Tuesday, May 25, 2021

DUYÊN ANH Cũng Gọi Là Một Chuyến Đi

Nhà văn Duyên Anh (1935-1997) - Photo by Cao Lĩnh

Ông Võ Hồng - ta cứ gọi ông là nhà văn tỉnh nhỏ đi, chắc chắn ông không nổi giận và chắc chắn tác phẩm của ông chỉ có lớn lên - ở đường Hồng Bàng. Quen ông lâu rồi nhưng trở thành tri kỷ của ông từ mùa mưa năm ngoái, nhân chuyến đi trên con đường bụi với sư huynh Mai Tâm. Võ Hồng chung tình hơn một thi sĩ quá cố là Đông Hồ. Đông Hồ khóc vợ chết vang vọng cả đất nước nhưng vẫn tục huyền. Võ Hồng thì không khóc, cũng chẳng “làm thêm” tí vợ nào. Vợ hiền của ông bỏ ông bơ vơ giữa cõi đời hệ lụy, bay bổng lên một vùng trời cao để ông ngàn năm Hoài Cố Nhân, để ông làm kiếp gà trống nuôi con. Ngót hai mươi năm “lạnh lùng”, bây giờ những cánh chim đã đủ lông cánh bay khỏi cái tổ bên Con Suối Mùa Xuân. Cô Hằng vô Sài Gòn theo đại học. Cậu Hào qua Tây Đức ôm mộng làm đẹp quê hương. Cô Thủy  sắp rời căn nhà đường Hồng Bàng. Ông Võ Hồng của tôi tính chuyện lên chùa ở. Ông lên chùa à? Làm gì? Ông già rồi, bộ tính lên chùa… trốn quân dịch ư? “Gần chùa gần bụt ta tu quách” ông ơi, tôi sợ ông đi tu thấy mồ. Nghĩ tới Võ Hồng, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính “Giăng Dối”:

Con nó đâu rồi bế lại đây
Để tôi bên nó một vài giây
Trước khi nhắm mắt. Tôi thừa biết
Đời nó sau này hẳn đắng cay.

Người chết ưa nghi ngờ người sống. Tôi tin rằng bà Võ Hồng “trước khi nhắm mắt” đã rất tin ông Võ Hồng. Và nay, những đứa con của ông bà đều đã nên người, chẳng “đắng cay” chút nào. Phần thưởng dành cho nhà văn gà trống nuôi con là các nữ độc giả của Võ Hồng mê văn ông đã đành, mê cả sự chung tình với vợ của ông. Tạp chí Văn vừa loan tin Võ Hồng giờ Như Cánh Chim Bay, ông muốn nhào vô cơn Gió Cuốn… lấy vợ. Tại hạ có lời can. Ông ơi “Cái vòng lấy vợ cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong chui vào”.

 Đường Hồng Bàng tới rồi, số nhà mấy?
-  53.

Vài cái nhấn chân đạp, xe đậu trước cửa nhà ông Võ Hồng. Tiếng chó sủa ỏm tỏi. Võ Hồng từ trong phòng bước ra:

- A, tưởng ai.
- Sao lại tưởng ai?
- Gió nào thổi ông tới đây?
- Mưa… mác xít ở Đà Lạt, thứ mưa tồi tệ.

Vào phòng khách của nhà văn Võ Hồng. Thấy hai người trẻ tuổi, dáng dấp rất phong sương đang ngồi hút thuốc lá. Bèn xảy ra sự giới thiệu:
- Đây là Phạm Ngọc Lư, đây là Phạm Cao Hoàng…


Thôi khỏi lỉnh kỉnh nghi thức. Hai ông này báo Tuổi Ngọc đã từng hân hạnh được đăng truyện và thơ. Hỏi ông ra đây diễn thuyết. Diễn thuyết ư? Tôi chán cái trò này từ khuya. Diễn thuyết ở cái xứ này đã không được trả tiền thì chớ còn bị công kích vô tội vạ. Nhất là ở những buổi diễn thuyết có thảo luận. Nhiều vị tới nghe diễn thuyết với cả một bị câu hỏi hóc búa, tâm tâm niệm niệm đến dồn diễn giả vào chỗ bí để làm nhục chơi. Ta khiêm nhường, dè dặt, quí vị ấy coi thường. Ta kiêu ngạo, lớn lối, quí vị ấy tạt nước lạnh vào mặt. Thôi bỏ đi tám. Trời không thèm nói. Người học đòi nói mà chi.

