Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
TIỂU SỬ MẶC ĐỖ
Tên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo. Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn sang Mỹ.
Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).
Trong Mộng Một Đời, rất sớm từ thuở niên thiếu, Đỗ Quang Bình -- chưa có bút hiệu Mặc Đỗ, đã nuôi mộng trở thành nhà văn, "Để luyện văn phong, người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại ra Việt văn. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch đã giúp khá nhiều cho việc hoàn thiện những cấu trúc cho truyện dài dự định sẽ viết." Lựa chọn của Mặc Đỗ có tác dụng "đôi": một viên đá bắn 2 con chim/ kill two birds with one stone, anh tạo được một văn phong rất Mặc Đỗ với ảnh hưởng nền văn học Tây phương, và thành quả tiếp theo là các tác phẩm dịch thuật của Mặc Đỗ từ hai ngôn ngữ Pháp và Anh sang tiếng Việt rất chuẩn mực và tài hoa, đã như một phần sự nghiệp thứ hai của anh bên cạnh sự nghiệp sáng tác. Các sách dịch của anh được liên tục tái bản những năm về sau này.