Tuesday, August 12, 2014

919. PHẠM QUỐC BẢO Nỗi đau gửi theo






Phạm Quốc Bảo
N ỗ i   đ a u   g ử i   t h e o


Tưởng nhớ  Nguyễn Minh Diễm





Nhà báo Nguyễn Minh Diễm
(1943 - 2014)



1.

Cùng một lúc, từ nhóm bạn học chung P.C.B.(1) đầu thập niên 1960, nhóm nhân viên làm việc ở R.F.A ( Đài Á Châu Tự Do)…đến nhóm bạn cùng lớp với An Thục Đức (bà Nguyễn Minh Diễm), niên khóa 1954-60, ở trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, ‘tấn công’ tôi liên tiếp bằng những cú phôn và email, khiến tôi người cứ bần thần mà không thể tập trung để làm bất cứ một việc gì cho ra hồn cả: lúc thì thấy nhẹ hẫng như đang sống trên mây, lúc lại bị cảm giác nặng trĩu như chỉ muốn nằm lăn ra đất mới đỡ khó chịu đi…

Cả ba ngày hôm nay con người tôi sống như trong một cõi mộng du nào đó…Bỗng tự tôi nhớ lại là sau khi mất Ngô Mạnh Thu 
(cũng vào tháng Tám năm 2004), cơ thể tôi đã ở trong trạng thái này.

Và cả trên một năm nay, mặc dù tôi vốn đã tự mường tượng rằng cái tình cảnh này rồi cũng sẽ phải diễn ra. Ấy thế mà khi thực sự chuyện phải đến thì con người tôi vẫn không sao có thể khác được. Thì ra đúng là ở vào cái tuổi trên bảy mươi, như cá nhân tôi bây giờ, có những điều xảy ra ngoài hẳn cái khả năng kiểm sóat của chính mình. Hay nói một cách chính xác hơn, càng lớn tuổi lại càng gặp nhiều hơn  những trường hợp minh chứng rằng mình bất lực hoàn toàn đối với chính mình, trong cuộc sống.

Gặp một người bạn thân, thân với tôi lẫn cả Diễm, tôi thổ lộ tình huống này của tôi. Vốn là một y sĩ, anh ấy đã khuyên tôi: nên chịu khó ngồi lại mà viết ra. May thì tâm thần có thể sẽ giảm thiểu được phần nào cái áp lực nặng nề ấy chăng.

Và thế là tôi cứ làm như đang thì thầm tâm sự với Diễm, những gì tôi đang còn nhớ được, mặc dù trong thực tế thì các cú phôn và những đọan trong email đều cho tôi biết là Diễm đã không còn…tỉnh nữa.


2.

Vậy phải viết bắt đầu từ đâu nhỉ? ...Thôi thì cứ những gì hiển hiện ra là mình đề cập đến...

Mấy năm nay, cứ mỗi lần nhắc nhớ về những năm học dưới trung học là Phạm Gia Cổn kể ra cái thời học trường Hàn Thuyên, có cả Minh Diễm trong nhóm các anh chàng nhà ở khu tam giác Cư xá Đô Thành, chợ Vườn Chuối và chùa Tam Tông Miếu; nhưng hồi ấy Diễm xuất hiện trong một dáng dấp khá là 'hiền lành' nên sau này hầu hết anh em bạn hữu cùng hai lớp ấy ít có cơ hội nhớ ra, trừ Cổn.

Thời học ở P.C.B. cũng vậy, cũng chỉ đếm trên đầu một bàn tay những ai còn nhận dạng được Diễm từ thuở ấy. Tuy nhiên, cùng học chung một niên khóa này mà sau đó bỏ sang học Văn Khoa Sài Gòn, cùng ban Triết, thì chỉ có Diễm với tôi. Nhưng hồi đó Diễm lại la cà thường xuyên, và dĩ nhiên là thân thiết hơn, trong băng “cá vàng” Văn Khoa cùng với Phạm Quân Khanh, Trần Lam Giang,..rồi Phạm Phúc Hưng ( cử nhân Vật Lý bên Khoa Học) và Bùi Ngọc Tô ( bên Nha Khoa ). Còn Vũ Ngự Chiêu thì đến năm 1967 gì đó (tôi nhớ mang máng như vậy, không chính xác lắm đâu) mới chịu khó trở lại học ban Sử/Văn Khoa, sau khi đã là trung úy 'đề lô' cho binh chủng Nhảy Dù.

Nhưng lúc tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết, thì trong những anh em ra trường cùng niên khóa duy nhất có một mình Diễm đựợc chấm đậu hạng bình cho chứng chỉ Siêu Hình (hay Triết Tây?), một thứ hạng mà vào thuở ấy rất hiếm ai đạt được. Rồi sau đó Diễm đi dạy lai rai ở Sài Gòn, trước khi lên làm giảng viên của Văn Hóa Vụ, trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt...

Cho đến khoảng giữa tháng 12 năm 1980,  sau một năm rưỡi bị liệt một bên người, tôi được thả từ Trại Số 5 ( Yên Định, Thanh Hóa) và đi xe lửa về lại Sàigòn. Trước khi vượt biển thành công (vào cuối tháng giêng 1981), tôi được Vũ Sinh Hiên cho ăn một bữa cơm gia đình để đời, tại nhà Hiên, ngay bên cạnh đường xe lửa cổng số 6 Phú Nhuận. Gia đình Hiên hồi ấy còn để ngay trước cửa nhà cái thùng bán nước đá và nước ngọt! Lan man thăm hỏi những người bạn cũ, tôi nhớ Hiên cho biết: Đậu vẫn đi dạy, người tạm được cho là may mắn nhất trong bọn. Còn Diễm thì đã về tù và suốt ngày đang bận chạy mối hàng bán ngoài vỉa hè, thế mà vợ con vẫn cứ đề huề cả ...

Mấy năm sau, tin tức Diễm đã mưu sinh khấm khá hơn nhiều nhờ cả nhà trụ vào gánh phở. Giữa thập niên 1990, nghe nói gia đình Diễm sang định cư ở Washington D.C. Rồi Diễm vào làm cho RFA, năm 1997, để cuối cùng được giữ chức trưởng ban Việt Ngữ RFA.

Năm 2007, Diễm tình cờ được đề nghị chụp hình toàn bộ để khám bệnh thường niên, như một ý định để yên lòng gia đình nhưng bất ngờ, cũng nhờ đấy mà khám phá ra là chính Diễm đang bị nhuốm bệnh. Đúng lúc ấy, trên đường từ Phần Lan về lại San Jose ( Bắc Cali), ghé qua Washington D.C., Nguyễn Bá Trạc may mắn duy nhất trong nhóm bạn hữu được vào thăm Diễm tại nhà thương. Và dù được điều trị khỏi rồi nhưng theo gợi ý của cả gia đình, Diễm xin nghỉ làm việc luôn vào năm 2010. Thế là chàng ta cứ thanh thản đủng đỉnh mãi cho tới cách đây trên một năm...

Tính ra gần hai mươi năm sinh sống ở ngòai này, cứ mỗi lần có dịp xuống Nam Cali, vì việc sở hay vì chuyện gia đình (như hồi lo tang cho anh Khâm, đám cưới con trai Cổn...), Diễm đều gặp gỡ bạn hữu ít nhất là một buổi bù khú với nhau. Đặc biệt cách đây mấy năm, tại quán Zen của Lý Kiến Trúc, tôi may mắn gặp được gần như cả đại gia đình: Viết đến đây tôi làm như thấy rõ mồn một hiện ra trước mặt những ánh mắt nụ cười tươi vui, tràn đầy hạnh phúc của vợ chồng Minh Diễm- Thục Đức, nhất là của mấy đứa con và mấy đứa cháu nhỏ nhà Diễm...