- Anh đến Tuy Hòa lần nào chưa?
- Chưa.
- Anh không đi diễn thuyết hẳn là du sơn du thủy?
 Ý vậy. Tôi là con chuồn chuồn.
- Vậy mời anh ra thăm Tuy Hòa một chuyến.

Võ Hồng nói thêm:
- Cậu nên nhận lời. Tuy Hòa, quê hương tôi đó.

Mới hỏi:
- Ông về quê, ông dẫn tôi về thăm quê ông nhé.
- Bao giờ? Mai được không?
- Được.

Sáng hôm sau, bốn chúng tôi: thi sĩ Phạm Cao Hoàng, tác giả thi phẩm Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn, văn sĩ Phạm Ngọc Lư, “nhà văn tỉnh nhỏ” Võ Hồng và tôi có mặt ở bến xe đò. Nếu người ta cố tình hiểu tỉnh nhỏ là những gì tầm thường thì tôi lại thích những gì tầm thường đó. Như cái tầm thường ở bến xe đò Nha Trang – Tuy Hòa. Xe còn trống chỗ. Người tài xế bảo chúng tôi đi uống cà phê, lúc nào xe chạy sẽ kiếm chúng tôi. Và khi xe sắp chạy, quả nhiên, chúng tôi được tìm kiếm khác với sự hào nhoáng đầy tính cách bịp bợm của bến xe đò Sài Gòn. Đừng hòng tài xế đi tìm anh dù họ có khuyên anh đi uống cà phê. Anh quên giờ là anh lỡ chuyến mất tiền. Anh lý sự, lơ xe có thể tặng anh một trận đòn hội chợ. Chúng tôi ngồi hàng ghế thứ nhì. Cạnh chỗ tài xế là hai hành khách nhà binh. Một anh cụt một chân. Một anh cụt một tay. Đời còn đang chiến trường. Phải, đời vẫn còn đang chiến trường. Mà hai người lính đã bỏ “cuộc chơi”. Chắc họ bị loại, họ được giải ngũ và tìm về quê hương. Cả hai cùng mặc đồ dù – binh chủng tôi hằng ngưỡng mộ. Có ai cùng quê hai anh đã đi, đã chết? Tôi thoang thoảng nhớ những câu thơ năm chữ đã đọc ở đâu, hồi nào:

Quê ai không khăn trắng
Nhưng chắc có màu tang
Những người con đi vắng
Những mẹ già nhớ thương
Trời mưa giăng màu xám
Bởi vì đâu thê lương
Hoa có dáng màu trắng
Đời còn đang chiến trường

Hình ảnh hai người phế binh hồi hương nhắc nhở tôi đời còn đang chiến trường, đời còn đang có những người con đi vắng, đi xa. Cám ơn họ. Cám ơn họ đi vắng cho quốc lộ an toàn trăm phần trăm. Những cánh tay, những khúc chân lìa khỏi thể xác những chàng trai làm nên xa lộ êm ái này. Đừng bảo RMK làm xa lộ. Đừng bảo Mỹ làm xa lộ. Đừng vô ơn. Tôi móc gói thuốc lá, mời hai người phế binh làm quen.
- Thưa hai anh, hai anh ra Tuy Hòa chơi?
- Chúng tôi về quê. Quê tôi ở Tuy Hòa, quận Hiếu Xương. Giải ngũ rồi.

Họ cười. Nụ cười không vương chút oán hận, thống trách kẻ còn lành lặn, quên lãng đời còn đang chiến trường như tôi. Những người chấp nhận chiến đấu thường cao cả. Tôi lại nghĩ đến những anh lính thủy quân lục chiến trấn giữ một bãi biển trên tuyến Mỹ Chánh tháng trước, nhân dịp tôi ra đó thăm họ. Họ thấy tôi như họ thấy Sài Gòn. Tôi đem Sài Gòn ra cho họ, Sài Gòn giới nghiêm sớm, phòng trà đóng cửa buồn quá nhỉ? Họ hỏi chuyện Sài Gòn, người Sài Gòn… và không hề nửa lời trách móc dân Sài Gòn. Điều đó làm tôi cảm phục, chiêm ngưỡng và tận đáy lòng tôi, tôi thấy mình nhỏ bé, những người con đi vắng để những mẹ già nhớ thương. Xin biết ơn các anh. Thành thật biết ơn các anh. Xe đã xuống khỏi đèo Rù Rì. Tôi xấu hổ không dám nói chuyện với hai người phế binh. 

