Đêm, nghe quạ kêu
“Vùng đất, nơi Margaret ở, trong truyện kể dân gian gọi là đất của
quạ và diều. Mỗi sáng mỗi chiều, mở cửa sổ nhìn lên ngọn đồi Twelve Oaks, em
đều thấy quạ họp từng đàn bay rợp, đáp xuống và kêu la. Và có đêm trăng sáng,
nhìn ra vườn khuya, thấy bóng một con diều hâu (hawk) đậu trên ngọn cây khô, im
lặng và cô đơn…”
Đoạn văn trên là trong email của một bạn văn gởi tới, gợi cho
Nguyễn viết bài văn này khi đêm qua vừa nghe vẳng một tiếng quạ kêu trong vườn
khuya.
Từ
Ô Y Hạng rủ rê sang
Bóng
lẩn đêm thâu tiếng rộn rang…
Chắc chắn bóng quạ đen kêu đêm qua
trong khu vườn trụi lá của tôi chẳng phải là những con quạ đến từ bài thơ đường
luật của Quách Tấn tiên sinh, lại càng không phải là những chú quạ từ Ngõ Áo
Đen (Ô Y Hạng) nào đó, nơi những bác thợ nhuộm ra vào sớm tối. Cũng không phải
là bóng ác điểu đậu trên nấm mồ Bích Khê ở Thu Xà Quảng Ngãi, như thi sĩ đã có
lời tiên tri lúc sinh thời. Chú quạ trong bài thơ không kêu một tiếng nào -dường
như là vậy. Chú im lặng. Tuyệt im lặng. Như cái chết. Như mệnh số của thiên
tài.
Mệnh số. Có không? Không ai biết. Như
Edgar Poe, chỉ còn nghe nevermore
(trong The Raven - Con Quạ). Only this, and nothing more… Nó là vọng
âm Lenore, tên người yêu yểu mệnh của
thi sĩ. Từ nay mãi mãi không thấy nhau. Mãi mãi. Trong âm vang của tiếng gọi
Lenore, Nguyễn cũng muốn gọi về một mảng quá khứ của thời xanh xưa. Hỡi nàng
Đường Uyển trong Vườn Thẩm bên cầu cùng Lục Du - chỉ có những trái thông khô
lăn bên triền dốc. Và bóng quạ chợt bay qua, tiếng kêu vọng lại dưới trời đêm. Nevermore. Thơ ai khắc trên đá tảng và
trên vỏ cây còn mùi nhựa ngái. Còn không? Nevermore. Chỉ là mùi hương đã ở
ngoài trí nhớ người.
Ô hay! Tôi lại làm thơ nữa rồi. Lòng
những tưởng sẽ dừng lại ở dòng viết này. Như một khúc ly ca. Nhưng hốt nhiên,
tiếng quạ trong vườn khuya đêm qua khiến liên tưởng đến nàng Lenore của Edgar
Poe và nàng Đường Uyển của Lục Du. Đồng thời nó cũng gợi lên những bóng quạ đen
trên lưu đày thời miền Nam đổi chủ. Và bóng quạ đen trên sân nắng một buổi trưa
khi còn ở Mira Mesa, San Diego. Như vậy tại sao không viết tiếp để gom tất cả
lại thành một Tứ Đại Oán thời nay.
Vậy xin tiếp nối sau đây.
Thi sĩ Phạm Công Thiện đã “đi cho hết
một đêm hoang vu trên mặt đất” và đã nhìn thấy những bóng quạ đen. A, những con
quạ đen -ở đâu vậy cà, Greenwich Village, NY- hay từ ngõ áo đen Ô Y Hạng- những
con quạ đen vừa đi vừa té ngã, xiêu vẹo -như bóng triết gia ngộ chân lý (?)
-lại có những con đầu trọc chừng như vừa qua khổ dịch đội đá bắc cầu cho đôi
lứa yêu nhau ngày nọ?
