Vì Sao Vĩnh Biệt vẫn còn nguyên trong tâm thức tôi

          


PHẠM VĂN NHÀN
Những Vì Sao Vĩnh Biệt 
vẫn còn nguyên trong tâm thức tôi


                                 

Hôm 28.5.2013, tôi nhận được email của Lê Ký Thương – một người bạn văn ở Sài Gòn - cho tôi hay là đã tìm được tập thơ Tiếng Thơ Miền Trung trong một chồng báo cũ ẩm mốc mà bà chủ cửa hàng sách cũ trên đường Trần Huy Liệu đang chờ xe rác tới là vứt bỏ ngay. Tập thơ vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có  bìa sách là cũ và rách. Anh đã giữ tập thơ này trong 20 năm mới có dịp gởi qua cho tôi. Bìa tập thơ rách cho nên anh đóng lại thành bìa cứng. Nhận tập thơ tôi vui lắm. Nhưng niềm vui cũng chưa trọn vẹn. Phải chi tìm được tập thơ khi anh tôi – Từ Thế Mộng – còn sống vì anh ấy vẫn hằng ao ước một ngày nào đó sẽ tìm lại được tập thơ này.

Và hôm nay, 18.8.2015, một niền vui khác lại đến với tôi: nhận được tập truyện ngắn của bạn tôi, Trần Hoài Thư. Tập truyện Những Vì Sao Vĩnh Biệt của Trần Hoài Thư do Ý Thức in và xuất bản năm 1971. Ở thời điểm này tôi không còn ở Tháp Chàm mà đổi ra Dục Mỹ (cuối năm 1969 đầu năm 1970.

 44 năm đã trôi qua. Những Vì Sao Vĩnh Biệt không có nghĩa là vĩnh viễn biệt tăm. Đối với Trần Hoài Thư, anh vẫn nghĩ là đứa con tinh thần của anh cũng chỉ còn chăng là trong kỷ niệm của anh và bạn bè một thời. Cũng như anh Từ Thế Mộng cũng từng nghĩ là tập thơ đầu tay của anh và bạn bè sẽ không bao giờ tìm thấy lại.

Còn đối với tôi, tôi rất vui khi bạn bè đã giúp tìm lại được Tiếng Thơ Miền Trung  Những Vì Sao Vình Biệt vì trước đó tôi bỏ công tìm kiếm trong nhiều năm nhưng không có kết quả. Trần Hoài Thư còn một tập truyện nữa do Ý Thức in trước 1975 đến nay vẫn chưa tìm được. Đó là tác phẩm đầu tay của Trần Hoài Thư: Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang.

