Nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC qua đời
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940 - 2012)
WESMINTER (NV) – Theo tin từ gia đình, nhà
văn Nguyễn Mộng Giác đã từ trần lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012
tại tư gia, thành phố Wesminter, Orange County, thọ 73 tuổi. Ông qua đời, để lại
vợ, bà Nguyễn Khoa Diệu Chi, và ba con, hai gái một trai.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh ngày 4 tháng 01
năm 1940 tại Xuân Hòa, huyện Bình Khê, bây giờ đổi thành huyện Tây Sơn, tỉnh
Bình Ðịnh. Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông đi học tiểu học và
trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, tiếp tục học tại trường
trung học Cường Ðể, Quy Nhơn, trường Võ Tánh, Nha Trang, rồi học năm chót của bậc
trung học tại trường Chu Văn An, Sài Gòn. Ông tốt nghiệp thủ khoa Ðại Học Sư Phạm
ban Việt Hán tại Huế năm 1963. Ông dạy tại trường Ðồng Khánh, Huế hai niên
khóa, rồi đổi vào Qui Nhơn làm hiệu trưởng trường Cường Ðể, rồi làm Chánh sở Học
chánh tỉnh Bình Ðịnh cho đến năm 1974 thì vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu
giáo dục tại Bộ Giáo Dục.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác bắt đầu viết văn
tương đối muộn, khi đã 30 tuổi. Từ năm 1970 ông cộng tác với các tạp chí Bách
Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Có lần ông đã phát biểu rằng thời điểm xuất hiện
trên văn đàn rất quan trọng đối với nhà văn. Nếu một người cầm bút xuất hiện ở
lứa tuổi mười tám đôi mươi thì mọi chuyện như quá trình sáng tác hay tư tưởng sẽ
diễn tiến bình thường. Còn những người bắt đầu viết văn chậm như ông thì sẽ rơi
vào hiện tượng tuy mới vào làng nhưng mình lại không thuộc giới những nhà văn
trẻ nữa, mà cũng không thể thuộc vào lớp lớn cùng lứa với mình, vì “tuổi nghề”
mình còn mới mẻ.
Trong thời kỳ đầu, các sáng tác của ông có
khuynh hướng hiện thực, với những truyện ngắn như Bão Rớt, Tiếng Chim Vườn Cũ,
Qua Cầu Gió Bay... Truyện dài Ðường Một Chiều, kể một vụ án mạng mà người phạm
tội không biết là mình phạm tội, được giải thưởng Văn Bút của Việt Nam Cộng Hòa
năm 1974.
Biến cố miền Nam sụp đổ năm 1975 đã làm gián
đoạn việc sáng tác của ông. Từ năm 1977 đến 1981 trong khung cảnh đổi chủ của
miền Nam, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cầm bút trở lại, mượn chuyện lịch sử để diễn
tả một xã hội đang thay đổi sau khi một chế độ chính trị chấm dứt: Trường thiên
tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ ra đời, mượn bối cảnh thời Quang Trung để nói về sự
đổi đời ngày nay.
Vừa viết xong Sông Côn Mùa Lũ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cùng con trai vượt biên vào tháng 11 năm 1981. Chuyến vượt biển thành công, ông đã đến được đảo Kuku của Indonesia, và bắt đầu viết lại ngay với một tâm trạng hoàn toàn tự do và giải thoát. Sau mấy tháng ở tại đây, ông đã hoàn tất những truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa Nản Chân Bon và tập I của trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Ðộng.
Tháng 11 năm 1982 ông đến Hoa Kỳ, định cư tại
Nam California, tám năm sau bảo lãnh được vợ và hai con gái qua Mỹ, đồng thời
ông cũng “đoàn tụ” được với bản thảo tác phẩm mà ông đã hoàn tất chín năm trước
tại Việt Nam: Trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ.
Tại hải ngoại, thời kỳ đầu ông cộng tác với
các báo Ðồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật. Từ 1986
ông làm chủ bút tạp chí Văn Học, một tạp chí uy tín quy tụ nhiều cây bút văn học
hải ngoại và cả trong nước. Ðến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng làm báo Văn Học
vì phát giác mình bị ung thư gan.
Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn quan trọng và
hiếm hoi của Việt Nam, đã ghi lại được một cách sống động qua tác phẩm của mình
tính chất xã hội vào thời điểm trước và sau khi miền Nam đổi chủ 1975. Và đặc
biệt đây là nhà văn gần như duy nhất đã có tác phẩm giá trị ngay trên đường vượt
biên, là chứng nhân văn học của cuộc vượt thoát vĩ đại đi tìm tự do của dân tộc
Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.