Sunday, March 1, 2015

1552. NGUYỄN ÂU HỒNG Tuyết trên đỉnh Timberline


Timberline Hotel (Oregon) Nguồn: Internet



Nhiều năm sau này, cứ mỗi lần nhìn tuyết rơi là Phú Nguyễn lại nhớ đến buổi sáng xa xưa ấy khi anh cùng Mónica Tikal rời phòng khách sạn trên đỉnh Timberline, ra hành lang đi xuống bậc thềm và sửng người vì một quang cảnh nguy nga tráng lệ, choáng ngợp.

Lúc ấy hai người dừng lại ở bậc thứ hai, Nguyễn đứng dựa vào thành tay vịn còn Tikal thì áp sát vào người anh: lớp tuyết của đêm qua đã phủ lên những đồi thông điệp trùng từ triền Mt Hood trải dài tít tắp đến tận lũng sâu của Government Camp làm cho cảnh vật trở nên mới mẻ, với một màu trắng tinh khôi trong buổi sớm mai. Trời xanh không một gợn mây. Đôi tình nhân như đôi chim non chấp chới đôi cánh muốn bay mà còn ngập ngừng, họ muốn đi qua khoảng sân, phiêu lưu một chút qua phía bên kia trạm cáp treo, nhưng chưa đi mà chân đã muốn tê cóng vì ủng lún sâu trong tuyết. Họ bước xuống hai bậc thềm nữa. Bắt đầu có mùi phấn thông thoang thoảng trong gió. Phấn thông? Đây chỉ có thể là phấn thông từ triền thấp phía sau khách sạn theo gió bay lên, vì Timberline là lằn ranh thảo mộc cuối cùng, từ độ cao này trở lên sẽ chỉ toàn tuyết và băng giá. Còn mấy bậc thềm nữa là xuống tới sân, khoảng sân đã được lớp tuyết mới phủ dày trinh nguyên. Lại bước xuống hai bậc nữa, nhưng ngần ngại không muốn giẫm lên lớp tuyết trắng tinh khiết chưa có dấu chân người. Vừa lúc ấy, mặt trời qua khỏi đỉnh Mt Hood và toàn cảnh nguy nga tráng lệ bỗng bừng sáng, huy hoàng rực rỡ, kỳ vĩ lạ thường.

Đôi tình nhân chỉ còn kịp ôm chầm lấy nhau.

Họ là hàng xóm của nhau, có chung một hàng rào lưới B.40, nhưng gần nhà xa ngõ do hai khu chung cư đấu lưng vào nhau. Rào giậu thường là sự ngăn cách, riêng hàng rào này đã làm một nhiệm vụ ngược lại: sự nối kết. Gió thường thổi vật phơi của người này bay qua sân của người kia rồi lượm đưa qua, đưa lại mà quen nhau. Mùa hè, Phú Nguyễn đặt cái ghế mộc gần sát hàng rào, dưới bóng mát của cây cherry để đóng những khay đựng thức ăn cho chim và làm những tổ chim để đi bỏ mối và bày bán garage sale. Cây cherry đại thụ trồng bên đất khu Mónica Tikal nhưng bóng mát phủ qua phía Phú Nguyễn nhiều hơn. Khay đựng thức ăn chỉ làm bằng ván ép, gỗ xẻ, nhưng tổ chim thì đa dạng: bằng gỗ xẻ, ván ép, cành cây, bằng những cọng cỏ đan bện lại hoặc kết hợp. Riêng loại tổ chim làm bằng khúc cây, thường là cây bạch dương poplar hoặc whitebirch thì không kết hợp. Cắt một khúc cây vừa vặn một tổ chim, khoan một cái lỗ, chẻ đôi ra khoét bọng rồi bôi keo ụp dán lại, xoắn cái móc treo lủng lẳng là ra một tổ chim.

