Wednesday, June 28, 2017

2948. NGUYỄN VY KHANH Giới thiệu THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN NGÀY TRỞ LẠI Truyện và tạp bút của Nguyễn Minh Nữu






Nguyễn Minh Nữu gửi bản thảo Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại cho đọc trước khi đưa in, chúng tôi thêm một lần được dịp “nhìn thấy” bạn sống và viết như thế nào. Tập gồm ba truyện ngắn và một bút ký được dùng làm tựa cho tác-phẩm. Các truyện ngắn này là trong số những truyện tiêu biểu của Nữu, tiêu biểu về thể-loại và một nội-dung huyền-hoặc, tuy giả tưởng nhưng mang những nét thật, thật như từng xảy ra, thật như không thể khác (biết đâu!), có-không, không-có, như cõi đời vô thường mà chất đầy biến cố, sự việc,..Thuồng Luồng Mắt Biếc xảy ra ở trên phần đất “hải-ngoại” mà căn rễ dây dưa với quá-khứ và tín ngưỡng của phương Đông huyền bí, Con Trai Của Thủy Thần và Hảo Hán Cuối Cùng như những chân dung của con người và không gian từng hiện hữu mà tác-giả như tiếc nuối và thấy hãy còn sống động hoặc muốn như vậy. Sáng tác các truyện ngắn này, tác-giả như để đề cao những nét nhân-bản và tình nghĩa á-đông đáng trân trọng, duy trì,... Nhưng bút-ký Thương Quá Sài Gòn đã là một bất ngờ thích thú và đặc sắc khiến chúng tôi phải đọc đi đọc lại và ghi lại đây vài cảm nghĩ.

Nguyễn Minh Nữu sử-dụng thể-loại bút-ký, ở đây đồng thời cũng là tự truyện khi tác-giả viết về mình cũng như bạn hữu và các sinh hoạt văn-nghệ. Tâm sự của Nguyễn Minh Nữu tức tâm tình, nhung nhớ, lại vừa mang tính sử ký về một thời và những con người thật có tên, có chân dung, từng ở đó, đang còn ở đó hoặc đã rời bỏ cũng như đã chết. Thời tuổi đôi mươi nhập dòng văn-nghệ, ở Sài-Gòn, Ban-Mê-Thuột, thời của “Cơ sở Văn-nghệ Con người”, của “Phong trào Du ca”,... Qua anh, người đọc được thấy và nhớ lại những người trẻ qua các sinh hoạt một thời, trước 1975. Tự sự ở mối tình đầu, rối rắm nhưng không dễ quên, ở những năm tháng trong quân ngũ,... Tự sự về cuộc sống khó khăn sau 1975, phải bươn chải để sống còn, với những “nghề mới” ở đường-cùng, ở khắp Sài-Gòn và Chợ Lớn, ở Rừng Sác, Nhà Bè, Kênh Tẻ, v.v.

Thương Quá Sài Gòn xuyên suốt cuộc sống của Nữu, còn là chân dung một số người làm văn-học nghệ-thuật trước sau 1975 và bây giờ, có người đã là thân thiết từ lâu, có kẻ mới quen, với những nét đơn sơ mà cụ thể, hữu hình, trung thực, những nét rất riêng Nữu, và là gốc gác, xuất xứ những văn bản thơ, văn và nhạc, kèm theo văn bản, cả “tình sử” làm nền, bạn văn,... Thành công làm sống lại được như vậy, Nữu phải thân thiết lắm, phải sống-chết-với lắm, dĩ nhiên với tài quan sát, với tình thân thương chân thật, với một trung thành vô vị lợi,...

Bút ký đặc-biệt là chân dung tập san Quán Văn, với Nguyên Minh người chủ biên cùng những văn hữu biên tập, cộng tác, họ kiên trì và gây sống cho đặc san như thế nào. Những buổi ra mắt ở Cà phê Lọ Lem ngày càng thu hút người tham dự, khiến Quán Văn ngày càng khởi sắc, được đóng góp và ủng hộ, trở thành nơi tao-ngộ văn-chương và ca nhạc của người trong và ngoài nước, nơi gặp gỡ và ghé chân, để nhìn thấy và cảm nhận rằng thứ văn-nghệ thuần túy và nhân bản vẫn còn đất đứng sau bao giông bão của cuộc đời và lịch-sử - chúng tôi đã có lần tình cờ tham dự, tình cờ nhưng cũng có thể cảm nhận được điều đó, tình cờ và đã được tái ngộ với một số bạn hữu thời trung và đại học nhiều thập niên trước nay đã là những tên tuổi cũng như diện kiến những nhà văn thơ, giáo-sư và nghệ sĩ khác.

Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã là những nhìn thấy tận mắt, những thấu tâm can qua quan sát và ký ức của Nữu, qua những cuộc lái xe thăm tìm bạn hữu, qua bạn hữu của Nữu, những con người, nhân-vật bên ni bên tê, còn sống hay đã chết, qua những tách cà-phê và những con đường sách trước sau 1975, ... Người đọc được nghe kể về kinh nghiệm làm văn-chương, văn-nghệ (thơ, văn và nhạc). Qua mỗi chuyến “Đi và Về Sài Gòn”!


Thật vậy, với Nữu, “Đi và Về” đã trở thành những ám ảnh đời thường nhưng mang mang tính văn-chương cũng như tâm trạng hiện sinh. Qua bút ký, với Nữu, Sài-Gòn đã thay tên và thay da đổi thịt, nhưng Sài-Gòn vẫn mãi là Sài-Gòn, ở những con người đã “đi và về”, đã từng ở đó, từng đến đó, đã sinh sống và xem Sài-Gòn là da thịt, là tâm hồn, là sự sống hoặc lẽ sống,... của chính mình, của thế hệ đôi mươi ở thập niên 1970 cũng như của nhiều thế hệ khác. Một kiếm tìm thời-gian và không-gian qua kỹ thuật bút ký vừa kể vừa nhớ vừa tìm - đối với Nữu, tất cả đã là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Cảm hoài, tìm lại và tìm thấy, nhận ra, sẽ khiến nỗi day dứt vơi bớt khi người ra đi có thể trở về chốn cũ. Bước chân đi tìm về chốn cũ, đi qua nhiều con đường ngày cũ, háo hức tìm ra những nơi chốn thân thương, những ngôi nhà nơi đã ở, đã đến. Qua bút ký này, Nữu đã trở về chốn cũ và đã tìm thấy, đã sống lại và đã chứng kiến đôi "cái còn lại", hữu hình và cả vô hình hay trong tiềm thức.  Quê nhà do đó trở nên điểm tựa, cho những tham khảo đã xa khuất! Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên khô cằn, già cỗi, một cách khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật xa lạ, "của người" thường trực chung quanh,... Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn". Thương Quá Sài Gòn đã thoát ra khỏi phạm trù đó, vì ở đây cái bất hạnh nếu có cũng chỉ do bất lực bình thường, của con người, của cuộc đời, của hoàn cảnh; ảo tưởng do đó không có chỗ trong hiện tại và cả tương lai!

Gấp tác-phẩm lại, cái còn lại là tình bạn, tình văn-chương, là những chốn cũ không thể chìm vào quên lãng hay phải thuộc về quá-khứ như có người và tập thể vẫn chủ trì. Với chúng tôi vốn vẫn tự cho sứ mạng đi tìm và làm sống trong nguyên trạng tinh thần và chân lý, qua những cái đã mất, cho nên Thương Quá Sài Gòn cho chúng tôi đoan chắc rằng Sài-Gòn ấy, không-gian ấy, nếp sống văn-hóa ấy, vẫn sống, vẫn trơ gan dù tuế nguyệt có khắc nghiệt đôi khi!

Sài-Gòn đã là không-gian sống gần như duy nhất của chúng tôi hơn bốn thập niên. Thương Quá Sài Gòn đã cho chúng tôi - như độc giả, sống lại một thời đã qua, và thăm viếng, gặp lại những nơi mình cũng từng sống, từng đi qua, có nơi từng ghi dấu đau khổ và hạnh-phúc, những nơi gần như tới lui mỗi ngày, những khu phố, những con đường “từng có một thời” - nói như Nữu. Và cho chúng tôi cơ hội nhớ lại những người vừa bạn học vừa bạn văn-nghệ như ĐVK, LVS, Nữu, … - mà con đường văn-nghệ sau này đưa về nhiều nẻo hơi khác nhau, và thương nhớ Vũ Chinh chết trong biến cố Tết Mậu Thân.

Nguyễn Minh Nữu với vốn liếng “từng có một thời” khá phong phú, nay với những chuyến “Đi và Về” thường xuyên, sống thực hữu, thực tình, bằng cái hiện sinh bất chấp, bằng cái tiềm thức sống động,... đã cho chúng tôi những giây phút hạnh-phúc không có gì đánh đổi được.

Nguyễn Vy Khanh
Tháng 4.2017