Tháng ba năm ngóai, 2013, Cổn và tôi lên Washington D.C., trước tiên là đến thăm Diễm tận nhà. Anh tỏ ra rất nhẹ nhàng tươi vui mà lại thân tình tiếp đón nồng hậu, cho biết mới rứt đợt 'chemo' đầu tiên. Như gián tiếp chứng tỏ là đã khỏe lại và tinh thần phấn chấn, sẵn sàng vui chơi với bạn ở xa lên, Diễm hẹn sáng mai đến sớm, ăn xôi bà xã nấu sẵn, rồi sau đó chính anh hướng dẫn hai đứa chúng tôi cùng đi thăm Lê Thiệp và Ngô Vương Tọai.

Gần nhất, cách đây vài tháng, nhân buổi tủ sách Tiếng Quê Hương tổ chức ra mắt cuốn “ Ung Thư Ơi, Chào Mi” của Lê Thiệp, nghe kể lại là Diễm đi gậy đến dự và phát biểu đại khái rằng con người ta có sinh thì có bệnh, ngay cả sự sợ hãi cũng là bệnh, bệnh tưởng, và người nào cũng đều có phần số riêng của người đó cả...
23 tháng Bẩy,


3.

Nhắc sơ lại cái sườn đời sống của Nguyễn Minh Diễm như trên, thực tâm tôi muốn bày tỏ rằng Diễm và tôi hai cá nhân ít nhất là đã khá may mắn thoát được ra khỏi nước, như một trong vài điều kiện có thể tạo nên cơ hội để chúng tôi sống và làm việc một cách đường hoàng hơn ai khác, trong số những bạn học cũ còn kẹt lại sau tháng Năm Bảy Lăm. Nhưng so sánh giữa hai chúng tôi thì rõ rệt Diễm đã thông minh - giỏi và nhất là nỗ lực trong đời sống hơn tôi nhiều. Cái cá nhân tôi nhỏ bé, nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự nhận thấy mình chỉ thích hụ hợ vui chơi hơn bạn nhiều .

Xưa nay tôi vẫn cho là cuộc đời của con người mới đáng kể hơn cả. Chính nhờ từng trải trong cuộc sống mà người ta mới hình tượng ra thiên đàng và địa ngục, như là mấy cái cột mốc sống còn để người ta tự dè chừng và cố gắng vươn tới trong đời. Nếu đúng như vậy thì lẽ ra cá nhân nào luôn luôn nỗ lực và cố gắng sống cho lương thiện thì cần phải được sống dai hơn so với những ai lười biếng và gian ác chứ!

Diễm và tôi bằng tuổi  nhau, thế mà bây giờ tôi vẫn sống nhăn...Thì ra đúng như người ta vẫn nghiệm thấy thực tế trong cõi đời này: “Người thông minh, sống giỏi giang và luôn luôn lương thiện thì dễ bị kiệt sức, mất sớm” Nghĩ vậy mà tôi cảm nhận được cái nỗi đau một cách đầy 'trái khoáy' ấy đang dầy vò trong tâm trí tôi...

Cách đây tám năm, 2006, cũng vào tháng Tám, mùa Hạ, Đỗ Ngọc Yến - Đào Mộng Nam - Nguyễn Văn Diên đồng lọat ra đi vào cõi vô cùng. Tôi nhớ lúc ấy tôi đã có viết một bài lấy tên là “Vị Cay Của Hạ”. Mùa Hạ năm nay, đối với cá nhân tôi, thì rõ rệt không chỉ có vị cay không thôi mà còn đau đớn nữa. Nỗi đau mang nặng không những của mấy bạn hữu còn ở lại cõi đời này mà của cả những người đã và vừa ra đi. Nỗi đau của cả một lớp thân hữu đã từng có một thời học chung và cùng trải qua những bước đường sống còn gập gềnh khúc khuỷu của trên sáu mươi năm nay...

Tự nhiên tôi nhớ đến đọan thơ chót bài “Khóc bạn” (1902), Nguyễn Khuyến sáng tác cách đây cả trên một thế kỷ:

“..Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan.”

04, tháng Tám, 2014
Phạm Quốc Bảo

Ghi chú: (1)viết tắt của Physics-Chemistry-Biology, chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh thuộc văn bằng cử nhân của Khoa học, đồng thời cũng là năm Dự bị để được tuyển lựa vào học năm thứ nhất phân khoa Y Khoa, Viện Đại Học Sàigòn.