Ngay khi nhận được, tôi vội vàng đọc lại tất cả những truyện mà trước 1975 tôi đã tửng đọc. Hình ảnh và nhân vật trong tập truyện Những Vì Sao Vĩnh Biệt đã làm sống lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Khi đọc tập truyện, ngoài văn chương chữ nghĩa ra, tôi còn cảm nhận được cái tình bạn gắn bó một cách lạ lùng qua những tình tiết trong mỗi truyện ngắn của Trần Hoài Thư. Cuốn sách làm tôi nhớ những ngày tháng Trần Hoài Thư về sống với tôi trong căn nhà trọ tôi thuê ở Tháp Chàm. Nhà hoàn toàn bằng tôn từ vách đến mái nhà, trần được phủ một lớp carton và hơi nóng thì như lò bánh mì. Nhà nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên cạnh đường xe lửa, chung quanh là những hang ổ mãi dâm trông rất nhếch nhác. Ngày tôi đi làm. Trần Hoài Thư ở nhà ngồi viết trên cái bàn ọp ẹp độc nhất trong căn phòng. Anh viết ngày, viết đêm, viết không mệt mỏi. Thỉnh thoảng có Võ Tấn Khanh ghé lên thăm chơi. Những ngày nghỉ hai chúng tôi rủ nhau ra sông Dinh bắn cá về nấu ăn. Tôi rất xúc động khi đọc lại truyện "Cuộc Sống Tôi". Truyện gồm ba nhân vật: hai còn sống (tôi và Trần Hoài Thư), nhân vật thứ ba – Lê Minh -  đã chết ở Đà Lạt hay Tháp Chàm gì đó sau tháng 4/1975. Chiếc xe Honda mà hai người lính mượn chạy trong đêm giới nghiêm ở Nha Trang, trời mưa như trút nước, là xe của họa sĩ Thanh Hồ. Ngôi nhà gạch trong xóm Rộc Rau Muống, ấp Hà Thanh, là nơi Trần Hoài Thư đã lớn lên, đã trải qua thời thơ ấu. Nhìn bề ngoài, Trần Hoài Thư là một sĩ quan sống rất bụi, chẳng ai nghĩ anh từng là một giáo sư trung học. Bên trong con người ấy là tình cảm, là nội tâm.  Anh rất yếu mềm khi bắt gặp lại những hình ảnh của tuổi thơ ngày nào. Người lính Trần Hoài Thư trở về ngôi nhà ở Rộc Rau Muống trong nỗi cô đơn, có tôi bên cạnh. Anh gục đầu trước chiếc cổng bằng gỗ. Tuổi thơ anh ở đó. Buồn, rồi đi. Con dốc nhỏ đưa chúng tôi ra đường Sinh Trung, về xóm Bóng. Qua bên kia cầu là ngọn đồi với những ngôi nhà Tây đồ sộ. Ngôi giáo đường và tu viện. Tối đó, đi hoang cho hết đêm không về ngủ trên căn gác nhà anh Huy Hoàng mà rủ nhau về ngủ trong chuồng ngựa của viện Pasteur Nha Trang cùng với Lê Minh. Ba con ngựa hoang. Ba cái chuồng với những tên con ngựa được đánh dấu treo trên tấm bảng trước chuồng. Bên ngoài giới nghiêm. Hai người lính không có giấy tờ gì cứ phóng xe mà chạy. Ừ nhỉ! Sao tôi với bạn ngày đó sống liều và sống bụi quá. Người ta cũng lính như tôi với bạn mà họ sống rất đàng hoàng, có gia đình, còn tôi với bạn thì buông thả. Cô đơn!  Đời lính trận mà: sống hôm nay chết ngày mai.

Còn nữa, cũng trong Những Vì Sao Vĩnh Biệt, biết bao kỷ niệm lại ùa về trong ký ức của tôi. Như hai nhân vật  Mỵ và Đắc  . Cô nữ sinh Nha Trang ngày ấy, đẹp và đã có chồng, có cô em gái là một nhà thơ nữ nổi tiếng trước 1975. Hai vợ chồng lại là chỗ quen biết với tôi. Khi anh viết truyện Cuộc Sống Tôi, vô tình nhân vật Mỵ đọc được. Tôi như bị cái búa bổ vào đầu. Những tiếng chì tiếng bấc tôi gánh hết. Trong khi đó, Trần Hoài Thư ơi, bạn lúc đó đang ở Cần Thơ. Còn tôi thì như một anh chàng "ngố" cứ ngồi mà chịu những lời "đay nghiến". Chỉ có anh chàng Đắc, chồng Mỵ là ngồi cười. (Nhà văn, nhà thơ mà, bà trách làm chi). 44 năm qua, tôi nhớ như in trong đầu.

Cám ơn tất cả mọi người đã tìm lại cho người bạn tôi đứa con thất lạc sau 44 năm. Cảm ơn tình bạn gắn bó ngày nào vẫn còn y nguyên của một thời sống đời lính "lãng tử".

Phạm Văn Nhàn
Đêm Houston, 19.8.2015




Bản tin trên tạp chí VĂN - Sài Gòn, 1971