Wednesday, June 27, 2012

13. PHẠM CAO HOÀNG Tuy Hòa, một thời để nhớ



Sau một thời gian xa nhà,  năm 1970 tôi quay  về  lại Tuy Hòa.

Tuy Hòa là một thành phố biển, giữa Nha Trang và Qui Nhơn, nằm bên bờ sông Đà Rằng, dưới chân núi Nhạn. Người Tuy Hòa hiền hòa, hiếu khách, đặc biệt rất yêu thơ.

Về đây tôi có dịp gần gũi với những người cầm bút của Tuy Hòa và tham gia các sinh hoạt văn học nghệ thuật của thành phố dễ thương này.

Người tôi gặp gỡ nhiều nhất là anh Trần Huiền Ân, tác giả tập thơ THUYỀN GIẤY, nổi tiếng với những bài thơ đậm đà màu sắc quê hương. Thơ của anh  đã  từng  được dùng trong sách giáo khoa dành cho học sinh bậc tiểu học do ông Bùi Văn Bảo  biên soạn. Trần Huiền Ân chơn chất, đôn hậu, nhã nhặn, và khiêm tốn. Anh có khả năng ở nhiều lĩnh vực: văn, thơ, biên khảo, và cả hội họa nữa..Một người luôn sát cánh bên Trần Huiền Ân và tôi là   Đỗ  Chu Thăng, tác giả tập thơ CHÂN CẦU CŨ. Đỗ Chu Thăng là giáo sư toán thuộc loại giỏi, nổi tiếng là một nhà giáo rất nghiêm khắc với học trò. Ngoài đời anh là một thi sĩ hiền lành, nhũn nhặn, được nhiều người quí mến và kính trọng. Sáng nào ba chúng tôi cũng gặp nhau ở bãi biển rất sớm để tắm biển, sau đó tỏa ra các trường để dạy học. Cuối tuần chúng tôi thường gặp nhau ở nhà anh Lê Công Minh, bút hiệu Lê Phương Nguyên, ở đó rất nhiều đêm thức trắng, cùng làm thơ, đọc thơ. 

Hầu như chiều nào tôi cũng gặp Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư gốc Huế, sau khi tốt nghiệp sư phạm được bổ nhiệm về dạy ở Tuy Hòa. Lư xuất sắc cả văn xuôi lẫn thơ, đặc biệt có tài thổi sáo và rất giỏi chữ Hán. Có một bài thơ của Phạm Ngọc Lư hồi đó tôi thuộc lòng, nghĩ rằng đây là một bài thơ hay, nhưng sau này trong hai tập thơ Lư xuất bản tôi không thấy có bài thơ này.


KỲ HUÊ

Đêm nay trong cõi tôi về
Ngát hương xuân động Kỳ Huê ra đời
Xin vàng ươm nụ đầu môi
Thếp sơn cành lạ vẽ chồi lộc non
Đêm nay tôi mất hay còn
Gieo tình xuống cát đợi mòn dấu cây
Ơn xin rễ mọc lòng tay
Nâng niu tuổi mọn xuân đầy trong Huê
(Thơ Phạm Ngọc Lư, 1971)

Một khuôn mặt cũng rất gần gũi với tôi là Mang Viên Long, nổi tiếng với những truyện ngắn sắc sảo và tinh tế.  Anh gốc ở Bình Định, vào Tuy Hòa dạy học. Mang Viên Long sôi nổi và năng nổ. Giai đoạn ấy, trong số những cây bút ở Tuy Hòa, Mang Viên Long là người viết khỏe nhất. Đi dạy thì thôi, về tới nhà là cứ ngồi trước máy đánh chữ gõ lọc cọc. Lúc nào cũng thấy anh tất bật với việc viết lách.

Tuy Hòa là nơi sản sinh ra nhiều cây bút viết truyện ngắn xuất sắc. Môt trong những cây bút xuất sắc đó là Nguyễn Lệ Uyên.  Nguyễn Lệ  Uyên dạy học ở Gò Công, chỉ về Tuy Hòa  vào  dịp  nghỉ hè hay Tết Nguyên Đán. Nguyễn Lệ Uyên mê sách, báo, đọc nhiều, và nắm được nhiều nguồn tư liệu.

