Thursday, July 6, 2017

2963. Phỏng vấn dịch giả Thân Trọng Sơn - Phạm Cao Hoàng thực hiện - Tháng 7.2017






PCH:
Anh Thân Trọng Sơn, anh thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Do đâu mà anh thông thạo cùng một lúc cả hai ngoại ngữ? Xin anh chia sẻ một chút về kinh nghiệm học ngoại ngữ của anh.
         
TTS:
Trường tiểu học ở Huế  dạy tiếng Pháp từ lớp Nhất, tôi bắt đầu học ở đó (1954). Lên trung học, trường dạy đồng thời hai ngoại ngữ, Anh và Pháp. Tôi hào hứng học và học khá cả hai, tiếc thay, chỉ được hai năm học! Từ đệ ngũ ( 1958-1959 ), theo quyết định của Bộ, học sinh chỉ được học 1 ngoại ngữ. Tôi tạm thời chia tay tiếng Anh với nhiều luyến tiếc. Đến bậc trung học đệ nhị cấp, trường dạy hai ngoại ngữ, gọi là sinh ngữ 1 và sinh ngữ 2. Tôi tiếp tục học tiếng Pháp sau 4 năm và tiếng Anh sn2 trở lại từ vỡ lòng. Ba năm, tiếng Anh của tôi có tiến bộ nhờ được học những giáo trình tốt ( Let's learn English, Practice your English, Improve your English ). Vì có học trước hai năm nên đồng thời với bài học ở lớp, tôi tự học chương trình cao hơn. Năm 1962, tôi ghi tên theo học ở Hội Việt Mỹ. Ai bắt đầu học sẽ tuần tự theo từ lớp 1 đến lớp 12 . Tôi có biết chút đỉnh nên thi xếp lớp và được vào ngay lớp 7. Mỗi khoá như thế học trong ba tháng và phải thi để lên lớp trên. Sau lớp 12, tôi thi và được cấp bằng Proficiency. ( Với bằng này, thời đó, có thể đi làm thông dịch viên sở Mỹ, lương khá ). Lên đại học tôi học cùng lúc hai trường sư phạm và văn khoa, ngành tiếng Pháp. Ở sư phạm vẫn có giờ tiếng Anh. Tôi ra trường và đi dạy liên tục từ 1967. Tôi tiếp tục học cả hai thứ tiếng từ đó tới nay, không có trường nào và không ai cấp cho cái bằng nào.

Dịch giả Thân Trọng Sơn
Ảnh PCH  (Đà Lạt, 1999)

Tôi bỏ qua chi tiết khi là sinh viên năm đầu, tôi có dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, kèm cho học sinh luyện thi Tú tài 2. Chi tiết này để nói kinh nghiệm đầu tiên: dạy là phương pháp tốt để học ngoại ngữ! ( Không thể dạy liều dạy ẩu được nên phải học để có thể dạy ). Tôi có may mắn là nhiều năm, nhà trường phân công tôi dạy cả hai ngoại ngữ nên tôi có điều kiện học. Học là để dạy, dạy tức là học.

Kinh nghiệm thứ hai là kết hợp việc học chính quy ở trường lớp với việc tự học, nhất là tự học những gì trường không dạy.

Kinh nghiệm thứ ba là khi học một ngoại ngữ, nhất thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người sử dụng ngôn ngữ đó. ( biết merci/ thank you nghĩa là cám ơn chẳng có nghĩa gì nếu không biết rằng người bản ngữ dùng chúng nhiều hơn người Việt nói cám ơn ).