Friday, May 12, 2017

2857. TÔ THẨM HUY Ở Plainfield, Nghe Thơ Lãm Thuý Khóc Đinh Cường, Nhớ Lý Bạch


Tòa soạn tạp chí Thư Quán Bản Thảo
Photo by PCH – Plainfield (NJ), May 7, 2017


Ngày mùng 7 tháng Năm cách đây mấy ngày, tôi và mấy người bạn đến thành phố Plainfield, NJ thăm vợ chồng anh Trần Hoài Thư, gặp nữ sĩ Lãm Thuý, được chị cho nghe bài thơ chị viết ngày anh Đinh Cường từ giã trần gian.  Đã hơn một năm.  Bài thơ có những câu giản dị mà chân thành, không trau chuốt mà chất ngất cảm xúc.  Tôi không nhớ hết, xin chép ra đây mấy câu còn nhớ, có thể không đúng hoàn toàn:

Anh không ở nữa thì thôi vậy
Từ nay thế giới vắng Đinh Cường.

Giản dị đến thế thì không thể giản dị hơn được nữa.  Không nhỏ một giọt lệ mà nghe lạnh cả đất trời.  Hẳn là thế !  Hẳn là anh không ở nữa thì thôi vậy, chứ biết sao bây giờ ? Hẳn là từ nay trên cõi đời này sẽ không còn Đinh Cường.  Đã về cõi trời thì hẳn là không còn ở thế giới này nữa, không nói ra thì ai cũng biết thế.  Mà nói ra bỗng chợt nghe thinh không im lặng đến sững sờ.  Trần gian này sẽ ra sao khi thiếu bóng hoạ sĩ Đinh Cường ?  Cái sự thật hiển nhiên đến bàng hoàng, mà những người thương nhớ anh sẽ phải đối đầu, chống đỡ.  Chao ôi, còn lại gì chăng ?

Ông Bùi Giáng cũng có mấy câu thơ kiểu hiển nhiên mà nghe lạnh cả người như thế:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Ai mà chả biết ở nơi xứ Huế thì núi Ngự vẫn nằm bên bờ sông Hương.  Vậy mà sao nói ra nghe rúng động mấy trời kim cổ.  Núi Ngự vẫn còn đó, mà chao ôi, bao nhiêu tang thương dâu bể đã bủa vây trên thân phận chúng ta !Môn tiền cổ kiệt ngoạ tà dương, duyệt thế như lưu sự khả thương.  Núi Ngự của ông Bùi Giáng, và hòn đá cổ của ông Tô Thức !

Hai câu khác trong bài thơ của Lãm Thuý cũng đã làm tôi ngẩn hồn: 

Có nghĩa từ nay trên giá sách
Những người thiên cổ đã tương phùng.

Lãm Thuý ơi, hà cớ làm sao nương tử lại cho anh Đinh Cường tương phùng với người xưa trên giá sách ?  Sao không phải là gặp gỡ nơi suối vàng ?  Hay ở Starbucks ? Hay trên giá vẽ ?  Mà lại là trên kệ sách?  Khiến cho lòng dạ kẻ này phải tái hồn, tê phách như thế ?  Tôi vẫn thường hay leo lên giá sách trò chuyện với các ông Lý Bạch, Đỗ Phủ nghìn xưa, thiên cổ.  Vẫn thường hay ra vườn thân thiết uống rượu với các ông ấy, mà hai câu thơ của chị đã khiến cho tôi phải bồi hồi xao xuyến, xin e lệ đọc cho chị nghe, rồi chép lại ra đây tặng chị, một bài thơ của ông bạn Lý Bạch mà tôi đã dịch sang quốc âm:


Một Mình Rót Rượu Dưới Trăng
(Nguyệt Hạ Độc Chước)

Không bè bạn, giữa vườn hoa
Một mình rót rượu, tà tà một chai
Mời Trăng xuống nhậu lai rai
Bóng ơi ngồi dậy cụng vài ly thôi
Ba mình kết bạn nhậu chơi
Vô đi Trăng, Bóng cho đời lên hương
Vô đi Trăng, trăm phần trăm
Uống đi Bóng, quấn theo chân rềnh ràng
Ta ca Trăng cũng bàng hoàng
Ta múa, Bóng té bò càng tới lui
Đêm nay cùng uống cho vui
Sáng mai tỉnh dậy đời trôi phương nào
Trăm năm hẹn một lời chào
Trăng, Ta, Bóng với ngàn sao Ngân Hà.

Tôi chỉ còn nhớ mấy câu trong bài thơ ấy của nữ sĩ Lãm Thuý.  Viết lại ra đây để nhớ lại một buổi hạnh ngộ nhiều kỷ niệm đẹp.  Và để cảm ơn chị tô hủ tíu Mỹ Tho ngon nhất trần đời mà chị đã một mình lặn lội thân gái dặm trường lái xe mấy trăm dặm nấu cho anh em chúng tôi ăn, rồi lại lặn lội lái xe một mình mấy trăm dặm nữa để về nhà lúc trời đã tối.  Lúc tiễn chị ra xe tôi đã suýt nữa tình nguyện làm tài xế lái xe đưa chị về.  Lại sợ anh Trần Hoài Thư buồn, nên thôi.

Thôi thì xin chép tặng chị hai câu thơ trong bài tôi dịch Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du:

Trăm năm đọng giữa cung đàn
Bóng tà, cỏ áy, lệ lan bao ngần.

Tô Thẩm Huy
Houston, Tiết Lập Hạ, tháng Sáu, Đinh Dậu
___________________________________________

Đọc thêm: