Nguyễn Minh Nữu
Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (11)
Năm
1978, Thương xá Tax sau hai năm đóng cửa làm nhà kho, đã mở cửa lại với tên mới
là "Cửa Hàng Phục Vụ Thiếu Nhi". Đó cũng là năm đầu tiên mở lại chợ Tết
ở Saigon sau 1975.
Phía
đường Lê Lợi, được phân chia thành từng ô nhỏ ven đường, cho phép người dân ghi
danh mở các gian hàng bán tết. Tôi xin
ghi danh và được cho một diện tích khoảng 3 mét vuông nằm ngay đầu ngã tư Nguyễn
Huệ - Lê Lợi. Địa điểm thật đẹp và thuận lợi. Mặt hàng tôi xin bán là kem do một
người quen có máy làm kem hứa cho tôi mượn máy này trong một tháng để kinh
doanh. Lúc đó tôi vừa lập gia đình và chuẩn bị có con đầu lòng, thật vui vì tin
rằng Thương xá Tax cũ đã hoạt động lại và mùa xuân đang đến sẽ tạo ra một vận hội
mới thoát nghèo.
Thương
xá Tax có một lịch sử xây dựng từ gần trăm năm trước. Khởi công năm 1922, rồi
khánh thành năm 1924 mang tên Grands Magasins Charner (GMC) là trung tâm thương
mại lớn nhất và đẹp nhất suốt thời bấy giờ. Tòa nhà ban đầu chỉ có 3 tầng lối
vào là góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngày nay, nền nhà ngay lối vào có trang trí hoa
văn bằng gạch Mosaic. Năm 1934, biển hiệu GMC được gắn thêm ở khu vực mái vòm đồng
hồ. Năm 1942, tòa nhà được xây dựng thêm tầng 4, mái vòm bị tháo dỡ. Đầu những
năm 1960, tên GMC được đổi thành Thương xá Tax.
Có
một bài viết của tác giả Trần thị Vĩnh Tường ghi nhận một nét đặc sắc của tòa
nhà là lớp gạch men mầu lam lót trên cầu thang nối sảnh chính của tòa nhà đi
lên lầu một như một dòng sông lam chảy miên man như một biểu tượng quý
giá. Gạch đó xuất phát từ quốc gia
Morocco ở châu Âu, có nguồn gốc thật thi vị như sau:
"Kinh
thành Fez (hay Fes) nằm trên triền dốc thung lũng, nơi cung cấp nguyên liệu làm
gốm. Vùng Bin Jelleih, 12km phía bắc Fez, chứa loại đất sét rất lạ: lớp đất sét
bên trên vẫn giữ nguyên màu vàng nâu sau khi nung, nhưng lớp bên dưới phơi nắng
rồi nung thì đất sét biến thành màu trắng thích hợp cho gốm trắng - men - lam
Fakhari nổi tiếng thế giới trong nhiều thế kỷ, người Pháp gọi là “Bleu de Fez”,
giống “Bleu de Huế” triều Nguyễn. Thế kỷ 14, Fez có 124 xưởng gốm.
Ở
thung lũng Mellih (Morocco), sông cuốn những tảng đá từ trên cao xuống hẻm núi
hẹp. Đá mài thành bột mịn cho màu xanh lam tuyệt đẹp. Cầu thang Tax tráng men
xanh lam vừa hợp ý người Pháp hàm ý Sài Gòn là một cảng sông vừa đúng với niềm
tin trong Hồi giáo (Islam): màu xanh là màu trời và màu nước. "
Tôi
đã nhiều lần đi lên đi xuống cái cầu thang hình bán nguyệt này, đôi khi đứng lại,
đưa tay xoa đầu chú gà trống bằng đồng dựng hai bên tay cầm cầu thang. Đi lên
đi xuống, ngồi nghỉ ngơi nơi đây không
phải vì thương tưởng di tích trăm năm này, mà đơn giản chỉ là người giao hàng mỹ
nghệ cho Cửa Hàng Thiếu Nhi, ngồi nghỉ mệt sau khi đi lại lên xuống giữa trưa
hè nóng bức mà thôi.
