Tuesday, February 17, 2015

1509. Tùy bút NGUYỄN XUÂN THIỆP Trà ca CHÉN TRÀ ĐỊA NGỤC MÔN

       

t ù y  b ú t
nguyn xuân thip
T R À   C A  


CHÉN TRÀ ĐỊA NGỤC MÔN


Bình Trà. Tranh Casey Shannon



     
Bạn nhớ không, những năm sau 1975, các quán trà của Hà Nội xã hội chủ nghĩa đã tìm tới Sài Gòn. Người đầu tiên nảy ra sáng kiến mở một quán trà theo mô thức miền Bắc là Tô Kiều Ngân. Chỉ sau 30 tháng Tư một vài ngày là anh đã căng bạt trước trụ sở tạm của Hội Văn Nghệ Giải Phóng ở đường Trương Minh Giảng, bày bàn ghế ly tách ra. Cũng có trà và thuốc lào. Văn nghệ sĩ  miền Nam, mặt mày còn ngơ ngác thất sắc, tụ lại đây với khẩu khí đã tự uốn nắn cho hợp thời thế. Tôi cũng lò dò tới xem chơi cho biết. Thấy có Trịnh Công Sơn, Kim Tuấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Thị Vinh, Động Đình Hồ (Nguyễn Hữu Nhật), Trần Hoài, Nguyễn Thu Minh và nhiều người nữa, không nhớ hết. Rồi T. Lg. xuất hiện với dép da, quần kaki vàng, áo nâu, tay xách cặp. Lại có cả những văn nghệ sĩ  mang băng đỏ, súng cặp bên hông, vào ra nhộn nhịp. Tất cả như đèn kéo quân, cùng nhau “đi phó hội u minh”. Mới đó mà đã ngoài mấy chục năm. Bây giờ chúng ta nhiều người đã tỉnh, ngoảnh nhìn lại những trò mây chó không khỏi giật mình.
     
Bạn ơi, ta uống thêm vài chén trà nữa để cái ác trong lòng, nếu có và còn sót lại, thì tiết hết ra ngoài lỗ chân lông, như Lỗ Đồng đã nói. Sài Gòn của tôi và bạn ở những ngày ấy sao biến dạng đến thế, như một tấm gương bám bụi, rạn vỡ. Cái hình ảnh tang thương nhất đập vào mắt người phường phố Sài Gòn là nhà ga xe lửa ở trung tâm thành phố - nơi các đại lộ Lê Lai, Lê Lợi, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo đổ tới - nhà ga này kể từ những năm đầu thập niên 80 chỉ còn là cái xác. Đã vắng những đoàn tàu. Đã thiếu không khí mùi than đượm và những tia lửa, những tiếng còi. Để chỉ là mùi mồ hôi và nước đái. Đã không còn nữa những cuộc chia ly, đưa đón. Bạn đã từng là nhân vật chính của sân ga này chứ? Người yêu của tôi, và là vợ tôi sau này, đã tiễn tôi lên tàu về Huế vào một chiều đầu hè, hình như có nắng đẹp (nếu không có đi nữa thì ta cứ tưởng tượng ra thôi, có chết ai đâu nhỉ?) Và tôi cũng đã một lần đưa Sương Trúc về lại Quy Nhơn trên sân ga này. Còn nhớ lúc chia tay, cô bé trao tôi cuốn Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết, bảo rằng để anh đọc và nhớ, rồi tàu lăn bánh. Ở thời điểm những năm đầu 80, nhà ga đã đổi hồn. Hồn xưa đã chết. Bây giờ nó mượn hồn khác. Hồn du đãng, bụi đời, hồn lang thang không lửa ấm. Thềm ga, chỗ những người tiễn đưa nhau vẫn đứng ngày xưa ấy, bây giờ là nơi tụ họp của những người tứ xứ. Gốc Sài Gòn có. Từ cao nguyên xuống có. Từ miền Trung vào, và đặc thù nhất là những lưu dân từ Hà Nội trôi giạt tới đây. Vài gia đình bỏ vùng kinh tế mới về lấy vỉa hè làm nơi cư ngụ. Họ làm đủ nghề, từ buôn bán trôi nổi, xích lô, xe thồ, chích choác xì ke ma túy, ma cô, mãi dâm, đấm bóp, giác hơi... Một vài kẻ sĩ  của thời ngụy sử thỉnh thoảng cũng ghé qua, ý chừng để tìm hương cay vị đắng, chất liệu cho một tác phẩm lớn đang tượng hình. Đặc biệt, có một cô bán trà từ miền Bắc vào. Vẫn là cái ấm nước trên lò than nhỏ, bình trà và chiếc điếu cày. Nó là trà chui, trà chạy, nên phải thật gọn, nhẹ. Chính bạn tôi, Nguyễn Minh Diễm, dắt tôi đến chỗ  này vào lúc ngày tàn đêm tới. Diễm nói: “Không khí ở đây lạ lắm, nửa đực nửa cái, nửa âm nửa dương.” Phải rồi. Tôi chợt nhớ đến một đoạn phim video chiếu cảnh đường phố Catinat về khuya với một ca khúc của Trần Văn Trạch nói tới một mối tình nào đó. A, trận bão đã thổi ngược, lật lên bề trái của một tấm bích chương. Anh Trạch ơi, làm gì còn những mối tình như trong L’Amant  của Marguerite Duras nữa. Chỉ còn những ngọn đèn hột vịt ủ ê soi một vỉa hè tróc lở với nhửng mặt người méo mó. Tôi tới đây đôi lần với Diễm, có khi với Nguyễn Trung Dũng từ Bảy Hiền đạp xe lên hẹn gặp. Nhưng thường tôi đi một mình. Và, trong một khổ thơ, tôi gọi nơi sân ga ngày xưa này là cửa vào cõi ăm, và chén trà đắng lịm người uống vào những  đêm không giờ tại đây là Chén Trà Địa Ngục Môn. Đây, tôi đọc bạn nghe:

         Thầy trò sư sang thu kinh
         Quán hẻo. chùa không
         Nửa đêm gió quỷ thổi cây trăng rụng lá
         Vàng lối khuya
         Nhìn lên
         Chữ đề
         Địa Ngục Môn
         Cổng tam quan lừng hương trà mộc
         Dưới hiên lửa đỏ
         Xúm xít qua đêm. những hồn không nhà
         Chăn. chiếu. bát. nồi. và trẻ nhỏ
         Những mảnh đời húp cháo khuya
         Tôi dừng lại. gác xe lên hè phố
         Cô hàng ơi. cho một chén trà
         Trong chất đắng có chút gì lãng đãng
          Mật của hoa và hạt lệ đỏ pha
          Cười nhé
          Đời thổi bạt ta ra hè phố
          Mỗi gốc cây là một mái nhà
          Soi đáy chén ửng màu nâu sậm
          Ánh trăng tan. giọt máu đời ta
          Thuốc lào kéo. thấy sông trôi đầy gỗ
          Cơn say. ô. một ngụm khói phà
          Mắt mở nhắm. hình người lố nhố
          Tiếng cười âm trong tiếng tiền rơi
          Bụng đói. hiên khuya. trẻ khóc
          Ôi chén trà, om bát mê hồng

          Thầy trò sư rời địa ngục môn.


Nguyễn Xuân Thiệp         

Kỳ sau:
TRÀ TRÊN ĐỈNH PHÙ VÂN