Tuy Hòa có một thi sĩ nổi tiếng rất sớm: Hoàng Đình Huy Quan, tác giả tập thơ MỞ CỬA. Lúc tuổi chưa tới hai mươi, Hoàng Đình Huy Quan đã có tên trong ban biên tập của tạp chí VĂN HỌC ở Sài Gòn. Khi tôi quay về lại Tuy Hòa thì Hoàng Đình Huy Quan đã lưu lạc vào nam bộ, thỉnh thoảng mới về gặp gỡ anh em. Thời gian này Hoàng Đình Huy Quan thành lập nhà xuất bản ĐỒNG DAO. Các tập thơ ĐỜI NHƯ MỘT KHÚC NHẠC BUỒN của Phạm Cao Hoàng, CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI của Nguyễn Bắc Sơn,  NĂM NĂM DÒNG SÔNG THƠ  của  Trần Huiền Ân,  DẠO NÚI MÌNH TA của  Hà Thúc  Sinh,  CHÂN CẦU CŨ  của  Đỗ Chu Thăng,  TRÊN THẢM CỎ XANH ĐỜI của Khánh Linh, GIỮA MUÔN NGÀN LY BIỆT của Quan San… do nhà xuất bản ĐỒNG DAO ấn hành  trong những năm ấy là nhờ một phần công sức của Hoàng Đình Huy Quan.

Nhắc đến văn nghệ Tuy Hòa không thể không nhắc đến Khánh Linh, Triều Hạnh, Nguyễn Tường Văn, Phan Bá Chức, Nguyễn Sông Ba, Nguyễn Duy Tẩm. Khánh Linh và Triều Hạnh tôi gặp khá thường xuyên. Còn Nguyễn Tường Văn, Phan  Bá  Chức, Nguyễn Sông Ba và Nguyễn Duy Tẩm ở Đà Lạt, lâu lâu về nhập bọn, rất vui.

Không gian văn nghệ Tuy Hòa những năm đầu thập niên 70 vô cùng ấm cúng.  Trong  một  lần sinh hoạt chung với anh em văn nghệ Tuy Hòa, nhà văn Duyên Anh rất bất ngờ về sự ấm cúng này. Sau này, Duyên Anh có viết lại kỷ niệm lần gặp gỡ ấy  trong bút ký CŨNG GỌI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI.

Văn nghệ Tuy Hòa có số thân hữu lên đến hàng trăm, mà hầu như lúc nào họ cũng có mặt trong những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật và những đêm thơ nhạc do chúng tôi tổ chức. Họ dành cho chúng tôi những tình cảm thân thương, những chia sẻ ân cần, và những khích lệ quí báu.  Bên cạnh đó, nhiều cây bút ở các địa phương khác lâu lâu ghé lại làm cho Tuy Hòa ấm áp thêm. Vùng  đất  Tuy   Hòa dạo ấy đã có dịp đón tiếp nhiều cây bút tài hoa: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lê Văn Trung, Tạ Chí Đại Trường, Đỗ Toàn, Thế Vũ, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Sa Mạc, Lê Ký Thương, Nguyễn Việt Nam, Huỳnh Hữu Võ,  Nguyễn Lệ Tuân,  Tô Duy Thạch,  Lê Văn Thiện, Trần  Vạn  Giã,  Nguyên  Minh,  Võ Tấn Khanh...  Riêng Nguyên Minh và Võ Tấn Khanh sau này bám rễ và thành rể Tuy Hòa luôn.

Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với hai quán cà phê: cà phê CÂY PHƯỢNG ở gần trường trung học Nguyễn Huệ, và cà phê NHỚ gần ga xe lửa.