Xe nhỏ chạy phăng phăng. Tôi cứ mải nhìn hai bên đường. Đây ngôi trường sơ học Xuân Tự. Ngôi trường giống một cái đồn canh bị tấn công bằng đạn đồng. Sân cỏ mọc cao và dày. Tường mái lỗ chỗ vết đạn. Như thể trường mái làm bằng đất đá ong. Bốn bề trống vắng. Các em đi đâu tập đánh vần tiếng Việt Nam? Các em đến đâu cười đùa, hái hoa, bắt bướm? Các em của tôi, bây giờ là chin giờ sáng, giờ các em đang chăm chú ngồi trong lớp nghe thầy cô dạy bài học làm công dân Việt Nam lương thiện mai sau. Không cần làm công dân phi thường. Chỉ cần làm công dân lương thiện là đủ. Tất cả em bé Việt Nam ngày khôn lớn sẽ thành công dân Việt Nam lương thiện. Trong cái khối công dân lương thiện ấy, những tinh hoa sẽ thoát ra – những tinh hoa lương thiện – lãnh đạo khối công dân lương thiện. Làm quê hương chúng ta rực rỡ hạnh phúc. Nhưng bây giờ là 9 giờ sáng, các em bỏ trường sơ học Xuân Tự đi đâu? Trời hôm nay không nắng. Lất phất mưa.

Sắp đến thị xã Tuy Hòa rồi. Xe dừng ở bên đường thuộc quận Hiếu Xương. Hai người phế binh xuống trước nhất. Họ trở về khi đời còn đang chiến trường. Còn đang chiến trường trên ngay cả quê hương họ. Tôi nghĩ Phạm Duy cần làm lại bản nhạc Ngày Trở Về. Làm sao đã thấy ngày trở về có anh thương binh sống đời hòa bình? Hai người phế binh vẫy tay chào tôi. Chúc hai anh trở về lấy được vợ hiền lành và vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Xe qua cầu Đà Rằng, cây cầu dài thứ nhì của Việt Nam sau cầu Long Biên. Gió thổi khốc liệt. Không tiểu tư sản tí nào. Gió nam đấy. Nó bớt tàn nhẫn hơn gió Lào tuy cùng một xuất xứ. Có lẽ, nó đi xa, nó băng nhiều núi, nó “hiểu đời” khá nhiều thành thử nó “độ lượng” đôi chút chăng? Mùa này, cao nguyên mưa vũ phu nên nước sông Đà Rằng đỏ màu đất. Nước từ cao nguyên đổ xuống, ra biển mà. Cây cầu bắc qua khúc ngắn nhất của một cửa sông rộng bao la. Xe vào thị xã. Bên trái là sông, bên phải là biển. Gió thổi mạnh đến nỗi, hồi chưa làm lan can, đi xe gắn máy bị gió mời cả xe lẫn người nhảy xuống nước tìm cảm giác rụng rời.

Tôi đã vô thị xã Tuy Hòa  giữa một ngày gió nam lộng thổi.