Cụ
Vương Hồng Sển, một người đã viết về Saigon đầu tiên, đã ghi nhận một giai thoại
văn học rất đẹp về cái ngã tư Nguyễn Huệ -Lê Lợi này. Cụ Sển kể là ngày
xưa thời mới đầu bị Pháp thuộc, ngã tư
này có một bồn hoa người ta gọi là Ngã
Tư Bồn Kèn. Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt là người Rạch Giá, thi đỗ Cử Nhân và làm quan dưới triều Tự Đức, làm tới Tuần
Phủ thì xin hưu trí về quê vì không muốn ở làm giúp Pháp. Một buổi chiều kia,
ông lên Saigon chơi, đội cái nón Ngựa là thứ nón lá nhưng kết bằng lông chim,
dùng khi cưỡi ngựa, Ông đi và tới Bồn
Kèn nghe lính Lang Sa thổi kèn, Bất ngờ ngay lúc đó, gặp một người bạn, cũng
làm thơ, cũng làm quan , đang là một trọng thần của Pháp đi xe song mã vừa đi tới
là Tôn Thọ Tường. Ông không muốn gặp nên lật đật núp vào gốc cây để né, Nhưng
Tôn Thọ Tường nhanh mắt nhìn thấy, nhảy xuống xe vồn vã chào hỏi. Hai người ứng
khẩu hai bài thơ như vầy: Huỳnh Mẫn Đạt
xướng:
Cừu
mã năm nao đáo cặp kè
Duyên
sao, giải cấu khéo đè ne
Đã
cam bít mặt cùng trời đất
Đâu
dám ngiêng mày với ngựa xe
Hớn
hở trẻ dung đường dặm liễu
Lơ
thơ già núp cội cây hòe
Sự
đời thấy vậy thời hay vậy
Thà
ẩn non cao chẳng biết nghe.
Tôn
Thọ Tường hiểu ý của ông, nên họa lại:
Tình
cờ xẩy gặp bạn đồng liêu
Thơ
phú ngâm nga hứng gió chiều
Thế
cuộc đổi dời càng lắm lắm
Thiên
cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều
Nước
non dường ấy tình dường ấy
Xe
ngựa bao nhiêu bụi bấy nhiêu
Hăm
hở nhạc tây hơi thổi mạnh
Nghe
qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều.
Mới
đây, ngày 12.10.2016, Thương xá Tax đã chính thức đập bỏ để xây dựng một công
trình khác to lớn hơn. Theo thông báo của người xây dựng thì một số hình ảnh
quen thuộc với người dân ở thành phố bấy lâu nay ở tầng trệt và bên trong là đại
sảnh chính sẽ được làm lại như cũ, với mái hiên che bên ngoài, với cầu thang uốn
cong bên trong, với lớp gạch men mầu xanh lam lót đường, với con gà trống bằng
đồng... Tất nhiên, với sự chuyển biến của đời sống, cái gì rồi cũng tàn phai
đi, nhưng cái còn giữ trong lòng người chính là nỗi hoài niệm một thời quá
vãng.
Từ
một người không liên quan gì tới Mỹ Nghệ, tôi bắt đầu bước vào và sống suốt hai
mươi năm bằng nghề mỹ nghệ khởi đầu từ Thương Xá Tax này.
Còn
một tháng nữa thì đến tết Ất Mùi, tôi hớn hở ra địa điểm bắt thăm được để nhận
chỗ, thì cũng là lúc nhận được tin người bạn hứa cho mượn máy làm kem cho biết
máy bán rồi. Máy làm kem không có thì địa
điểm này .... bán cái gì? Tôi ngẩn ngơ nhìn vị trí được giao mà lòng hoang mang
quá sức. Bất ngờ, ngay lúc đó, từ trong Cửa hàng Thiếu Nhi bước ra là ông thầy
dậy tôi Triết học năm đệ nhất ở Đà Lạt. Ông vừa là thầy dậy Triết, vừa là một
nhà văn, và lại là bạn của ông anh ruột của tôi. Tôi chào mừng, “Anh Tuyến...”
Nhà
văn Nguyễn Quang Tuyến nhìn tôi ngạc nhiên: “Em làm gì ở đây?”
Tôi
kể lại tình trạng của mình, anh Tuyến reo lên, “Vậy thì tốt.” - Trời, sao lại tốt?