Mùa cherry chín, Tikal mặc quần jean leo cây hái trái trong khi Nguyễn ngồi dưới bóng mát của tàn cây cưa cưa đục đục. Đôi lúc, Nguyễn dừng tay nhìn lên cây, nhìn Tikal chuyền cành thoăn thoắt, hái trái bỏ vào bịch cũng lẹ làng thoăn thoắt. Với nước da bánh mật, mái tóc dài đen huyền buông từng lọn, dáng dấp và động tác của Tikal có một vẻ gì đó vừa hồn nhiên vừa hoang dã. Anh hơi ngạc nhiên sao với đôi mông đít ngạo nghễ dường ấy, với bộ ngực đồ sộ dường ấy mà Tikal lại có thể leo trèo nhanh nhẹn và dám chuyền ra những cành nhỏ mà không sợ bị gãy cành hay bị rơi té. Rồi khi Tikal chuyền tới mấy cành thấp gần chỗ anh ngồi, đưa xuống cho anh một bịch cherry, cô cứ ngồi vắt vẻo vừa ăn cherry vừa nói chuyện thì Nguyễn lại thích nhìn vào đôi mắt của cô. Đó là đôi mắt đặc trưng của phụ nữ gốc Hispanic – đôi mắt đen to với đôi mày dài rậm, đôi hàng mi cong vút. Tikal ngồi trên cành, Nguyễn đứng vịn cành, họ nói chuyện bâng quơ nhưng cả hai đều muốn thăm dò ý tứ của nhau. Tuy tuổi tác có chênh lệch, Nguyễn đã bốn mươi hơn còn Tikal mới ba mươi, nhưng những tín hiệu cho thấy “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Một hôm Tikal chở về một mớ gỗ phế liệu 1×1, 2×2, 2×4, 4×4 dài ngắn không đều và khoảng chục tấm ván ép cũ đủ mọi kích cỡ, nhờ Nguyễn đóng cho một cái tủ. Nguyễn nói anh không phải là thợ mộc chuyên nghiệp. Tikal lại nói đóng cho một cái kệ hay một cái thùng gì cũng được, cuối cùng lòi ra là cô muốn có một cái nhà kho bỏ túi. Nguyễn đu cành cherry đạp rào nhảy qua xem xét mớ gỗ và nói có thể đóng một cái nhà kho cao 7 ft rộng 5×7 ft.

Để tiện việc, hai người hì hụi chuyển cái ghế mộc sang phía Tikal và phải mất trọn ngày thứ bảy anh mới làm xong bộ khung nhà kho. Sang chủ nhật, Tikal đang giúp Nguyễn dựng bộ khung lên thì bà quản lý khu chung cư xuất hiện. Ở chung cư đâu có được phép đặt nhà kho dù chỉ là nhà kho bỏ túi. Lại phải mất công tháo bỏ. Cũng may đây chỉ là số gỗ thừa ông chủ nhà dưỡng lão định đem đi đổ, Tikal tiếc hỏi xin chứ không bỏ tiền mua. Nguyễn chọn được một ít còn bao nhiêu đem trả lại, khỏi tốn tiền đổ rác. Tuy việc nhỏ không thành, nhưng việc lớn tức “chuyện chúng mình” có dấu hiệu tiến triển. Tối chủ nhật đó Tikal nhận lời mời của Nguyễn đi ăn nhà hàng Việt Nam rồi đi bar Mexico uống rượu.

Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn nên khi hai người nam nữ xa lạ quen thân nhau, họ như bị hút vào nhau, một ly không rời.

Bên Mónica Tikal, Phú Nguyễn đã dần dần tìm lại được bản thân mình. Anh sang Mỹ du lịch rồi lưu lại bất hợp pháp. Mẹ anh mất khi anh đang sống chui nên không thể về chịu tang. Từ sau khi mất mẹ, càng sống lâu ở Mỹ anh như càng mất dấu về mình. Anh không giao du với ai. Không ai biết anh mà anh cũng chẳng biết ai. Anh ăn uống một mình, đi về thui thủi một mình. Anh như không biết mình thuộc về thời nào, nơi chốn nào, như sống lùi lại một thời gian nào xa xưa. Ở Mỹ mà Nguyễn không có bằng lái xe, không có laptop, không có cả điện thoại. Thậm chí anh còn ngỡ ngàng về tên họ của mình. (Anh làm công cho job cỏ của thằng cháu, nó không gọi anh bằng tên mà khi thì Chú, khi thì Ê khi thì Hê cho tiện việc). Nguyễn cứ càng ngày càng xa lạ với chính họ tên của mình. Anh như cái xác không hồn đang mất dần dấu vết và mất luôn sức sống. Trong những đêm dài cô đơn, anh thấy mình không phải là một người đàn ông bốn mươi mốt tuổi mà chỉ là một đứa trẻ mồ côi bị thất lạc. Thậm chí anh còn chìm trong ý nghĩ, con người trần trụi vô danh đến với cuộc đời thì rồi cũng vô danh trần trụi ra đi, có gì đâu mà phải trăn trở. Cứ phai nhạt dần, cứ mất dấu dần rồi lặng lẽ tan biến…

Phú Nguyễn không hề biết ý nghĩ ấy chính là sự buông xuôi, là chước cám dỗ của tuyệt vọng.

Tikal đã giúp Phú Nguyễn từ trong đêm dài của tuyệt vọng gượng đứng dậy, đi về phía có ánh sáng, tìm lại dấu vết của mình, tìm lại chính mình. Đâu cần ai biết ta là ai, chỉ cần biết ta đang thở, đang sống. Ta là một thực thể sống động, không phải cái xác không hồn đi lại, ăn ngủ vật vờ. Bỏ nước ra đi để rồi sống vất va vất vưởng thế này sao? Bao nhiêu triệu người Việt đã vùi thây trong bom đạn chiến tranh, bao nhiêu triệu người Việt đã chết đói hoặc chết vì bệnh tật do nạn đói gây ra và bao nhiêu triệu người Việt nữa đã vùi thây nơi rừng sâu núi thẳm hay dưới đáy đại dương… mà ta sống, xem như một người được sống sót, sao ta lại không dám sống cho ra sống, sống cho đáng sống, mà cứ vật vờ? Bỏ nước ra đi là để tìm sự sống, đúng không? Sao ta không thử một lần ngửa mặt nhìn trời, nhìn thật chăm chú vào những áng mây xa mà cứ nhìn xuống mũi giày của chính mình rồi than thân trách phận?

Quen thân rồi chung sống với Nguyễn, Rital biết rằng dân tộc Việt Nam của anh đã trải qua những nỗi thống khổ triền miên do chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, đang vật vã tìm đường vươn lên. Nguyễn hay nói về karma cộng nghiệp của người Việt, còn Tikal, cô không biết gì về dòng nghiệp, nhưng với dòng cảm chân thành cô tin rằng rồi đây tất cả các dân tộc đều sẽ sống hạnh phúc dưới ánh mặt trời. Cô yêu thương, chăm sóc Nguyễn như để bù đắp những thiệt thòi mà anh đã phải gánh chịu.

Tikal là người Mỹ gốc Mexico tức Hispanic hoặc Latina “Amiga”, nhưng ông nội nói họ Tikal không phải là họ Mexico mà là một họ tộc hùng mạnh một thời của người Maya cổ xưa. Họ tộc Tikal và họ tộc Calakmul đã thống trị nhiều bộ tộc chư hầu gây chiến tranh tàn sát lẫn nhau, nhưng rồi đã biết đoàn kết để hiệp sức chống lại người Tây Ban Nha. Họ đã chiến đấu bền bỉ trên một trăm năm. Tuy nền văn minh Maya bị diệt vong nhưng hậu duệ của hai họ tộc lẫy lừng Tikal và Calakmul vẫn còn mãi. Vậy con hãy tự hào mang họ Tikal và đừng bao giờ quên cội nguồn Maya của minh. Hãy nhớ, người Maya không khuất phục trước khó khăn và bạo lực, biết sống hiền hòa thân thiện với mọi người và hài hòa thân thiện với thiên nhiên. Đó là lời của nội, các tài liệu mà Tikal truy cập lại cho rằng người Maya là một dân tộc vô cùng hiếu chiến. Với cuộc sống chìm đắm trong lễ tục tế thần man rợ, luôn tranh quyền tàn sát lẫn nhau và tàn phá môi trường thiên nhiên, họ đã tự đào mồ chôn mình. Sự xuất hiện của người Tây Ban Nha chỉ đẩy nhanh quá trình tự hủy đó mà thôi.

Tikal là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tiếng Anh là tiếng mẹ. Ngoài nước Mỹ ra cô không hề nghĩ rằng mình còn có một quê hương nào khác. Cô cứ hồn nhiên học hành rồi lớn lên đi làm, không hề có niềm tin hay mặc cảm bộ lạc. Ông nội cô lúc còn sinh tiền thường nói đến truyền thống Maya và dòng tộc Tikal, khuyên đừng quên nguồn gốc, mà chẳng bao giờ nói gì đến quê hương, xứ sở hay một vùng đất nào rõ rệt của tổ tiên. Cô cho đó là lẽ tự nhiên, bởi thế nước Mỹ mới được gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Năm cuối trung học,Tikal đã cùng một nhóm bạn đi du lịch bán đảo Cancun nam Mexico. Cô đã lên đỉnh tháp Chichen Itza trong khu di tích Maya ngồi chiêm nghiệm thật lâu, nhưng không có cảm ứng gì thiêng liêng về tổ tiên hay dòng tộc. Đã vậy, khi hồi tưởng lại một cảnh trong cuốn phim về người Maya, cảnh một nghi lễ tàn bạo diễn ra ngay đỉnh tháp được nhà làm phim thiết kế giống y như nơi cô đang ngồi, cô đã rùng mình kinh hãi.


Tikal chưa từng thấy, dù là trong phim, cảnh hiến tế nào man rợ dường ấy. Một bộ tộc hùng mạnh, bộ tộc Calakmul, đã tấn công một làng của bộ tộc thù địch, thẳng tay tàn sát phụ nữ trẻ em, bắt sống đàn ông và thanh niên trai trẻ “xỏ xâu” dẫn về. Những tù binh bị trói tay, sợi dây rừng tròng cổ cột vào những thanh nứa đập dập nối nhau thành một hàng dài. Họ bị đánh đập không nương tay, bị dẫn qua sông suối, núi đồi, một số đuối sức bị đâm chết quăng xác xuống hẻm vực dọc đường đi. Về nơi tổ chức nghi lễ, tấm thân trần trụi nở nang của họ được bôi một lớp bột màu xanh rồi được dẫn lên đỉnh tháp đứng xếp hàng chờ làm vật hiến tế. Các chiến binh trợ tế Calakmul bật ngửa nạn nhân, mổ bụng moi tim trao cho vị chánh tế đứng trên bục cao để vị này dâng lên thần linh. Khi vị này đọc xong câu thần chú khấn vái thì đầu nạn nhân bị chém rời khỏi xác rơi long lóc xuống bậc cấp. Dưới chân tháp đám đông dân chúng phấn khích vừa hò reo vừa dùng những chiếc vợt lớn tranh nhau hứng lấy chiếc đầu. Nghi lễ kéo dài, không chỉ hiến tế năm-ba người mà hàng hai-ba chục người, cứ lần lượt người này bị moi tim chặt đầu trước mặt những người kia. Họ không cần bịt mắt mà những nạn nhân đứng chờ đến lượt mình cũng không bộc lộ sự sợ hãi. Đến những người cuối cùng, nghi lễ được dừng lại do một hiện tượng thiên nhiên xảy ra: cảnh nhật thực. Những người còn lại tưởng sẽ được tha mạng, nào dè họ bị đem ra một bãi đất trống, thả chạy, làm mục tiêu di động để các cung thủ Calakmul bắn tên chơi cho vui. Người cuối cùng sống sót bị truy sát ra tới tận biển, nơi chiến thuyền Tây Ban Nha sừng sững xuất hiện và cho lính đổ bộ lên.

