Sunday, February 8, 2015

1478. Tùy bút NGUYỄN XUÂN THIỆP Trà ca TRÀ UỐNG TRONG THÀNH ĐÁ XANH




t ù y  b ú t
nguyn xuân thip

T R À   C A  

TRÀ UỐNG TRONG THÀNH ĐÁ XANH




Bình Trà. Tranh Casey Shannon


     

Kể từ những buổi uống trà tường vi và trà cúc năm ấy, đã không còn những giây phút êm ả đầy chất nghệ thuật và trí tuệ nữa. Chiến tranh ngày càng khốc liệt và lịch sử lên cơn, cuốn theo số phận hàng triệu con người. Tháng tư 1975, Cộng Sản chiếm miền Nam. Trại tù dựng lên khắp nơi từ Nam ra Bắc,nhốt hàng mấy trăm ngàn người trong đó.
     
Nghệ Tĩnh 1979. Từ Bắc Thái, đoàn tù chúng tôi được xe molotova chở về đây. Ở đây, trong thành đá xanh thời Trung Cổ này, tôi gặp được nhiều người trong giới văn học nghệ thuật thời trước: Tô Thùy Yên - đã cùng tôi đi suốt chặng đường oan nghiệt từ Cẩm Nhân Yên Bái về Bắc Thái rồi về đây - Hà Thượng Nhân, Nguyễn Trung Dũng, Vũ Đức Nghiêm, Chu A Hạnh, Xuân Bích, Phạm Hoàng... Ở đây, chúng tôi có những buổi uống trà thật đặc biệt. Tôi gọi là những buổi uống trà trong thành đá xanh. Tại sao lại thế?
     
Này... hình như bây giờ tuyết xuống nhiều hơn. Nhìn qua cửa sổ, tuyết bay như những cánh bướm trắng. Để tôi đun thêm ấm nước nữa rồi đọc bạn nghe một đoạn trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Dũng Nhà Sư, Khách Viếng Chùa, Dưới Trăng Đọc Trà Oán, nói về lai lịch những buổi uống trà trong thành đá xanh:
     
“ Quân đội Trung Quốc gây hấn, tạo áp lực suốt vùng biên giới, đe dọa các tỉnh Lai Châu, Lao Kay, Tuyên Quang,Sơn La và Yên Bái. Tù giam trong các lán trại thuộc các địa danh đó được phân tán và chuyển xuống các miền đất Trung Phần. Sau hai đợt “biên chế”, T6 Nghệ Tĩnh có trên ngàn tù nhân bị nhốt. T6, một trại giam của Pháp bỏ lại thuộc huyện Thanh Chương. Nằm sâu trong một vùng hẻo lánh, đất cát khô cằn sỏi đá, làng bản thưa thớt vắng vẻ, cư dân ít người. Xa gần,trải dài và rộng là những ngọn đồi trồng trà. Mé sau bức tường thành trại, dưới tầm mắt nhìn, núi đá dựng vách với màu xám xịt. Bằng cốt mìn, người ta cho núi nổ để lấy đá. Tiếng nổ long trời lở đất bay về tới trại. Mảnh miểng, và có khi đá cục bằng nắm tay, rớt lên mái tôn thiếc nghe loảng xoảng. Tù, bằng xe cải tiến, ba người một chở đá về trại. Đá để xây cả một hồ nước rộng dùng làm nơi tắm táp của tù, xây bể chứa, xây giếng, xây tường, vách nhà và sạp nằm cho người bị giam nhốt. Đấy, “bữa trà trong động đá xanh” sở dĩ có là như vậy. Còn ở tù, lấy đâu ra trà mà uống phong lưu như thế. Chẳng qua là, trong số họ, có người làm trong đội trà, được cử đi hái, thì sau khi đem nộp, họ lén lấy cắp trà bỏ túi mang về. Lấy cắp trà, lọt thì không nói, nếu không lọt mà bị phát hiện, nhẹ thì kiểm điểm, nặng bị cùm giam. Ở nhà bếp, việc ca cóng linh tinh, nấu nướng “cải thiện” tự ý, tuyệt đối bị cấm ngặt. Vậy mà, họ vẫn sao được trà để cất giấu uống lâu ngày. Sao sấy lén lút như thế, nếu có kẻ xấu đi báo cáo, tất không khói bị trừng phạt.” Ở đây, tôi cần nói thêm là người lấy trà là Chu A Hạnh (nay không còn nữa) và người sao trà là Dũng Nhà Bếp. Khách uống trà gồm đủ mặt văn nhân nghệ sĩ trong trại, cộng thêm những trang kiệt hiệt, chữ nghĩa Tây Tàu Anh Đức cùng mình, thỉnh thoảng có thêm mấy tay đàn guitare classique Những buổi uống trà như thế thường có khoai sắn bưởi bòng do anh em chôm chỉa hoặc đổi chác với dân địa phương mang về. Giờ trà là từ lúc nắng sắp tắt cho đến kẻng “vào chuồng” nhá nhem tối. Uống trà như thế có khi vui và hứng khởi, nhưng thường đầy u uất, thống khổ bởi cảnh ngộ nước mất nhà tan, tấm thân đày đọa. Đây, bạn nghe một đoạn trong bài Trà Oán mà tác giả truyện Nhà Sư...đã dùng để dẫn truyện:

          Ngồi lại quanh đây nồi trà thơm
          Hãy nhớ nhé cánh trà oan khổ
          Bạn bè hái từ trên núi xanh
          Cất giấu qua bao tầng địa ngục
          Nhớ mồ hôi và giọt máu tươm
          Từng cháy hồng hồng trên ngọn lửa
          Nhớ chiều qua trên những cánh nương
          Chiều treo chon von bờ dốc đá
          Hú tiều gọi nhau ngoài đầu non
          Ai hay chúng mình thành vượn khỉ
          Nhớ từng chiều thiếu trà đói cơm
          Bạn bè mang cho ta khoai sắn
          Mùa này có thêm nhãn và bồng
          Đem bày hết một manh chiếu rách

          Ăn đi uống đi thở mùi hương
          Cúi đầu cảm tạ ơn trời đất
          Bây giờ mới hiểu lẽ diệt sinh
          Tiếng trẻ oe oe trong rạ ướt
          Bây giờ mới thấy được buồn vui
          Như lửa cháy truyền trên củi bếp...


Nguyễn Xuân Thiệp

Kỳ sau      
TRÀ BỤI VÀ TRÀ VỈA HE, GỐC CÂY