Ba mươi chưa hỡi người tuổi trẻ…
Đó là câu thơ mở đầu một bài thơ của Phạm Cao Hoàng. Câu thơ đơn giản như vậy nhưng khi đọc bài thơ này vào năm 1971 trên tạp chí Ý Thức, tôi rất xúc động. Lúc ấy tôi đang ở Đà Lạt và tôi không biết gì về tác giả ngoài cái tên đọc trên báo. Bài thơ tôi không thuộc hết, chỉ nhớ bốn câu và cái cái tên Phạm Cao Hoàng.
ba mươi chưa hỡi người tuổi trẻ
mà trông như tóc đã hoa râm
chân đã mỏi trên đường phiêu lãng
cuộc bể dâu vùi dập biết bao lần
Những năm tháng cao điểm của chiến tranh, cao điểm một thời tuổi trẻ khắc khoải, chúng tôi sống như trong một chảo lửa vào đầu thập niên 70 ở Việt nam hồi đó. Câu thơ thường dội lên trong lòng tôi mỗi ngày, trằn trọc mỗi đêm và làm tôi nhớ đến bây giờ.
Không hiểu bài thơ đó Hoàng viết cho mình, hay viết cho một người bạn nào, nhưng tôi mường tượng ra Hoàng gửi cho tôi, hoặc những người giống như tôi đầy dẫy trên đất nước này vào thời bấy giờ. Năm đó tôi 21 tuổi.
Chúng tôi không có bất kỳ một liên lạc gì với nhau, chiến tranh càng lúc càng lan rộng, tôi lưu lạc nhiều nơi: Ban Mê Thuột, Nha Trang, Kon Tum, Pleiku và sau 1975 thì về lại Sài Gòn mưu sinh. Cái thời “văn nghệ văn gừng” cũng chìm khuất đâu đó trong sâu thẳm. Rồi tới năm 1995, tôi rời Việt Nam qua định cư ở Hoa Kỳ với một thân thể kiệt quệ, trí óc mỏi mòn và gánh nặng cơm áo di dân.
Một buổi chiều năm 2005, khi đang làm việc trong doanh trại Fort Belvoir, bất ngờ tôi nhận được một cú điện thoại lạ .
- Có phải Nguyễn Minh Nữu đó không?
- Vâng là tôi, xin lỗi ai đầu dây?
– Là Phạm Cao Hoàng đây…
Tôi ngạc nhiên trong một giây rồi hỏi lại:
- Là nhà thơ Phạm Cao Hoàng?
– Đúng rồi.
- Ủa, sao ông có số điện thoại của tôi? …
Câu chuyện trên điện thoại ngắn thôi. Hoàng cho tôi địa chỉ ở ngay Virginia, và hẹn tôi cuối tuần gặp nhau sẽ nói nhiều hơn.
Thì ra trước đó khoảng một hai năm, đứa con gái thứ nhì của tôi sinh hoạt trong một hội nhóm thanh niên Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn có quen một bạn gái đồng lứa, không hiểu câu chuyện giữa hai đứa nhỏ đó nói với nhau điều gì để rồi khoe với nhau: Bố tôi làm thơ. Ba tôi cũng làm thơ… Khi đứa con gái về hỏi tôi có quen ai làm thơ tên Hoàng không, tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời nếu làm thơ thì con phải biết bút hiệu ông đó là gì, tên đầy đủ, chứ một chữ Hoàng không thì chịu thua. Câu chuyện chìm trong quên lãng, về sau hỏi lại mới biết lúc đó Phạm Cao Hoàng vừa từ một tiểu bang khác về định cư ở Virginia, công việc chưa ổn định, chao đảo với một đời sống mới và cũng như tôi, túi bụi vào việc kiếm sống.
Căn nhà Hoàng ở là một townhouse, nhỏ, gọn và xinh xắn nằm ở đường Black Horse, thành phố Centreville, cách chỗ tôi khoảng 25 phút lái xe. Chị Cúc Hoa đón khách nhẹ nhàng, ít nói nhưng tia mắt thân tình và dễ mến. Tôi vui khi nhớ lại bài thơ của Hoàng, bài “Nhớ Cúc Hoa”:
và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu…
(Phạm Cao Hoàng – Nhớ Cúc Hoa, 1974)
Buổi gặp gỡ đầu tiên đó cho tôi một ấn tượng là gặp một gia đình cha hiền, con hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận và tận mặt gặp gỡ một nhà thơ mình đã có cảm tình từ hơn 30 năm trước, một con người nho nhã, điềm đạm và rất chân tình, để rồi nảy sinh ước muốn kết bạn lâu dài.
Căn nhà nhỏ ở Centreville đó tôi còn đến nhiều lần nữa, thường khi là để cùng Phạm Cao Hoàng gặp gỡ với một ai đó từ xa đến, hoặc là dự họp mặt nhóm bạn văn nghệ miền Đông Hoa Kỳ. Lý do chọn nơi đây làm nơi hội tụ là vì tính hiếu khách của chủ nhà, sự chu đáo của chị Cúc Hoa, những món ăn rất ngon đầy mới lạ của cô con gái lớn của Phạm Cao Hoàng: Thiên Kim. Thiên Kim nấu ăn rất ngon, và đặc biệt hơn nữa là dành sự yêu mến trân trọng đối với các người bạn văn nghệ của cha mình.