Nguyễn
Quang Tuyến dạy học ở trường Trung Học Văn Học Đà Lạt, sau 1975, nghề giáo
không nuôi nổi gia đình, ông bươn chải vào rừng sâu làm nghề đốt than đem về
bán, rồi cũng không ổn định, ông vào làm cho Hợp Tác Xã hàng Thủ Công Mỹ Nghệ
Đà Lạt, và đang là phó chủ nhiệm kinh doanh. Mỗi tháng vài lần, ông đem hàng của
Hợp Tác Xã về ký gửi cho cửa hàng Thiếu Nhi Thành Phố.
-
Bây giờ thế này, hàng anh đem về là các mặt hàng mỹ nghệ gỗ như hộp bút, hộp
trang điểm, tranh gỗ rất phù hợp với nhu cầu dân chúng mùa tết tặng quà nhau.
Thay vì giao hết cho cửa hàng Thiếu Nhi, anh sẽ giao cho em một nửa, bằng giá với
cửa hàng, em cũng bán ra bằng giá với trong cửa hàng, lại thêm gói giấy hoa làm
quà tặng, em sẽ bán được. Sau đó, cái nào bán không được thì trả lại, anh lại
giao vào cửa hàng Thiếu Nhi; còn cái bán được em trả tiền lại cho anh.
Nói
chuyện xong, tôi nhận được ngay 4 thùng hàng lớn. Hàng mỹ nghệ gỗ là những sản
phẩm làm ra từ nguyên liệu gỗ đặc biệt của Đà lạt, cây Bạch Tùng. Tôi chưa bao
giờ nhìn thấy cây này, chỉ biết đây là loại gỗ không sử dụng được cho xây dựng
vì quá mềm, cũng không sử dụng được cho nguyên liệu vì quá xốp, đốt chút cháy hết
liền, nhưng lại rất hữu dụng cho ngành mỹ nghệ. Sớ gỗ khít, mịn, mầu trắng sang
trọng huyền ảo, khi được xẻ mỏng ra với độ dày khoảng 5 ly, từng miếng gỗ mượt
mà như miếng lụa, trắng vàng thanh tú được chế biến thành từng cái hộp nhỏ dùng
đựng bút, hay hộp có gương soi đựng đồ trang điểm, hay nhẹ nhàng hơn là một mảnh
nhỏ như bàn tay, hình oval vẽ hoa, vẽ cảnh để làm quà lưu niệm.
Số
hàng anh Tuyến đưa tôi bán được khá nhiều. Sau tết, còn khoảng một thùng, anh
Tuyến về, trả lại tiền vốn xong, anh Tuyến nói: “Anh là đơn vị sản xuất, cần hệ
thống tiêu thụ. Từ Đà Lạt xuống, anh chỉ có thể giao cho các cửa hàng như cửa
hàng Thiếu Nhi, nên còn cả một thị trường ngoài quốc doanh rất rộng. Thay vì trả
hàng lại cho anh, em dùng hàng này đi chào hàng và tạo đường dây bán bên ngoài.
Hàng thì vô tận, mẫu mã thì đa dạng mà lại không cần bỏ vốn, chỉ bỏ công, em sẽ
là đại lý tiêu thụ hàng cho anh.”
Tôi
nhận lời. Saigon lúc đó có hàng loạt các cửa hàng bán quà tặng thủ công nằm ở
đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... nhiều lắm.
Tiếc
là việc làm này không bền, vì trước nhất mỹ nghệ gỗ là loại hàng không bền, nó
đẹp long lanh nhưng chỉ trưng bày một thời gian ngắn là gỗ sạm lại, xuống mầu,
và bong, tróc hư hỏng. Thứ hai là Đà Lạt có đặc sản là gỗ Bạch Tùng trắng đẹp,
thì miền Đông Nam bộ lại có thứ gỗ khác cũng trắng tinh, cũng nhẹ, cũng xốp mà
giá thành rẻ chỉ bằng 1/3 giá gỗ Bạch Tùng, đó là gỗ Lồng Mứt. Người Saigon
nhanh chóng tự sản xuất các mặt hàng giống hệt mỹ nghệ Đà lạt và giá chỉ bằng một
nửa, vì giá gỗ rẻ hơn, không tốn chi phí vận chuyển. Thế là chỉ khoảng một năm
sau, mỹ nghệ gỗ Đà Lạt mất thị trường Saigon và miền Tây.
Trong
những ngày hàng ế, không giao được, tôi chạy xe đạp lòng vòng trong thành phố.
Một nơi thường ghé lại nhất vào những buổi trưa hè là Vườn Tao Đàn.
Một
buổi trưa, khi chạy xe chầm chậm loanh quanh trong vườn Tao Đàn, tôi bỗng nghe
một loạt tiếng động nho nhỏ đều đặn vọng tới, lách cách lách cách... Tôi chạy
xe đến và thấy trong sân vườn một căn nhà dành cho công nhân một nhóm ba thanh
niên đang ngồi làm việc và chuyện trò rôm rả. Các em này người thì dùng một cái
đục nhỏ xíu, đục trên thanh gỗ của cây đàn tranh, người thì ngồi cưa những miếng
ốc thành những hình dạng như con người hay cây cỏ, người thì đang dùng giấy nhám
chà láng phần gỗ cứng bên hông đàn. Các
em thấy tôi dừng xe đứng nhìn thì vui vẻ chào hỏi… Một em hỏi tôi có biết các
em đang làm gì không?
-
Không biết nhưng đoán chừng là Cẩn Ốc Xà Cừ phải không?
Năm
1985, đã có nhiều người Việt xa xứ quay lại quê hương và muốn đem đi một
món quà gì đó có giá trị và nhẹ nhàng, thì các loại nhạc cụ dân tộc như Đàn
Tranh, Đàn Bầu, Đàn Sến, Tỳ Bà, Nguyệt... làm bằng nguyên liệu gỗ quý, cẩn ốc
xa cừ là một mặt hàng được ưa chuộng, tìm kiếm và giá thành khá cao. Trên đàn
thường cẩn các tích xưa, đặc biệt là các điển tích Việt Nam.
Các
em đang cẩn ốc một cây đàn tranh có hai người con gái đứng bên gốc cây, một em
tên Trinh hỏi tôi, coi tranh này, anh có biết tích gì không? - Biết chứ! - Tích
gì? - Có phải các em đang làm tích Truyện Kiều không? Đoạn này là đoạn Kim Trọng
gặp Thúy Kiều, Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa, phải
không?
Trinh
ồ lên vui vẻ, chỉ vào tấm khác, còn cái này? Tôi cười, “Kiều ở lầu Ngưng Bích
phải không? Trước lầu Ngưng Bich khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung...”
Câu
chuyện tiếp nối vui vẻ, các em cho biết các em ở Bình Dương, làm công cho con của
ông chủ nhà này, ông ta nuôi cơm, và trả công theo sản phẩm, sau khi cẩn ốc
xong, anh ta đem đi làm các công đoạn kế tiếp để hoàn thành sản phẩm và đem bán
ở đường Tự Do, Nguyễn Huệ... Tôi yêu thích tay nghề mỹ nghệ và tính tình cởi mở
của các em, và các em cũng quý mến tôi nên sau đó chúng tôi làm bạn, các em tới
nhà tôi chơi, đi uống cà phê thân tình với nhau.
Tháng
8 năm 1985 là đợt đổi tiền lần thứ hai. Trong lúc tôi chưa biết làm nghề ngỗng
gì nuôi sống gia đình thì ba anh chàng này tới, báo tin, “Tụi em tới chơi uống
cà phê với anh một chút rồi về Bình Dương.”
-
Sao không ở lại làm việc?
-
Anh Sanh hết vốn rồi, tụi em muốn làm cũng không biết ở đâu.
Bất
ngờ Trinh đề nghị, hay anh làm nghề này đi.
-
Cẩn Ốc hả? Anh đâu biết gì về nghề này mà làm?
-
Đâu cần làm, anh chỉ kinh doanh thôi, tụi em chỉ cho anh chỗ nào mua đàn mộc,
chỗ nào bán ốc, chỗ nào tách nét, chỗ nào đánh bóng làm hộp, rồi anh đem đi
bán, lời lắm.
-
Anh không có vốn nhiều để đầu tư.
Trinh
quay ra nhìn hai bạn, rồi nói, vốn ít thôi. Bây giờ tụi em có sẵn hai cây đàn cẩn
ốc rồi, chưa làm hoàn tất thôi, anh bỏ vốn chút đỉnh đưa đi tách nét, đánh
bóng, lên dây đàn, bỏ hộp rồi đi chào bán. Giá một cây đàn theo em biết họ mua
vô cũng phải hai chỉ vàng (chắc khoảng 400.000 ngàn) mà một cây đàn sau khi bán
được anh trả cho tụi em 150.000 là được rồi.
Tôi
đồng ý, thế là nuôi ba chàng thanh niên đó trong nhà, tôi cũng bỏ ra khoảng gần
100 ngàn cho việc tách nét, đánh bóng, mua dây đàn và làm hộp nhung. Lần đầu
tiên đem cây đàn ra đường Tự Do, tìm một cửa tiệm nhìn vô có cảm tình, rồi làm
mặt dạn dĩ bước vô hỏi thăm họ có mua đàn cẩn ốc không?
Chủ
tiệm là một ông già, nói tôi mở ra coi và hỏi giá. Tôi nói: “Ba chỉ”, ông ta lắc đầu, mắc vậy, ở đây có mối
giao cho tui mỗi cây một chỉ rưỡi hà. Tôi lẩm nhẩm tính trong bụng, Chỉ rưỡi là
khoảng 300 ngàn, bán vậy thì lời chút xíu, chưa hài lòng. Bất ngờ có hai người
khách bước vô tiệm, rồi đến cầm lên coi cây đàn tôi còn để trên mặt quầy. Ông
chủ tiệm xua tay bảo tôi, đi ra ngoài đi, lát nữa trở lại.
Tôi
gật đầu đi ra lấy xe đạp chạy ra bờ sông Bạch Đằng, tới bến đò Thủ Thiêm, ngồi
ghé một quán cà phê bờ sông, kêu ly đen đá mà lòng hồi hộp. Lạy Trời… sao cho mọi
chuyện êm đẹp... Một giờ sau, tôi quay lại tiệm, liếc quanh không nhìn thấy cây
đàn tôi đem tới nữa. Ông chủ nói, ba chỉ mắc quá, nhưng thôi tôi mua giúp cậu,
cậu về làm tiếp cho tôi 9 cây nữa, ba tuần sau giao hàng được không?
Tôi
nói tôi không có vốn, nên không làm một lúc 9 cây được. Ông ta gật đầu, cậu làm
xong cây nào đem ra giao tui trả tiền liền cây đó lấy vốn làm tiếp.
Ngay
tối đó tôi giao cho ông ta cây đàn thứ hai. Bài toán là: cây đàn mộc 60 ngàn,
công thợ 80 ngàn, tiền ốc 40 ngàn, nuôi ăn ba thợ 60 ngàn, tách nét 25 ngàn,
đánh bóng 30 ngàn, làm hộp 30 ngàn, dây đàn, dây tua... lặt vặt tính ra mỗi cây đàn thành phẩm bán ra một lời
một. Thế là tôi bước vào nghề Cẩn Ốc.
Trong
Nam gọi là Cẩn Ốc mà hai trung tâm lớn nhiều người làm là Gò Công và Bình
Dương. Ngoài Bắc gọi là Khảm Trai, với nhiều làng nghề ở Hà Tây. Giống nhau, mà
khác nhau. Giống nhau vì nguyên tắc làm giống nhau, nhưng khác nhau là nguyên
liệu, miền Bắc sử dụng con Trai làm nguyên liệu chính. Trai hình dáng giống con
nghêu trong Nam nhưng rất lớn, bề ngang có thể lên tới ba tấc, những con trai
già bên trong có khi còn có ngọc, nên ngày xưa có câu "Lão Bạng Sanh
Châu" nghĩa là con Trai già sinh ra ngọc quý. Người ta bắt con Trai về, bỏ
thịt đi, lấy vỏ, xẻ ra từng miếng theo nan quạt, thành những miếng xương có
hình tam giác, sau đó mài mòn lớp xù xì bên ngoài để lộ ra lớp bên trong lóng
lánh. Trai có hai loại, Trai Mầu và Trai Nứa.
Trai Mầu thì rực rỡ mầu đỏ, xanh dương, xanh lá, vàng cam, còn Trai Nứa thì màu lóng lánh nhưng chỉ ửng hồng.
Còn
miền Nam thì nguyên liệu chủ yếu là Ốc. Nguyên liệu ốc của miền Nam thì hết sức
đa dạng. đắt tiền như Ốc Đụng (Là loại Ốc tạo ra các mảnh Xa Cừ), Đĩa Vàng, Đĩa
Trắng,Ốc Xác, rẻ tiền thì ốc Dẹm, ốc
Gai, ốc Heo... Lúc tôi vào nghề thì đã lai tạp chủng, một sản phảm phối hợp nhiều
loại ốc, loại trai miễn sao tạo mầu sắc óng ánh hấp dẫn.
Làm
một sản phẩm cẩn ốc, là phải qua 12 công đoạn: Can, Cưa, Ghép, Gắn, Vạch, Dàm,
Đục, Thả, Mài, Chà, Tách, Bóng. Mỗi công đoạn là một nghệ thuật, mà chỉ cần một
công đoạn làm ẩu, là sản phẩm thành không có giá trị. Tôi vì không biết nghề,
nên tham gia vào sản xuất, tôi lại là người phụ trách công đoạn quan trọng nhất,
công đoạn bắt đầu: Can. Chữ này có lẽ khởi đầu từ chữ Scan của tiếng Pháp. Từ mẫu
hình có sẵn vẽ trên giấy mỏng, người thợ ngồi bên một cái bàn bằng kính, bên dưới
có đèn, đèn chiếu lên, xuyên qua kính, xuyên qua từng miếng ốc, và tờ giấy mẫu,
thợ lựa miếng ốc vừa ý, nhìn theo chiều ánh sáng, vì có nhiều loại ốc nhìn phía
này ra mầu đỏ, nhưng nhìn phía khác lại tối âm u, phải lựa chiều, rồi chia mẫu
hình đó ra từng phần nhỏ cho vừa với miếng ốc, mỗi tấm hình mẫu, nhiều khi cả mấy
chục miếng ốc, miếng thân người, miếng đầu người, miếng thân cây, miếng lá cây,
miếng nóc nhà, miếng cây kèo... Khéo léo là sao lựa mầu sắc khác nhau, tiết kiệm
ốc và phù hợp ánh sáng chiếu vào.
Qua
việc thứ hai là Cưa, thợ dùng lưỡi cưa nhỏ như cọng chỉ, cưa ốc viền theo vết mực.
Ghép
là công đoạn khó. Sau khi có các miếng ốc rời, thợ ghép các hình vào với nhau vừa
khít giống như bản mẫu, lấy băng keo trong đính lại với nhau.
Gắn
là lấy nguyên dàn ốc đã gắn kết với nhau, dán lên gỗ bằng hồ, dán đúng vị trí
đã dự tính.
Vạch
là dùng mũi nhọn của một cây thép, vạch viền theo ốc, để có một hình dạng trên
mặt gỗ. Sau đó nhẹ nhàng gỡ ốc ra để ngay ngắn trên bàn. Bây giờ trên mặt gỗ đã
có những đường nét mờ mờ.
Dàm
là ngôn ngữ thợ mộc. Thợ dùng mũi dàm tương tự một cái đục nhỏ xíu, bề ngang
khoảng 1 ly, đục sâu vào gỗ, chỉ đục sâu khoảng nửa ly thôi, nhưng đường dàm nối
tiếp nhau tạo một nét liên tục khắp bức tranh.
Lúc
đó mới Đục, thợ dùng cái đục nhỏ, lấy toàn bộ gỗ ở bên trong vạch dàm ra, độ
sâu khoảng nửa ly, lấy gỗ ra và làm bằng phẳng chỗ gỗ lấy ra.
Thả
là công đoạn bôi keo Hải Thuyền vào các chỗ đã đục và thả lại những miếng ốc đã
cưa và ghép hồi nãy vào đúng chỗ.
Ngày
hôm sau, khi keo đã khô, lớp ốc nổi lên nhưng không bằng phẳng hết, vì có miếng
ốc dày, có miếng ốc mỏng, thợ phải lấy đá mài mài nhẹ tay và đều đặn để mặt ốc
và mặt gỗ thành một lớp phẳng lì. Đây là công đoạn Mài.