Bến xe Tuy Hòa nom thật đìu hiu. Chả là, chỗ này nằm sát trung tâm thành phố, cách con phố chính của thị xã vài chục thước, anh em phế binh đã chú ý tận tình và chuẩn bị chiếm đất cắm dùi vào sáng hôm sau. Ông tỉnh trưởng biết được ý định của anh em. Nửa đêm, đúng giới nghiêm quạnh quẽ, ông tỉnh trưởng đích thân huy động thuộc viên tới bến xe đò đánh thức tài xế, lơ xe dậy “di tản chiến thuật” gấp rút. Khi lực lượng phế binh xuất hiện, bèn thấy mục tiêu của mình đã trở thành bến xe đò mới. Đành rút lui. Do đó, không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Ông tỉnh trưởng Tuy Hòa giỏi chiến lược ghê! Hiểu tại sao bến xe của một tỉnh nổi tiếng sò huyết ngon nhất thế giới, mật ong bổ nhất thế giới, thịt bò tuyệt nhất thế giới đìu hiu rồi, tôi theo “nhà văn tỉnh nhỏ” Võ Hồng vào quán ăn Thanh Đạm mà Võ Hồng bảo “quán của cố nhân”. Hai tôi vô uống nước ngồi chờ Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng về nhà báo tin bằng hữu. Lúc ấy đã 12 giờ. Thực khách vào ăn lẻ tẻ. Nhìn món ăn bày trên bàn, tôi hỏi Võ Hồng:
- Quán này coi bộ ăn ngon đấy hả, ông?
- Nhất Phú Yên. Ông chủ là tay sành điệu cơm Tây trước ngày mở quán.
- Ông ấy thất chí?
- Đúng.

Ông chủ Thanh Đạm có mấy người con đều là học trò của Võ Hồng. Ông ngỏ ý mời Võ Hồng và tôi dùng cơm với gia đình ông những ngày chúng tôi ở Tuy Hòa. Cậu trai út, cậu Bảo, là độc giả trung thành của chúng tôi.

Ăn cơm trưa tại đây bữa cơm thật ngon. Ông chủ thao thao nói về sự thưởng thức cơm Tây, và cách uống rượu và ly uống rượu cho từng thứ rượu. Cậu Bảo, trong bữa cơm, trách nhẹ Võ Hồng:
- Thầy viết bài Một Chuyến Về Tuy Hòa, tả hết các quán ăn, thầy quên quán Thanh Đạm.

Tôi nói:
- Để tôi ca ngợi quán Thanh Đạm.

Hỡi những kẻ ưa giang hồ trên đời! Khi nào bước chân lữ thứ dừng laị Tuy Hòa, xin mời đến Restaurant Thanh Đạm, quí vị sẽ vui lòng với chủ nhân, món ăn và rượu “có một chút Paris” trong quán ăn Thanh Đạm. Nếu vị nào muốn tranh luận giữa cơm Tây và cơm Tàu, cơm nào cầu kỳ, vị ấy sẽ được nghe chủ nhân luận về sự cầu kỳ của cơm Tây hạ sự cầu kỳ của cơm Tàu “dít-zêrô”. Một bữa cơm Tàu, ta thưởng thức có món ngon của nước Tàu thôi chứ, một bữa cơm Tây cầu kỳ, ta thưởng thức nhiều món ngon của ít nhất dăm bảy nước. Như Caviar Nga xô viết ở Hắc Hải. Như cà ri Ấn Độ. Như thịt bò Huê Kỳ. Như mì Ý Đại Lợi. Như vân vân. Riêng tôi, được “ăn cơm gia đình” ở Thanh Đạm, được thưởng thức món canh mồng tơi, rau đay, mướp nấu với tôm tươi lột vỏ giã nhỏ, tôi thấy nó còn ngọt ngào đến hôm nay.

Cơm rượu xong, Nhã Nam tới đón chúng tôi. Bây giờ tôi mới thực sự biết cái thị xã Tuy Hòa. Gió nam thổi lộng. Cát bay tung. Trời không có nắng. Thị xã tiêu điều quá. Con phố chính mang tên Trần Hưng Đạo đã tiêu điều thê lương thì vui sao nổi! Tôi để ý một điều: có đến trên mười hiệu thuốc Âu Mỹ cho một thị xã vắng vẻ. Trường học, hiệu thuốc Âu Mỹ là hai điểm nổi bật của Tuy Hòa. Trường học nhiều thì mừng rồi nhưng hiệu thuốc nhiều thì đáng ngại cho sức khỏe dân chúng. Một điểm đáng ghi nhận nữa là “kỹ nghệ xe thồ” được hợp thức hóa. Sài Gòn gọi là xe ôm. Tuy Hòa gọi là xe thồ. Hãy ngồi sau chiếc xe Honda, ngồi kiểu gì tùy ý bạn “kiểu đàn ông, kiểu đàn bà, kiểu cụ già, kiểu con nít” và bảo chở bạn tới bất cứ nơi nào trong thị xã bạn chỉ phải trả có 20 đồng.

