Trần Hoài Thư
Quà Tặng
1.
Tạp chí Thư Quán Bản Thảo sở dĩ sống
được suốt 14 năm nay cũng là nhờ mối thân tình giữa người viết và người đọc. Nhất là giữa lúc tôi phải
dành 24/24 để chăm sóc người bạn đời không may bị đột quị, hầu như phải thúc thủ
không thể rời cách nhà trên 10 dặm, thì chính cái tình này đã giúp những thân hữu
tự nguyện mượn sách báo, tài liệu tôi cần, cũng nhự đã đánh máy dùm khi tôi nhờ.
Kết quả trong vòng hai năm qua, TQBT đã thực hiện những số chủ đề rất gay go như Khởi Hành và Tôi, Sáng Tạo, Hiện tượng văn
chương nữ giới, Phùng Thăng….
Và giờ đây, tôi lại nhận được một
món quà rất ý nghĩa, giữa lúc bên ngoài, trận bão tuyết vẫn còn hoành hành, tuyết
phủ ngập đường, mái nhà, sân, bậc thềm…
Đây là tác phẩm thứ hai của tôi, do
Ý Thức xuất bản. Lợi dụng hai tuần phép đám cưới, nhà xuất bản đã tổ chức
một buổi ra mắt bỏ túi. Tôi nhớ, ngoài anh em Ý Thức, còn có cả anh Trần Phong
Giao của tạp chí Văn đến chia vui. Vậy đó. Sau buổi ra mắt, tôi lại lên
núi, và Y. trở lại đồng bằng. Chúng tôi lại trở thành những vì sao vĩnh
biệt như nhan đề cuốn sách.
Bây giờ, Nguyệt Mai và thân hữu trong nước đã tìm được
NHỮNG VÌ SAO
VĨNH BIỆT để giao lại
cho tôi. Điều này đã cho thấy mối giao tình giữa tác giả và người đọc. Một lần nữa xin cám ơn Nguyệt Mai và bạn Quang Võ và nhà văn Nguyễn Lệ
Uyên. Hy vọng một ngày nào đó không xa, tôi sẽ tái bản cuốn này.
Nhưng bây giờ thì phải lo hoàn tất
bộ Sáng Tạo 38 tập đang lở dở phần layout, sau đó là tập Biểu Nhất
Lãm Văn Học Cận Đại của Thanh Lãng –
một tác phẩm rất quí và hiếm ngay cả Cornell, Yale cũng không có.
Xin được đăng lại bài post của
Nguyệt Mai trên Blog Trần thị Nguyệt Mai:
Thật là một niềm vui to lớn cho chúng tôi khi có được tập
truyện ngắn “Những Vì Sao Vĩnh Biệt”
của tác giả Trần Hoài Thư, do cơ sở Ý Thức ấn hành vào tháng 6 năm 1971. 44 năm
đã trôi qua… Riêng tác giả ngỡ
cuốn truyện đã bị cuốn trôi mất trong dòng sông lịch sử ở một khúc quanh buồn
bã…
Chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đến bạn Quang Võ –
một thân hữu ở trong nước đã bỏ công sưu tầm và đánh máy lại toàn bộ tập
truyện.
Cũng nên ghi nhận ở phần mục lục nguyên bản có tên truyện “Như Ân Thánh Sủng” nhưng trong phần
nội dung lại không có, dù cuốn truyện được sưu tập nguyên vẹn không thiếu một
trang nào. Nhưng thật may mắn, nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã giúp sưu tập và đánh
máy lại để tập truyện được đầy đủ trong lần tái bản này. Xin cám ơn anh.
Nay chúng tôi xin trao lại Anh Chị Trần Hoài Thư đứa con
thất tán. Hy vọng làm đẹp lòng Người
Khâu Di Sản Văn Chương Miền Nam.
Trân trọng,
Nguyệt Mai
Mục lục
Quán Biên Thùy
Đôi Mắt
Vườn Thánh
Nay Lát
Những Vì Sao Vĩnh Biệt
Như Ân Thánh Sủng
Cuộc Sống Tôi
Ngày Trở Lại
Ngày Trở Lại
2.
Tập truyện Những Vì Sao
Vĩnh Biệt là một chứng liệu nói lên hoàn cảnh của người cầm bút trẻ trong thời chiến chúng tôi. Một mặt chúng tôi phải bảo vệ từng tấc đất của miền Nam, một mặt chúng tôi cầm viết. Không ai bắt buộc chúng tôi phải làm vậy. Không than phiền. Không đòi hỏi một sự công bằng. Trong khi những ngưởi cầm bút ở thủ đô. viết dưới ánh đèn điện,
lòng bình an, trí óc thanh thản,
thì những người viết trẻ mang bộ đồng phục phải viết dưới hầm, trong địa đạo, giữa bao nhiêu những bất trắc.
20 năm văn học miền Nam, với khoảng 8 năm an bình, còn lại là chiến tranh, và càng ngày càng dữ dội. Và càng lúc người
viết trẻ càng xuất hiện nhiều trên các tạp chí thời danh. Lý do dễ hiểu: nếu họ không viết thì họ phải làm gì trong những tháng ngày heo hút ở tiền đồn, những đêm trắng mắt, những ngày ứng chiến căng thẳng... Trên trời, là muôn ngàn vì sao. Nhưng ở Sài Gòn thì chúng là những viên ngọc, những đốm sáng như mắt người con gái, hay có khi khuất sau dãy lầu cao, không thấy. Còn ở mặt trận, trên Trường Sơn, hay trong đầm lầy, sao là biểu tượng cho sự ly biệt. Sao nhắc đến người thân yêu. Hay sao là định mệnh, số phận của người. Một vì sao băng, hai vì sao băng.... ba vì sao
băng... như những người lính tử trận đêm qua, có phải?
Ông Trần Phong Giao đã viết một bản tin ngắn trên Văn về buổi ra mắt sách Những Vì Sao Vĩnh Biệt. Có lẽ lúc ấy, ông thấy tôi vui
vì có bạn bè, có tác phẩm mới, có người vợ mới cưới vài ngày bên cạnh... trông có vẻ lãng mạn như bài thơ Màu tím
hoa sim. Có điều
trong Màu tím hoa sim chỉ có chàng lính trẻ "cưới nhau xong là đi" thì ở đây ngoài chuyện cưới nhau xong là đi còn thêm màn " ra mắt sách
xong rồi đi", như thân phận của người viết trẻ trong thời chiến. Xin đi lại cái bản tin trên báo Văn cũ (số 181 phát hành 1-7-1971).
Trần Hoài Thư
March 4, 2015