Saturday, December 6, 2014

1292. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê PHÙNG CUNG, TRONG CHIỀU HOANG THỔ






PHÙNG CUNG, 
TRONG CHIỀU HOANG THỔ


Mùa thu nói chuyện thi ca. Thiết tưởng không gì hợp bằng. Và hôm nay, trong tiết trời lạnh xám của mùa thu, Nguyễn tôi muốn nói về thơ Phùng Cung. Tại sao lại thơ Phùng Cung? Tại sao không đọc Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Chanson d'Automne của Paul Verlaine hay Thu Hứng của Đỗ Phủ? Vâng, tại sao lại thơ Phùng Cung mà không là thơ một người nào khác? Xin thưa: Chỉ bởi tại mùa thu, với mưa gió sụt sùi ngoài kia, và những con mắt bão bay lượn ở đâu đó ngoài khơi Louisiana, Texas, Florida, cùng với nỗi cơ hàn buốt tới từng lóng xương dưới mái tranh quê nhà. Vả lại, cái tạng của mình nó hợp với những gì u uất, nửa âm nửa dương -mà thơ Phùng Cung nổi bật lên sắc thái đó.

Vậy, xin được bắt đầu. 





   Phùng Cung nổi tiếng từ thời “Nhân Văn Giai Phẩm” qua truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh, đăng trên Nhân Văn số 4 năm 1956. Cũng vì truyện ngắn này mà ông bị đày đọa suốt mấy chục năm, khốn cùng tuyệt vọng cho tới cuối đời, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Theo nhận định của nhiều người, những truyện ngắn về sau này của Phùng Cung cũng không kém đặc sắc; ngoài ra ông còn làm nhiều thơ. Báo Khởi Hành những năm trước đây đã đăng thơ và truyện của Phùng Cung, tiếp theo, tạp chí Gió Đông phát hành ở Bonn, Đức quốc, trong số 2 năm 1997, cũng đăng một loạt thơ của Phùng Cung, trích từ tập Xem Đêm, những bài thơ mà theo nhà thơ Đỗ Quang Nghĩa cho biết, chưa từng xuất hiện trên sách báo nào trước đó.
     Bài viết về thơ Phùng Cung sau đây, là căn cứ vào tài liệu của báo Khởi Hành và tạp chí Gió Đông thời ấy. Nguyễn xin gởi tới nhà thơ Viên Linh và nhà thơ Đỗ Quang Nghĩa lời cảm ơn chân thành.

    Trước hết, để có thể cảm nhận không khí của thơ Phùng Cung trong tập thơ Xem Đêm, chúng ta hãy đọc bài Nén Nhang sau đây:
                    Phỉnh phờ đê tiện
                    Bã bẫy tù đày
                    Máu chảy đầu rơi ngày tháng
                    Ngót thế kỷ bạo quyền
                    Không dập tắt nổi
                    Nén nhang

     Qua bài thơ ngắn này, điều đầu tiên chúng ta nắm bắt được, và được xem là nét chung nổi bật trong thơ Phùng Cung, đó là tính chất phản kháng. Cũng như nhà thơ cùng thời, cùng cảnh ngộ, và là bạn thân của ông -thi sĩ Nguyễn Chí Thiện- Phùng Cung làm thơ là để nói lên sự phẫn uất trước một chế độ xảo quyệt, bất nhân, đã chà đạp lên số phận của mình và dân tộc. Thơ của hai ông chính là da thịt, là máu huyết, xương tủy của cuộc đời.  Nó bật lên thành tiếng kêu bi thống làm chảy máu bầu trời. Chỉ gồm trong 25 từ thôi, bài Nén Nhang là cả một bản cáo trạng lên án chế độ Cộng Sản: Đó là một chế độ phỉnh gạt, lừa dối con người. Nọ đánh bã, đặt bẫy (coi con người như con thú), giam cầm và đày đọa con người tới chết. Nó gây ra cảnh máu chảy đầu rơi suốt bao nhiêu năm. Thế nhưng, xin hãy nắm tay nhau tin rằng, cái chế độ tàn bạo phi nhân ấy không dập tắt được đốm lửa tâm linh từng cháy trong tim ta, trong trái tim dân tộc.
   Ôi, thơ Phùng Cung đau quá, phẫn uất quá, và thực quá. Nó hầu như không còn có chỗ cho mơ mộng nữa.
    Ta hãy nghe những câu sau đây của Phùng Cung vẽ lên hình ảnh người vợ của mình:                 
                      Lưng áo em
                      Ngoang vôi trắng xóa
                      Cái trắng này
                      Vắt tận trong xương

     Thật là tội nghiệp, không phải chỉ “quanh năm buôn bán ở mom song” như bà vợ Tú Xương. Hay những câu viết về người phụ nữ luống tuổi, phải về hưu non, sống cơ hàn:
                      Tóc bạc - vào - mùa
                      Răng hơi bị đuối
                      Trệu trạo trái sung
                      Ruột tím - cơ hàn