Lạ lùng nhất, Từ Trần Huiền Ân, Nhã Nam, Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng, Phan Long Côn đều làm thầy giáo. Chỉ riêng Lê Công Minh thì làm Trưởng Ty Điền Địa. Có thể tôi đã gặp một nửa nhà giáo nổi tiếng và toàn thể văn nghệ Tuy Hòa. Chuyện văn chương nổ ròn. Nhưng tối mai văn nghệ sẽ gặp nhau, sẽ… “hội thảo văn nghệ”. Khách giang hồ vừa tới Tuy Hòa, xin phép cho nghỉ ngơi. Anh em dẫn tôi đến quán chè Cây Phượng, quán chè mà Mang Viên Long đã nói trong một truyện ngắn đăng trên Tuổi Ngọc. Chè ngọt như sự tiếp đón của chủ nhân, anh Mính, nhà giáo, người mơ ước có hai điều trong cuộc đời: được du ngoạn đất Bắc và viết một bộ địa lý Việt Nam dày vài ngàn trang để con cháu sau này đọc mà yêu quê hương mình tha thiết. Tôi cảm động thấy mọi người lễ phép thầy thầy con con với Võ Hồng. Sư huynh Mai Tâm kính mến. Ngày nhớ ơn thầy của Ngài nên tổ chức ở đây. Ở quán văn nghệ Cây Phương ra trời đã tối. Trần Huiền Ân thiết cơm chúng tôi. Thức ăn thật lạ, thật ngon. 

Cơm nước xong xuôi, trời sắp tới giờ giới nghiêm. Mưa lất phất rơi. Nhưng mưa bị gió thổi dạt nên mưa biến thành mưa xuân hiền hòa. Chuyện văn nghệ được khơi dậy. Kỷ niệm về một ngôi trường cũ của thầy Võ Hồng và các trò Ân, Côn, Nam… được khơi dậy. Những tách trà nóng được mời mọc, chiếu cố. Văn nghệ Tuy Hòa quả là ấm áp chân thành. Một thị xã đìu hiu bề ngoài thường có bề trong rộn rã. Ngày thứ nhất ở Tuy Hòa chấm dứt. Chúng tôi chia tay tại nhà Trần Huiền Ân. Ra tới đường đã nghe tiếng còi hụ của xe quân cảnh chạy dọc phố Trần Hưng Đạo. Nhà nhà tới tấp đóng cửa. Vì, mười phút sau sẽ có còi hụ… giới nghiêm chính thức phát ra từ tiểu khu. Giới nghiêm ở Tuy Hòa cũng “hồn nhiên” ra phết! Đêm ấy, Võ Hồng và tôi ngủ tại căn nhà riêng của ông bà Thanh Đạm. Không hề nghe bom B52 dội từ xa làm rung cửa kính. Không hề nghe tiếng đại bác câu đi. Đêm bình yên.

Sáng hôm sau, tôi được gập khá đông độc giả của tôi qua sự loan tin của anh em văn nghệ Tuy Hòa. Nhà văn Võ Hồng trở về Tuy Hòa lần này để “thăm những Carnot” và để thăm ngôi mộ của một nữ nhân vật trong Hoài Cố Nhân của anh. Chuyện cảm động vô vàn. Người cha (bạn của Võ Hồng) đi kháng chiến. Rồi thất lạc. Đứa con gái lớn lên không biết rõ về cha mình. Mẹ nó đã “lỡ bước sang ngang”. Nó sống với ngoại của nó. Mười lăm tuổi, tình cờ nó đọc Hoài Cố Nhân. Nó khóc. Nó muốn biết cha nó bây giờ ra sao, thuở nó còn bé ra sao. Nó nhiều lần định vô Nha Trang tìm Võ Hồng hỏi thăm. Có lần nó đã vô nhưng nó ngại ngùng đứng trước ngôi nhà số 53 đường Hồng Bàng. Rồi mới đây, Phương Thảo (tên trong truyện Võ Hồng) chết. Cô bé vừa tròn 19 tuổi. Hay tin cô chết và biết chuyện cô bé muốn gặp mình, nhà văn Võ Hồng đã xúc động đến quên ăn quên ngủ. Anh cũng chưa biết mặt cô bé như cha c6 ta. Võ Hồng sắm hương nến, hoa mời tôi ra nghĩa trang cùng anh. Chúng tôi phủ hoa lên mộ một nhân vật tiểu thuyết Hoài Cố Nhân, thắp hương và khấn vái. Tôi thấy Võ Hồng ứa nước mắt. Những bạn trẻ thích viết văn, bạn đã hiểu nhà văn cần có gì ngoài kỹ thuật và nghệ thuật viết? Võ Hồng yêu cầu tôi dành một số trang trong Tuổi Ngọc để anh tưởng niệm một nhân vật tiểu thuyết của anh. Tôi đồng ý.