Nghi lễ tàn bạo được nhà làm phim dựng cảnh vừa sống động vừa man rợ đến rợn người.


“Niềm tin bộ tộc sơ khai dẫn đến sự mông muội và tàn ác man rợ”- Phú Nguyễn, khi cùng xem phim với Tikal đã nói như vậy.

“Cũng may mà em không có niềm tin hay mặc cảm bộ tộc” – Tikal nói như thanh minh.


“Một số tác giả cho rằng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa quốc tế cực đoan và sự cuồng tín tôn giáo thời hiện đại đều có mầm mống từ niềm tin bộ lạc thời cổ xưa nên tất yếu dẫn tới sự mông muội và tàn ác man rợ. Em được hấp thụ nền giáo dục Hoa Kỳ nên dễ dàng thoát khỏi mặc cảm bộ lạc, tránh xa sự mông muội. Anh tin em và chúc mừng em”.

Lúc ấy Phú Nguyễn đã dọn qua sống chung với Mónica Tikal. Hai người cùng ngồi trên sofa xem T.V.

“Phần anh, nói thật, sức sống hồn nhiên mãnh liệt của em đã giúp anh xỏa bỏ mặc cảm ‘da vàng nhược tiểu’, gỡ bỏ dần nỗi sầu biệt xứ. Chính em đã nắm tay, giúp anh dám mạnh dạn ngước nhìn bầu trời thay vì cứ nhìn mũi giày của chính mình mà than thân trách phận. Anh biết ơn em, sự biết ơn sâu xa tận đáy lòng”.

Thông thường, người gốc Hispanic-Latino (thường bị gọi là Mễ lậu) kết hôn với người Việt, bên cạnh tình cảm lứa đôi còn có ý dùng hôn nhân để hợp thức hóa tình trạng cư trú ở Hoa kỳ. Trường hợp Phú Nguyễn thì ngược lại, nhờ kết hôn với Mónica Tikal mà anh đã trở thành lưu dân thường trú hợp pháp.

Khi Mónica Tikal và Phú Nguyễn về lại thành phố dưới đồng bằng, họ đã đi qua công viên Pioneer rợp bóng hoa anh đào. Cây cherry sau nhà cũng đã nở bông kín hết các cành nhánh, trông từ xa như một khối bông khổng lồ. Thì ra đêm qua trên đỉnh Timberline tuyết đã rơi thật dày, còn ở dưới “thành phố hoa hồng” này hoa anh đào đã nở thật rộ. Buổi chiều hôm đó, khi cùng nhau đứng dưới gốc cây cherry ngắm hoa, một cơn gió thổi qua làm hoa rơi lã chã, những cánh hoa trắng hồng như những bông tuyết hứng ánh trăng, phủ lên tóc, lên vai, phủ kín cả hai người, họ lại bị choáng ngợp.

Đôi tình nhân chỉ còn kịp ôm chầm lấy nhau.

Nhiều năm sau này, cứ mỗi lần nhìn hoa đào rơi là Phú Nguyễn lại nhớ đến cái đêm xa xưa ấy khi anh cùng Mónica Tikal ngồi bên nhau nhâm nhi ly rượu trong phòng khách sạn trên đỉnh Timberline, nhìn tuyết rơi êm đềm bên ngoài cửa kính. Rồi khi thấy ngoài trời như sáng rỡ, hai người đã đến bên khung cửa, dõi mắt nhìn xuống lũng sâu, nhìn những bông tuyết hứng ánh trăng rơi chan hòa vào mênh mông trùng điệp rừng thông, tạo nên một cảnh tượng lung linh kỳ ảo, họ đã bị choáng ngợp.

Đôi tình nhân chỉ còn kịp ôm chầm lấy nhau.

February 2015
Nguyễn Âu Hồng