     Nghe như từ trong xương, từ trong ruột, tiếng kêu đau đớn bật lên. Và đây hình ảnh người xưa, chẳng còn nét thơ mộng nào nữa:
                      Lâu lắm gặp em
                      Em chỉ khóc quay đi
                      Bước - héo
                      Áo - gầy
                      Gió - va - nón cũ

     Nguyễn Hữu Đang lúc sinh thời, đọc Xem Đêm,  nhận định thơ Phùng Cung có những nét đẹp của nông thôn cũ (chưa có cơ  khí hóa, điện khí hóa, tập thể hóa), nơi còn mang vẻ thanh bình, thuần phác. Nhận xét này, theo thiển nghĩ, chưa được sát lắm. Đồng ý rằng đây là những nét tiêu biểu của đồng quê miền châu thổ sông Hồng, với cỏ cây, sinh vật, nắng mưa thời tiết đặc trưng. Nhưng điều gọi là “vẻ thanh bình thuần phác” e rằng không có, mà bao trùm trên đó là cái bóng của chế độ đè lên số phận của từng con người, cho đến chim chóc, bờ cây bụi cỏ. Cái không khí u uất, buồn bã, đầy hồn âm trong thơ Phùng Cung ta đã từng gặp trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du, nhưng ở đây nó đậm đặc hơn, đau đớn hơn, bám vào da thịt ta tê thiếp.
     Hãy đọc Chiều Hoang Thổ của Phùng Cung. Có chết trận, có bước oan dừng gấp chiều hoang địa, mà mỗi cọng cỏ là một cáo trạng về dã tâm của một loại người:
                       Ngàn dặm quê xa
                       Hoa chua me đất
                       Nhắn vàng nắng quái
                       Ngơ ngác hương bay lạc lối
                       Đỉnh núi máu phun
                       Vầng dương hấp hối
                       Một vùng chó sủa
                       Thừa cơ bôi nhọ không gian

   Và đây là một vài nét, có thể nói được là của cảnh sắc thôn ổ như trong phong dao không?
                       Quê xanh ơi!
                       Ao bèo rực lửa
                       Nát vai phong dao
                       Gánh đá  Đông Triều

                       ... Đường thiên lý gió khua
                       Tiếng sáo diều tự vẫn
                       Giữa bến đò - sông cạn

      Hãy xem hình ảnh của kiếp người xiêu lạc, những con ma đói đi trong bóng chiều hoang:
                       Cửa liếp nối xa xăm
                       Người đi từ dạo đói
                       Chiều ghé sân hoang

      Cảnh trăng lên trên bãi trống mồ hoang mả dọc, đọc thấy rợn người: 
                       Lạnh nhịp sương rơi
                       Chiều - gạo - đỏ
                       Dế gào chân mộ
                       Trăng lên...

      Và những cô hồn lang thang không hương lửa:
                       Gió nã từng cơn
                       Bùa trấn trạch
                       Nấp trong giấy bản
                       Bến đò - quán chợ - ngã ba
                       Vật vã mùi cháo thí đêm hè

     Còn nhiều câu nhiều đoạn nữa với những hình ảnh của một miền quê dưới chiều hoang thổ hay trong sương xám, mưa bay, như trong tranh mộc bản vẽ cảnh sống không phải ở dương gian này. Từ đó, trong thơ Phùng Cung, ẩn hiện nhiều nét tâm linh, ta đã đọc thấy nó trong những bài như Nén Nhang, Chiều Hoang Thổ, Cháo Thí... và bàng bạc trong một số bài khác. Chính nhờ những xúc cảm tâm linh, những xúc động ẩn sâu sau bóng chữ, mà thơ Phùng Cung có một giá trị đặc biệt trong thời gian.
     Để gợi lên những hình ảnh, những cảnh sắc vừa nói, Phùng Cung sử dụng một ngôn ngữ thuần chất của miền quê đất Bắc. Ngôn ngữ đó rất sắc nét, rất gợi hình, tạo nên một hiệu quả đặc biệt, một bầu khí đậm đặc cho thơ. Phùng Cung thường rất kiệm lời, do đó đọc thơ ông ta cần chậm rãi, soi dọi vào đó ánh sáng tri thức và cả tia nhìn thấu thị, để cảm nhận những tầng sâu thẳm nằm dưới ngôn từ. Cũng bởi quá kiệm lời, thơ Phùng Cung nhiều chỗ lỏng chỏng, khổ độc. Tuy nhiên, lạ thay, tính chất này tạo nên nét độc đáo của thơ ông khiến nó lấp lánh những vẻ đẹp hiếm quý, ít thấy trong thơ bây giờ.
     Cũng chính nhờ cái tâm nhân hậu bao la của ông, nhờ những nhận xét tinh tế, những hiện thực đã được lọc qua rung động nghệ thuật, nên thơ Phùng Cung được đón nhận mà không cần một thế lực chính trị nào nâng đỡ.
    Mùa thu tới rồi. Trong khí lạnh âm âm, lá chết đầu cành, đọc thơ Phùng Cung, tìm đâu một bếp lửa ấm cho qua nỗi cơ hàn. Ôi, thơ và đất trời buổi nay đã hòa làm một vậy.

Nguyễn Xuân Thiệp