Monday, July 3, 2017

2958.BẠCH CƯ DỊ Tỳ Bà Hành - Tô Thẩm Huy chuyển ngữ





Tặng Lãm Thuý


Lời Nói Đầu Của Người Dịch

Cách đây gần hai mươi năm, trong chuyến đi công tác vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tôi có dịp ghé thăm cố đô Huế.  Ban ngày đi thuyền dọc theo sông Hương thăm các lăng tẩm.  Buổi tối vợ chồng anh lái đò cho gọi gánh hát lên thuyền, thắp nến thả trôi trên sông, rồi hát những bài bảo là nhạc cung đình,xưa kia chỉ vua chúa mới được nghe, nhưng lại có cả những bài tân nhạc như Mưa Trên Phố Huế v.v…  Ca nhạc sĩ đều là những người xuất thân từ nhạc viện Huế, trình diễn rất cung cách, điêu luyện.  Tôi không khỏi nhớ đến Bạch Cư Dị, và bản dịch Tỳ Bà Hành của Phan Huy Vịnh(Phan HuyThực?)  Bản dịch Tỳ Bà Hành của cụ Phan thật là một áng văn chương tuyệt đẹp.  Hai câu đầu hay không bút nào tả xiết:  Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.  Hai câu ấy trong nguyên tác là Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.  Lá phong và hoa lau mùa thu xạc xào, sao sác.  Hai chữ sắt sắt ở cuối câu thật mạnh, thật đau xót, vừa có ý xào xạc, lại vừa có ý quặn mình xót xa, héo hắt.  Cụ Phan bỏ không dịch hai chữ phong diệp, nhưng hai chữ lau lách của cụ đã gói trọn cả cảnh trời sầu muộn biệt ly.  Hai câu ấy thật không sao có thể dịch hay hơn được.  Lại có những câu như cùng một lứa bên trời lận đậnthật là tuyệt hay.  Tuy nhiên trong bản dịch ấy lại có dùng nhiều chữ Việt tuy không phải là những chữ cổ, cụ Phan cách chúng ta cũng chỉ dưới hai trăm năm, nhưng nghe đã ít quen tai, ý nghĩa dễ bị lạc đi hướng khác.  Chẳng hạn như hai câu ba, bốn:  Người xuống ngựa, khách dừng chèo, Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty.  Trúc ty thì có thể hiểu ngay là trúc và , là sáo và đàn.  Nhưng nhớ chiều trúc ty thì trước khi đọc nguyên tác tôi đã hiểu nhầm là nhớ một buổi chiều nào đó trong quá khứ từng ngồi nghe đàn hát với nhau.  Đến chừng đọc nguyên văn hai câu ấy làChủ nhân há mã khách tại thuyền, Cử tửu dục ẩm vô quản huyền, không thấy có buổi trưa, buổi chiều gì cả, tôi mới vỡ lẽ ra chiều ở đây là chiều hướng, là dáng vẻ, là chiều như trong câu Kiều Xem trong âu yếm có chiều lả lơi. Hay là câu người xuống ngựa, khách dừng chèo thì tôi không hiểu rõ là người nào xuống ngựa, phải sau khi đọc nguyên tác mới hiểu đó là người chủ tiệc tức Bạch Cư Dị khi đến nơi, xuống ngựa, thì bạn đã ngồi đợi trên thuyền.

Trở về đất Mỹ, tôi bâng khuâng nhớ lại tiếng đàn tiếng hát giữa cảnh sông nước lung linh, lẩm nhẩm ngâm mấy câu Tỳ Bà Hành, rồi tự lúc nào không biết đã dịch lại cả bài thơ ấy, cố sao cho gần với tiếng Việt bây giờ.  Nay tình cờ có người bạn Văn mới làm bài thơ có nhắc đến mấy tứ trong Tỳ Bà Hành, tôi chép lại ra đây gửi bạn cùng đọc.

Tô Thẩm Huy, Houston, Tiết Hạ Chí, Đinh Dậu 2017

Đọc tiếp...