Chủ nhân  quán  CÂY PHƯỢNG  là  anh Lê Tăng Mính, một người yêu thích văn chương. Sách của chúng tôi gửi ở các nhà sách bán không chạy lắm, nhưng gửi ở quán CÂY PHƯỢNG thì bán được khá nhiều.  Trong  sân quán có một cây phượng rất lớn. Các áp-phích giới thiệu sách mới xuất bản được treo trên các cành phượng. Chủ nhân quán NHỚ là cô V, nhân vật đã từng được Duyên Anh nhắc đến trong bút ký tôi đề cập ở trên. Sau này tôi gọi quán NHỚ là QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.  (Cao Thoại Châu  có  một bài thơ nổi tiếng, tựa đề QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V(*). Tôi mượn anh Cao Thoại Châu tựa đề   này để đặt tên cho quán NHỚ ở Tuy Hòa). Mỗi một người trong  chúng  ta đều gắn bó với  một  góc  quán, một con đường nào đó . Anh Lê Tăng Mính không còn, nhưng  QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.  ở   Tuy  Hòa thì vẫn còn đó. Nếu có  dịp  trở  lại  Tuy  Hòa,   một  trong những nơi tôi cần đến để tìm lại những kỷ niệm của một thời sẽ là QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.

Tuy Hòa 1970-1972 là những tháng năm đầy ắp kỷ niệm trong tôi. Bước giang hồ tưởng đã dừng lại, nhưng rồi tôi lại ra đi, và lần đi này là biền biệt.  Tôi trôi giạt về Đơn Dương,  Đức Trọng,  Đà Lạt;  cho  đến  một ngày tôi phải làm  chuyến  đi  xa nhất của đời mình. Trong hành trang mang theo ngày tôi rời đất nước có những giọt sương của cao nguyên Lâm Viên, có tiếng sóng biển của Qui Nhơn, có tiếng gió biển của Phan Thiết, và có mây khói của Tuy Hòa mà một thời đã làm nhẹ bước chân tôi.

PHAM CAO HOÀNG
Virginia 2009


____________________________________________


HẸN XƯA
Trần Huiền Ân

Tôi đi học giữa những ngày kháng Pháp

Áo quần thô xám nếp vải xi ta
Đêm đến lớp ngọn đèn chai gió táp
Tắt vội vàng khi tiếng máy bay qua

Chúng tôi ngồi quanh hiên đình chật hẹp
Bóng thầy chao trên vách chắn phên thưa
Chòm tóc ngắn bên những vồng tóc kẹp
Ngước uống từng lời mắt sáng đong đưa

Ngòi bút dùng gốc tre già vót nhỏ
Giấy nam trung còn dấu sợi rơm hiền
Son thầy phê vàng hoe màu thuốc đỏ
Tôi nâng niu từng nét chữ nghiêng nghiêng

Tan buổi về lo chăn bò, cắt cỏ
Đắp nước, thăm đồng, mót lúa, đuổi chim
Thương cha mẹ già nua còn khốn khó
Nước mắt xuôi hàng..máu ngược về tim

Tuổi học trò của tôi là thế đấy
Trên đất khô cằn vượt nở hoa tươi
Quen thuộc quá nên nhọc nhằn chẳng thấy
Vòng tay ôm hoài bão ấm môi cười

Chúng tôi căm hờn quân thù tàn ác
Đốt sách, giết thầy, phá sập trường quê
Lưỡi lê nồng tanh máu người bạo sát
Đã không chừa em nhỏ mới a b

Chúng tôi nguyền lớn lên cùng xây dựng
Đất nước Việt Nam độc lập hòa bình
Cho những ngôi trường oai nghi sừng sững
Tiếng hát học trò thêm sáng bình minh

Và bây giờ theo tháng ngày xưa tính
Bạn bè trôi lưu lạc mất trong hồn
Tôi ngỡ ngàng tra thân vào nghiệp lính
Chợt giật mình nhìn lại hẹn lớn khôn

Buổi hàng buổi theo đoàn quân tiến bước
Ra thao trường tắm nắng gội mồ hôi
Tôi nhìn các em – nhìn tôi thuở trước
Chạy dọc đường bưng rổ bánh mâm xôi

Lời em rao lên cao rồi tắt nghẽn
Tầng dư ba không lả lướt chào mời
Đôi tay gầy cặm xương vào xác én
Khấp khểnh chân trần nhịp thở chùng hơi

Bán đi em, nhanh nhanh về đi học
Rồi thả trâu, rồi bế bé, trông nhà
Tôi xét mình xin cúi đầu trách móc
Bao lỡ lầm thiếu sót phận anh cha

Nên các em còn bơ vơ đói rách
Sớm tảo tần mong kiếm bát cơm vơi
Bốn năm tuổi mũi thòng chưa lau sạch
Đã đua tranh chen chúc với dòng đời

Tôi tự hỏi mình xưng tên chiến đấu
Cho các em cùng nối mộng cao xa
Hay cho những người cười trên lửa máu
Thêm sang giàu nhờ xáo thịt nồi da?