Công đoạn Mài là làm với nước, cho nên ngày hôm sau, khi đã khô ráo, thợ phải làm công đoạn kế tiếp là Chà láng gỗ, và ốc.
Kế
đó là công đoạn Tách. Thợ Tách dùng mũi dao nhọn, vạch lên ốc những đường nét
thí dụ vẽ lá, vẽ mặt người, vẽ cây cỏ, vẽ những nét để từ một miếng ốc ra hình
dạng bụi cây, cổ thụ, tàng lá, vạt áo… Sau đó lấy sơn đen bôi lên cho lọt sơn
vào lớp tách. Khi lau đi, mới ra hình dáng mà chúng ta thấy trên tranh.
Công
đoạn kế tiếp là một nhóm thợ riêng, họ đánh bóng mặt đàn, thân đàn và lúc đó mới
nhìn ra sự lộng lẫy của Xà Cừ.
Lúc
đó cây đàn được đem về, gắn dây, treo dây tua, gẩy lên thử âm thanh, và đi đặt
cái hộp bên trong lót nhung đỏ. Hoàn thành.
Một
cây đàn Tranh cẩn ốc giá có thể từ 3 chỉ vàng, lên tới ba lạng vàng là chuyện
bình thường. Bởi vì Đàn Mộc có thể bằng gỗ quý, mặt đàn là gỗ Ngô Đồng, khác với
đàn gỗ thường, mặt bằng gỗ thông. Rồi cẩn ốc cũng vậy, một cây đàn cẩn nhiều Xà
Cừ, khác với giá cây đàn khảm bằng Trai Mầu Trai Nứa. Rồi một cây đàn phối hợp
nhiều loại ốc, đường ghép hợp lý để tránh nét tách, khác giá với một miếng ốc,
nhờ họa sĩ tách ra vừa là cô gái, vừa là bụi cây đứng cạnh nhau.
Ngay
cả nét tách cũng vậy, một họa sĩ tài ba, nét tách uyển chuyển và tỉ mỉ từng cái
lông con công, từng cái vẩy con rồng, cũng khác với nét tách hời hợt loáng
thoáng.
Mấy năm làm nghề, rất nhiều anh em ở Bình
Dương làm việc với tôi, lần lượt các em đó lớn lên, về quê lấy vợ, làm gia công
rồi lên giao hàng cho tôi đi bán, rồi lại giới thiệu các em, cháu nhỏ hơn lên
làm tiếp.
Tôi
về, đi xuống Thủ Dầu Một, rồi chạy thẳng lên ngã ba Lò Chén tỉnh Bình Dương,
nơi ngày xưa là trung tâm cung cấp nguyên liệu làm nghề và cũng là nơi tập
trung cả một làng nghề, hàng trăm gia đình làm nghề quanh quẩn bên nhau. Là
làng quê thân thiện mà ngày xưa khi đang làm nghề, tôi đã theo các em đó tới
chơi, ngủ lại trong căn nhà lá, quanh quẩn những con hẻm nhỏ, đất đỏ lầy lội
trong làng và quen biết khắp nơi. Bây giờ nơi đây đã thành từng khu phố sang trọng,
đường sá sạch đẹp, không còn dấu vết ngày xưa.
Tôi
gặp lại Trinh với một cơ sở Cẩn Ốc khang trang, nhà cửa rộng rãi, giường tủ,
bàn ghế đều là đồ Cẩn Ốc. Tôi gặp lại Thanh, nay là chủ một cửa hàng kinh doanh
mỹ nghệ. Và cũng thật đau lòng nghe tin
Tuấn tử nạn xe cộ, Phượng phá sản bỏ quê đi mất tích...
Về
lại Saigon, muốn tìm chỗ nào đó ngồi lại để nhìn ngắm Thương xá Tax ngày xưa mà
không có chỗ. Gần nhất là cà phê của khách sạn Rex nằm đối diện thương xá Tax
ngày xưa, nhưng cũng không nhìn được thương xá Tax, công trình xây dựng trạm xe
điện ngầm đang trong tiến trình hoàn thiện. Thèm lắm một lần về nữa để nhìn lại
chỗ của ngày xưa.
Nguyễn Minh Nữu
27.3.2017