Thi sĩ Phạm Công Thiện “đi cho hết một
đêm hoang vu trên mặt đất” và thấy được những hình ảnh vừa âm u vừa thơ mộng,
lại vang vang tư tưởng của triết gia. Riêng Nguyễn và các bạn đồng hội đồng
thuyền đã đi cho hết cả ba ngàn đêm hoang vu trên mặt đất quê nhà thời đổi chủ
và đã thấy những bóng quạ đen như ác mộng trên phần kiếp của mình. Thuở ấy,
những thân tù xanh lướt như rau tàu bay, như ngải đắng của vùng gió Mán mưa
Tày, soi bóng xuống mặt nước xanh chàm của Thác Bà cùng với bóng những cây trầm thủy. Những cái
bóng ấy, dừng lại một hai nơi, rồi lại đi khi có “lệnh trên” (đây là trên
“khung”, bộ chỉ huy trại tù của VC) vì kẻ thù từ Trung Quốc tràn qua bám theo
đuôi ngựa. Đi, đi… Qua đồi sắn, nương khoai, ruộng bậc thang và bóng nhà sàn
vọng tiếng mõ trâu trong chiều, qua những đồi cọ dưới trời Hà Tuyên nắng rực
trên vai áo rách bạc màu, hướng về những đồi chè Bắc Thái. Dừng lại rồi đi tiếp
vì kẻ thù vẫn bám riết. Đi, qua ngã ba Đồng Lộc về tới Thành Đá Xanh Thời Trung
Cổ.
Vâng. Ngày ấy, năm 1979, Nguyễn và các
bạn làm thơ làm nhạc bị giam ở Thanh Chương, Nghệ Tĩnh -có Hà Thượng Nhân, Vũ Đức Nghiêm, Tô Thùy
Yên, Chu A Hạnh, Nguyễn Trung Dũng, Xuân Bích…- cùng khoảng một ngàn anh em khác.
Thanh Chương là vùng đất khô cằn, núi đá trùng điệp, ngay bên cạnh trại cũng có
một ngọn núi đá. Từng ngày, tiếng mìn phá núi vang dội, đôi khi có cả những cục
đá to rơi kinh hoàng trên mái trại. Từng ngày, anh em bạn tù dung xe cải tiến (xe cút kít) đi
xúc đá, chở đá. Cả một vùng đá núi khô cằn, cỏ cây xơ xác. Và những cơn gió
Lào trong mùa nắng cháy không ngớt thổi
về làm đỏ hoe con mắt, khô héo ruột gan tù.
Ở đây, chỉ khoảng một năm, đã có ba ban tù rũ áo: Lê Thơm, Hậu và một
người nữa không nhớ tên (có phải là Nghĩa?). Đây là đất của diều và quạ. Đêm
thường nghe vọng
Ác
điểu ngày đêm gào xáo xác
Dường
như cả thế giới lâm chung
(Tô Thùy Yên)
Đêm
qua. trăng ngủ. đầu ngọn khuya
Quạ
quắp. trái tim ta. lên núi
(Nguyễn Xuân
Thiệp)
Như thế đấy, bóng quạ kêu trong đêm
nguyệt tận nào phải “nguyệt minh tinh hi… ô thước nam phi” như trong bài phú Tiền Xích Bích của ông Tô
Tử ngày xưa. Cũng không phải tiếng quạ
trên bến cây phong “nguyệt lạc ô đề…” Ôi, tiếng quạ kêu dưới những lán trại xác
xơ trong thành đá xanh ngày ấy. Rồi cũng ở Thanh Chương Nghệ Tĩnh, những trưa
tù đốt rừng, hừng hực nóng, khói và sâu bọ cuồn cuộn lên, khiến lũ quạ bay đảo
đầy trời. Chúng kêu rân, họng đầy máu… Tiếng kêu của những phù thủy áo đen ấy,
tưởng như báo điềm gở, làm cho bầu trời
lạnh băng, không gian chợt tối lại.
Giã từ tiếng quạ của đất tù ngày ấy,
tôi đi… qua biển rộng, qua những chiếc cầu hoàng hôn, những bến cảng sương mù,
những xa lộ thời gian… Để đến trên ngọn đồi Penasquitos
buổi
trưa nhìn nắng xế
trên
sân. bóng quạ què
kêu.
kêu. từng giọt máu…
Như vậy đó, ôi cuộc hành trình nhân
sinh và đời đã qua biết mấy nhịp cầu. Để gặp lại tiếng quạ trong vườn khuya
trụi lá đêm qua.
Phải chăng đã hoàn thành một Tứ Đại Oán để gởi người thời nay?
NGUYỄN
XUÂN THIỆP