Friday, November 14, 2014

1215. NGUYỄN XUÂN THIỆP Phở, mùa thu, và tâm cảm người, và văn hóa







PHỞ, MÙA THU,
VÀ TÂM CẢM NGƯỜI, VÀ VĂN HÓA



Mùa thu về. Nắng đã dịu và trời mát, đôi khi se lạnh. Thỉnh thoảng có mưa thưa và tiếng sấm chuyển bụng từ xa vọng lại. Chợt nhớ tới phở. A, cái này mới là cà chớn lộng ngôn đây. Mùa thu, người ta nghĩ đến một bếp lửa ấm, một chiếc áo len ai đó đan cho, một tấm khăn foulard (scarf) người tình mua tặng, một nửa khuôn mặt in trên vầng trăng. Hay một mùi hương. À, thì mùi hương... Đúng quá chứ còn gì nữa. Bởi nhà văn T. Vấn đã viết trên trang web của anh: “Mùi hương là chất xúc tác mạnh nhất để người ta nhớ lại quá khứ. Ông Mai Thảo đã có một tác phẩm làm nhiều người mê mệt mang tên “Để tưởng nhớ mùi hương”. Hương nào chẳng gây mùi nhớ. Hương hoa, hương nước (hoa), hương người, hương vật. Có người gọi chung là hương dĩ vãng. Hương phở không là ngoại lệ.” Và nhà văn T. Vấn nhấn mạnh, “đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được từ  Phở Thiên Biên Ký Sự  của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng...”





  


Phở Thiên Biên Ký Sự... Nguyễn đọc cũng thấy mê, và nhớ tới phở - như đã nói trên. Mà mấy chữ "Phở Thiên Biên Ký Sự"  của nhà văn Ngộ Không nghe mới thông tuệ và hách biết bao. Đọc văn của Ngộ Không, nhất là văn phở, mới thấy ông là người hay chữ, có thể còn kiêu sa và khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân cơ đấy. Lại nữa, Ngộ Không còn là nghệ sĩ của ẩm thực, ông sành ăn và có khiếu thưởng thức tinh tế (bằng cả năm giác quan - đặc biệt mũi và mắt và lưỡi) những món ăn truyền thống như phở và... thịt chó. Ông có thể phân tích bằng văn phong đậm chất thơ và diễn tả như tả một bức tranh của trường phái ấn tượng. Đây, mời các bạn văn bên trời của Nguyễn cùng đọc: "Bát phở bốc khói nghi ngút, hít, nhìn, ghi nhớ và ăn, ăn mà tưởng như chưa ăn, như ăn một giấc mơ hoa. Mà như hoa thật, ông Vũ tẩn mẩn ngắm bát phở ra dáng như ngắm một bức tranh thủy mạc đầy mầu sắc, bên trong vành sứ lấp ló một tí trắng nõn của bánh, xanh đậm của hành ta, trắng ngần của hành hoa, vài cọng rau mùi làng Láng vênh lên như những nét vẽ mầu đậm nét quệt hơi quá tay, điểm một tí đỏ của ớt xắt mỏng như những nét chấm phá. Ông nhẩn nha từng miếng thịt tái ngọt lịm, từng lát gầu mầu trắng đục, những vân vàng nhạt chạy vòng vèo trông đẹp ra phết. Mà gầu luộc đúng mức thì mỡ tiết ra gần hết, trong suốt dẻo quẹo, nhai một miếng như dính vào hết kẽ răng, cái ngầy ngậy giòn giòn của miếng gầu nhưng cái vị béo thơm còn nguyên của một con bò đang sung sức.”
  
Như thế đấy... Trong không khí se lạnh của buổi mới vào thu, không thể nào không nhớ phở, nghĩ tới phở. Nhất là sau khi đọc Phở Thiên Biên Ký Sự của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Đó là điều dĩ nhiên. Xin dẫn chứng thêm để các bạn của Nguyễn cùng hân thưởng: "Tái chín nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá sống/ Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành trần...Thiên địa tù mù thì những bài viết về phở cứ ối ra cả đấy, so bì với những món ăn cổ truyền khác, phở sinh sau đẻ muộn nhưng núp bóng nhà thơ, nhà văn, phở đã khật khưỡng đi vào văn học sử nước nhà. Vì vậy trong những giây phút yên sĩ phi lý thuần, thi nhân nhìn bát phở như một người tình và nhả ra thơ cùng cũng chỉ là chuyện tất nhiên của đất trời. Rồi con đường tình ta đi, rồi ra phở cũng đã len lỏi đi vào ngõ ngách văn học dân gian trong chuyện đời thường, cùng những người dở hơi dở hám, chán cơm nhà quà vợ như chán cơm nguội, để có câu chán ăn cơm nguội thì ăn...phở. Chẳng nhờn môi nói chữ, bác cũng biết thừa mứa là "phở" đây hiểu theo nghĩa là rồi ra "Vợ cả, vợ hai    Cả hai đều là...vợ cả". Hay lang thang với chữ nghĩa, dựa hơi theo cụ Nguyễn Tuân thì quả tình, chữ nghĩa của Ta hay thật, thưa bác..."
   
