Những người yêu thơ Thanh
Tâm Tuyền không thể nào quên bài thơ Bao Giờ được đăng ở Sáng
Tạo số 7, năm 1959:
Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì?)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả
( nguồn: Thơ Sáng Tạo, Thư Ấn Quán sưu tầm và xuất bản)
Nếu những câu thơ trên không xuống hàng như thế này:
Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa . (Rồi mở thêm lần nữa Để làm gì?) . Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông. Mà lòng
mình phơi trên kè
đá. Con thuyền xuôi. Chiều không xanh không tím không hồng. Những ống khói tàu mệt lả.
Chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến một bài tùy bút. Và chúng ta
sẽ bảo Thanh Tâm Tuyền là nhà
văn hơn là nhà thơ.
Một ví dụ khác, cũng từ bài Bao Giờ:
Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng
hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
(Đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi)
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc
Nếu ta không xuống hàng:
Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh.
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu
Một. Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình.
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống Cho vui thêm cuộc
hành trình
(Đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi). Cuộc
hành trình hoàn toàn cô độc
Chúng ta sẽ không nghĩ nó là thơ, mà chỉ là một đọan tả cảnh, dùng chuyến xe để bộc lộ ý tưởng tâm tình của tác giả. Câu văn không phải mang chất thơ, màu thơ, vẻ đẹp của thơ, nếu có chăng là mà
mang sự suy nghĩ. Mà "đặt sống thành suy nghĩ" (chữ của Mai Thảo) không phải chỉ dành cho thơ mà cho cả truyện, văn, biên khảo, nhận định... Truyện Hồ Biểu Chánh hay Sơn Nam cũng có những đọan bắt ta phải suy nghĩ.
Một ví dụ khác:
Trong bài Đừng Bắt Tôi Từ biệt, đăng trên Tạp chí Sáng Tạo số 3, tháng chạp 1956, (nguồn Thơ Sáng Tạo do Thư Ấn Quán sưu tầm và xuất bản), Thanh Tâm Tuyền có những câu thật độc đáo như:
Này thần chết không nghe
Sinh viên thợ thuyền nông dân Đông Âu nổi loạn
Này thần chết không nghe.
Sự thức giấc của Bắc Phi khốn nạn
Nếu ta không xuống hàng:
Này thần chết không nghe: Sinh viên thợ thuyền nông dân
Đông Âu nổi loạn.
Này thần chết không nghe: Sự thức giấc của Bắc Phi
khốn nạn....
Ta cũng sẽ nghĩ chúng chỉ là câu văn không hơn không kém.
Ngược lại, nếu lấy một đọan trong bài tùy bút Một Buổi Tối của Mai Thảo:
Từ cửa sổ này,nhìn sang những khung cửa ấy,tôi vui, tôi yêu, tôi ngọt, tôi hiền, đã muốn tin là trong từng khung vuông ánh sáng, cũng có những lòng ghế bành thênh thang đựng gió, những họp mặt thân mật, những vòng nhạc quay tròn trên đĩa, một bàn ăn được dọn, cho thứ hạnh phúc bình thường đơn giản nhất cũng đến được với người, thôi thì một đêm, nhưng nhiều và đông như những chùm sao.
(Nguồn TQBT số 62)
để xuống hàng như sau:
Từ cửa sổ này,
nhìn sang những khung cửa ấy
tôi vui
tôi yêu
tôi ngọt
tôi hiền
đã muốn tin là trong từng khung vuông ánh sáng
cũng có những lòng ghế bành
thênh thang
đựng gió
Ta sẽ nghĩ đọan trên là một bài thơ tự do: Từ ý tưởng đến chữ nghĩa . Chúng
mang đầy chất thơ, hồn thơ, ý thơ và cả chữ cũng thơ. Tuyệt diệu!
Một ví dụ khác:
Sách. Sách đứng. Sách
ngồi.
Hình ảnh kia của những đỉnh trí thức chụm đầu. Hiện tượng ấy của những vực trí tuệ tản mạn. Sách. Bốn phía. Sách. Chung quanh. Sách trên cao tường và dưới thấp bàn. Những rừng từ chương và những biển suy tưởng. Một nhành hoa lạ bỗng mọc trên một cánh đồng hoang. Dưới gai độc, chợt rất trong sáng thủy tinh một ngọn suối chảy róc rách. Sách đó. Thực phẩm sau cùng. Hoài nghi thứ nhất. Mậu dịch và phổ quát rộng của thao thức và tìm kiếm bốn biển đã một phần tới đây, bầy hàng trước mắt người. Buổi sáng đã hồng. Vòng đời đã quay. Nhịp đời đã múa. Thành phố bên ngoài từ rất sớm đã xôn xao. Nhưng sách trong nầy còn nắm chặt tay nhau, những cây ngọc và những trái đau bia của loài người còn hiền hậu và bằn bặt ngủ.
( Mai Thảo: Trong
một tiệm sách, nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 60)
Sách.
Sách đứng.
Sách ngồi.
Hình ảnh kia của những đỉnh trí thức chụm đầu.
Hiện tượng ấy của những vực trí tuệ tản mạn.
Sách.
Bốn phía.
Sách.
Chung quanh.
Sách trên cao tường và dưới thấp bàn.
Những rừng từ chương và những biển suy tưởng.
Một nhành hoa lạ bỗng mọc trên một cánh đồng
hoang.
Dưới gai độc
chợt rất trong sáng thủy tinh
một ngọn suối chảy róc rách....
Và có rất nhiều rất nhiều những đọan như thế mà chúng tôi đã tìm
thấy qua những bài văn trên tạp chí KHởi Hành (cũ).
Khi Thanh Tâm Tuyền viết bài Bao
Giờ hay Đừng Bắt Tôi Từ Biệt, ông nghĩ nó là thơ. Nhưng ông cần những yếu tố của một bài văn. Ông dùng chúng để nói lên điều mà ông gọi là thơ qua cấu trúc là xuống hàng. (Nếu giả sử ông không xuống hàng thì sao?) Ngược lại, khi Mai Thảo viết bài tùy bút, ông nào nghĩ là ông làm thơ đâu. Nhưng thật sự ông đã sản sinh ra biết bao bài thơ tự do quá đẹp và quá lạ lùng và kỳ diệu! Bởi vì ông đã đẩy tùy bút lên cao một bậc: đó là thi bút vậy.
Bởi vậy, với tôi, tôi luôn luôn xem
Mai Thảo là nhà thơ hơn là nhà văn.
Trần Hoài Thư