Chúng tôi được đưa đi thăm cây si hai trăm năm ở quận Hiếu Xương sau đó. Không người đẹp nào xuất hiện để tôi trồng cây si. Hình như gần một rễ phụ có dò lan, song nếu tôi “trồng cây si” bên cạnh, chắc chắn anh em văn nghệ Tuy Hòa sẽ bứng cây si của tôi đi ngay. Phải vậy chăng thi sĩ Phạm Cao Hoàng? Tôi quên chưa kể Tuy Hòa có hai nhà sư rất văn nghệ toàn chức sắc của trường Bồ Đề. Một trong hai nhà sư này cũng đến cây si. Cây si, với nhà sư, chỉ là cây… bồ đề. Tôi bị giục về vì những bữa cơm. Đến hơn ba vị mời ăn cơm. Cơm nước làm ta bận rộn, làm ta mất cái thú ngao du sơn thủy. Tuy Hòa biết bao thắng cảnh, núi ta chưa leo, biển ta chưa xuống, ta chỉ còn hôm nay mà lại ăn cơm khách thì nản quá chừng.

Trở lại thị xã, Võ Hồng và tôi chia đôi. “Nhà văn tỉnh nhỏ” ăn cơm với Chủ Tịch Hội Đồng Tuy Hòa. Tôi ăn cơm với anh em văn nghệ. Còn nơi thứ ba xin… hẹn dịp khác.

Tôi xin phép anh em được cô đơn vài tiếng đồng hồ. Gọi xích lô mà dạo quanh thị xã Tuy Hòa.
- Ông bạn cho tôi tới một quán cà phê nào ngon nhất.
- Ở xa lắm.
- Mãi đâu?
- Nhà ga cũ, đường Nguyễn Huệ.
- Xa cũng tới.

Người xích lô có vẻ… văn nghệ nhân dân lắm. Anh ta thong thả đạp thay vì đạp lấy giải chết như quí vị xích lô trẻ Sài Gòn. Một lát, người văn nghệ nhân dân của tôi đã đưa tôi tới quán Nhớ. Uống cà phê ở Nhớ về sẽ nhớ nhung. Nhớ ai? Ai nhớ? Bây giờ nhớ ai?

Nhớ dò Cẩm Lan? Nhớ cô hàng cà phê tỉnh nhỏ? Nào đã biết. Bởi vì, hình ảnh đi vào nỗi nhớ thường đi rất chậm, đi rất thong thả. Rất nhiều khi, nó mới đi một chút xíu đã quay gót.
- Thầy về ngay chứ?
- Uống cà phê đâu về ngay được. Ông bạn có thể neo xe chờ tôi. Nếu bạn “văn nghệ” xin mời vô uống cà phê với tôi.