1966


QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.
Cao Thoại Châu
  
Đường sinh tử một vòng chưa khép
Tạt vào đây quán trọ đời em
Rót cho tôi chai nào cay đắng nhất
Hồn tôi là một chiếc ly không

Mái quán em tường xiêu giấy lợp
Hào phóng đời cho mượn ánh đèn
Tôi sẽ thắp giùm em thêm chút nữa
Dẫu chỉ là đom đóm trong đêm

Bàn ghế nhựa làm sao rơi loảng xoảng
Rừng ở đâu cho phá đá cưa cây
Em chỉ cho mượn tạm chiếc ly này
Không cho đập lấy gì phóng đãng

Chủ quán ơi hôm nay ngày tháng mấy
Nhân loại trừ tôi còn lại được bao người
Mái quán em thành trời cao vời vợi
Để cái nền làm vỡ chiếc ly rơi

Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán em đừng buồn tôi nhé
Mở giùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi

2009


KỲ HUÊ
Phạm Ngọc Lư
  
Đêm nay trong cõi tôi về
Ngát hương xuân động Kỳ Huê ra đời
Xin vàng ươm nụ đầu môi
Thếp sơn cành lạ vẽ chồi lộc non
Đêm nay tôi mất hay còn
Gieo tình xuống cát đợi mòn dấu cây
Ơn xin rễ mọc lòng tay
Nâng niu tuổi mọn xuân đầy trong Huê

1971
   
NHỮNG NHỊP CẦU ĐEN BUỒN BÃ
Phạm Cao Hoàng

  
anh lầm lũi như kẻ lạ mặt

sớm tinh sương đạp xe qua cầu
cầu gập ghềnh như đời anh xuôi ngược
nên không cầm được nỗi lo âu


những sớm mai phố im lìm ngủ

có ai hay một bóng âm thầm
mắt nhìn sông sâu mà lòng muốn khóc
buồn nào như bọt sóng vô tăm


mùa nước lớn nước xuôi cuồn cuộn

bóng chim qua soải cánh mù tăm
mây xuống thấp cùng mưa buồn vỡ chết
anh lặng thầm nay đã bao năm


hỡi những nhịp cầu đen buồn bã
có buồn không những sớm mưa qua
có se sắt như lòng tên đãng tử
đã dừng chân đứng lại bên bờ
có heo may như gió đầu tháng chạp
thổi đầy trời, thổi giạt bóng mây xa

mùa nước cạn cát trùng trùng cuối bãi

cỏ rêu kia xa cách đời nhau
anh dõi mắt mà trông niềm ly biệt
như lòng sông khô nước dưới chân cầu


chân đã qua mắt còn nhìn lại

cầu thì cao sông nước thì xa
nên ngàn năm lạnh lùng soi đáy nước
không làm sao nối được lòng chúng ta


những sớm mai hồng tim anh rướm máu

những sớm thu sang hiu hắt mưa buồn
anh lăn vòng xe từng vòng hụt bước
xe lăn qua mau những nhịp tình không


những sớm mai xanh một dòng nước biếc

anh nhìn chim vỗ cánh giữa mênh mông
chim bay trời cao nước xuôi dưới thấp
buồn nào như gió ngủ trên không


hỡi những nhịp cầu đen buồn bã

đã bao năm không nối được lòng nhau
thì ngàn năm cũng hoài mong đợi
như cầu cao soi bóng đáy sông sâu


1 9 7 1

Bâng khuâng một chút vườn sau - Ảnh PCH - Quê nhà, 2012


Ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng - Ảnh PCH - Quê nhà, 2012