Bây giờ, sau khi đã đọc và trích dẫn một hai đoạn trong bài Phở Thiên Biên Ký Sự của Ngộ Không, thì Nguyễn này có đủ đởm lược để khẳng định lại cái đề tài bài viết của mình “Phở, mùa thu, và... văn học.  Ôi. Cái chuyện "Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này..." hay "Hôm nay có phải là thu / Mây năm xưa đã phiêu du trở về' của thi sĩ Đinh Hùng - hoặc nữa, chuyện "Nhìn những mùa thu đi / Anh nghe sầu lên trong nắng " của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... chỉ là chuyện văn chương nghệ thuật, đôi khi chẳng có dính dáng chút xíu nào đến máu thịt của đời sống. Muốn cảm nhận thấm thía cái hồn và cái hậu của mùa thu đầy hương vị và sắc màu gợi cảm, e phải nhờ tới các ông nhà văn miền Bắc rặt ròng, không pha tạp chút xíu nào với các trường phái văn chương từ lãng mạn, siêu thực, tới hiện sinh và hậu hiện đại... Nguyễn muốn nói tới các ông Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Bằng... và Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, chẳng hạn. Đối với các ông nhà văn miền Bắc này thì cứ mỗi độ thu về, nắng thu vàng trong, khí thu se lạnh, lòng xao xuyến ngẩn ngơ và... đói bụng, là tự nhiên thấy thèm tô phở. Chỉ cần ngửi mùi phở từ cái “bát chiết yêu” bốc lên thôi... là mùa thu chung quanh chợt tưng bừng, hiển lộng (hình như từ này của ông Mai Thảo?).

  
Còn chuyện Phở và tâm cảm người và văn học thì sao?
  
Này nhé, xin các bạn cùng Nguyễn tưởng tượng chút xíu nhé. Và cùng đọc lại một đoạn viết năm nào của Nguyễn về phở. "Nói tới phở, tức là nói tới những gì thân thiết gần gũi nhất của đời sống. Nói tới tâm tình và văn hóa. Sao không? Ai không nhớ bát phở ăn hồi nhỏ, ở một góc phố nào đó khuất sau màn sương của trí nhớ. Bát phở của một gánh phở rong thơm lừng đường phố. Và qua màn sương vừa nói, lung lay ánh lửa của nồi nước lèo trong khuya. Rồi tiếng rao theo gió lạnh chạy dài trên khu phố. Tô phở ăn vào lúc khuya khoắt ấy trong đêm thu sang ngồi học bài, thấy nóng ấm cả người. Vị ngọt béo của nước phở, cay của ớt, nồng của hành khiến cơ thể và trí óc bàng hoàng. Hồi ức của tô phở hồi còn nhỏ tỏa ra ánh sáng của yên vui và hạnh phúc, điều sau này ít thấy trong đời. Sau này, qua cuộc "đổi đời" (chứ không phải "lên đời" như mấy ông bên nhà bây giờ hay nói), trên đường lưu lãng, phở và hồi ức về phở càng thêm nồng thêm ấm. Cho đến nỗi nhà văn Huy Phương -người cũng có tâm hồn ăn uống như Nguyễn- phải thốt lên: "Những ngày đi đâu ở xa về, qua một chặng đường dài trên máy bay, xuống tới đất, làm một tô phở là thấy tỉnh cả người. Mùi vị của phở làm cho người ta đói, và làm cho những người xa quê thấy nhớ nhà. Ở đất khách, nhiều vùng dân mình không tập trung đông đúc, người ta phải lái xe năm bảy chục miles để kiếm một tô phở, ăn cho đỡ... thèm".
   
Bây giờ tới phở và văn học. Quả thật từ hai phần ba thế kỷ nay, như ta đã thấy ở trên, phở đã đi vào văn học. Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã viết về phở và còn tiếp tục. Ở đây chỉ xin nhắc tới vài nhà theo Ngộ Không:
  
Với "văn phở" của Vũ Bằng: "Nước  dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái  cay  của  hạt tiêu, cay cái cay của ớt. Thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái  thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu  cái thơm  của thịt bò tươi và mềm, rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực".
  
Và Thạch Lam: "Nếu là gánh phở ngon thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa"...
  
Đến Nguyễn Tuân: "Mùa  nắng  ăn  một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như  giời  quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại....".
  
Ấy là chưa kể còn nhiều đại gia khác viết về phở cũng rất lừng lẫy: Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Phan Nghị, Lê Thiệp, Song Thao, Trà Lũ... Nguyễn xin hẹn một dịp khác sẽ tản mạn về các vị này, nha thưa các bạn.
   
Ôi phở...
   
Lúc này, nơi Nguyễn ở là 4, 5 giờ chiều. Trời nhiều mây, gió thu lành lạnh, lá vàng bay trên đường (nếu không có lá vàng thì cứ tưởng tượng ra, có chết thằng Tây nào đâu mà sợ?). Bụng chợt thấy đói. Bèn rủ bạn ra quán Phở Bắc ở ngã tư Plano-Beltline làm một tô chín gầu bò viên nóng hổi. Sướng ơi là sướng. Tô Thẩm Huy và Hoàng Khởi Phong ơi, hai bạn hẳn còn nhớ chứ? Mùa thu và phở đấy, một bản ballad rộn ràng. Ôi phở! Ôi mùa thu!


Nguyễn Xuân Thiệp