Người xích lô cười. Tôi bước vào quán Nhớ. Ngụm cà phê đầu đã thấy nhớ vợ nhớ con. Chẳng nhớ nổi ai. Biết rồi, tâm hồn tôi đã hết chỗ cho một nỗi nhớ. Rời quán Nhớ, tôi bảo người văn nghệ nhân dân đưa tôi tới các quán cà phê ở Tuy Hòa làm một cuộc quan sát. Tuy Hòa khá đông quán cà phê văn nghệ. Những ngày gió nam lộng thổi, trời không có nắng, ngồi quán cà phê tâm sự vụn thì tuyệt. Phải vì thế chăng mà dân Tuy Hòa nhiều người làm văn nghệ? Kia Võ Hồng “trưởng lão”, nọ Khánh Linh, Nhả Nam, Trần Huiền Ân “thiếu hiệp”. Đạo diễn Bùi Sơn Duân dễ thương cũng dân Tuy Hòa đó. Tuy Hòa, tỉnh lỵ duy nhất ở Việt Nam có nhà in offset. Tuy Hòa, đặc biệt quán Cây Phượng dán đầy bích chương quảng cáo sách báo văn nghệ và tủ sách bày bán văn chương bớt những… sáu mươi phần trăm. Tôi cảm động và sung sướng khi gặp cái bích chương viết tay của một độc giả ái mộ tôi dán trên tường Cây Phượng: “Ăn chè Cây Phượng mà đọc Phượng Vĩ của Duyên Anh thì tuyệt cú mèo”. Sài Gòn tôi đang sống, Đà Lạt tôi đã lên, Nha Trang tôi đã tới, Huế tôi đã ra và tôi đã chịu khó đến các quán cà phê. Nhưng không ở đâu có không khí văn nghệ đúng nghĩa của văn nghệ như ở Tuy Hòa. Nghĩa là người ta đến quán cà phê, uống cà phê, thủ thỉ với nhau về chuyện gì đó chứ không phải chuyện văn nghệ. Sẽ khó chịu lắm nếu ta thấy ở bất cứ quán cà phê nào một vài anh lý luận văn nghệ to tiếng, một vài anh vác máy chữ tới viết văn, một vài anh ngồi quay lưng ra ngoài, hì hục làm thơ!

Tối hôm đó, tôi dự đêm văn nghệ trên lầu một của Ty Điền Địa, nơi thi sĩ Lê Công Minh (*) “ngự trị”. Nghe nói, ở đây, anh em văn nghệ Tuy Hòa thường tụ họp làm thơ xướng vịnh. Cảm khái thực. Tôi đã nghĩ không sai: bây giờ, những bài thơ hay thường được sáng tác ở tỉnh nhỏ. Tôi vào cái nghề văn bút đã tròn 12 năm, lần đầu tiên, mới dự đêm văn nghệ với những người văn nghệ. Văn nghệ có gì? Bánh mì, cà ri, chả giò, nem nướng bày trên giấy báo thay mâm và đặt trên nền nhà thay bàn. Bia đổ ngâm nước đá trong cái thùng múc nước. Ly là lon sữa bột Guigoz. Ăn chí tình. Nói văng mạng. Ngâm thơ, hát. Văn nghệ đấy chứ? Ở tỉnh nhỏ sinh hoạt văn nghệ mang tính chất đoàn tụ thân mật. Tôi đã hỏi một câu: Tại sao anh em văn nghệ Tuy Hòa thương yêu nhau thế? Họ chỉ cười. Quả thực, họ thương yêu nhau thắm thiết. Họ thực. Họ sống với nhau, cho nhau, vì nhau. Không có đố kỵ, nhỏ mọn, ghen tài, ti tiện, oán ghét hạnh phúc riêng của nhau. Tâm hồn họ phơi phới như gió lộng trên cầu Đà Rằng. Tâm hồn họ cao như đỉnh núi Nhạn. Ở Sài Gòn khan hiếm sinh hoạt văn nghệ cởi mở. Ở Sài Gòn, văn nghệ chỉ tụ tập từng bàn tại quán Cái Chùa với thời khắc khác nhau để nói xấu những kẻ vắng mặt. Thỉnh thoảng, lò dò tới vài anh văn nghệ lộn sòng ưa nói phét, thứ văn nghệ viết lách rất tồi song đọc ai mấy anh ấy cũng đè ra chê bai ầm ĩ như cảnh mổ bò, giết trâu, xưng mình là ngự sử văn chương. Ôi, những con mối gặp mưa lúc nhúc bò dưới đất mà Nguyễn Xuân Hoàng diễn tả, đáng thương biết mấy! Những con mối văn nghệ Sài Gòn chưa gặp mưa – và sẽ trốn mưa bằng áo tơi của chúng rất giỏi - sách in một ngàn cuốn cứ bị ế ẩm, lên giọng khinh miệt những tác giả “best seller” làm như độc giả thưởng ngoạn toàn người mù. Mù nên mới không hiểu nổi cái huyền diệu trong văn chương ế mốc của chúng.