Phạm Cao Hoàng có một gia đình rất tuyệt vời, thật đáng quý ở chỗ các cháu có một tấm lòng đặc biệt yêu quý văn chương. Có mấy nhà thơ trên đời này được các con thu gom bài vở và bỏ tiền in ấn tác phẩm cho cha? Tập thơ MÂY KHÓI QUÊ NHÀ tập hợp những bài thơ chọn lọc của Phạm Cao Hoàng viết trước 1975 đã được thành hình như thế vào năm 2010.
Những buổi gặp gỡ ở nhà Phạm Cao Hoàng, chị Cúc Hoa và các cháu Thiên Kim, Anh Kim, Quỳnh Anh phục vụ chu đáo từng món ăn, từng ly nước. Các cháu cùng tham gia sinh hoạt, lắng nghe các bài thơ, các bản nhạc... Chính trong căn nhà này, họa sĩ Đinh Cường đã phóng bút viết một trong những bài thơ hay nhất của ông – “Đoạn Ghi Đêm Centreville” để tặng họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
sao chiều nay gặp nhau nhà Phạm Cao Hoàng
Centreville mà như ngồi ở Harvard Square
tiếng chim báo mùa xuân đã về
bình hoa tulipe màu vàng chanh
giọng ca Phong một thời Đà Lạt
những cánh hoa phù dung buồn
ru người con gái ngủ yên bên Hồ Than Thở
mây trên núi Đôi buổi chiều bay thấp xuống
không có bước chân ai về trên đồi thơm (*)
đánh thức những vì sao
đánh thức vầng trăng khuya
trên những mái nhà nguyện cổ Domaine de Marie
hay chuông ban trưa nhà thờ Con Gà
đôi má ửng hồng áo len xanh
nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
viên cuội trắng của tôi thời trẻ dại
thuỷ tinh buồn thoáng hiện bóng ai xưa …
(Đinh Cường – Đoạn Ghi Đêm Centreville, 28.2.2011)
Căn nhà nhỏ đó có thật nhiều kỷ niệm với bạn bè. Nguyên Minh, chủ biên tập san Quán Văn (Sài Gòn), các bạn chủ biên trang Tiền Vệ (Úc Đại Lợi), Nguyễn Quyết Thắng và Minh Chiến (Hà Lan) và nhiều văn nghệ sĩ khác từng ghé đến nơi này: Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Trọng Khôi và Mai Phúc, Nguyễn Ngọc Phong và Tôn Nữ Phú, Chân Phương, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Lĩnh, Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, Nguyễn Minh Nữu và Kim Mai, Nguyễn Thị Thanh Bình, Bạch Mai, Lê Thiệp, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Xuân Thiệp, Hoài Ziang Duy, Võ Chân Cửu, Trần Phù Thế… từng ghé lại nơi này.
Khi chuyển về căn nhà mới ở Fairfax, một căn nhà biệt lập khang trang, nằm trên sườn đồi Scibilia cỏ xanh mượt và một con suối nhỏ ở khu rừng phía sau nhà, Phạm Cao Hoàng vẫn nhớ về căn nhà nhiều kỷ niệm đó.
Vậy là mình chia tay Ngựa Ô đã được một năm
nhớ Ngựa Ô là nhớ những ngày mùa đông rất lạnh
ba giờ sáng tôi và em ra trước nhà cào tuyết
gió tạt tê người lòng vẫn thấy vui
vì em vẫn đi bên cạnh cuộc đời tôi
và trong căn nhà nhỏ kia
có những mặt trời đang mọc
có tiếng dương cầm Giovanni như dòng suối mát
có tiếng hát Thái Thanh và Tình Hoài Hương
nhớ Ngựa Ô là nhớ con đường
đêm mùa thu tôi cùng em đi về phía hồ Thạch Thảo
tiếng xào xạc của lá vàng
và giọt sương trên vai áo
tôi thương Ngựa Ô và tôi thương em
vậy là mình chia tay Ngựa Ô đã được một năm
nhớ Ngựa Ô là nhớ những đêm bạn bè hát khúc sầu ca viễn xứ
nhớ Nguyễn Ngọc Phong và Gửi Em, Đà Lạt
nhớ Đinh Cường và Đoạn Ghi Đêm Centreville
nhớ Nguyễn Minh Nữu và Mênh Mông Trời Bất Bạt
nhớ Nguyễn Trọng Khôi và Giấc Mộng Trên Đồi Thơm
nhớ Ngựa Ô là nhớ con đường
in dấu chân bạn bè tôi từ những nơi xa xôi có khi là nửa vòng trái đất
ngồi bên nhau giọt rượu cay trong mắt
ngồi bên nhau cùng nhớ một quê nhà
quê nhà thì xa mây thì bay qua
đời phiêu bạc như những đám mây trôi giạt
nhớ Ngưa Ô là nhớ những bàn tay ấm áp
tôi thương Ngựa Ô và thương bạn bè tôi
(Phạm Cao Hoàng – Thương Nhớ Ngựa Ô, 2014)
Quen với Phạm Cao Hoàng, và rồi thân thiết với Phạm Cao Hoàng thoáng thế mà đã 10 năm. Tôi bàng hoàng với bài thơ “Thơ Tặng Người Tuổi Trẻ” cách đây 50 năm, nhưng lại chia sẻ cảm xúc nhớ nhung qua bài “Nhớ Cúc Hoa”, và tâm huyết với Phạm Cao Hoàng qua bài “Cha Tôi”.