Khi mọi người đã ngà ngà men bia thì một nhà sư văn nghệ tới. Nhà sư chức sắc của trường Bồ Đề. Nhà sư có dáng dấp Chiêu Lỳ Phạm Thái. Đẹp trai, cao lớn. Thích ngâm vịnh. Tôi muốn nhà sưấy ngồi cụng bia bằng lon Guigoz. Nhấm nháp thịt gà cà ri. Tôi muốn nhà sư ấy cởi áo cà sa trải xuống là đệm ngồi như nhà sư Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu phơi áo cà sa trên ghế, vào bàn xì phé trầm tư mặc tưởng một ván bài nghi ngờ bị tháu cáy. Thế mới Người, mới Cuộc Đời, mới văn nghệ. Văn chương đòi hỏi phóng khoáng, tự do. Ràng buộc vào cái gì đó, văn chương khó thoát. Phạm Thiên Thư phá giới thơ sẽ hay nhất nhân loại. Bởi chưa phá giới, lại vác thơ dự thi nên chỉ ăn giải an ủi. Phạm Công Thiện sẽ xuất chúng nếu đừng tu hành giả vờ! Nhưng nhà sư Tuy Hòa không chịu cởi áo cà sa, thành thử, tôi mất hứng. Và tôi bỏ ngang cuộc vui, đi tìm cà phê Nhớ. Đêm về ngủ nhà thi sĩ Phan Long Yên, đọc thơ Tình Quê để ngẩn ngơ tiếc mai mình đã rời Tuy Hòa. Phan Long Yên tả quê hương Tuy Hòa đẹp quá, nên thơ quá. Tình yêu quê hương nồng nàn của anh trải dài mấy ngàn câu thơ mà chưa dứt. Anh Phan Long Yên, hẹn cùng anh ngày nào đó, vào mùa lúa chín, sẽ về thăm Tuy Hòa và bắt anh đưa đến cánh đồng Ô Long vàng rực tương lai. Tạm biệt Tuy Hòa, tạm biệt Trần Huiền Ân, Nhã Nam, Khánh Linh, Lê Công Minh, Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng, Phan Long Côn, Phan Long Yên. Tạm biệt Mính, chủ nhân Cây Phượng, người tôi quí nhất vì giấc mơ viết bộ Địa Lý Việt Nam của anh. Tạm biệt tất cả. Tôi sẽ đi bằng xe lửa ra thăm các anh. Tôi sẽ lên đỉnh núi Nhạn nhìn xuống thấy Tuy Hòa bình yên, thấy Tuy Hòa xanh ngát. Tôi sẽ về Hiếu Xương kiếm hai người thương binh trên chuyến xe đò. Đời thôi chiến trường rồi, hẳn họ đang sống hạnh phúc bên vơ hiền có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Ngôi trường sơ học Xuân Tự chắc đã rộn ràng tiếng hót chim khuyên. Tôi sẽ về Tuy Hòa túi không thẻ căn cước, không thẻ nhân dân tự vệ, không giấy tờ tình trạng quân dịch phiền toái. Những bót cảnh sát dọc đường đã thu dọn. Sư đoàn Bạch Mã cũa Đại Hàn đả về xứ họ. Không sợi thép gai nào sót lại đe dọa làm chảy máu chân ta, tay ta, mình mẩy ta và quê hương ta. Chúng ta có thể nằm ngoan trên võng bắc qua hai cây ngọc lan ngâm ca dao, tập lẩy Kiều. Hay chúng ta vào hang núi làm thơ tương tư bãi biển. Hay chúng ta đứng giữa cầu Đà Rằng viết văn chờ đợi gió nam, chờ đợi nước nguồn ra bể. Chúng ta nằm. Chúng ta ngồi. Chúng ta đứng. Suốt đêm. Đồng hồ vứt đi. Chẳng còn hồi còi hụ giới nghiêm. Chỉ còn tiếng sáo diều vi vu lơ lửng bầu trời. Chỉ còn tiếng gió luồn qua lá. Tiếng nước đùa chân cầu. Tiếng thầm tình tự của những người yêu nhau. Đời không còn chiến trường. Đời không còn những người con đi vắng. Đời không còn những người mẹ già nhớ nhung.

Em có mong ngày ấy anh về thăm quê em không, em gái Tuy Hòa?

DUYÊN ANH
(Vũ Mộng Long)
18.8.1972
(*) Nhà thơ Lê Phương Nguyên