và bài thơ tôi viết đêm nay
là bài thơ sau bốn mươi năm
kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha
chạy ra Tuy Hòa
trở vô Sài Gòn
và nhận tin cha tôi đã chết
ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi
để lại đàn con trên quê hương tan tác
để lại trong tôi vết thương mang theo suốt cuộc đời
bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương ngọn gió nồm
mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học
đi ngang qua Duồng Buồng (*) bọn nhỏ trong thôn vẫn thường trêu chọc:
chiều chiều ngọn gió thổi lên
học trò Thầy Bốn chẳng nên đứa nào
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương những con đường
cha đã dẫn con đi về phía trước
con vẫn còn đi sao cha đành dừng bước
bốn mươi năm trời con thương nhớ, cha ơi
(Phạm Cao Hoàng – Cha Tôi, 2015)
Bài thơ viết về người Cha, đẫm trong lời thơ là cái tình man mác của kính và yêu. Một đề tài ít có trong thơ và lại là một đề tài xúc động. Trong rất ít những bài thơ viết về Cha trong thơ hiện đại, tôi nghĩ bài “Cha Tôi” của Phạm Cao Hoàng là một bài xuất sắc, rung động lòng người. Bài thơ như những sợi máu rút ra từ trái tim nhân hậu.
Một kỷ niệm với Phạm Cao Hoàng, mà kỷ niệm đẹp này chỉ tôi biết chứ Hoàng không hề biết. Năm 2020, tôi có ý định tập họp một số anh em bằng hữu thực hiện một tuyển tập tên là GHI NHẬN 2020. Khi tôi nói ý định này với Hoàng, Hoàng nồng nhiệt khuyến khích và tham gia với tôi. Hoàng hỏi tôi định in ở đâu, xuất bản thế nào. Khi tôi trả lời chưa quyết định gì cả, Hoàng nhiệt thành giới thiệu nhà xuất bản Nhân Ảnh và người lay out bài vở chuyên nghiệp là Nguyễn Thành ở Việt Nam. Lê Hân của nhà xuất bản Nhân Ảnh thì tôi có biết, còn Nguyễn Thành thì dù chưa thân lắm, nhưng chúng tôi đã từng gặp mặt nhiều lần, kể cả ngồi riêng hai đứa uống cà phê chuyện trò. Thế nhưng khi Phạm Cao Hoàng đề nghị tôi giao bản thảo cho Nguyễn Thành lay out, sau khi cúp điện thoại, Hoàng đã gửi tôi một email, trong đó Hoàng đã viết nháp sẵn một cái thư để tôi gửi cho Nguyễn Thành. Tất nhiên bức thư đó tôi không sử dụng, bởi vì tôi đủ tình thân để gọi cho Nguyễn Thành nói chuyện trình bày layout và giá tiền phải trả. Nhưng bức thư nháp của Phạm Cao Hoàng lại làm tôi xúc động. Bạn tôi quá chân tình, và tình cảm dành cho tôi quá nồng nhiệt, việc của tôi mà bạn đã tự động coi như trách nhiệm của mình, bằng hết sức của mình giới thiệu để công việc được suôn sẻ hoàn mãn. Tôi im lặng để hưởng thụ cái cảm giác được chăm sóc đó.
Từ mùa dịch bệnh, cả năm nay tôi và Hoàng ít có dịp gặp nhau, và hoàn toàn không có được những lần ghé nhà không cần báo trước, để hai đứa ra cái deck sau nhà, nhìn xuống dòng suối chảy lờ lững bên dưới, thấp thoáng đôi khi vài chú nai ngơ ngác, nghe tiếng chim kêu, uống ly cà phê và luôn luôn có chút bánh ngọt chị Cúc Hoa đem ra dù đến không báo trước. Bao giờ Hoàng cũng chuẩn bị sẵn một cái gạt tàn thuốc lá dù anh không hút. Chúng tôi không có thói quen gọi điện thoại hỏi thăm nhau, mà chỉ gọi khi cần, nhưng mênh mang và thương nhớ nhiều lắm. Xin ghi lại đây một bài thơ của Phạm Cao Hoàng, bài tâm sự với người tình, nhưng sao chúng ta không nghĩ là lời tâm sự với bạn bè chứ? Bài “Cũng May Còn Có Nơi Này”: